Hai câu thơ diễn tả đến tột cùng sự liều lĩnh mạnh mẽ của người con gái đang yêu! Yêu như thế mới đáng đời yêu! Và chắc chắn chỉ có những thiếu nữ bồng bột liều lĩnh, ngang bướng mới dám yêu như thế!

leftcenterrightdel
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai 

Nhưng mà... không phải thế! Tác giả của hai câu thơ ấy là nữ nhạc sĩ vừa tròn 76 tuổi. Có ai tin nổi không? Chắc chắn là không, khi đọc hai câu thơ ấy, cũng như nếu được chứng kiến phong cách trẻ trung và sự hoạt bát của tác giả ở ngoài đời. Bởi vậy, tôi cứ loay hoay không biết chọn đại từ xưng hô gì với nhân vật trong bài viết này. Thôi đành cứ viết như ở ngoài đời, tôi vẫn gọi “chị Mai”.

Vâng, chị là nhạc sĩ Trương Tuyết Mai, tác giả của nhạc phẩm nổi tiếng “Huế, tình yêu của tôi” cùng hơn 300 ca khúc và hợp xướng đã công bố và được sử dụng. Ngoài sự nghiệp âm nhạc, chị còn làm thơ, đã xuất bản 6 tập thơ riêng và nhận được rất nhiều lời ngợi khen. Hơn 40 bài thơ của chị được nhiều nhạc sĩ phổ phạc và phổ biến, trong đó có những nhạc sĩ nổi tiếng, như: Văn Ký, Huy Thục, Xuân Oanh, An Thuyên, Thúy Nga, Trần Viết Bính... Và hai câu thơ tình tôi vừa dẫn trên đây là rút trong tập thơ “Gập ghềnh khúc đau” của chị vừa xuất bản. Tập thơ được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ bìa và viết lời giới thiệu. Một thi phẩm mà được nhà thơ nổi tiếng là khó tính trong nghề “ra tay” như thế, coi như đã được đóng dấu chất lượng rồi...

Cũng như nhiều người, tôi mê nhạc phẩm “Huế, tình yêu của tôi” từ những năm 80 của thế kỷ trước. Nhưng mãi đến tháng tư năm 2005, tôi mới được gặp tác giả lần đầu tiên. Lần ấy, chị ra Hà Nội dự cuộc gặp mặt những cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam từng “đi B”, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước. Bữa đó, tôi và mấy đồng nghiệp thơ ca mời chị đến một nhà hàng trên phố Phan Đình Phùng, nhưng chị lại đề nghị nên ra quán bia. “Ra Hà Nội thì phải uống bia hơi chứ!”. Và trong không khí lãng mạn dân dã hôm đó, chúng tôi đã hào hứng đồng ca những bài hát một thuở nằm lòng: “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Quảng Bình quê ta ơi”, “Bài ca Trường Sơn”, “Lá đỏ”... Đến phần đơn ca, chị hát một tình khúc của chị mới sáng tác: Lại vô cớ ngẩn ngơ/ Lại vô cớ đợi chờ/ Hình như tim ta bỗng thức... Lại say đắm như chưa bao giờ...”. Chúng tôi vỗ tay xuýt xoa tán thưởng. Chị đáp tình, hát thêm bài nữa: “Đợi chờ anh em chẳng tính bằng giây/ Dù mỗi giây bằng hai đầu thế kỷ/ Đợi chờ anh dù mái tóc pha sương/ Dù cuộc đời chẳng cho em có anh...”.

Chao ơi, lời ca đẹp như những câu thơ tài hoa. Giai điệu thì vừa sâu lắng, thổn thức, chan chứa; vừa trẻ trung nồng nàn và mới mẻ, hiện đại... Và thật bất ngờ khi được biết, đó là những ca khúc do chị phổ nhạc từ những bài thơ mới đây của chị. Ơ, thế ra là chị cũng làm thơ? Chứ sao! Chị đã âm thầm lặng lẽ làm thơ chép đầy sổ tay từ thời vượt Trường Sơn đi phục vụ chiến trường, nhưng đến đầu năm nay mới lựa chọn, chỉnh sửa làm một tập đầu tay, đặt tên là “Một nửa cho anh”...

Căn nguyên ẩn ý cái tên tập thơ “Một nửa cho anh” hẳn nhiều người sẽ thắc mắc. Nhưng nỗi niềm bù đắp, sẻ chia, cảm thông, tha thứ... thì chắc chắn bạn đọc có trái tim thương tổn nào cũng đều cảm nhận được. Với tôi, sau này khi đã thân quen, hiểu biết chị hơn, tôi thấy cái tên tập thơ đầu tay của chị thật có lý. Cuộc đời chị đã hy sinh, đã sẻ chia, dâng hiến cho chung-riêng rất nhiều. Và những gì còn lại đến nay, chị vẫn khát khao dâng hiến sẻ chia cho cuộc đời, cho tình nhân và tha nhân; bởi con người chị là dịu dàng, vị tha và thơm thảo. Chị có một miền quê là “cõi đi về” trong tâm tưởng (Những bài thơ Quê hương). Miền quê ấy cồn cào trong thơ chị những năm đi kháng chiến gian khổ, cho đến nay “Nâng hạt gạo trắng ngần trên tay/ Nghe âm vang lòng ai khúc nhạc”. Chị có những đồng đội, đồng nghiệp, người thân đã vắng mặt sau ngày toàn thắng (Nỗi niềm tháng Tư); để mỗi ngày vui hôm nay lại rưng rưng hồi tưởng, tri ân (Lại nhớ). Đến thăm di tích một trại tập trung ghi dấu tội ác quân phát xít tận châu Âu, chị liên tưởng đến những cuộc thảm sát đẫm máu của kẻ thù ở miền Nam thời kháng chiến, cứu nước (Buchenwwald chiều nay). Khi ngắm một bông hoa anh đào sau thảm họa động đất ở Kobe (Nhật Bản) năm 1995, trái tim chị lại quặn thắt vì những thảm họa thiên tai luôn rình rập trên dải đất Việt Nam thân thương...

Vậy đó, thơ chị thường đau đớn và cô độc, nhưng đó là những cảm xúc thẩm mỹ chất chứa tinh thần công dân và nhân bản. Kể cả khi chị bộc lộ những tình cảm thật “tội nghiệp”: “Đừng bỏ em một mình/ Chơ vơ ghềnh đá/ Đừng bỏ em một mình/ Ngụp lặn biển mơ...”; hoặc cả khi chị thể hiện tình yêu một cách quyết liệt, bất chấp: Em-say đắm/ Ngọt ngào/ Đam mê chất ngất... Trời bắt dở dang/ Tình đang bỏ ngỏ/ Nếu ai muốn tỏ/ Xin được... cho không!”. Con người yếu đuối mà mãnh liệt, đa đoan mà chung thủy ấy thống nhất trong thơ chị từ tuổi hoa niên tươi trẻ cho đến nay đã sắp chạm bát tuần. Có thể nói, 6 tập thơ đã xuất bản của chị là 6 cuốn “sách trắng” về tâm hồn của nhạc sĩ-nhà thơ Trương Tuyết Mai. Trong 6 tập thơ trên đây, có 2 tập thơ chỉ nghe cái tên đã như “đọc vị” được tâm hồn của chị. Đó là tập “Lá vỡ” xuất bản năm 2008 và tập “Nghe trăng” xuất bản năm 2009. Người thơ ngắm trăng, chơi trăng rồi tức cảnh mà sinh được thơ hay thì tâm hồn ấy đã cao siêu lắm. Đến độ “nghe trăng” mà làm thơ thì tâm hồn ấy tinh tế, vi diệu vô cùng! Cũng như khi đọc bài thơ “Lá vỡ” được chọn đặt tên cho tập thơ thứ hai của chị, tôi như “cầm” được trên tay mảnh tâm hồn mong manh, nhẹ tênh, tội nghiệp... của tác giả: “Xin nhẹ bước thôi/ Coi chừng lá vỡ/ Dẫu lá đã khô/ Nhưng tình không nỡ!”.

leftcenterrightdel
“Gập ghềnh khúc đau”-một tập thơ của Trương Tuyết Mai. Ảnh do nhạc sĩ Trương Tuyết Mai cung cấp 

Một khổ thơ gần như là “nói thường”, không có những kỹ xảo thủ pháp cao siêu, nhưng dường như đã chạm được phần tinh tế nhạy cảm nhất của tình người, tình đời. Những chiếc lá vàng khô héo kia từng một thời tươi non tràn trề sức sống, góp cho đất trời màu xanh, bóng mát, hoa trái thơm ngon và tiếng chim ríu rít. Giờ đây không thể cưỡng lại quy luật nghiệt ngã của thời gian, không thể đòi lại được những xinh tươi trẻ trung thời xa ngái, chị đành ngồi nhìn cuộc đời trôi theo thời gian như những chiếc lá vàng, lá rụng, lá khô, lá vỡ... với nỗi niềm hoang hoải nao nao: “Nghe tiếng lá vỡ/ Mà xao xác lòng/ Nghe tiếng lá vỡ/ Hồn bỗng trống không...”. Nhận thức được quy luật của tự nhiên không phải để bi lụy, chán chường mà để hướng tới những tình cảm nhân văn cao cả hơn, ấy là sự yêu thương, chia sẻ với từng số phận, với mỗi cuộc đời. Thơ Trương Tuyết Mai trước sau đều trong trường cảm hứng ấy.

Nhà thơ, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai sinh năm 1944, quê ở thị trấn Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Sau năm 1954, chị được tập kết ra học phổ thông ở TP Hải Phòng. Năm 1965, tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), chị về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Đầu năm 1974, chị quyết tâm gửi lại hai con nhỏ ở Hà Nội để được tham gia Đoàn Ca nhạc của Đài Phát thanh Giải phóng, phục vụ tại Chiến trường Trị-Thiên và Khu V. Sau ngày thống nhất đất nước, chị về công tác tại Đài Phát thanh Nhân dân TP Hồ Chí Minh cho đến ngày nghỉ hưu. Kể thêm như thế để hiểu thêm về những câu thơ đẹp như nỗi buồn, đắng như hạnh phúc, nồng nàn như tuổi trẻ của người thơ Trương Tuyết Mai...

MAI NAM THẮNG