Nhà máy nơi chúng tôi đang đứng chân được ông Sơn gọi là “trái tim xanh” của Cụm trang trại bò sữa TH tại Nghệ An, mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất tuần hoàn khép kín của Tập đoàn TH, với hai nhiệm vụ chính yếu: Tạo vòng đời mới hoàn toàn thân thiện với môi trường cho chất thải từ trang trại và giảm tối đa phát thải khí metan (CH4). 

leftcenterrightdel
 Một trong các hố ủ chua nguyên liệu làm thực phẩm cho đàn bò. Ảnh: TH

 

qLý giải nguyên nhân phát sinh khí CH4, ông Sơn cho biết, đối với động vật nhai lại nói chung, bò sữa nói riêng, khi ăn cỏ, trong dạ dày sinh ra CH4. Loại khí này tán phát ra xung quanh qua hô hấp và bài tiết. Chất bài tiết nếu gặp môi trường thiếu oxy, chẳng hạn như ủ đống, chôn lấp, tích trữ dưới hố hở là cơ hội vàng tăng lượng khí CH4. Tại Tập đoàn TH, với công nghệ xử lý chất thải tiên tiến và hiện đại hàng đầu, hoàn toàn tự động gồm 12 bước đã giảm được ít nhất 70% lượng phát thải khí CH4.

Ở một công đoạn khác, bể kỵ khí sẽ chuyển đổi toàn bộ COD (tổng lượng chất ô nhiễm hữu cơ có trong nước thải) thành khí biogas CH4. Khí thu được dùng để đốt phát điện hoặc tạo ra nhiệt, sử dụng cho các mục đích như làm khô hoặc sấy thức ăn cho đàn bò sữa. 

Sau đó, chất thải được đưa qua mương oxy hóa hoàn chỉnh. Ở bước này, các chất hữu cơ, hợp chất ni-tơ có trong nước thải của bò cũng như các chất lắng cặn sẽ được phân hủy. Sản phẩm của bước này được đưa đến các bể lắng để tách phần bùn có trong nước thải. Loại bùn sinh học này sẽ được thu tách nước và đưa về nhà máy để làm phân bón hữu cơ. Còn phần nước sau khi diệt khuẩn thì sẽ được xả ra môi trường theo quy chuẩn cột A hiện hành.

Sau khi tất cả nguồn nguyên liệu rắn nói trên được tập kết về nhà máy compost thì sẽ trải qua giai đoạn ủ hiếu khí có đảo trộn. Cách làm này rút ngắn thời gian phân hủy của hữu cơ và không phát sinh mùi, không phát sinh khí CH4 (ủ hiếu khí), đồng thời không phát sinh các vi sinh vật, hạt cỏ dại có hại.

Chất thải được chế biến thành phân bón thành phẩm, một phần nhỏ được dùng cung cấp cho các hộ dân trồng ngô trong vùng, phần chủ yếu sẽ trở lại đồng ruộng của TH, làm màu mỡ đất đai, nuôi lớn những cánh đồng ngô, cỏ bát ngát. Các loại thức ăn thô xanh nguyên liệu như ngô, cỏ, cao lương, hướng dương tươi, sạch sau khi được thu hoạch sẽ tập kết để từ đó chế biến ra những món ăn khoái khẩu, dinh dưỡng cho gần 70.000 con bò sữa của Tập đoàn TH.

leftcenterrightdel
 Công nhân tiến hành vệ sinh thiết bị khu vực vắt sữa. Ảnh: VIỆT LINH

 

Mỗi ngày, các nhà máy sản xuất và phối trộn hàng nghìn tấn thức ăn rồi phân phối đến từng chuồng bò cho 9 nhóm bò khác nhau: Bê non, bê, bò tơ non, bò tơ trưởng thành, bò mang thai, bò sắp sinh, bò mới sinh, bò đang cho sữa, bò cạn sữa. 100% quy trình cho bò ăn được thực hiện bằng máy móc hiện đại và điều khiển thông qua hệ thống phần mềm tự động, với sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng Israel.

Đó là công nghệ phần mềm Skiold của Đan Mạch giúp kiểm soát việc nhập nguyên liệu thức ăn tinh, nghiền, phối trộn các công thức thức ăn tinh; phần mềm lập công thức NDS Professional (Nutritional Dynamic System) của Italy giúp lập khẩu phần thức ăn; và công nghệ 1-ONE của Israel giúp điều hành phối trộn và rải thức ăn mang đến tỷ lệ phối trộn và cung cấp thức ăn chính xác trên 99% ...

NDS là phần mềm được xây dựng bởi các chuyên gia dinh dưỡng cho bò sữa hàng đầu thế giới từ châu Âu và Mỹ, sử dụng nền tảng từ nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ) và Phòng nghiên cứu-phân tích Dairy1 (Mỹ). Việc sử dụng phần mềm NDS để lập khẩu phần ăn cho bò sữa, tối ưu hóa sử dụng các axit amin, giảm tỷ lệ protein thô trong khẩu phần góp phần cắt giảm 15-25% khí metan từ mỗi con bò phát thải ra môi trường mỗi ngày.

Nhờ những quy trình xanh và công nghệ hiện đại, bình quân phát thải trên mỗi đơn vị sản phẩm tại nhà máy sữa TH là 0,103kg CO2/lít sữa trong năm 2022. Mức phát thải này thấp hơn hẳn so với kết quả giảm phát thải ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Năm 2020, Liên minh Kỷ lục thế giới (World Records Union) chứng nhận Cụm trang trại bò sữa TH tại Nghệ An đạt kỷ lục "Cụm trang trại chăn nuôi và chế biến sữa công nghệ cao khép kín lớn nhất thế giới".

Trước đó, tại buổi trao chứng nhận kỷ lục châu Á cho Cụm trang trại bò sữa của TH, Tiến sĩ Biswaroop Roy Chowdhury, Tổng giám đốc Tổ chức Kỷ lục châu Á, trực tiếp đến Cụm trang trại bò sữa TH tại Nghệ An trao bản chứng nhận và phát biểu: "5 năm trở về trước, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam chưa từng được nhắc đến trên bản đồ chăn nuôi bò sữa thế giới cho đến khi có sự ra đời của một hệ thống trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp tại Nghệ An, nơi mà hôm nay tôi có vinh dự được đứng trên bục phát biểu và trao Kỷ lục "Cụm trang trại bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao lớn nhất châu Á" cho các bạn. Để đạt được kỷ lục này, TH đã phải cạnh tranh với rất nhiều trang trại chăn nuôi bò sữa, đặc biệt là các trang trại tại những nước, như: Trung Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, các nước vùng Trung Đông... Các bạn là niềm tự hào của Việt Nam cũng như của nền chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp châu Á..."

Tự hào về những kết quả đã đạt được, Anh hùng Lao động Thái Hương cam kết: "Tương lai sẽ còn nhiều đổi thay, nhưng phát triển bền vững là cam kết mà TH kiên tâm theo đuổi trong suốt quá trình hoạt động của mình. Chúng tôi quyết gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái, sự đa dạng của tự nhiên, nhằm mang lại những sản phẩm tốt nhất từ những đồng đất mà chúng tôi đặt chân tới".

- Tại Gala trao giải Human Act Prize 2023, Dự án Thay đổi bản chất ngành sữa Việt Nam trên nền tảng phát triển bền vững, vì sức khỏe cộng đồng, được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Tập đoàn TH đã được vinh danh ở hạng mục danh giá nhất: Hành động vì cộng đồng-Human Act Prize.

- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt: "Chúng tôi ấn tượng với các ứng dụng khoa học-công nghệ của Tập đoàn TH tại các trang trại, nhà máy. Việc tiếp nhận và làm chủ những công nghệ hàng đầu để phát triển là phù hợp với xu thế hiện nay. Chiến lược của TH rất tầm cỡ và xuất phát từ nhận thức đúng đắn là muốn phát triển bền vững thì phải ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo".

- Ông Tal Cohen, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH: "Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp sữa ở Việt Nam đã và đang đầu tư phát triển các trang trại chăn nuôi bò sữa với công nghệ tiên tiến. Nhưng, 14 năm trước, khi chúng tôi bắt đầu thì sữa ở Việt Nam chủ yếu là sữa hoàn nguyên (nhập khẩu sữa bột về pha lại). Trong khi đó, tiêu chí của sữa phải là tươi, sạch, tự nhiên và vào thời điểm đó phải nhập từ Australia, New Zealand... Chính TH đã thay đổi hoàn toàn điều đó. Bây giờ, tôi tin rằng, người tiêu dùng Việt Nam đã biết Việt Nam cũng có sữa tươi sạch, ngon, chất lượng, thậm chí còn tốt hơn những nơi khác trên thế giới. Vì vậy, tôi chắc chắn rằng, bà Thái Hương và Tập đoàn TH đã góp công lớn làm thay đổi diện mạo ngành sữa Việt Nam". 

 

NGUYỄN MY