Nhìn dáng hình hạc vóc mai, mái tóc cắt cao gọn gàng, tôi chợt thấy câu hỏi hơi vô duyên. Nhưng tại thấy ông vẫn ngồi sau chiếc bàn, trước mặt vẫn đặt miếng bìa gấp đôi hình chữ A ghi chức danh "chủ tịch" nên tôi ngờ ngợ. Ông Tăng bước ra sân, vung vẩy chiếc ấm sứ, đổ bã trà. Ái chà! Hơn 40 năm mà tác phong của ông vẫn thế. Áo bỏ trong quần, tay đeo đồng hồ, chân đi giày da.
- Chị lâu nay vẫn khỏe? Nhìn chị, tôi nhận ra ngay. Đúng là cô Phú quân bưu ngày nào. Bây giờ khéo lên đến đại úy rồi nhể?
- Dạ! Cháu sắp nghỉ hưu, về quê xin xác nhận là xã miền núi.
Tôi không dám khoe mình đã mang cấp hàm trung tá.
- Ờ! Uống nước đi đã! Tí nữa sang bên kia... hay là để tôi bảo chúng nó làm cho nhanh?
Ông chỉ qua dãy nhà hai tầng sừng sững bên cạnh. Đó là trụ sở ủy ban nhân dân xã, còn dãy nhà cấp 4 cũ này, chắc dành cho mấy ban, ngành...
Tôi chúa ngại vào chỗ công đường. Việc giấy tờ, thủ tục tôi mặc kệ chồng. Lần này về quê mẹ, chẳng nhẽ bắt chồng đi nữa thì tội. Cách đây hơn bốn mươi năm, lần đầu tiên tôi bước chân vào ủy ban nhân dân xã. Lúc đó ông Tăng còn là xã đội trưởng, người bé tẹo trong bộ quân phục cũ sửa lại, xà cột da sề sệ sau mông. Cầm lá đơn tình nguyện nhập ngũ của tôi, ký bằng máu, xã đội trưởng cất giọng oang oang:
- Hoan nghênh lòng yêu nước của cô. Miền Nam đang rất cần sức trẻ. Nhưng cô người hơi bé, để năm sau!
- Chú cứ cho cháu đi. Ăn cơm bộ đội một tháng là cháu lên cân ngay. Chú nhá! Gớm, người thế này mà chú chê bé. Chú gầy thế kia, còn chỉ huy quân sự cả xã được cơ mà!
Không biết tôi chạm vào lòng tự ái, hay tự mãn của xã đội trưởng mà ông ký vào lá đơn, mở xà cột lấy chiếc dấu tròn, đưa lên miệng hà hơi rồi đóng cốp một cái.
- Thôi được! Chú nhận đơn. Cố lên nhá! Đừng có đào ngũ, về đây chú gô cổ lại đấy!
Tôi vào bộ đội, nhờ có chút văn hóa nên cũng nhàn. Hai năm sau được về phép, lên ủy ban nhân dân xã xin dấu chứng nhận, tôi gặp ông Tăng đã ngồi ghế Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Ông Chủ tịch cũ, dáng người to lớn, nhanh nhẹn, dù đã có vợ và hai con vẫn xung phong đi bộ đội. Ông Tăng người bé nhưng tiếng nói to, được cử lên thay thế. Tuổi hai mươi, bây giờ nhắc lại thấy tiếc. Tôi mặc bộ quân phục vừa như in, tóc kết đuôi sam bỏ hai bên. Về xã, ai thấy cũng rách mắt nhìn. Ông Tăng nhìn đôi quân hàm có vòng tròn bạc gắn hai tia chớp thì oang oang.
- Quân bưu hả? Lớn phết nhỉ! Về nghỉ phép mười ngày mà không ra ủy ban chơi!
- Dạ, lính thông tin ạ!
Ông làm như ủy ban xã giống cái công viên thành phố. Tôi về nhà, cùng mẹ đi gặt với đội sản xuất, vừa vui vừa có công điểm. Tháng năm vần vũ những cơn mưa rào bất chợt. Sau mưa là những buổi trưa nắng hoa mắt, nước ruộng nóng như đun trên bếp, lũ cua cuống cuồng bò lên bờ, nấp trong các bụi cỏ. Bọn gái trẻ trong xóm theo tôi đi bắt cua như đi hội. Mấy chị em ướt đẫm mồ hôi áo. Con Lanh lớn nhất bọn. Mười sáu tuổi mà phổng phao. Nó mê mẩn nhìn chiếc áo bộ đội có hai túi chéo của tôi.
- Ước gì em có được chiếc áo này!
Tôi ghé tai nó, nói nhỏ:
- Hôm nào trả phép, tao cho cái áo cũ. Cấm được nói với bọn kia nhá!
Mặt con Lanh đỏ bừng, mắt sáng rực. Nó bỗng ném giỏ cua xuống đất, vừa chạy vừa la hét như con rồ, đôi bắp đùi tròn lẳn dính bùn lấp loáng nắng.
Tối, cả nhà ngồi ngoài hiên ăn khoai lang và uống nước chè xanh. Tôi hỏi bố:
- Xã mình hết người hay sao mà để ông Tăng làm chủ tịch? Người bé như que tăm, đi họp hành trên huyện, xấu mặt cả xã!
Bố chép miệng:
- Những người kha khá, họ ra trận hết. Người như ông Tăng cũng là khá rồi. Được cái lão hoạt ngôn, tiếng như tiếng Trương Phi, ai cũng nể!
Mẹ phì cười:
- Nể cái khỉ gió! Sợ thì có! Ông ấy mà phát biểu lúc cuối cuộc họp. Khiếp! Dây cà ra dây muống.
Hai hôm sau, có chiếu bóng, tôi được chứng kiến tài ăn nói không biết mệt của ông. Anh thuyết minh phim giọng trơn tuột:
- Kính thưa toàn thể đồng bào, đồng chí! Tối nay, đội chiếu bóng lưu động 190 chúng tôi xin phục vụ đồng bào, đồng chí bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Bộ phim ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm, lòng thủy chung vô bờ bến của quân dân Vĩnh Linh. Trước khi chiếu phim, đồng chí Tăng chủ tịch xã có đôi lời phát biểu!
Chủ tịch xã đứng còn thấp hơn cái đèn chiếu. Buổi tối mà ông vẫn áo bỏ trong quần, lưng đeo xà cột, đầu đội mũ cối. “Cộc! Cộc! Cộc!”. Tôi giật mình vì tiếng ngón tay gõ lên micro.
- A lố! À lồ! Tôi xin có vài ý kiến nhỏ như sau. Hiện nay, chiến tranh phá hoại bằng không quân của địch đã leo thang khắp miền Bắc. Đồng bào phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thực hiện cuộc vận động “ba không” (không nghe, không thấy, không biết). Tuyệt đối giữ gìn bí mật quốc gia, nếu phát hiện kẻ lạ mặt nào lảng vảng trong thôn xóm, phải báo ngay cho dân quân và công an xã.
Xong khoản “bảo mật phòng gian”, ông chuyển sang nhắc nhở các thôn xóm thực hiện nghiêm nghĩa vụ thực phẩm, giữ gìn đường làng ngõ xóm phong quang, nhắc nhở nhà nào, cơ quan nào còn để tường quét vôi trắng, phải tiến hành bôi xanh ngụy trang ngay. Cán bộ, nhân viên ra đường, ai đeo đồng hồ, nhớ mặc áo dài, gài cúc cẩn thận để tránh máy bay địch phát hiện. Ông nói dài lắm, đủ thứ trên đời, phải tôi nói như thế chắc khản cổ rồi, vậy mà tiếng ông Tăng vẫn sang sảng. Người lớn ngồi nghe lâu quá, sốt ruột nhưng nể Chủ tịch xã nên xúi bọn trẻ con la ó phản đối.
- Chiếu đê... ê... ê! Muộn rồi!
Chồng tôi vốn là học sinh trường miền Nam, quê Quảng Nam. Nhập ngũ rồi cùng đơn vị. Quê nội xa, chúng tôi xin giấy giới thiệu về quê ngoại đăng ký kết hôn. Chủ tịch xã lúc ấy vẫn là ông Tăng. Mấy năm mới gặp, thấy ông có thay đổi, như đi dép nhựa trắng Tiền Phong thay cho dép cao su, tay xách ca táp đen thay cho xắc-cốt da. Áo sơ mi trứng sáo, quần tây đen thay cho bộ quân phục lụng thụng. Ông vồ vập bắt tay chúng tôi, ngưỡng mộ ngước mắt nhìn hai đứa sánh vai trong bộ quân phục màu xanh biếc.
- Chúc mừng hạnh phúc hai đồng chí! Vui duyên mới không quên nhiệm vụ nhá!
Bố tôi viết đơn, xin phép xã cho mổ con lợn ba chục cân làm đám cưới. Anh trưởng ban thuế không cho, ông đành tìm đến nhà Chủ tịch Tăng.
- Báo cáo anh! Hai cháu nhà tôi trăm năm mới có một lần, các anh chiếu cố. Tôi làm nghĩa vụ thực phẩm xong hết cả rồi. Còn con lợn còi, xin phép mổ lo việc cho các cháu!
Ông Tăng oang oang:
- Không riêng gì con anh mới là bộ đội. Xã này cũng bao nhiêu đồng chí còn trong chiến trường kia. Có ai đòi hỏi đãi ngộ gì đâu. Đám cưới đời sống mới, lại lợn gà linh đình, dân họ phản ảnh chết chứ lị.
- Vẫn biết Nhà nước quy định thế. Nhưng thằng rể nhà tôi nó từ miền Nam ra. Anh chiếu cố lấy một lần, cho cháu rể nó thấy địa phương ta không tiếc đồng bào miền Nam thứ gì. Mai kia vào lại chiến trường, nó có chuyện mà nhắc lại, anh ạ!
Ông Tăng trầm ngâm:
- Cũng khó nghĩ nhể! Thôi! Ông đưa đơn tôi ký, rồi gặp trưởng ban thuế nộp tiền sát sinh. Nhưng lúc chọc tiết, phải bịt mồm con lợn lại nhá. Cấm để nó kêu đấy. Ảnh hưởng chính trị chết.
Vợ chồng tôi chuyển vào công tác trong Quân khu 4. Tôi sinh thằng cu đầu lòng thì ba nó trở lại chiến trường B. Thời chiến đi lại khó khăn, chẳng có dịp nào mà về thăm quê. Bố tôi viết thư, kể chuyện ngoài ấy có nhiều đổi mới. Ruộng nương bây giờ không còn làm chung nữa. Nhà nước cho khoán sản. Mỗi sào mấy chục cân nộp cho hợp tác xã, cứ cuối vụ gồng gánh trả vào kho. Ai không có thóc nộp thì quy ra tiền, hoặc quy ra ngô, sắn, cốt là đủ sản...
*
* *
- Uống nước đi cô! Nhanh thật đấy! Nhoáng cái đã mấy chục năm.
Ông Tăng mời tôi chén nước, bàn tay nhăn nheo run run, không còn mạnh mẽ chém gió mỗi khi phát biểu như thời trước.
- Chú vẫn là chủ tịch?
- Ừ! Chủ tịch Hội Người cao tuổi ấy mà...
Tôi nhờ ông Tăng xin hộ cái dấu xác nhận. May quá, tôi vẫn ngại vào nơi công đường. Đúng như ông Tăng nói, giấy tờ ông mang đi chưa đầy mười phút đã xong. Ông quay lại với tờ giấy đóng dấu đỏ chói.
- Xong rồi đây, thế nhé-ông vỗ vỗ lên tay tôi-thi thoảng về quê, rảnh rỗi ra đây chơi nói chuyện với chú!
Truyện ngắn của PHÙNG PHƯƠNG QUÝ