Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội ngày 4-7 tại Anh đã không phải ngoại lệ. Mặc dầu Thủ tướng Rishi Sunak hồi tháng 5 vừa qua đã chủ động đưa ra quyết định tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn này nhưng rốt cuộc Đảng Bảo thủ của ông vẫn bị thảm bại trước Công đảng với một kết quả tồi tệ chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại. Các nhà quan sát cho rằng, cử tri Anh đã trừng phạt Đảng Bảo thủ vì cuộc sống khó khăn và tình trạng bất ổn do những mâu thuẫn nội bộ liên tục xảy ra (từ năm 2016 tới nay, Đảng Bảo thủ đã phải thay tới 5 đời thủ tướng!).
Vai chủ nhân mới của ngôi nhà số 10 trên phố Downing từ nay là thủ lĩnh Công đảng. Ông Starmer cũng là đảng viên Công đảng thứ bảy được giữ vị trí quan trọng này trên hòn đảo sương mù.
|
|
Lãnh đạo Công đảng Anh Keir Starmer trong bài phát biểu sau khi kết quả bầu cử được công bố, tại London, ngày 5-7-2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN |
Các kết quả thăm dò xã hội trước khi bầu cử diễn ra cho thấy, bản thân ông Starmer không phải là một chính trị gia quá được lòng dân chúng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cụ thể ở nước Anh hiện nay, khẩu hiệu “Thay đổi và thay đổi” của Công đảng như "gãi đúng chỗ ngứa" của không ít cử tri Anh và đã mang lại ưu thế cho họ. Ở thời điểm hiện nay, Công đảng đang được lòng một phần không nhỏ trong giới doanh nghiệp cũng như cả một bộ phận của những phương tiện truyền thông vốn bị liệt vào xu hướng bảo thủ, ví dụ như tờ The Sun lá cải vốn rất đông độc giả của nhà tài phiệt Rupert Murdoch (điều mà các nhà quan sát coi là một hiện tượng lạ!). Chính The Sun đã đăng bài ca ngợi ông Starmer “có thành tích đưa Công đảng trở lại với trung tâm của nền chính trị Anh quốc”.
Tờ New York Thời báo đánh giá, thắng lợi của Công đảng lần này đã “chấm dứt 14 năm cầm quyền của những người Bảo thủ và “tạo ra” một kỷ nguyên mới trên chính trường Anh”. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt của nội các mới rất không dễ dàng, vì đó là một nước Anh với nền kinh tế đang suy yếu nghiêm trọng do những hệ lụy từ đại dịch Covid và vì cách hành xử của London trong những gì liên quan tới chiến sự ở Ukraine. Vị thủ tướng mới của hòn đảo sương mù cũng có quan điểm ủng hộ Kiev, nhưng có lẽ ông không thể hoàn toàn đi theo lối mà người tiền nhiệm Sunak đã vẽ ra. Tất nhiên điều này rất không dễ, bởi trong bối cảnh chính trường quốc tế như hiện nay, tạo nên những biến đổi mới ở London trong chính sách quốc tế là một sứ mệnh rất phức tạp.
Bản thân vị thủ tướng mới của nước Anh vốn vẫn bị đánh giá là người không thích những quan điểm hiền hòa trong các xung đột quốc tế. Ông chống lại Brexit và không có thiện cảm với nước Nga. Không ngẫu nhiên mà ngay sau khi có tin Công đảng giành thắng lợi ở Anh, Người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đã tuyên bố rằng, Moscow không hề lạc quan về triển vọng trong quan hệ với London. Chính giới Nga cũng có một nhận định là cả Công đảng lẫn Đảng Bảo thủ ở Anh hiện nay đều chung nhau một thái độ bài Nga. Và điều này chắc chắn cũng sẽ tác động không tích cực tới tương lai chính trị của nội các mới ở Anh.
Những năm gần đây, Công đảng dưới sự lãnh đạo của ông Starmer cũng đã tìm mọi cách để loại bỏ bớt những thành viên thiên tả với các khẩu hiệu chủ hòa, chống lại chiến sự ở Ukraine và Trung Đông... Cựu thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn bị ông Starmer loại khỏi đội ngũ đồng chí của mình cũng chỉ vì đã ủng hộ những quan điểm như thế. Trong cuộc bầu cử Quốc hội mới nhất, ông Corbyn đã phải xuất trận với tư cách ứng cử viên độc lập. Tuy nhiên, một điều rất đáng lưu ý rằng, mặc dù thế nhưng ông Corbyn vẫn vượt lên trên đối thủ là một đảng viên Công đảng còn “nguyên tem” trong cuộc bầu cử vừa qua... Sự việc này càng cho thấy rõ hơn mức độ phức tạp trong những nỗ lực tạo nên các thay đổi trên chính trường Anh sắp tới từ phía Công đảng.
Tại Pháp, cuộc bầu cử mới đây cũng cho thấy, lực lượng của Tổng thống Emmanuel Macron cũng đang bị các cử tri “bỏ ra đi như những dòng sông nhỏ”. Vai trò mới có sức nặng hơn trên chính trường Pháp có vẻ như sẽ thuộc về lực lượng cánh hữu của bà Marine Le Pen. Có thể thấy khao khát của các cử tri ở “lục địa cũ” trong cả cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu diễn ra cách đây một tháng, từ ngày 6 đến 9-6. Các đảng trung dung đã giành được vai trò chủ đạo, trong khi các chính đảng cực hữu cũng đã củng cố thêm được thế lực của mình. Tuy nhiên, thay người không hẳn sẽ dễ dàng đổi được vận, một khi châu Âu vẫn phải hành xử trong điều kiện phụ thuộc vào người bạn lớn ở bên kia Thái Bình Dương như hiện nay...
HỒNG THANH QUANG