Bà Phiên đi ra chỗ bể nước, nhấc bó rau muống ra khỏi chậu nước. Ba cái chậu là sáu bó rau to bà cắt về tối qua. Giờ nhặt bỏ phần gốc già, mớ lại, sáng mang ra chợ. Sáu bó rau cùng lắm được ba chục mớ. Ba chục mớ rau mà thuận thì được sáu chục nghìn. Nói như cô con dâu út của bà thì “con nhìn mẹ nhặt từng nghìn con sốt ruột lắm”. Con bé đến hay, ở làng này, đàn bà ai chả thế, nhặt nhạnh từng đồng, chi tiêu thì dè sẻn, tùng tiệm. Đi bán thì đi rõ sớm mới được khách sộp, còn đi mua thì hẵng cứ thong thả, đợi gần trưa thì người ta bán nới hơn.
Để tiết kiệm điện và cũng không muốn bọn gà gáy toáng lên, bà Phiên tắt điện đi, dùng đèn sạc. Cứ cặm cụi như thế, vừa làm, vừa nghĩ đủ thứ việc. Mớ xong rau thì trời hửng sáng. Bà Phiên ôm đám cuộng rau ra bể ốc. Chỉ một ngày không có người vớt bèo thả cho ốc mà chúng đói, nổi thành bè, bám quanh những tàu chuối non bà thả xuống chập tối. Xưa, đi đến đâu, ông bà cũng rạng rỡ, hân hoan với những cảm thán của làng.
Gớm, ông bà phúc đức quá, đẻ bốn cậu con trai. Giờ thì, đinh đầu nhức óc khi mà dịch bệnh, hai anh con trai đem vợ con về đây ở. Căn nhà tưởng là rộng rãi nhất làng hóa chật. Vợ chồng thằng cả dọn lên tầng hai ở để nhường chỗ cho vợ chồng thằng út vì con nó nhỏ. Vợ chồng thằng thứ hai thì ở luôn phòng của ông bà. Ông bà dọn vào ở kho để đồ. Đồ thô đem hết xuống bếp. Trên tầng hai còn một phòng cũng dọn sạch sẽ nhưng ông bà không ở mà để phần cho vợ chồng thằng thứ ba thi thoảng về lấy chỗ nghỉ.
Nhà bốn con trai thì chỉ mỗi thằng cả ở quê, còn lại ba thằng bay nhảy khắp ba phương trời. Giờ dịch bệnh, chúng kéo về đây. Suốt bốn tháng nay, ngày nào nhà bà cũng như có hội nghị, vỡ lâm vỡ lở làng nước. Đến như ông Tam chồng bà, vốn được cho là đĩ chân nhất làng và nổi tiếng ham vui, ham đông, mà cũng đến lúc phải phờ phạc, ngao ngán. Hồi mới dịch, ông Tam trề môi ra. Gớm, tôi chả đi cũng chả có chết.
Thế rồi, được vài tháng, ông cuồng chân, ông đi ra đi vào buồn bực. Chửi con thì không được, vì chúng nó đi làm suốt ngày. Có tí buổi tối thì con cái học hành, dọn dẹp, quát tháo nhau. Vợ chồng thằng cả thì chồng công ty ván ép, vợ công ty găng tay, hai đứa con lớn rồi. Đứa lớp mười một, đứa lớp bảy. Chúng nó về nhà lúc 8 giờ tối và ăn xong là thường đóng cửa rất chặt, ngủ rất sớm.
Vợ chồng thằng thứ hai trước đây làm quán cơm văn phòng ở Hà Nội, giờ về quê, vợ nó làm xôi sáng và bán quà vặt ở cổng chợ xã, chồng thì xin được chân bốc gạch trong lò cách nhà có hơn cây số. Tối nào chúng nó về cũng chí chóe chuyện ngày công, chuyện lỗ lãi, chuyện có bà chỉ mua ba nghìn xôi không biết đơm thế nào, cứ bảo nhiều ăn không hết, nhưng đơm cho bằng suất năm nghìn ăn vẫn hết.
Vợ chồng thằng út thì không đâu vào đâu cả. Trước đây, khi vợ chồng thằng thứ hai làm quán cơm đông khách lắm, gọi vợ chồng thằng út về giúp. Thế là vợ thằng út phụ dọn dẹp bát đũa, còn chồng đi đưa cơm cho khách. Tuy nhiên, chỉ được nửa năm thì chành chọe nhau, vùng vằng giận dỗi, vợ chồng thằng út ra thuê trọ ở riêng, vợ làm cho nhà hàng, chồng đi chạy grab. Giờ chúng nó kéo nhau về đây, ban đầu thằng út cũng xin đi làm chân chạy hàng cho một công ty chuyển phát hàng bên thành phố, vợ bán hàng cho quán trà sữa, nhưng cũng chỉ ba bảy hăm mốt ngày là gây lộn với chủ rồi trằn truội bỏ việc.
Đã thế, về nhà nó còn đá thúng đụng nia, còn khía kháy chuyện ngày xưa nghe người ta xui dại, bỏ đất, bỏ vườn để đi thành phố. Giờ về thì tay trắng hoàn trắng tay. Là nó đả động ngầm vợ chồng thằng thứ hai đấy. Có lần thằng út còn cả gan nói vợ trước mặt ông bà: “Cô đừng có mơ mà trùm váy lên đầu tôi nhá. Tôi là tôi vả cho không trượt phát nào”.
Ông nghe nhạc hiệu đoán chương trình rất giỏi. Ờ thì tao là bố chúng mày cơ mà. Ý mày là thằng anh thứ hai của mày sợ vợ chứ gì. Nó sợ vợ nó thì ảnh hưởng gì đến mày. Mày út ít nhất nhà, mày khộng khệnh với ai thế hả? Tao lại tống cút ra khỏi nhà bây giờ. Năm xưa, khi chúng mày đi, tao đã bảo rồi, đừng có bán đất, bán ruộng. Nhưng chúng mày đâu có nghe. Giờ về thì ruộng không có mà cấy, đất không có để làm nhà. Ở chung như bát chung chạn, tránh xô sao được. Nhưng chúng mày phải nhịn nhau chứ. Ở đâu ra cái thói lộn đầu tháo thứ thế hả?
Vợ chồng thằng thứ ba thì thuê rẫy làm cà phê, làm điều tận Đồng Nai, ba năm chưa về quê. Được cái, cứ dăm bữa nửa tháng lại gọi điện thoại về cho con nói chuyện với ông bà, rồi các bác, các chú, các anh chị em. Thú thực, lắm lúc ông chả biết nói gì mà bà cứ dí điện thoại cho. Đây, ông nói chuyện với cháu đi, tôi đang dở tay. Thế là ông quanh đi quẩn lại chuyện cách ly với phong tỏa với giá cà phê.
Rồi thấy ông ngáp, thằng ba cũng dừng lại. Nhẽ trong ấy thưa người, chúng nó thèm người thì phải, thèm huyên náo nói cười thì phải. Còn như ông đây, đinh đầu nhức óc, tuy chả nói ra, chứ kỳ thực, ông ngán đến đỉnh đầu rồi. Nhà bốn con trai, không có mụn con gái. Con dâu thì ít tâm sự, trò chuyện với mẹ chồng, thành ra bà ấy cứ lầm lụi, lũi cũi một mình.
Thằng cả giống tính mẹ, vả vào mồm mà không đau thì cũng không kêu. Cuộc sống của nó là ở công ty. Chỉ khi ngủ mới về nhà. Nhà xây to gần như bằng tiền của chúng nó cả, mà chúng nó như người ở nhờ. Đã thế, được con vợ có cạy răng thì mới mở lời. Còn lại ba thằng sau, mồm năm miệng mười. Người chưa thấy đã thấy tiếng. Mười phân vẹn mười giống bố. Đã thế, cái thói hay day dứt, nhiếc móc của ông còn đặc biệt di truyền cho thằng út. Nên ông hiểu nó tận chân tơ kẽ tóc. Nó cứ mở mồm là ông biết nó nhắm vào ai ở cái nhà này hay ở cái làng này rồi. Và lần nào nó nói xong là ông ngay lập tức chỉnh đốn.
Hôm nay, sau khi ca xong cái bài tôn ti trật tự thì ông Tam rủ thằng cháu nội lên năm, là con trai thằng út, ra ruộng: “Ông với mày đi hái mướp, đi với ông rồi ông mua cho cái này”. Thằng cháu hỏi ông “mướp là cái gì hả ông”. “Chết chết, chúng mày dạy dỗ con kiểu gì vậy? Giờ còn không biết mướp là cái gì. Cứ đà này có ngày nó hỏi ông nội là ai mất thôi”.
Vâng. Cu Bin tuy không biết mướp là gì, bí là gì, vợ của cậu thì gọi bằng gì... vì cu Bin không sinh ra, lớn lên ở quê, nhưng cu Bin biết "5k" là gì đấy ông ạ. Ông thử hỏi cháu xem. Ông Tam hậm hực. Ừ, biết rồi là cái tốt, làng này, ai còn lạ "5k". Thằng út không vừa, lấn tới. Thế con hỏi bố, "5k" là thế nào? Ông Tam gãi gáy. Mày hỏi cái gì khó hơn đi. Đã bảo cả làng chả ai lạ mà mày còn hỏi bố.
"5k" tức là năm không. Thứ nhất là không tụ tập uống rượu, thứ nhì là không tụ tập oánh bài, thứ ba là không đi ra đường nếu không có việc gì, thứ tư là... là đại khái thế. Có mà chục không chứ không phải năm không. Nhớ sao xuể. Thằng cháu nội út bật cười khanh khách. Bà ơi, ông nội dốt quá. Phải cho ông nội đi học cô giáo thôi. Ông trả lời sai gần hết.
Ruộng mướp nhà ông Tam đã vào cuối vụ. Quả nhỏ và ngắn rụt lại. Rất nhiều quả bị ong chích sần sùi. Nhiều quả bị mắc trên giàn, không có người gỡ cho nên cong như cái vạy bò. Thu hoạch nốt đợt này thì dỡ dây đi, phá giàn, cái nào tốt tận dụng trồng đỗ cô ve leo. Thằng bé thi thoảng lại thích chí reo lên. Đây quả nữa ông ơi. Chả mấy mà đầy một cái sọt mướp dọn giàn. Những hoa và nụ, ông hái đầy một cái làn để về thiết kế vài bộ lòng gà mà xào cùng. Ngon hết ý.
Ông ơi, sao ông hái hoa? Ừ, hái để dỡ giàn đi. Sao ông không để giàn mà trồng cây mới? Trồng mướp phải có mùa chứ con. Như các anh chị đi học có mùa khai trường ấy. Không phải đâu, ông nói sai rồi. Các anh chị đi học quanh năm. Mà ông không trồng mướp thì trồng cái quả khác nó cũng biết leo ý. Cha bố anh, để ông thở đã. Mệt với anh quá, hỏi liên mồm. Anh giống bố anh quá thể con ạ. Nhưng mà bố con lại giống ông cơ. Được, anh này giỏi. Anh bắt nạt tôi ghê quá cơ. Giờ anh xách cái bó hành này cho ông, để ông bê sọt mướp với túi hoa ngọn.
Hai ông cháu đi trên đồng làng vắng vẻ. Bóng ông trùm lên bóng cháu. Bình yên quá đỗi. Bỗng, thằng bé đi vượt lên, nó nắm vào vạt áo ông. Ông ơi, ông xin cho con học ở quê, ông nhé. Con thích ở đây, con không về phố nữa đâu. Ừ, để ông xin cho con học ở quê nhé. Nhưng phải hứa với ông là học hành cho đàng hoàng, để sau này đỡ khổ. Ông bà làm ruộng vất vả cả đời. Rồi đến các bác mày làm công nhân cũng khổ lắm.
Bố mẹ mày cũng thế, lông bông, thất nghiệp, ông buồn lắm. Ông ơi, ông đừng nói cháu là mày. Cũng đừng gọi Bin. Bin là trẻ con, cháu lớn rồi. Ông phải bảo là cháu Tuấn chứ. Hoặc ông bảo là bác sĩ Tuấn, vì sau này cháu sẽ làm bác sĩ. Cháu sẽ chữa bệnh cho cả xã này ông ạ. Ông bà mà ốm, cháu chữa bệnh luôn không phải đi bệnh viện. Cháu sẽ xây luôn một cái bệnh viện to ở chỗ ông làm giàn mướp ý.
Bữa cơm tối sớm hơn thường lệ vì vợ chồng thằng cả được về sớm. Tám người lớn và năm đứa trẻ con quây quần, ngồi kín cái chiếu đôi trải giữa lòng nhà. Ngoài món thịt gà rang gừng, hoa mướp xào lòng, quả mướp nấu canh lạc giã, còn có món xôi ế đồ lại của vợ thằng thứ hai.
Trong bữa, ông Tam nhắc lại chuyện cu Tuấn sau này thích làm bác sĩ thì bà Phiên bèn nhân đó kể. Tôi đang định tí nữa sang chơi với mẹ con cô Thu đấy, mới về sáng nay, ơn giời đất che chở cho thằng bé. Dâu út hấp tấp. Cô Thu nào hả mẹ? Bà Phiên nhẫn nại giải thích. Cô Thu là con ông Tứ, cô giáo lớp một của mấy đứa con bác cả đấy. Cô bị sao hả mẹ? Cô không sao cả, mà là thằng cu Dũng con cô bị nhiễm trùng máu, đi bệnh viện Trung ương cấp cứu chữa trị hơn tháng, nay mới về. Mình cái Thu xoay sở vất vả quá.
Ông Tam nghe thủng câu chuyện bèn hỏi ghé. Thế thằng Thành đâu mà lại có mình cái Thu lo lắng. Bà Phiên nhìn chồng như trách móc. Ông thật như người giời. Thằng Thành đi chống dịch trong Bình Dương hơn hai tháng nay rồi. Tôi tưởng nó trưởng bộ phận điều dưỡng khoa hồi sức cấp cứu thì phải trực ở bệnh viện chứ, sao lại đi? Sao với giăng gì? Ai cũng đi. Thay phiên nhau đi ông ạ.
Tỉnh mình vừa năm tư người về lại năm hai người đi. Đấy là y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, còn sinh viên trường y chưa tính. Ông xem xã mình bao nhiêu đứa đi chống dịch rồi. Con gái nhà Minh Thủy nhé, vừa về tuần trước, cách ly đủ mười bốn ngày mới sang trường, thấy mẹ nó kể tay chân nhăn nheo như bà già, mặt mũi xanh xao, hốc hác. Con trai nhà Phước Tình thì về thẳng trường y, bố vừa gửi xe ô tô sang một thùng rau, củ, quả, cá, thịt tiếp tế. Thằng Thành, con Vân ngoài gò nữa... Đấy là đi xa hút vào tận trong kia. Còn đi gần thì đông lắm. Chả đâu như các con ông, một đống ở nhà, yên thân, sung sướng, lại còn tối ngày chí chóe, chành chọe nhau...
Hết thảy con nhìn bố, cháu nhìn bà ngơ ngác. Bà Phiên có tiếng hiền lành, nhẫn nhịn, vậy mà giờ hến cũng mở miệng. Cả nhà im lặng. Dường như câu chuyện của vợ chồng Thành Thu đã khiến những đứa con bà giật mình nhìn lại mà thấm thía. Thằng út, vốn là phiên bản hoàn hảo của ông, vội vàng lấy đôi đũa mới, gắp thức ăn cho cả nhà. Vợ nó thì tấm tắc khen xôi đồ hai lửa của chị dâu vừa dẻo vừa ngậy. Rồi còn nhanh nhảu tự nguyện. Lát con đưa mẹ sang thăm cháu, mẹ nhé.
Cu Tuấn nắm lấy tay bà nội, khẩn khoản. Bà cho cả con đi nữa nhé. Con sẽ đem tặng anh Dũng con chó cứu hỏa vừa chạy vừa hát hôm nọ mẹ mua cho con ý. Bà Phiên xoa đầu thằng cháu lém lỉnh. Bà đã mua sữa cho anh Dũng rồi. Anh còn yếu, chưa chơi đồ chơi được đâu. Cu Tuấn lắc đầu nguầy nguậy. Bà chả biết gì cả, đồ chơi là... là thuốc của trẻ con đấy.
Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN