Văn thánh nhiều nơi có, nhưng Võ thánh thì dường như rất hiếm. Võ thánh ở Huế nằm kề với Văn thánh, chỉ cách một con đường là đến sông Hương. Tôi bị cái cảnh đìu hiu, vắng lặng, u tịch lúc chiều tà của Võ thánh níu chân nên mặc dù định đến Văn thánh, rốt cuộc lại lang thang trong Võ thánh đến tận lúc tối mịt. Huế thường buồn. Buồn mà đẹp. Buồn mới là Huế. Chậm chậm, an yên, cây cỏ, con người đầy những thương mến. Thế nên cái gì ồn ào, khoa trương mà đem đặt vào Huế thì tự dưng đều thành ra vô duyên, kể cả con người. Đến Huế, tự nhiên thấy mình cũng ít nhiều đổi thay cái lối ăn nói ào ào, lấy được. Tự nhiên cũng muốn đi chậm lại, nói chậm lại. Định nói gì cũng nghĩ kỹ rồi mới nói. Định ăn uống gì cũng muốn tìm hiểu xem nó được nấu nướng, chế biến ra làm sao.
|
|
Một góc Hương Giang (ảnh tư liệu) |
Võ thánh (còn gọi là Võ miếu), theo tài liệu còn lưu lại được thì “năm 1835, dưới thời Minh Mạng, theo kiến nghị của Bộ Lễ, vua chuẩn cho xây dựng Võ miếu nhằm thể hiện sự chú trọng đến giáo dục quân sự và đề cao nghiệp võ: “Điều cốt yếu trong việc trị nước phải gồm có cả văn lẫn võ, không thể thiên về một bên. Việc xây dựng Võ miếu là việc nên làm... Từ Đinh, Lê, Lý, Trần đời nào cũng có người tài giỏi binh cơ mưu lược, huống chi triều đình ta từ lúc khai quốc cho đến giai đoạn Trung hưng, nhiều người ra mưu giúp nước, công lao rực rỡ không kém gì người xưa, cần biểu dương để khuyến khích nhân tài...”. Vua Minh Mạng còn dụ: “Những người được thờ ở Võ miếu tất phải là bậc có công liệt rõ ràng, giữ trọn trước sau, mới đủ để nêu rõ ý nghĩa thờ tự và làm gương lâu dài cho sau này... Nay chuẩn cho: Trong danh tướng các triều đại thì lựa lấy Trần Quốc Tuấn và Lê Khôi; trong danh tướng tiên triều ta thì lấy Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Tôn Thất Hội và Nguyễn Văn Trương, tất cả 6 người, liệt vào thờ phụ ở giải vũ tả hữu nhà Võ miếu. Lại cho mộ lấy 20 người dân ngoại tịch ở gần miếu, sung làm thủ hộ; hằng năm cứ mùa xuân và mùa thu làm lễ tế sau một ngày hôm tế miếu Lịch đại đế vương”.
|
|
Lễ dâng trà bên bờ sông. Ảnh: ĐỖ BíCH. |
Từ đấy, Võ miếu hiện diện ở Huế, để rồi gần 2 thế kỷ sau, một người chẳng có liên quan gì đến Huế như tôi lại đứng ngẩn ngơ trong Võ miếu mà nghĩ về người xưa.
Huế có một dòng sông lớn chảy qua. Sông dài, rộng, mà hiền hòa êm ả hiếm thấy. 5 giờ sáng một ngày cuối xuân, tôi đi ra sông Hương, đoạn ngay dưới chân chùa Thiên Mụ. Đi tiếp nữa, vẫn dọc theo bờ sông ấy sẽ đến Võ miếu vừa nhắc ở trên.
Sông Hương lúc 5 giờ tối thẫm, im lìm. Nhà thơ Thu Bồn từng viết: Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu. Chưa từng ở đâu tôi bắt gặp một dòng sông như Hương Giang. Đúng là cái cảm giác như nhà thơ Thu Bồn viết, sông dường như không chảy. Im lìm, yên tĩnh, lặng lẽ, mặt nước phẳng lặng. Tôi đến sớm vì hai lẽ: Muốn ngắm dòng sông lúc mặt trời lên, và thực hiện lời hẹn với hai trà nương-người sẽ làm lễ dâng trà bên bờ sông. Một nghi lễ cổ xưa, truyền miệng, và đáng mến biết bao, người nay vẫn duy trì. Xưa, người ta nói, để giữ cho dòng sông được thanh sạch, thơm tho, cư dân sống hai bên bờ thường pha trà rót xuống dòng sông cùng với hoa tươi.
Cô gái tên Quỳnh, mặc một chiếc áo dài lụa màu cam, với ấm, chén, tống… cẩn trọng bày biện bên rìa của dòng nước. Vừa lúc mặt trời hửng lên ở phía cuối dòng thì cũng là lúc em pha trà xong. Cẩn trọng rót ra chén, dâng chén trà ngang mặt, em lầm rầm cầu nguyện. Em cầu nguyện thần sông phù hộ cho cư dân sống hai bên bờ được bình an, hạnh phúc. Em tỏ lòng biết ơn vì Huế đã thương mến, quấn quýt em. Tôi lặng đi khi nhìn tách trà được từ từ rót xuống mặt nước yên tĩnh. Phải nhìn một chiếc lá nhỏ xíu rất chậm trôi qua trước mặt thì mới biết được đâu là đầu nguồn, đâu là cuối nguồn. Bình minh đang lên, mặt sông hồng hào, những hàng cây hai bên bờ khe khẽ reo vui trong cơn gió sớm se se lạnh.
Ở đâu tôi cũng luôn thức dậy để đón bình minh. Bình minh ở Huế đặc biệt hơn những nơi khác ở chỗ tôi được chứng kiến sự yêu mến đến tận tâm can của người Huế dành cho đất đai, sông nước, núi non, cây cỏ. Mỗi bình minh như thế này, thức dậy và cất lời chào dòng sông, nói lời cảm tạ vì đã được sinh ra, hẳn là người ta sẽ rất hạnh phúc.
Thành phố Huế có một sự phân chia rất rõ nét giữa hai bờ Bắc và Nam sông Hương. Người ta chỉ tập trung phát triển với một tốc độ khá nhanh chóng, thay đổi từng ngày ở bên bờ Nam-với những cao ốc, nhà hàng, khách sạn, khu thương mại, khu phố đi bộ sáng rực đông nghẹt người vào ban đêm. Một Huế như rất nhiều thành phố hiện đại khác trên đất nước này. Nhưng ở bờ Bắc thì Huế đang hầu như nguyên vẹn là Huế trong văn chương, thi ca, hội họa… suốt hàng thế kỷ qua. Một nửa Huế sống cùng di sản. Thành quách đền đài, lăng tẩm thấm đẫm những dấu vết lịch sử. Ở bên bờ Bắc thậm chí còn cảm thấy hơi thở của người xưa, tiếng nói của người xưa vẫn rì rầm mỗi ngày. Và thực sự tôi muốn nói lời cảm ơn những trái tim, tâm hồn nào đó vẫn yêu Huế, tha thiết với Huế và muốn gìn giữ Huế từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác.
Một vài ý kiến cho rằng Võ miếu đã và đang bị lãng quên. Võ miếu đang ngày càng suy tàn. Rồi một ngày nào đó ngôi miếu cũ kỹ kia sẽ chỉ còn là một đống gạch vụn, thậm chí gạch vụn có thể cũng không còn nữa. Tôi không nghĩ đến điều đó nhiều, có lẽ vì khi đặt chân lên những ngọn cỏ và nghe côn trùng bắt đầu cất tiếng, ngước lên mái ngói đã cũ, nhiều viên bị vỡ, kiễng chân nhìn qua khe cửa vào trong gian thờ mạng nhện phủ mờ, tôi chỉ cảm thấy là mình dường như đang được bước lùi về quá khứ gần hai thế kỷ. Nghe thấy tiếng vó ngựa, tiếng binh khí, tiếng áo giáp, tiếng rì rầm của những binh sĩ trẻ tuổi đang mộng mơ về cô gái bên nhà hàng xóm hay những người lính già chống kiếm giữa hai trận đánh, tự hỏi cậu con trai ngày nào tiễn cha ra trận giờ đã cao lớn đến đâu… Dấu vết của lịch sử nằm ở trong trời đất, chứ không phải chỉ ở những ngôi miếu có thể sụp đổ vì thời gian, mưa nắng, giặc giã. Dấu vết của lịch sử cũng nằm ở tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường và khát vọng học tập, rèn luyện của hằng hà sa số thế hệ kế tiếp. Hậu thế không bao giờ quên ơn tổ tiên cho dù dấu tích của các chiến công lừng lẫy một ngày nào đó có khi chỉ còn trong vài bức ảnh, hoặc ít hiện vật trong bảo tàng.
Huế ở đây tĩnh lặng như thể bị bỏ quên. Những hàng cây rậm rạp tối thẫm trước cả khi mặt trời lặn, những vạt cỏ bất động mặc côn trùng lao xao, bờ tường nứt nẻ, mái ngói u sầu, bậc lên xuống phủ đầy bụi đất đã lâu không một vết chân người, và trước mặt là dòng Hương Giang muôn đời dùng dằng. Tất cả đều gợi lên chân dung Huế ở một góc nhìn vừa từ xa lại, vừa từ trung tâm ra.
Huế sẽ luôn là Huế, ngay cả ở những nơi tưởng như bị lãng quên.
Tùy bút của ĐỖ BÍCH THÚY