leftcenterrightdel
Minh họa: PHẠM HÀ 

- A lô! Ai gọi sớm thế?

- Có phải số điện thoại nhà kỹ sư Phạm Hùng không ạ?

- Tôi đây! Có việc gì không?

- Đúng Hùng “hình nhân” rồi. Có nhớ hôm nay là ngày gì không mà gắt gỏng thế?

- Ngày gì hả? Chết thật! Ngày 30 tháng 4!

Tôi cũng vừa nhận ra giọng nói bên kia đầu dây.

- Anh Trung! Phải anh Trung “đau khổ” không? Anh đang ở đâu?

- Cám ơn cậu! Lâu thế mà vẫn nhận ra tôi. Mình đang ở thành phố đây.

- Ông trẻ ơi! Bao nhiêu năm nay, anh lặn đi đằng nào? Anh ở chỗ nào để em đi đón.

*

*      *

Tháng 6-1975, một buổi gác chiều. Tôi đang giương mắt nhìn theo những tà áo dài đủ màu sắc thì trước cổng gác xuất hiện một bà cụ người Bắc, quần thâm, vấn tóc và ăn trầu bỏm bẻm. Mới giải phóng chưa được hai tháng, bà cụ nào lặn lội vào Sài Gòn nhanh thế nhỉ? Tôi nhìn cụ và nhớ tới mẹ.

- Bầm ơi! Bầm đi tìm ai thế?

Một thoáng cười hiện lên khuôn mặt nhầu nhĩ, mệt mỏi.

- Lạy giời Phật! Chắc cháu đây là người Phủ Lâm?

- Sao bầm tài thế? Con người Phủ Lâm đây!

Bà cụ tươi nét mặt.

- Chú có biết đơn vị bộ đội giải phóng hòm thư 18385 J... ở đâu không?

Tôi nhao ra khỏi vọng gác, quên cả nhiệm vụ.

- Đó là hòm thư đơn vị con. Bầm hỏi ai?

- Tôi hỏi Thượng sĩ Thiều Quang Trung, người làng Mộc, phủ Lâm Thao.

- Ôi trời! Thủ trưởng của con đấy, bây giờ lên trung úy rồi.

Anh Trung nghe chuyện cũng ngạc nhiên không kém. Trong này anh làm gì có bà con, họ hàng nào?

- Bác hỏi cháu ạ?

Đôi môi ăn trầu lập bập mãi mới thành tiếng.

- Thưa... tôi có... tờ giấy...

 Bà chìa ra tờ giấy nhàu nát, anh nhận ra ngay nét chữ của vợ mình.

- Nếu cháu đây đúng là Thiều Quang Trung, con ông Thiều Quang Phục và bà Phạm Thị Nhỡ thì cho phép tôi nhận con. Tôi là vợ ông Phục! Năm thằng Trung lên hai tuổi, chúng tôi giao nó cho bà ngoại nuôi rồi vào Nam. Hồi mới biết đi, thằng Trung bị chó cắn, tí nữa thì chết.

Anh Trung tái mặt, bàn tay cầm tờ giấy run rẩy như lên cơn sốt rét. Anh hỏi bà giờ ở đâu? Bà nói đang ở trong ngôi nhà ba tầng sau nhà thờ Vĩnh Thịnh.

- Chúng con đang bận họp, bác cứ về nghỉ ở nhà đừng đi đâu cả. Chút nữa, chúng con tới thăm.

Bà cụ lau nước mắt, quay ra dặn với.

- Cứ tới nhà thờ, hỏi bà Hai Bắc kỳ, ai cũng biết.

Trung ngồi thừ suy nghĩ, rồi vẫy tôi lại.

- Đừng nói chuyện này với ai, để tao điều tra xem đã. Trong lý lịch khai mẹ đã mất, giờ tự nhiên mọc ra một bà mẹ.

 Chỉ tay xuống đũng quần, anh bảo.

- Bà ngoại cũng kể, ngày bé tao bị chó cắn, giờ vẫn còn sẹo.

Chiều xuống chậm, những bóng đèn cao áp chẳng biết sáng lên từ lúc nào. Khi hai anh em dắt chiếc Suzuki bọ ngựa ra đường thì trời đã tối. Chẳng phải hỏi thăm chúng tôi cũng tìm thấy nhà thờ Vĩnh Thịnh. Ngôi nhà ba tầng mà bà kể nằm ngay phía sau, tường sơn màu da cam nóng bức. Bà già trông lôi thôi thế mà có ngôi nhà to vật vã. Các cửa đều khóa, một chị bán thuốc lá ngoài cổng chỉ:

- Bà Hai Bắc kỳ ở cuối hành lang, cạnh cầu thang lên lầu.

Dưới gầm cầu thang có chiếc chiếu nilon cũ đã quăn mép. Phía trong cùng là chiếc vỏ bao cát của Mỹ dùng để quần áo. Lỉnh kỉnh mấy chiếc chén nhựa, lon sữa Guigoz đựng nước. Một lát sau bà trở về, trên tay là ổ bánh mì gói giấy báo. Cuống quýt phủi qua chiếc chiếu, bà mời chúng tôi ngồi.

- Nhà mẹ có vậy thôi. Trước kia làm công cho một nhà hàng, họ cho ở trong nhà, từ bữa giải phóng, họ dẹp tiệm nên phải ra đây ở tạm.

Bà Nhỡ kể chuyện ba mươi năm trước có quen và kết hôn với ông Thiều Quang Phục, một người đi buôn giấy vụn, sinh được thằng con, đặt tên là Thiều Quang Trung. Sau nạn đói năm Ất Dậu, có đoàn người rủ nhau vào Nam làm đồn điền, anh Phục liền đi theo nên dặn vợ ở nhà nuôi con, khi nào có tiền sẽ về nhà ngay. Cô Nhỡ không chịu. Con gái xuất giá tòng phu, chồng đi đâu cô đi đó. Cuối cùng anh Phục phải để vợ cùng đi, gửi con cho bà ngoại.

Xuống ga Sài Gòn, anh Phục bảo vợ ngồi nghỉ tạm trong ga để mình đi mua bánh mì và nước uống. Mệt quá, cô Nhỡ nằm ngủ thiếp đi, lúc tỉnh dậy thì trời đã tối. Nhà ga sáng bừng hàng trăm ngọn đèn điện mà không thấy chồng đâu. Cô tất tả chân đất, khăn đen vắt vai, vừa đi vừa khóc gọi chồng. Cô thức suốt đêm ngồi chờ trong ga, đến sáng cũng không thấy tăm hơi anh Phục đâu cả.

Bà cụ ngừng kể, kéo khăn lau nước mắt. “Lúc ấy, sợ muốn ngất xỉu các con ạ”. Có người thương tình nhận cho bà làm phụ bếp trong tiệm ăn cạnh ga, để lúc nào thấy chồng quay lại còn biết đường tìm nhau. Chờ mãi. Chờ mãi. Không thấy bóng chim tăm cá đâu. Bà tính đến chuyện về quê nuôi con. Gom góp được ít tiền, định mua vé tàu ra Bắc thì Hiệp định Geneva, chia cắt hai miền.

Việc đầu tiên sau khi đất nước thống nhất là bà viết thư về quê hỏi tin tức gia đình nhưng không có hồi âm. Bà đau xót nghĩ chiến tranh đã cướp hết người thân của mình rồi. Mới tháng trước, bỗng có cô Thơm nào đó ngoài quê gửi thư vào, nói là vợ của thằng Trung gửi cho bà địa chỉ hòm thư. Thế là bà cầm tờ giấy đi hỏi không biết bao nhiêu là đơn vị giải phóng.

Tôi mải mê nghe câu chuyện, không để ý thấy vành mũ tai bèo của anh Trung cứ rung theo tiếng nấc nhẹ. Anh rút ví đưa cho bà cụ mấy đồng bạc, dặn bà cứ ở đây đừng đi đâu nữa, chờ anh xin nghỉ phép đưa bà về quê.

Mấy hôm sau, lại có người đến tìm anh Trung. Lần này là hai phụ nữ thành phố ăn mặc lịch sự. Thiếu phụ còn trẻ, chừng 40 tuổi, cô gái là em gái hoặc con trẻ măng với chiếc áo dài nửa đỏ, nửa trắng, trông rất chướng mắt. Họ cũng xưng là người nhà của Thượng sĩ Trung, thậm chí đọc vanh vách ngày sinh tháng đẻ, quê quán của anh như trợ lý quân lực tiểu đoàn. Nghe tôi báo tin, Trung lo lắng chụp mũ lên đầu, lẩm bẩm:

- Không biết có chuyện gì nữa đây? Phức tạp quá.

Lại một lá thư nữa đưa ra, vẫn nét chữ của chị Thơm, vợ anh.

Người thiếu phụ cất lời:

- Thưa... tôi là Lệ Mĩ, vợ nhỏ ông Thiều Quang Phục. Nhỏ đây là Thiều Lệ Xuân con gái lớn của ổng, con gái nhỏ là Thiều Lệ Lan bữa nay mắc công chuyện, theo bạn bè sinh viên tham gia giữ trật tự đường phố.

Đọc xong lá thư, mặt Trung đỏ lựng như say rượu. Một sĩ quan ưu tú như anh, trong vòng hai tháng bị dính líu tới những người chế độ cũ.

- Thế ông Phục bây giờ ở đâu?

- Dà! Ông mất cách đây bốn năm rồi thưa quý anh. Cảm phiền quý anh, tôi hỏi đây có phải là Thiều Quang Trung, con trai ông Phục?

Tôi thấy cô con gái cứ chăm chăm nhìn anh Trung, rồi cúi xuống thầm thì vào tai mẹ, hai người gật đầu với nhau.

- Bà có giấy tờ gì liên quan đến ông Phục không?

- Dạ có chớ! Di chúc ổng để lại có liên quan đến người con trai là Thiều Quang Trung, chúng tôi cũng mới biết địa chỉ của quý anh sau khi viết thư về quê vợ cả ông Phục.

Cuối cùng anh Trung cáo lui với lời hẹn lúc nào rỗi sẽ đến thăm gia đình. Cô gái cắm lại lá cờ xanh, đỏ bằng bàn tay trước giỏ xe, quay lại nhoẻn miệng cười với tôi. “Mời anh cùng tới chơi nha!”.

Nói là khi nào rỗi thì đến chơi, nhưng anh Trung sốt ruột rủ tôi đi ngay sáng chủ nhật sau đó. Anh dặn tôi tuyệt đối giữ bí mật về những chuyện lạ lùng của gia đình mình.

Tòa biệt thự nằm sâu trong khuôn viên rộng, kín đáo dưới giàn hoa giấy hồng nhạt. Cổng sắt kín mít. Nhòm qua lỗ tròn trên cánh cổng, chúng tôi thấy một lối đi nhỏ qua cái sân cỏ. Dưới gốc cây hoa hải đường, chiếc ghế xích đu còn đung đưa như mới có người ngồi. Gọi mãi không có ai ra, xem lại tờ giấy ghi số nhà thấy khớp với con số 36 màu xanh trên cổng. Tôi đập rầm rầm vào cửa sắt. “Trong nhà có ai không?”. Im lặng. Chỉ có những ánh mắt tò mò của người qua đường nhìn chúng tôi.

- Hay họ lừa anh? Cẩn thận không bị bọn phản động cho vào bẫy thì chết.

Trung lắc đầu. Tại mình thôi. Đến chơi không hẹn trước, mà người thành phố họ giờ giấc lắm. Tiếng xe máy đỗ ngay sau lưng chúng tôi. Một thiếu nữ mặc áo bà ba đen, đội mũ tai bèo vừa dừng xe lại trước cổng. Nhìn thấy chúng tôi đang lóng ngóng thì hỏi:

- Hai anh hỏi ai ạ?

- Chúng tôi hỏi bà Lệ Mĩ, vợ ông Phục.

- Trời! Phải anh hai Trung không ạ?

Cô vội với tay lên ấn vào chiếc nút đỏ trên tường (sau này tôi mới biết là chuông điện). Thiếu phụ hôm trước xuất hiện ngoài sân với bộ đồ lụa màu mỡ gà.

- Má! Lẹ lên! Anh Hai con tới nè.

Sự gượng gạo ban đầu mất dần. Bà Lệ Mĩ đưa ra tập di chúc và giấy tờ chồng để lại. Tờ di chúc ghi rõ tài sản của ông, một nửa giao cho con trai trưởng Thiều Quang Trung và vợ cả là Phạm Thị Nhỡ người miền Bắc.

- Trước khi bệnh nặng, ông Phục dặn mẹ con tôi không được di tản mà hãy ở lại thành phố chờ quân giải phóng vô.

- Thế cha tôi làm gì trong bấy nhiêu năm?

- Hồi mới cưới tôi, ổng là thiếu tá quận trưởng. Sau ông được phong trung tá, chỉ huy trung đoàn biệt động bảo vệ thành. Mấy năm làm việc cho quốc gia, không thấy ổng gây tội ác với dân anh à.

Bà Lệ Mĩ nói như thanh minh cho chồng.

- Năm bảy mốt, trung đoàn ổng tổ chức càn quét vùng Củ Chi, bị du kích xóa sổ gần hết, ông Phục vấp phải mìn, bị cụt một chân. Sau khi ra viện, ổng lại xin về làm quận trưởng, rồi bệnh mất năm bảy tư. Sở dĩ ba mẹ con tôi không bỏ Sài Gòn ra nước ngoài vì ráng làm tròn lời ủy thác của ổng với mẹ con bà Nhỡ. Giờ gặp anh rồi, xin giao lại giấy tờ, tài sản mà ổng ủy thác.

Ba mẹ con hớn hở, vui mừng bao nhiêu thì Trung im lặng khó nghĩ bấy nhiêu. Thật lạ lùng, người đã cướp chồng của mẹ anh, giờ đang bố thí cho mẹ con anh một đống tài sản mà có lẽ cả đời anh không làm ra. Anh đứng dậy dứt khoát.

- Tôi cầm súng vào đến đây không phải để nhận những thứ này. Bà và hai cô thông cảm. Chỉ xin cho tôi biết phần mộ ông Phục hiện ở nghĩa trang nào.

 * 

*      *

Tìm đến nhà Trung "anh vũ" thật dễ. Anh là người chuyên lặn xuống các ghềnh đá đặt cụp bắt cá anh vũ, một loại cá dùng để tiến vua ngày xưa. Mái nhà hai gian ám đen bồ hóng, cái sân hẹp dần bởi bờ sông sát bên đang bị sạt lở. Anh ôm lấy tôi đấm thùm thụp vào lưng.

- Mày phát tướng ra thế này rồi à. Không còn là Hùng "hình nhân" nữa. Xem nào. Cái bụng có ghê không này.

Tóc anh đã hoa râm, da sạm đen nhưng người chắc lẳn. Bà cụ lưng còng, tóc bạc như cước bước ra.

- Cậu có biết ai đây không?

Thấy tôi còn chưa dám nhận ra, anh Trung gõ vào đầu tôi.

- Cái thằng! Bầm đấy! Mày quên rồi à?

- Ôi! Bầm! Hồi ấy ở Sài Gòn, bầm gầy và đen lắm cơ mà?

Anh Trung thanh minh, từ khi ra Bắc, tư tưởng thoải mái nên bà hồng hào, béo khỏe hẳn lên.

- Cậu tính một thằng như mình, cả đời mới tìm thấy cha mẹ thì người đi bới rác, người đi theo giặc, còn mặt mũi nào nữa. Nhưng có tin vui rồi. Tại bà cụ khăng khăng bố mình làm việc cho cách mạng, ngày chưa lấy nhau, bà đã từng cứu ông thoát khỏi bọn mật thám Pháp. Tớ mất công bao nhiêu năm đi dò hỏi các mối buôn bán của ông cụ suốt từ Sơn Tây sang Phú Thọ. Có mấy người nói trước kia ông cụ hoạt động bí mật, chuyện vào Nam chắc cũng do tổ chức phân công cả, có giấy xác nhận của hai cụ lão thành cách mạng. Đang định làm một chuyến Nam tiến nữa để xác minh, tiện thể thăm bà dì và hai cô em. Nếu bố trí được thì đi với tớ một chuyến. Chuyện nhà tớ mỗi cậu chứng kiến thôi.

Tôi hứa ngay là sẽ thu xếp hẳn một chuyến xe để đi với anh. Hai ly rượu chạm đánh chát vào nhau, văng ra mấy giọt thơm màu hổ phách. Ngoài bờ sông, đất lại lở rơi ùm xuống nước, những vòng nắng loang tròn ra mãi giữa dòng.

Truyện ngắn của QUÝ PHƯƠNG