Những tuyên bố phát đi từ Washington, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập, cho thấy NATO tiếp tục khẳng định mình như một diễn đàn xuyên Đại Tây Dương quan trọng và không thể thiếu nhằm tham vấn, phối hợp, hành động trước mọi vấn đề liên quan tới an ninh tập thể và của mỗi nước. NATO vẫn theo đuổi 3 nhiệm vụ cốt lõi của khối bao gồm răn đe và phòng thủ, ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng, an ninh hợp tác.

Một lần nữa, điều quan trọng nhất mà dư luận đặt câu hỏi nhiều năm nay là mục đích tồn tại của NATO sau khi Liên Xô tan rã và Tổ chức Hiệp ước Warsaw giải thể thì vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng. Không những thế, bất chấp sự lo ngại của nhiều nước, NATO vẫn đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng thành viên cũng như phạm vi hoạt động của mình ra các khu vực khác trên thế giới. 

leftcenterrightdel

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters 

Được thành lập năm 1949 nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô trên lục địa Á-Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, NATO mở rộng chiếc ô an ninh của Mỹ, kể cả vũ khí hạt nhân, trùm lên khắp Tây Âu. Là liên minh chính trị-quân sự theo đuổi khái niệm an ninh tập thể, việc thiết lập một mối đe dọa chung từ bên ngoài là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của NATO, và sự đối kháng giữa hai phe thời Chiến tranh lạnh là lý do dễ dàng để giải thích cho vai trò của liên minh.

Nhưng khi đối trọng Liên Xô và Tổ chức Hiệp ước Warsaw không còn, đồng nghĩa với việc sứ mệnh ban đầu của NATO kết thúc, liên minh quân sự này ngay lập tức tìm cách tái định nghĩa vai trò của mình, liên tục tạo ra những “kẻ thù” mới và bắt đầu thực hiện cả các nhiệm vụ nằm ngoài mục đích khởi thủy. Quảng bá mình như một “tổ chức quản lý và phòng ngừa khủng hoảng” có thể “thực hiện một loạt hoạt động và nhiệm vụ quân sự”, NATO bắt đầu vươn tới những tham vọng mới, mở đầu từ can dự vào cuộc xung đột ở Balkan năm 1994, đến trợ giúp Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, rồi hậu thuẫn lực lượng đối lập ở Libya lật đổ và giết hại Tổng thống Muammar Gaddafi năm 2011. 

NATO đã trở thành một ngoại lệ bởi trong lịch sử, các liên minh thường tan vỡ khi các mối đe dọa bên ngoài-căn nguyên của việc thành lập tổ chức không còn. Không những thế, giờ đây, nhìn vào trang web của NATO, có thể thấy tổ chức này đã đi xa mục đích ban đầu đến mức nào. NATO tự hào rằng mình “tham gia vào các hoạt động và sứ mệnh trên khắp thế giới”, từ châu Âu đến châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương.

Để đáp ứng các tham vọng mới, NATO bắt đầu tăng quy mô. Thay vì không di chuyển “một inch” về phía Đông như lời cam kết của Mỹ với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev hồi năm 1990, kể từ khi Liên Xô sụp đổ, NATO đã kết nạp thêm 16 quốc gia, nâng tổng số thành viên NATO lên 32 nước. Nghịch lý là khi mối đe dọa của Liên Xô giảm dần và kết thúc, thì NATO lại ngày càng lớn mạnh và tiến gần hơn đến biên giới Nga trong một tham vọng mà nhiều nhà phân tích cho rằng là “ngạo mạn và liều lĩnh”, bởi nó kích thích phản ứng và hành động trả đũa từ phía Nga.

Chưa dừng ở đó, phối hợp với “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ, NATO bắt đầu tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tàu chiến và máy bay của nhiều nước NATO như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada liên tục được huy động tham gia các cuộc tập trận và huấn luyện chung đa phương ở khu vực này, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand được mời tham dự các hội nghị thượng đỉnh của NATO, đồng thời tăng cường hợp tác an ninh-quân sự với NATO theo “kế hoạch hợp tác đối tác riêng biệt”.

Theo thời gian, mục tiêu của sự can dự này hiện rõ dần. Tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid năm 2022, NATO chính thức định vị Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống” trong “tư duy chiến lược”, thể hiện rõ định hướng chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Ông Marcelo Ramirez, nhà khoa học chính trị Argentina, nhận định: “Mục tiêu thực sự của NATO là kiềm chế Nga và tiến tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương để ngăn chặn Trung Quốc”.

Ngay từ thời Chiến tranh lạnh, các nhà phân tích đã đưa ra một khái niệm khá nổi tiếng là “Thế lưỡng nan an ninh”. Đây là khái niệm mang tính cấu trúc, trong đó nỗ lực của các quốc gia nhằm tự bảo đảm an ninh của chính mình, bất kể họ có ý định gì, có xu hướng khiến các quốc gia khác ngày càng bất an bởi quốc gia nào cũng đều coi các biện pháp của họ là nhằm phòng thủ, còn các biện pháp của những nước khác mà mối đe dọa tiềm tàng. Sự gia tăng sức mạnh của bên này là nỗi sợ hãi của bên còn lại và tất yếu xảy ra một cuộc chạy đua không bao giờ ngã ngũ vì bản thân nó chẳng có đích.

NATO đang tạo ra thế lưỡng nan an ninh đó. Bất kể lời giải thích nào của NATO thì sự bành trướng quyền lực của liên minh này và sự thu hẹp ảnh hưởng của Nga đã gây ra sự bất đối xứng và mất cân bằng quyền lực ở châu Âu, dẫn đến phản ứng của Nga. Còn tham vọng mở rộng sự can dự vào châu Á-Thái Bình Dương đương nhiên sẽ động chạm tới lợi ích an ninh của Trung Quốc, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mâu thuẫn và đối đầu.

TƯỜNG LINH