Sự gia tăng bạo lực này lại diễn ra đúng vào thời điểm 1 năm ngày xung đột Trung Đông bùng phát trở lại (7-10), khi Israel đưa quân tràn vào dải Gaza nhằm truy quét lực lượng Hamas. Nó làm cho cột mốc buồn này thêm đẫm máu. Mới 2 tuần từ khi Israel đưa quân vào miền Nam Lebanon, đã có hàng chục người thiệt mạng và con số này chắc chắn sẽ tăng lên theo thời gian. Còn trong 1 năm qua, xung đột ở Trung Đông đã khiến hàng chục nghìn người Palestine, Lebanon và Israel thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
|
|
Khói bốc lên sau các vụ không kích của Israel tại khu vực biên giới ở Đông Nam Lebanon. Ảnh: TTXVN
|
Dù Israel mô tả đòn tấn công vào Nam Lebanon hiện nay “chỉ có phạm vi hạn chế”, Iran sau khi bắn tên lửa vào Israel thì tuyên bố đòn trả đũa đã kết thúc, nhưng hệ quả từ những hành động trên chắc chưa dừng lại. Giờ đây, xung đột không chỉ giữa Israel với Hamas như lúc đầu, mà còn giữa Israel với Hezbollah ở Nam Lebanon, Houthi ở Yemen và Iran. Mỗi cuộc xung đột chẳng khác nào những mồi lửa nhỏ, bất cứ lúc nào cũng có thể bùng lên thành đám cháy lớn, biến Trung Đông thành tâm điểm của một cuộc chiến tranh tổng lực.
Trong suốt một năm qua, cộng đồng quốc tế đã rất nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel với Hamas ở dải Gaza và Hezbollah ở Lebanon nhưng đều không thành công. Khước từ các sáng kiến hòa bình, thậm chí ngay cả với đề nghị ngừng bắn mà đồng minh thân cận của Israel là Mỹ mới đưa ra tháng trước, Tel Aviv đang hướng tới mục tiêu định hình lại khu vực Trung Đông trên cơ sở nắm ưu thế trên chiến trường.
Những cuộc không kích dữ dội của Israel cùng chiến dịch ám sát các chỉ huy cấp cao đã bào mòn nghiêm trọng tiềm lực của Hezbollah. Gần như toàn bộ ban lãnh đạo chính trị và quân sự cấp cao của nhóm, kể cả thủ lĩnh Hassan Nasrallah, cùng với hàng nghìn thành viên và chỉ huy cấp trung của Hezbollah đã bị ám sát, bị loại bỏ hoặc mất năng lực chiến đấu. Đó là chưa kể một lượng lớn vũ khí uy lực nhất mà Hezbollah nắm trong tay là khoảng 150.000 tên lửa và rocket cũng đã bị phá hủy.
Trong bối cảnh lực lượng Hamas ở dải Gaza bị tổn thất nghiêm trọng sau các chiến dịch truy quét của Israel trong suốt một năm qua, hàng ngũ Hezbollah thì chao đảo, rối loạn bởi các đòn tấn công từ nhiều hướng của Israel, đây là cơ hội mà như cựu Giám đốc tình báo Israel Tamir Pardo đánh giá là “không thể bỏ lỡ”, để Tel Aviv thực hiện mục tiêu mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mô tả là “cuộc chuyển giao quyền lực” ở khu vực.
Trong tính toán của Tel Aviv, thông qua chiến dịch quân sự quy mô lớn, Israel sẽ triệt phá Hezbollah và Hamas đến mức khó có thể tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng với Israel trong tương lai. Khi các lực lượng mà Iran hậu thuẫn này suy yếu thì đó là thời điểm để Tel Aviv hướng tới mục tiêu tiếp theo là làm suy yếu quyền lực của Iran-đối thủ không đội trời chung của Israel, vô hiệu hóa bộ máy tài trợ, huấn luyện được cho là đang hậu thuẫn cho Hamas, Hezbollah và Houthi.
Ưu thế về sức mạnh quân sự, trình độ công nghệ và năng lực tình báo đang đứng về phía Israel. Hồi tháng 4, Israel đã cho nổ tung một trạm ra-đa phòng không gần thành phố Isfahan, động thái được coi là lời cảnh báo rằng họ có thể phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran nếu muốn. Đến tháng 7, Israel lại dễ dàng vượt qua các vòng bảo vệ để ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas là ông Ismail Haniyeh ngay giữa thủ đô Tehran của Iran. Đó là bằng chứng khẳng định tuyên bố của ông Benjamin Netanyahu rằng “không có nơi nào ở Trung Đông mà Israel không thể tiếp cận”.
Tuy nhiên, bất chấp thủ lĩnh Nasrallah và nhiều chỉ huy cấp cao đã thiệt mạng, Hezbollah vẫn có trong tay hàng nghìn chiến binh thiện chiến và kho vũ khí lớn có thể gây thương vong đáng kể trên địa hình giăng sẵn ở các thành trì phía Nam Lebanon. Quá khứ cho thấy Israel từng đưa quân vào Lebanon nhằm vẽ lại cấu trúc chính trị của nước này để không tạo mối đe dọa với Tel Aviv. Nhưng chính cuộc can thiệp này đã dẫn đến sự ra đời của Hezbollah và cuộc chiến tranh du kích do Hezbollah tiến hành đã khiến Israel cuối cùng phải đơn phương rút quân khỏi Lebanon vào năm 2000.
Thêm vào đó, cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel hôm 1-10, ngoài mục tiêu trả đũa vụ Israel sát hại Phó tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, còn là lời cảnh báo rằng Tehran sẽ không ngồi yên để mặc đồng minh Hezbollah của mình chiến đấu đơn độc với Israel. Nguy cơ Iran bị cuốn vào cuộc xung đột với Israel đang đến gần. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là cuộc đụng độ giữa hai cường quốc khu vực với hậu quả khó lường.
Trung Đông đang trong thời điểm nhạy cảm. Tuy nhiên, những diễn biến ở Trung Đông trong một năm trở lại đây chỉ là chương mới nhất trong màn bi kịch kéo dài gần 80 năm qua mà nguyên nhân sâu xa là vấn đề người Palestine. Một khi người Palestine vẫn còn bị cướp đi quyền được thành lập một nhà nước độc lập, vẫn còn bị xua đuổi ngay trên vùng đất của mình, thì Trung Đông chưa thể có bình yên. Mọi tham vọng định hình lại Trung Đông sẽ không thể trở thành hiện thực nếu như quyền lợi của người Palestine bị gạt ra ngoài.
TƯỜNG LINH