TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị tri thức KMi; Hiệu trưởng Trường Cao đẳng quốc tế Vabis-Xanh Tuệ Đức, chính là người đã mang xứ Huế về với đô thị phồn hoa đất phương Nam. TS Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1971, quê gốc ở Huế. Năm 1980, gia đình anh rời Huế vào Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh lập nghiệp.
Xa quê hương từ bé, theo cha mẹ vào đất phương Nam, với anh, quê hương là mẹ và mẹ là quê hương. Bởi từ nhỏ, anh luôn được gần mẹ, nhiều khi tự tay cùng mẹ làm những chiếc nón bài thơ xứ Huế, được nghe mẹ kể, mẹ truyền thụ những cái đẹp của văn hóa Huế, ca Huế. Anh được mẹ cho đi thăm nhiều kiến trúc nổi bật của cố đô Huế với màu rêu phong, trầm mặc, cổ kính như: Kinh thành, lăng tẩm, đền chùa nên đã thẫn thờ trước vẻ đẹp dịu dàng, sâu lắng của sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền... Đất Huế, con người Huế, cảnh quan Huế và cái nhìn tinh tế của con người xứ Huế đã “ghim” vào tâm hồn anh, in đậm trong trái tim anh để khi phải xa Huế, anh luôn nhớ nhung và hoài niệm về nơi chôn nhau cắt rốn, về những gì xưa cũ, về kiến trúc và thiên nhiên xứ Huế mộng mơ.
|
|
TS Nguyễn Thanh Tùng bên mô hình đình Thương Bạc - gắn liền với nhiều kỷ niệm của mẹ anh. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Năm 14 tuổi, mẹ của anh Tùng lâm bệnh nặng. Khi nghe bác sĩ trao đổi với gia đình và những tiên liệu không được tốt về tình trạng sức khỏe của mẹ khiến anh rất buồn. Từ đó, anh luôn ấp ủ trong lòng muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa để tặng mẹ trước khi mẹ rời cõi tạm... Tuy nhiên, ước mơ đó của anh phải chờ đến năm 28 tuổi mới đủ điều kiện để hiện thực hóa.
Nhiều người dân địa phương còn nhớ và nhắc mẹ anh chính là người khai sinh ra quán bún bò Ngọc Dung nổi tiếng khắp TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Nhưng không nhiều người biết, trước đây bà từng là một ca sĩ, đoạt giải trong cuộc thi hát tổ chức tại đình Thương Bạc (Thừa Thiên Huế). Cũng bởi vậy nên ý tưởng đầu tiên anh trăn trở, thai nghén trong các công trình thu nhỏ mà anh sẽ làm là đình Thương Bạc-một kỷ niệm đẹp, một ký ức khó quên trong cuộc đời của mẹ. Anh muốn mẹ mình mỗi ngày khi nhìn thấy hình ảnh này, trong bà sẽ có một nguồn năng lượng vô hình nhưng đẹp, vui và cả những hình ảnh về Huế vẫn luôn lãng mạn, mộng mơ.
Năm 2000, anh Nguyễn Thanh Tùng bắt đầu nghiên cứu và quy hoạch ý tưởng sau rất nhiều năm ấp ủ, thai nghén. Anh là người thiết kế, vẽ bản vẽ đầu tiên và hoạch định phối cảnh. Bằng đôi mắt quan sát tinh tế và một trái tim luôn rung động, trân quý trước cái đẹp, trong quá trình thi công, anh đã mày mò cùng với sự hỗ trợ của người anh ruột làm nghề mộc và cậu ruột về kết cấu, kỹ thuật. Bắt đầu cho công trình này là những ngày anh miệt mài, rong ruổi trên những chuyến xe khách TP Hồ Chí Minh-Huế và ngược lại, liên tục mỗi tháng để kiếm tìm tài liệu, quan sát thực địa, hiểu và cảm quê hương bằng trái tim mình để quyết tâm tái hiện kinh thành Huế.
Năm 2001, anh chính thức bắt tay thi công. Vì thiếu kinh phí nên thời gian triển khai kéo dài gần 7 năm, đến năm 2007, công trình mới hoàn thành. Khuôn viên và không gian của công trình này nằm trên vườn trồng rau muống của gia đình, với 151 kiến trúc của nhiều hạng mục tái hiện các công trình kiến trúc cố đô Huế như: Hoàng thành, kinh thành, Tử cấm thành, chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, đình Thương Bạc, lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định, sông Hương, cồn Hến, cồn Dạ Viên... Anh đã tái hiện gần như đầy đủ những nét kiến trúc mẫu mực, tỉ mỉ, tinh xảo, sống động của kiến trúc và cảnh quan Huế trong vườn nhà mình.
Huế thu nhỏ đã ra đời như thế từ sự hiếu thuận với bậc sinh thành, từ tình yêu của người con xa quê dành cho quê hương, từ ý niệm lưu giữ cho con cháu một di sản văn hóa của quê hương mà tổ chức UNESCO đã vinh danh Di sản văn hóa thế giới.
|
|
Học sinh tham quan công trình kinh thành Huế thu nhỏ tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Công trình kiến trúc nhỏ mà anh Tùng thiết kế và thi công là món quà quý tặng mẹ khi tình trạng sức khỏe và bệnh tình của bà không tốt. Như một liều thuốc tinh thần, sau khi công trình hoàn thành, hằng ngày mẹ anh đều ra vườn ngắm công trình nhỏ bé của con trai, bà đã dần khỏe hơn, rồi vượt qua bệnh tật và sống vui vẻ, an nhiên. Đến nay, bà đã bước sang tuổi 86. Bà luôn thấy hạnh phúc khi nhiều người bạn đến chơi thăm bà và cùng chiêm ngưỡng một kinh thành Huế rêu phong, cổ kính thu nhỏ giữa lòng Thành phố mang tên Bác.
Sau một thời gian công trình này ra đời đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân Thủ Đức, những người gốc Huế đang làm việc và định cư tại TP Hồ Chí Minh. Rất nhiều lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế, các kiến trúc sư, nhà sử học xứ Huế đã xem nhà của anh như một “địa chỉ đỏ” để ghé thăm, nghiên cứu mỗi khi họ vào TP Hồ Chí Minh công tác. Theo thông tin của anh Tùng, từ năm 2007 đến nay, đã có hơn một triệu lượt người đến thăm công trình đặc biệt này. Đó là sự ghi nhận cho giá trị những tâm huyết của anh.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Tùng mở lòng rằng, khi có một trái tim biết yêu thương, chúng ta sẽ khơi được đam mê, truyền cảm hứng, tạo động lực và vượt qua mọi khó khăn, thách thức để có được những thành tựu vững bền. Chỉ khi ta còn cơ hội, thời gian làm được những gì có ích cho cha mẹ thì lòng ta sẽ không còn nuối tiếc hay hối hận gì để có được sự bình an. Có sự bình an, chúng ta mới làm được nhiều điều ý nghĩa hơn cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
Là người từng tu nghiệp và làm việc ở nhiều nước trên thế giới, anh càng thấm thía hơn hai từ “văn hóa” và giá trị của văn hóa. Bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa chính là giữ gìn rường cột của quốc gia, dân tộc. Chính quần thể kiến trúc về kinh thành Huế thu nhỏ của anh tại TP Hồ Chí Minh đã gửi gắm rất nhiều thông điệp về lịch sử và văn hóa của mảnh đất cố đô nhân dịp TP Huế tổ chức Festival Huế 2024.
TRẦN TRUNG HIẾU