Nhớ từng con đường, ngõ hẻm

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cứ đến độ tháng Tư hằng năm, ông Lê Hồng Liêm, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam, vẫn tự chạy xe máy tìm về những con đường, ngõ hẻm ông từng hoạt động cách mạng trong lòng Sài Gòn-Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh) trước năm 1975.

Dù quá đỗi quen thuộc với từng địa điểm nhưng mỗi lần đến, ông luôn bồi hồi xúc động nhớ lại những hình ảnh một thời tuổi trẻ đã cùng sát cánh với đồng đội trong Đội biệt động 67B, Đội vũ trang tuyên truyền K41 (Liên quận ủy 4, Khu ủy Sài Gòn-Gia Định). “Hiếm có con đường, ngõ hẻm nào ở thành phố này mà tôi chưa từng qua. Đó cũng là đòi hỏi của nhiệm vụ mà mình đảm nhiệm lúc đó”, ông Liêm tâm sự.

Ông Liêm nhớ lại, từ đầu năm 1975, đội K41 của ông tích cực phối hợp với đơn vị liên quan vận động chính trị nhằm xây dựng cơ sở cách mạng ở các vùng lõm chính trị để chuẩn bị lực lượng sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền khi thời cơ đến. Ông cũng trực tiếp vận động các đối tượng trưởng ấp, xóm có tư tưởng “an phận” để khi lực lượng chủ lực tiến công vào thì sẵn sàng giao nộp vũ khí, trụ sở... Ông cùng các thành viên đội K41 vận động người dân may cờ giải phóng, rải truyền đơn tuyên truyền về cách mạng, sẵn sàng “diệt ác, phá kìm” để tạo khí thế cách mạng.

Trong câu chuyện của ông, những tuyến đường như Trần Bình Trọng, Nguyễn Thượng Hiền, Lê Quang Định (địa bàn quận Gò Vấp ngày nay) những ngày tháng 4-1975 hừng hực khí thế sẵn sàng nổi dậy. Các gia đình nuôi giấu lực lượng cách mạng như: Tư Gối, Tư Phấn, Phan Hiên, Phan Toán, Ba Cự... cùng các cơ sở chính trị như Tịnh xá Ngọc Phương, Trường Mẫu giáo Thanh Tùng, chùa Long Huê đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, vũ khí.

Ấn tượng nhớ mãi của ông Lê Hồng Liêm là việc vận động mở các lớp học tình thương cho học sinh nghèo nhưng thực chất là tập hợp lực lượng, dẫn dắt quần chúng vào các hoạt động thiện nguyện, xây dựng cảm tình với cách mạng. Tuy các lớp học tổ chức không dài trước sự áp bức của địch nhưng thành công lớn là đã tập hợp, bồi dưỡng được nhiều thanh niên, học sinh có cảm tình và đến với tổ chức Hội Thanh niên Giải phóng miền Nam và Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam. Đây là những lực lượng quần chúng nòng cốt nổi dậy giành chính quyền trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông kể: “Những thầy giáo trẻ mở các lớp dạy miễn phí như các đồng chí Phan Thế Hùng, Phan Thám, Hai Kháng, Ba Thắng... Thông qua những tiết dạy và những buổi dã ngoại cuối tuần về cơ sở cách mạng, học sinh, sinh viên luôn cùng nhau hát vang các ca khúc tạo khí thế hào hứng, quyết tâm cao cho thế hệ trẻ”.

leftcenterrightdel
Thành viên Đội biệt động 67B năm xưa và Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam họp mặt truyền thống. 

Ông Liêm nhấn mạnh rằng, chính hiệu quả từ đấu tranh chính trị ngay trong lòng nội đô Sài Gòn-Gia Định là một hình thức rất sáng tạo của Đảng ta khiến bọn ngụy sớm bị phân hóa và hết sức lúng túng. Đặc biệt, hiệu quả công tác vận động góp phần rất quan trọng để khi các lực lượng quần chúng nhân dân nổi dậy tránh được nhiều hy sinh, tổn thất và đạt được mục tiêu mà cách mạng đề ra. Ông Liêm nhớ lại: “Đêm 29 và sáng 30-4-1975, cả thành phố sôi sục khí thế nổi dậy và tiến công, tôi cùng đồng đội chốt chặn các ngã ba, ngã tư đường để vận động binh lính ngụy nộp vũ khí, vừa giữ gìn an ninh trật tự. Đâu đó vẫn có tiếng súng nổ ngoan cố của địch nhưng không nhiều”.

Vẹn nguyên khí thế hào hùng

Dù đã gần 70 tuổi nhưng ông Trần Tấn Ngô, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia thường xuyên xuất hiện trong trang phục áo thanh niên tại các buổi giao lưu, họp mặt truyền thống. Với ông, ngọn lửa thanh niên một thời của những ngày tháng Tư lịch sử mãi mãi không bao giờ tắt. Năm 1975, ông Trần Tấn Ngô tham gia Câu lạc bộ Thanh thiếu niên hoạt động nổi bật trong Phong trào “Hát cho dân tôi nghe” với sự dẫn dắt của những nhạc sĩ nổi tiếng như: Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập... Là người đánh đàn guitar rất giỏi nên ông được tham gia nhiều hoạt động của câu lạc bộ từ khu vực Tân Quy Đông (quận 7 ngày nay) vào tới khu vực trung tâm thành phố. Ông Trần Tấn Ngô nhớ lại: “Những ngày tháng 4-1975, bên cạnh đi ca hát cổ động các phong trào cách mạng, chúng tôi còn đi vận động người dân may cờ giải phóng và cấp phát đến từng gia đình. Khi bộ đội chủ lực tiến công vào trung tâm Sài Gòn-Gia Định, tôi tham gia dẫn đường cho lực lượng này theo hướng từ phía quận 8 qua cầu chữ Y rồi đi theo các đường lớn hướng đến Dinh Độc Lập. Sau thời khắc tổng thống ngụy quyền tuyên bố đầu hàng, tôi lái xe chở bộ đội đi tiếp quản một số cơ sở của địch”.

Cũng trưởng thành từ phong trào đấu tranh chính trị của học sinh, sinh viên Sài Gòn-Gia Định, bà Phan Thanh Minh, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong quận 3 đã tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi. Giác ngộ lý tưởng từ sớm, bà cùng đồng đội tham gia nhiều nhiệm vụ, từ giảng dạy lớp bình dân học vụ, rải truyền đơn cách mạng đến viết bài tuyên truyền, làm giao liên chở cán bộ nằm vùng đi hoạt động... Bà Minh tham gia tổ chức Đoàn Thanh niên Xã hội Điện Biên, sau đó đổi tên thành Đoàn Thanh niên Xã hội Dấn Bước, đến giữa năm 1974 đã lớn mạnh vượt bậc, chia thành 3 chi đoàn lấy tên: Trường Sơn, Hướng Dương và Liên Việt. Theo bà Minh, một mảng lớn, độc đáo là từ đầu năm 1974 đến ngày giải phóng, Đoàn Thanh niên Xã hội Dấn Bước tổ chức rất thành công các lớp học miễn phí, vận động học sinh, giáo viên tham gia tạo thành lực lượng chính trị.

“Những ngày tháng cuối năm 1974, đầu năm 1975, thời cơ cách mạng đã chín muồi, tổ chức của chúng tôi đã chuẩn bị khá chu đáo mọi mặt, không chỉ có lực lượng nòng cốt lên đến hàng trăm người mà còn cả về tài chính và vũ khí sẵn sàng nổi dậy để giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Lúc bấy giờ, khí thế hừng hực lắm, không biết sợ là gì, sẵn sàng tham gia bất kỳ nhiệm vụ nào được giao. Nói về sống thì chỉ tính phút, tính giây chứ không tính ngày, tháng bởi đi qua một trận càn, trận pháo của địch thì sẽ có tổn thất, hy sinh. Trong quá trình đấu tranh chính trị quyết liệt, đã có người bị địch bắt tra tấn nhưng không khai đồng đội để anh chị em có thể đóng góp chút công sức trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 lịch sử", bà Minh kể.

leftcenterrightdel
Thành viên Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam trao sách tiếp lửa truyền thống tặng thế hệ trẻ. 

Cống hiến cho thành phố thân yêu

Những chàng trai, cô gái đôi mươi ngày ấy đã sống những ngày tháng hừng hực khí thế thanh niên cho thời khắc lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chứng kiến thành phố đổi mới hôm nay. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, họ vẫn gắn bó nghĩa tình với nhau trong Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam cùng các hội truyền thống khác.

Bà Phan Thanh Minh chia sẻ rằng: “Chúng tôi tự hào là công dân của Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Ngày ngày đi trên những con đường lịch sử, càng hiểu thêm giá trị của những tháng ngày chúng tôi đã sống, chiến đấu và hôm nay tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của thành phố”, bà Minh bày tỏ.

Theo chân các thành viên Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam đến thăm các "địa chỉ đỏ", công trình hiện đại của TP Hồ Chí Minh dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi được hòa nhịp vào các ca khúc: “Nhớ mãi tuổi hai mươi”, “Bài ca cựu cán bộ đoàn” sục sôi khí thế tuổi trẻ hào hùng. Ông Lê Hồng Liêm chia sẻ rằng, ngày nay, lòng yêu nước của các thế hệ thanh niên cả nước nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng vẫn luôn được trao truyền, bồi đắp, phát huy qua các phong trào thi đua, hoạt động tình nguyện... với nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp.

Hình ảnh những chiếc áo xanh của cựu cán bộ đoàn hòa quyện với áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ trên khắp các tuyến đường của thành phố hôm nay tiếp tục mang lại niềm tin và sức sống mới, làm cho tháng Tư tại Thành phố mang tên Bác thêm xanh tươi, hiền hòa...

Bài và ảnh: HỒNG GIANG