Người ta nhớ đến loại cây ấy như thể nhà rông, nhà sàn, chiêng xoang rượu cần, thổ cẩm... hiện hữu trong đời sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Với người Tây Nguyên, sự hiện diện của cây kơnia cũng gần gũi giống như cây đa đầu làng hoặc lũy tre ở miền xuôi mà thôi. Chỉ tới khi ca khúc “Bóng cây kơnia” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Ngọc Anh được phát trên làn sóng phát thanh năm 1971, kơnia mới trở nên nổi tiếng khắp cả nước. Kơnia là loại cây cô độc. Cho đến một ngày, có một người đến và hình như trong một lúc, một giây phút xuất thần, đánh thức nó dậy, từ trăm ngàn cây cỏ vô danh trở thành bất tử, trở thành biểu tượng của một thời chia cắt và thương nhớ Bắc-Nam. Qua những lời thơ của Ngọc Anh, giai điệu của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, người ta nhận ra rằng, trong những năm chiến tranh, do ảnh hưởng của hàng triệu lít thuốc khai quang do Mỹ rải xuống đất này, cây cối dọc dải Trường Sơn trở nên hoang tàn xơ xác, vậy mà kơnia vẫn sừng sững cô độc giữa trời.

Kỹ sư lâm sinh Nhữ Văn Vẻ, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng tỉnh Gia Lai là người lâu nay âm thầm ươm giống kơnia và đã trồng thử nghiệm thành công một số cây cho biết: “Kơnia có bộ rễ cọc cắm sâu xuống lòng đất và thường dài gấp rưỡi độ cao thân cây phía trên nên rất vững chắc. Gỗ kơnia không phân biệt giác lõi, xoắn xoáy vào nhau và đượm nhựa nên không dễ dàng đốn hạ. Nhiều thợ sơn tràng phải thấm nước vào lưỡi cưa mới xẻ được ngang thân cây. Trước đây, ở Tây Nguyên đã có những căn hầm kháng chiến bí mật 3 tầng đều bám theo cái rễ cọc của cây kơnia. Nếu vô ý làm đứt rễ cọc, kơnia sẽ chết ngay và sẽ lộ hầm bí mật nên cán bộ ta cứ nương theo rễ cây mà đào hầm”.

leftcenterrightdel
Cây kơnia bên nhà rông làng Kon Rơ Wang (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum).

Có lẽ chính sự dẻo dai, vững mạnh ấy mà sức sống của kơnia được dùng để ví von cho tính cách và sức sống của đất và người Tây Nguyên! Rồi cứ thế, loài cây kiêu hãnh có chùm rễ “uống nước nguồn miền Bắc” được trồng trong khuôn viên trụ sở chính quyền các tỉnh Tây Nguyên, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai-Kon Tum, được chuyển ra Bắc trồng ở Đền Hùng, Lăng Bác, Khu di tích Ðá Chông, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh... Nghệ nhân hát sử thi A Lưu của đất Kon Tum kể lại rằng: Trước đây, trên con đường du ca qua các buôn làng, lúc nào ông cũng thấy cây kơnia trong tầm mắt. Những bóng kơnia cao đến hơn 30m, tán lá vun hình quả trứng vươn thẳng lên trời, xanh tốt quanh năm ấy lừng lững ven dọc đường đi, trên các triền rẫy và quanh các buôn làng. Kơnia không mọc tập trung, chỉ đứng riêng lẻ từng cây, quá lắm cũng chỉ một nhóm vài ba cây.

Dẫu vậy, hình bóng kơnia thân quen, hiền hậu mà kiêu dũng như người lính canh từ nơi đầu buôn cuối rẫy, tỏa bóng mát cho các ngả đường sơn cước... đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con Tây Nguyên. Kơnia hiện diện trong trái tim của hàng triệu người dân cả nước, biểu hiện về sức sống trường tồn của đồng bào Tây Nguyên...

Bài và ảnh: NGÂN AN