1. Tháng 10-1971, Trung đoàn Pháo binh 675 (nay là Lữ đoàn Pháo binh 675, Binh chủng Pháo binh) của chúng tôi dừng chân tại ngã ba biên giới thuộc tỉnh Attapeu vùng Nam Lào. Từ đây, phân đội trinh sát chúng tôi vượt biên giới vào địa phận Sa Thầy, tỉnh Kon Tum tìm hiểu địch tình, đặt đài quan sát, đo đạc các mục tiêu, tìm tọa độ đặt pháo, chuẩn bị cho Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972.

Chúng tôi mải miết làm việc cho đến lúc nhận ra Tết Nguyên đán đã cận kề lúc nào không hay. Hôm ấy là ngày 12-2-1972, tức ngày 28 tháng Chạp năm Tân Hợi, chỉ còn 3 ngày nữa là Tết Nhâm Tý tràn về. Lúc này, cả phân đội (12 người) chỉ còn một ruột tượng gạo mà không thấy quân nhu đâu. Chúng tôi đang bàn phương án phân công một tổ đi tìm, đào củ mài, củ tím để cầm cự, còn hai người quay về đơn vị xin cấp phát gạo. May thay, hôm sau, quân nhu Trung đoàn tới đưa cho một tờ phiếu và chỉ đường đến kho gạo.

Sáng sớm ngày Ba mươi Tết, 6 người chúng tôi hăm hở lên đường đến kho gạo và phải đi mất chừng 1,5 ngày đường. Số gạo còn lại để hết cho anh em ở nhà. Chiều Ba mươi Tết, chúng tôi dừng chân trên một ngọn núi có nhiều cây bống báng. Chúng tôi chặt lấy ngọn rồi bóc nõn và cho vào nấu chín, ăn thay cơm. Vừa ăn, chúng tôi vừa động viên nhau: "Thôi hôm nay ta chịu khó ăn món này, ngày mai lấy được gạo sẽ đánh một bữa rạn trống rồng cho bõ những ngày đói khát và đón Tết luôn".

Trên đường đi, thi thoảng chúng tôi gặp các chiến sĩ cũ. Trông họ ốm yếu, mắt trắng, môi thâm, da xanh lét. Điều ấy chứng tỏ họ đã chiến đấu gian khổ nhiều năm trên chiến trường Tây Nguyên, phải chống chọi với những cơn sốt rét ác tính quái ác. Nhìn họ, tôi lại nhớ đến hoàn cảnh của mình.

Nhớ lại năm 1970, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt, tôi xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 675, rồi được cử đi học lớp trinh sát đo đạc. Lúc ấy, tôi mới 17 tuổi, người lẻo khẻo, da trắng xanh. Thấy tôi gò lưng lê từng bước chân nặng nhọc trên con đường thiên lý mã, mấy anh chiến sĩ cũ nhìn tôi ái ngại, nói:

- Mày khó mà vượt qua được dãy Trường Sơn này...

Tôi chặc lưỡi:

- Thôi biết vậy! Em sẽ cố gắng bao giờ gục hẳn mới thôi...!

Nhưng lạ thay, càng đi tôi càng dẻo dai ra, không bao giờ tụt lại dọc đường. Thấy anh Huân leo dốc nhễ nhại mồ hôi, nhẫn nại lê từng bước, tôi thương quá liền với tay nhấc khẩu AK báng gập trên ba lô để mang hộ. Nhưng khi nghỉ giải lao, anh giằng lại và nói:

- Mày hơn gì tao mà đòi mang hộ. Cứ kệ đấy, tao sẽ cố...

Sức lực tôi là vậy nhưng ăn cũng khỏe lắm. Mỗi khi ăn xong, tôi đều giành phần rửa nồi. Mục đích chính là để vét hết những hạt cơm còn dính trong nồi. Mãi rồi sự việc cũng bại lộ, một hôm, tôi đang mải mê thưởng thức thành quả của mình thì thằng Thanh vớ được, nó cười ngặt nghẽo và nói:

- Tao tưởng mày nhận phần rửa nồi để giúp anh em, té ra là để vét cơm nguội.

Tôi cười gượng gạo chống chế:

- Tao vét cơm là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đấy.

Rồi hai đứa cùng cười xòa và càng thương nhau hơn.

Vì đói, vì mệt, bộ đội ta leo dốc rất khó nhọc. Đồng chí Tằng, Đại úy, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn, chỉ huy đoàn quân thương lính quá bèn nghĩ ra một cách là báo tăng quân số. Từ đó lính ta mới được kha khá cái bụng. Nhưng cũng vì chuyện này mà khi sự việc bại lộ, đồng chí Tằng bị kỷ luật. Chúng tôi thương đồng chí Tằng lắm. Năm ấy, đồng chí Tằng đã 40 tuổi, người cao lớn, tính tình xởi lởi, gần gũi, nói năng bỗ bã. Thấy đồng chí Tằng luôn hăng hái dẫn đầu đoàn quân, đốc thúc anh em vượt núi, băng đèo, cánh lính chúng tôi rỉ tai nhau:

- Chắc thủ trưởng có sâm nên khỏe thế!

Chuyện đến tai, đồng chí Tằng tức quá, nói:

- Không cái khổ nào giống cái khổ nào, cái gì cũng Tằng. Không đi được cũng Tằng. Sốt rét cũng Tằng. Không ăn được cũng Tằng, rồi đến không... được nó cũng Tằng. Cố sống cố chết leo dốc nó lại bảo mình có sâm...! Đây này! Tao có "củ sâm" 40 năm đây này, thằng nào đến xem thì xem!

Cả đoàn quân cười lăn cười lóc và từ ấy càng thương đồng chí Tằng hơn. Tất cả chiến sĩ chúng tôi răm rắp nghe theo lời chỉ huy, vượt núi, băng đèo vào tới chiến trường đúng thời gian quy định.

leftcenterrightdel

Tác giả (đứng thứ hai, từ phải sang) và đồng đội cùng đơn vị cũ trong ngày gặp mặt nhớ về thời thanh niên sôi nổi. Ảnh: HÙNG THUẬN 

Những cuộc hành quân liên miên cộng với ăn uống kham khổ, thiếu chất, rồi muỗi rừng đốt nên một số người bị sốt rét rừng hành hạ. Những ai mắc chứng bệnh này bên ngoài thì nóng như rang, thân nhiệt lên tới 38-40 độ C, nhưng bên trong thì rét từng cơn, người cứ run lên cầm cập, bao nhiêu chăn chiếu đắp vào cũng chẳng ăn thua. Khổ nhất là chứng nôn mửa, nó đã không cho ăn thì chớ, cố nuốt được tý nào thì nó bắt nôn ra bằng hết. Cơn nôn kéo dài khiến người ngộp thở, buộc phải hít vào thở ra. Thế là bao nhiêu cơm canh theo mũi chạy ngược ra ngoài lại bị sặc, thật khổ hết chỗ nói. Bao giờ nôn ra mật xanh mật vàng, lúc đó mới nhẹ đi. Những ai bị sốt nhiều, người xanh như tàu lá, mắt trắng, môi thâm, chân tay run lẩy bẩy, đi lại không vững. Tôi còn nhớ anh Lương cùng quê bị sốt nặng quá, đơn vị phải thay nhau cáng trên vai. Khi dừng chân, tôi chạy lại hỏi thăm thì anh khóc và thều thào nói:

- Tao chắc khó qua khỏi mày ạ, mấy ngày nay chẳng ăn uống gì cả, cứ nôn suốt. Nếu mày còn sống mà trở về thì nhớ nói lại với bà già tao là giỗ tao vào ngày này nhé. Nói xong, anh lịm đi, tôi ôm lấy anh mà khóc, chẳng nói được câu nào. May thay sau đợt ấy, anh qua khỏi và tiếp tục bước vào cuộc chiến cùng chúng tôi.

2. Khoảng 10 giờ trưa mồng Một Tết, chúng tôi tới kho gạo, chìa tờ phiếu ra, người chiến sĩ coi kho cầm tờ phiếu lật đi lật lại một hồi rồi nói:

- Phiếu này không phải do kho tôi cấp, các đồng chí đến kho khác lấy nhé!

Chúng tôi ớ người ra rồi hỏi:

- Thế kho ấy ở đâu...?

- Tôi không biết!

Nghe người chiến sĩ coi kho nói vậy, chúng tôi chết đứng như Từ Hải lúc sa cơ. Rừng núi mênh mông thế này, biết tìm kho gạo ở đâu, rồi lấy gì mà ăn đây. Thế là tất cả xúm vào năn nỉ người chiến sĩ coi kho thông cảm, linh động giải quyết... Nhưng anh cứ lắc đầu quầy quậy. Anh ấy cũng đưa ra hàng tá lý do. Nào là cấp cho chúng tôi thì lấy đâu ra gạo để cấp cho đơn vị khác, nào là làm trái nguyên tắc sẽ bị kỷ luật rất nặng... Giữa lúc ruột rối như tơ vò thì chợt thằng Minh “ba hàm” reo lên:

- Ơ! Anh Sởi. Sao anh lại ở đây? Anh còn sống à? Năm ngoái ở quê làm lễ truy điệu anh to lắm, chị và các cháu khóc hết cả nước mắt.

Người chiến sĩ coi kho ngẩn người trong giây lát rồi vồ lấy hai tay thằng Minh, vừa lắc vừa hỏi:

- Cậu là ai, làm sao lại biết tên tớ, làm sao lại báo tử tớ...?

- Em đây! Em là thằng Minh ở làng Bèo, Vĩnh Long, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đây. Chị ở nhà vẫn khỏe, hai đứa nhà anh lớn tướng rồi, ông bà nội vẫn cày cấy tốt anh ạ!

Thế là hai người đồng hương cùng làng cứ xoắn xuýt lấy nhau nói chuyện nhà, chuyện xóm rôm rả cả một góc rừng. Chúng tôi lắng nghe, vừa cảm động vừa hy vọng. Một lúc sau, chuyện trò đã vãn, anh Sởi quay sang chúng tôi và nói:

- Tớ không thể cấp gạo cho đơn vị các cậu được, nhưng các cậu có thể lấy một ít ăn tạm để đi tìm kho khác nhé!

Chúng tôi mừng rơn và chỉ chờ có thế là nhào vô xúc lấy xúc để, chỉ sợ anh Sởi đổi ý. Sau khi mỗi người làm được lưng lửng ba lô gạo, chúng tôi cảm ơn anh Sởi rồi hối hả quay về ngọn núi ban sáng, vội vã nổi lửa để nấu cơm ăn Tết. Tuy không có sơn hào hải vị gì nhưng một bữa cơm no sau bao ngày đói khát là hạnh phúc lắm rồi. Vừa ăn vừa cảm ơn thằng Minh “ba hàm”. Nếu không có nó thì đúng là mất Tết.

Ăn xong, chúng tôi vội vã quay về nơi trú quân. Trưa hôm sau, mồng Hai Tết, chúng tôi về đến nơi, anh em ùa ra đón rối rít như người thân lâu ngày mới gặp. Thế là người vo gạo, kẻ bắc bếp, vừa làm vừa tíu tít chuyện ở nhà, chuyện lấy gạo thật ấm cúng. Cho mãi tới ngày 12 tháng Giêng (ngày 12 Tết), quân nhu Trung đoàn mới chuyển quà xuống phân đội. Cũng chẳng nhiều nhặn gì, mỗi người được 300g gạo nếp nương đỏ quạch, một nửa gói kẹo Hải Hà, 3 điếu thuốc Tam Đảo, 1 gói trà, 1 lạng thịt lợn ướp muối đã bốc mùi, nhưng như thế cũng là quý hóa lắm rồi. Chúng tôi nghỉ đo đạc, tập trung nấu cơm nếp, kiếm thêm rau dớn, vòi voi xào với thịt và coi như ăn Tết. Mùi trà thơm quyện với khói thuốc làm chúng tôi rưng rưng cảm giác nhớ nhà, nhớ quê hương.

MAI TRÍ BẢO