Trà uể oải bước chậm rãi trên bờ cát mà lòng dạ ngổn ngang trăm mối tơ vò. Rạng sáng hôm nay hình như vừa có cuộc đụng độ lớn ở ngoài vịnh Xuân Đài. Trà nghe bà con rì rầm bàn tán và nghe tiếng súng nổ rất dữ dội ngoài đó. Má cô thở dài sườn sượt: “Lại đầu rơi máu chảy!”. Trà còn nghe má nói là ba cô vẫn còn sống. Dù chỉ biết vậy thôi cũng đủ để ngày đêm cô và má âm thầm cầu nguyện cho ông bình an trở về. Đấy là linh tính mách bảo với má vậy chứ thực tình má con cô cũng không biết hiện giờ ba ở đâu.

Chẳng hiểu sao dạo này tụi lính ở đồn vây ráp liên tục. Chúng tập trung dân làng dọa nạt, tra khảo từng người, săm soi từng ngôi nhà tìm bắt “cộng sản”. Tên đại úy Lê Sùng, đồn trưởng thỉnh thoảng đến nhà cô, vừa ra vẻ quan tâm, vừa tỏ ý dọa dẫm. Nhìn vào ánh mắt soi mói, cái miệng lởm khởm những chiếc răng vàng khè của hắn, Trà thấy sởn gai ốc. Trà thừa biết nó thích cô nên muốn lấy lòng đó thôi. Trà đẹp, nét khỏe khoắn, duyên dáng của người con gái miền biển, mái tóc dài óng ả, gương mặt trái xoan với đôi mắt đen tròn khiến bọn lính cứ mê mẩn, thất thần...

Đang đi, Trà chợt nghe tiếng rên khe khẽ trong tiếng rì rầm sóng biển. Ô hay, tiếng rên ở đâu thế này? Sau ít phút định thần, cô xác định được tiếng rên phát ra từ khóm xương rồng trên gò cát. Trà lấy lại bình tĩnh, cô tiến lại gần và giật mình khi thấy một người nằm co quắp, run bần bật. Dù trời nhá nhem tối nhưng cô vẫn nhìn rõ khuôn mặt người đàn ông tái xám, mắt nhắm nghiền, hai tay ôm lấy ngực, tiếng rên nhỏ dần. Cô nhẹ nhàng quỳ xuống đặt tay lên ngực, nơi có vết thương mà máu đã khô cứng lại. Lần mở hai khuy áo, cô thấy lộ ra tấm ngực vạm vỡ, phía dưới lá cờ đỏ sao vàng. Bây giờ thì cô hiểu chuyện gì xảy ra từ cuộc đụng độ ở cửa vịnh lúc sáng. Quan sát xung quanh chốc lát, một thoáng suy nghĩ, cô ráng sức xốc người đàn ông dậy và dìu về hướng lèn Đá Bia. Cô biết ở đó có một cái hang nhỏ ngư dân thường trú mưa. Nhẹ nhàng đặt người đàn ông xuống, cô vội vàng quay ra xóa hết dấu vết để ngăn ngừa sự truy lùng của bọn lính đồn, rồi tất tưởi chạy nhanh về nhà báo cho má biết. Đợi trời tối hẳn sẽ đưa anh ấy về hầm bí mật. Căn hầm bí mật của nhà cô có từ hồi chống Pháp. Ngày ấy, ông bà nội cô là cơ sở bí mật.

Khi cô và má quay lại lèn Đá Bia thì người đàn ông đã ngồi dậy, đầu và lưng tựa vào vách đá, làn môi khô sạm, lắp bắp không nói nên lời. Trong đêm tối cô vẫn nhận thấy, tóc tai anh bù xù nhưng gương mặt rất cương nghị, rắn rỏi. Cô và má nhanh chóng đưa anh về nhà băng bó vết thương...

Trà gội đầu xong, ăn vội chén cơm lót dạ rồi bước xuống hầm, hương thơm bồ kết từ mái tóc cô lan tỏa nồng nàn. Ánh sáng từ ngọn đèn dầu hắt ra, cô thấy anh đang thiêm thiếp ngủ, gương mặt sáng dần lên. Cô ngập ngừng đặt bàn tay nhỏ nhắn lên trán anh. Người đàn ông chợt bừng tỉnh, sau giây phút bối rối, anh hỏi nhỏ: “Thưa cô, đây là đâu?”. Giọng miền Bắc nghe thật trầm và ấm áp lạ.

“Anh còn mệt, cứ nghỉ đi cho lại sức, vết thương ra nhiều máu đấy! Em là Trà! Anh yên tâm, người “đằng mình” cả mà!”.

Còn tôi tên là Giang, thủy thủ Đoàn tàu không số!

Trách gì hồi chập tối gặp anh em đã ngờ ngợ!...

Giang cảm thấy vững dạ hơn khi nhìn vào ánh mắt dịu dàng, thăm thẳm của cô gái. Tuy còn mệt nhưng anh đã sơ bộ nhận định được tình hình. Đây là vùng biển Phú Yên, tàu anh đụng độ với tàu tuần tiễu của địch từ ngoài Bình Định. Phải đối chọi với cả máy bay, tàu chiến địch mới vào đến đây. Biết không thể thoát được nên thuyền trưởng ra lệnh hủy tàu. Anh và thuyền trưởng Minh là người rời tàu cuối cùng, khi bơi vào tới cửa vịnh thì trúng đạn địch. Anh cố gắng bơi vào bờ, sau đó lết dần về phía núi cho tới lúc lịm đi...

leftcenterrightdel

Minh họa: THÁI HÒA

 

... Gần 3 tuần được má Sáu và Trà chăm sóc dưới hầm bí mật, sức khỏe của Giang dần bình phục. Mấy ngày nay, ruột gan anh như có lửa đốt, không biết đồng đội ai còn, ai mất. Giang muốn bắt liên lạc với cơ sở để tìm đường trở về đơn vị ngay, nhiệm vụ của người thủy thủ với những chuyến hàng vượt biển đang chờ anh. Đồng bào miền Nam đang trông ngóng những con tàu chở vũ khí, đạn dược, thuốc men... từ hậu phương lớn miền Bắc. Như đoán biết được tâm trạng của Giang nên suốt ngày Trà cứ quyến luyến không muốn rời xa. Biết trước sau gì rồi cũng phải xa anh, nhưng cứ nghĩ đến cảnh chia ly là nước mắt cô lại trào ra. Những kỷ niệm ngắn ngủi bên anh như thước phim quay chậm, trào dâng...

Anh Giang ơi! Quê anh ở đâu?

Tôi ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng, nơi có “đặc sản” thuốc lào đấy!

Hải Phòng xa lắm phải không anh? Trà nhướn đôi mắt có hàng mi cong vút nũng nịu.

Xa lắm em ạ! Hải Phòng là thành phố biển, hạ về ngập tràn sắc thắm của hoa phượng vĩ!

Nghe nói con gái Hải Phòng xinh xắn lắm hả anh?

Xinh nhưng mà không đằm thắm bằng con gái Phú Yên đâu!-Giang vừa cười vừa trả lời.

Đôi má ửng đỏ, Trà quay mặt tránh cái nhìn nồng nàn của Giang rồi trả lời: “Mai này chiến thắng, em ra Hải Phòng làm dâu, ba má anh có đồng ý không?

Một thoáng buồn hiện lên trong mắt Giang. Anh khẽ thở dài rồi trả lời câu hỏi của Trà: “Bố mẹ anh không còn nữa. Bố hy sinh trong chuyến chở hàng vào Nam năm 1963. 3 năm sau, mẹ anh lại ngã xuống vì bom Mỹ. Anh ở với bà nội được một năm thì nội cũng qua đời.

Trà thấy lòng se lại khi biết được hoàn cảnh của Giang. Nhìn vào đôi mắt ấy, cô thấy lòng mình nôn nao. Trà muốn gục đầu vào ngực anh mà khóc cho đỡ tủi thân. Trà muốn cùng anh san sẻ những mất mát lớn lao trong cuộc đời. Giọng Trà nói trong sự dồn nén, hơi thở gấp gáp: “Em thương anh... thương nhiều lắm... anh có biết không?”.

Đưa tay khẽ nâng gương mặt xinh xắn của Trà lên, nhìn vào đôi mắt nhung huyền của cô, giọng Giang thủ thỉ: “Anh hiểu điều đó... anh thương yêu và biết ơn má, ơn em nhiều lắm... Nhưng chiến tranh còn khốc liệt, nhiệm vụ của người chiến sĩ thời chiến xông pha trước hòn tên mũi đạn, nhỡ ra...”.

“Em hiểu, nhưng không có nghĩa là chúng mình không thể yêu nhau. Bố mẹ anh và cả ba má em đều thế cả. Em sẽ chờ... nhất định em sẽ đợi anh đến ngày chiến thắng...”.

Một loạt pháo cầm canh từ đồn địch ở Núi Quéo rộ lên, phá tan không gian yên tĩnh của đêm cuối năm.

Thế là cái năm đó, Tết Tân Hợi trong vùng tạm chiếm không một tiếng pháo, chỉ có tiếng súng thi thoảng rộ lên từ đồn giặc bắn thị uy, hoặc vài ba quả pháo sáng vút lên từ hướng biển. Đúng vào đêm giao thừa, dưới căn hầm bí mật, má Sáu nắm chặt hai bàn tay Trà và Giang, nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Nhà má nghèo, chỉ có tấm lòng. Má mong hai con trọn đời yêu thương nhau. Cầu mong chiến tranh sớm kết thúc để các con mãi mãi hạnh phúc...”.

Đêm ấy, trên mặt đất ì oàng tiếng súng, còn dưới căn hầm bí mật, họ đã trao nhau nụ hôn đầu đời và những gì ngọt ngào, thiêng liêng nhất...

Những ngày bên nhau của hai người tuy ngắn ngủi nhưng thật hạnh phúc. Thời gian này, Giang bình phục hẳn. Má Sáu cũng đã liên lạc với cơ sở để thiết lập đường dây đưa anh ra Bắc. Đêm trước giờ chia tay, họ ngồi bên nhau quyến luyến. Giọng Giang nhỏ nhẹ: “Anh đi, em và má ở lại nhớ giữ gìn sức khỏe, hẹn ngày chiến thắng trở về!”. Trà nép vào ngực Giang, giọng thổn thức: “Tình yêu chúng mình có được từ trong đau thương, mất mát của chiến tranh. Mai này dù có ra sao thì em vẫn trọn đời chung thủy. Nhớ trở về với mẹ con em. Đợi anh ngày chiến thắng trở về!...”.

Kể từ hôm Giang ra đi, Trà sống trong phấp phỏm, đợi chờ. Cô vừa phải đối phó với sự soi mói của tên đồn trưởng Lê Sùng, vừa lo cái thai trong bụng đang lớn dần trước sự ghẻ lạnh, dị nghị của bà con làng xóm. Thế rồi tai họa ập xuống, cô bị bắt trong một lần tham gia biểu tình chống dồn dân, lập ấp. Địch tra tấn hết sức dã man, cô chết đi sống lại mấy lần mà vẫn giữ được giọt máu của anh. Thằng bé sinh ra trong tù, giống anh như đúc. Nó được chị em trong lao đặt tên là Bắc-cái tên gợi nhớ nỗi niềm về miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Sống giữa tình thương yêu, đùm bọc của mọi người nên thằng bé kháu khỉnh và thông minh. Một thời gian sau, cô gửi con ra ngoài nhờ ngoại chăm nuôi...

Chiến tranh kết thúc, bao người con trở về quê hương sau những năm tháng cách xa. Cô cũng vậy, trở về làng cũ gặp lại má và đứa con trai yêu dấu. 3 tháng sau, niềm vui và nỗi buồn cùng đến với gia đình Trà. Niềm vui là Giang đã trở về. Sau khi cùng đồng đội giải phóng quần đảo Trường Sa, anh được cấp trên giao ở lại chỉ huy ngoài đó... Còn nỗi buồn là nhận được giấy báo tử của ba cô. Ông ngã xuống khi còn cách cửa ngõ thành phố 20km. Để có ngày nước nhà độc lập, dân tộc ta đã phải đổi bằng xương, bằng máu và mồ hôi, nước mắt. Chẳng có hạnh phúc nào lại không mất mát, hy sinh...

*

* *

... Chiều nay, nhận được thư con trai gửi về từ đảo xa, tay Trà run run mở phong thư, nét chữ thằng Bắc tròn tròn như chữ con gái: “Má kính yêu! Vậy là một lần nữa con đón Tết cùng đồng đội. Nhớ má nhiều lắm, nhưng vì nhiệm vụ nên con không thể về được. Gắn bó, chia sẻ với cuộc sống gian khổ của người lính trên đảo, con càng thêm hiểu sự hy sinh của bao người đi trước. Những đêm tuần tra trên đảo, con lại nôn nao nhớ làng biển quê mình. Má ơi! Kỳ nghỉ phép lần sau con sẽ về đất liền cưới cho má một cô con dâu thảo hiền. Còn mùa xuân này, má yên tâm, con và đồng đội vẫn có bánh chưng, mứt tết và nguồn động viên vô bờ vô bến từ đất liền. Con gửi về cho ba má tấm hình con chụp với đồng đội để má thấy con đã trưởng thành...”.

Trà ngắm nhìn tấm ảnh con trai gửi về không biết chán. Nắng gió đảo xa làm cho làn da nâu sạm, chỉ có đôi mắt là vẫn thế, sâu thẳm và cương nghị. Hơn ba chục tuổi đầu mà vẫn làm nũng mẹ như thuở nào. Năm lần bảy lượt giục cưới vợ mà vẫn khất lần. Tội nghiệp con bé Thục Linh đợi chờ Bắc gần 7 năm mà chưa nên chồng vợ. Nhìn vào ánh mắt hồn nhiên của con trai, Trà cười thầm, thằng bé đến lạ, y hệt tính ba nó, đã nói là làm, không chịu vào đại học, cứ nhất mực đi bộ đội để nối nghiệp ông cha.

Trà mở toang cánh cửa, nhìn về phía xa xăm... nơi ấy là máu thịt, là biển đảo, là "phên giậu" thiêng liêng của Tổ quốc. Mưa lất phất rơi, một cơn gió thổi nhẹ làm bay bay làn tóc trên gương mặt ướt đẫm nước mắt của cô, những giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc. Mùa xuân mới rộn rã đang về...

Truyện ngắn của TÙNG LÂM