Bầm tôi giục. Vào nhà đi con. Bầm cầm chổi quét chỗ này một tí, chỗ kia một tí, không đâu vào đâu. Thầy tôi giành cây chổi cọ: "Bà để tôi quét. Bà đi xem cơm nước thế nào".
Tôi để cái túi du lịch lên góc phản. Cởi giày, tìm đôi dép xỏ vào, tôi xuống bếp, rút con dao rựa từ mắc dao, phăm phăm bước ra vườn. Trận dông lớn thật. Bầu trời như lột xác. Trong veo và xanh ngắt. Không khí mát lạnh. Tôi róc những cành xoan, cành mít, cành nhãn, cành na gãy gục để một đống. Thiệt hại đáng kể đấy bầm ạ. Bầm tôi như đang có chuyện gì vui lắm nên gần như quên béng chuyện cơn dông vừa tàn phá khu vườn hương hỏa một cách tàn nhẫn. Bầm tôi nhỏ nhẹ. Ông trời làm ra thế, chứ biết làm sao. Từ đầu mùa tới giờ, đây là trận thứ ba rồi. Con xem kìa, mít xanh, xoài, trút hàng đống. Bầm tính, tới đây sẽ lược bớt những cây cao quá, rồi xuống độ chục cành bưởi cho gọn mắt. Để thế này chỉ làm mồi cho dông. Khi tôi cầm dao rựa tiến gần sát bức tường rào ngăn với nhà cô Luyên thì tôi dừng lại. Tôi chợt hỏi. Sao bên kia im ắng thế bầm nhỉ. Bầm tôi quày quả đi vào sân, tay kéo theo một cành ổi bát bị gió giật xuống đang gạng trên khóm tre ngà góc vườn. Tôi cũng kéo một cành mít to theo vào. Tôi ân hận vì cảm giác vừa làm bầm mất vui. Mỗi lần vô tình động tới cô Luyên thì bầm tôi đều như thế. Tôi lờ mờ nhận biết mối quan hệ bí ẩn của hai người. Lâu lắm rồi tôi không ghé nhà cô. Hình như từ dạo Tết đến giờ. Phần vì dịch bệnh, việc đi lại hạn chế. Phần vì nhà cô ấy triền miên khóa cổng phía trong, mỗi lần tới lại phải gọi cổng rất lâu.
Quê tôi, những ngày dưng, làng chỉ có ông bà già và trẻ con, còn lại thanh niên, trai gái và những người có sức lực đều ra ngoài làm thuê hết cả, Tết hoặc nhà có giỗ chạp mới về. Như tôi đây, nếu không vì ngày mai là giỗ ông nội, thì chưa chắc đã có mặt. Dù bệnh dịch đang như này, tôi biết, giỗ ông tôi, thầy tôi chỉ làm một mâm cơm cúng thôi. Vợ con tôi không về. Gia đình em gái tôi ở Bắc Ninh cũng không về được. Lần nào về giỗ ông bà nội, tôi cũng có quà cho cô Luyên. Vì đó là dịp cô sang nhà thắp hương cho ông bà tôi. Đó gần như một thứ lệ có từ thời tôi bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên sau khi ra trường. Cho dù những món quà nhỏ thôi, nhưng tôi không được phép quên. Thầy tôi dặn tôi kỹ lưỡng thế.
Bầm tôi gọi cô Luyên bằng cô một cách rất thân thiện, giống như chị dâu gọi em chồng. Cô Luyên thì không có chồng. Làng tôi có ba nữ thanh niên xung phong thì duy cô Luyên là không có chồng. Vì cô trở về làng khi đã ngoài ba mươi, thì làm gì còn cơ hội. Chưa kể, cô không có bố và còn mồ côi mẹ từ khi mười bốn tuổi. Vết thương ở sườn và đùi khiến người cô vẹo sang một bên, giống như cái dấu ngoặc, bước đi rất khó khăn. Thầy tôi cũng thương binh nhưng dáng ông còn thẳng thớm và phong độ bởi vì ông chỉ cụt cánh tay phải. Tôi gợi lại dự án trồng bưởi đầy khả thi của bầm. Bầm như đọc được suy nghĩ của tôi nên đi thẳng vào vấn đề, chứ không né như lúc trước. Cô Luyên vào trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh rồi con ạ. Tôi sững người. Bầm tôi kể, cô Luyên ốm triền miên, lúc đầu, chi hội phụ nữ xã và chi đoàn thanh niên cử người thay nhau chăm sóc. Nhưng bệnh cô mỗi ngày mỗi nặng, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà nên đoàn thể không cáng đáng được. Không ai chăm sóc nên cô tự nguyện vào trung tâm bảo trợ xã hội. Tôi đưa mắt nhìn vào trong nhà, chỗ góc phản, nơi tôi để cái ba lô. Trong ba lô có một món quà tôi mua cho cô Luyên nhân dịp đi công tác ở Huế. Đó là những lọ dầu tràm. Tất nhiên là tôi mua bốn lọ, hai cho bầm tôi và hai cho cô Luyên. Bầm tôi tinh ý lắm nên nói luôn. Con mua quà gì cho cô thì cứ để đấy, hôm nào có người vào thăm bầm gửi cho. Tôi buột miệng. Thế mai giỗ ông nội con, cô không về ạ? Bầm tôi không nói gì.
Thầy tôi quét xong sân, dun vào góc một đống lá to tướng. Có vẻ như thầy cũng nghe rõ chuyện của hai bầm con. Tôi nhớ, hình như là vào năm tôi học lớp bảy, bà nội tôi lúc ấy đã ốm nặng rồi, bà có kể cho tôi nghe chuyện của thầy bầm tôi và cô Luyên. Tất nhiên là thầy bầm tôi không hề biết chuyện này. Đến tận bây giờ thì thầy bầm tôi vẫn nghĩ thế. Nên mỗi lần, thấy thầy định nói gì liên quan đến cô Luyên là bầm tôi gạt đi.
Bà nội tôi bị một căn bệnh mà từ bé đến giờ tôi chưa từng gặp người thứ hai như thế. Trong ký ức của tôi về bà nội, thì bà giống như người ở một thế kỷ nào đó, cách xa thời đại chúng tôi rất nhiều. Căn bệnh của bà là bệnh xuất phát từ những cơn ho. Bà bảo trong họng bà luôn có cái gì đó chẹn ngang. Nhiều lần tôi thấy bà thò tay vào móc, rồi khạc ra một đống máu. Có lần đang bữa ăn, bà cũng nghẹo cổ, mắt trợn ngược, thầy tôi phải dùng đũa cang miệng bà ra rồi ông thò tay vào miệng bà mà móc. Rồi bà lại nhổ ra máu, lại thở được. Thầy tôi bảo bà bị bọng nheo ở họng. Khi cái bọng lớn lên mà không kịp móc ra cho nó vỡ, thì nó khiến bà tôi ngạt thở dù bà ăn uống kiêng khem đủ thứ. Bà bị bệnh từ bao giờ không biết nhưng từ khi tôi có mặt trên đời, bà tôi đã thế. Mấy anh em tôi, đều một tay bà bế ẵm nâng niu nên vì nhẽ đó mà tôi thấy bình thường chăng? Đêm cuối cùng bên bà, bà nói cho tôi nghe một chuyện, bà nói rất vội vàng và vắn tắt mà sau này tôi mới biết đấy là lời trăng trối. Và tôi cũng thầm hứa là sẽ cất giữ bí mật của bà.
Khi tôi vào cấp ba, tôi có nghe làng đồn rằng. Thuở lớn dậy, cô Luyên phải lòng thầy tôi nhưng cả làng không ai biết. Thầy tôi đi bộ đội rồi ra mặt trận được vài tháng thì cô cũng xin đi thanh niên xung phong khi mới tròn mười bảy tuổi. Hình như, hai người gặp nhau ở mặt trận và hẹn ước với nhau.
Tôi từng hỏi bầm về những lời đồn, nhưng bầm tôi bảo không biết và cũng tỏ ra không quan tâm mấy. Giờ, ngoài bốn chục tuổi đầu, tự dưng tôi lại thấy tò mò về quá khứ, về mối quan hệ của cô Luyên với gia đình tôi. Nhân lúc bầm tôi ra ruộng lấy rau, tôi hỏi thầy. Thầy trầm ngâm kể. Ngày xưa, khi thầy tôi còn ngoài mặt trận, thì ở nhà bà nội đã đem trầu cau hỏi bầm cho thầy tôi mà thầy tôi không biết. Sau này nhận thư ông nội tôi kể thì thầy tôi và cô Luyên đã thương nhau rồi.
Kết thúc chiến tranh. Thầy tôi bị thương và cả cô Luyên cũng bị thương. Hai người điều trị ở hai bệnh viện cách nhau gần trăm cây số. Thầy tôi về trước và có xin bà nội tôi để đón cô Luyên về. Bà nội tôi khi ấy đã gọi bầm tôi đến và nói bầm tôi đợi thầy bốn năm, đã hết cả tuổi xuân. Thầy tôi một mực không nghe, đòi hủy hôn với bầm tôi. Đến lúc ấy, bà nội tôi đành nói thật, cô Luyên là con của ông nội tôi với bà Luyến, mẹ đẻ cô Luyên. Thầy tôi đau đớn đến rụng rời. Ông thấy ngực mình như vừa dính đạn lạc.
Ba năm sau ngày hòa bình thì thầy bầm tôi cưới nhau và tôi chào đời một năm sau đó. Nhưng tận khi tôi lên mười và em gái tôi vào lớp một thì cô Luyên mới trở về làng trong một bộ dạng tàn tạ, dù khi ấy cô chưa đầy 40. Bà nội tôi đã cắt một sào vườn cho cô Luyên làm nhà, nói là phần đất ông nội tôi để cho cô. Vì thời gian cô đi không về, bà ngoại cô đã bán đất rồi đi theo con trai về thành phố. Cô Luyên được chính quyền và các đoàn thể góp công, góp của dựng cho hai gian nhà trên sào vườn đó. Và cũng từ đó, vào ngày giỗ ông bà nội tôi, cô thường có mặt. Dù không ai nói ra, nhưng trong gia đình, ai cũng ngầm hiểủ cô là người họ Phạm nhà tôi. Sau một khoảng thời gian dài tránh nhau thì thầy tôi và cô cũng trở lại bình thường, thương nhau như ruột thịt. Tự nhiên tôi hỏi thầy. Thầy có tin cô Luyên là em ruột của mình không? Thầy tôi có vẻ bất ngờ nên im lặng một lúc lâu. Khi chợt nhìn ra cổng, áng chừng bầm tôi sắp về, thầy mới nói. Khi bà nội con nói vậy, thầy rất sốc, khoảng một tháng sau, thầy biên thư gửi vào trại dưỡng thương cho cô ấy. Sau này, sau ngày bà nội con mất, cô Luyên có kể, ngày xưa, trước khi mẹ cô mất, bà có nói cha cô là ai. Nên kết thúc chiến tranh, ở trại dưỡng thương ra, cô ấy đi tìm cha chứ không trở về làng. Cô cũng đã tìm thấy cha và ở bên ông một thời gian rồi mới quay về. Tôi buột miệng. Thế nghĩa là cô biết mình không phải là con của ông nội từ trước khi yêu bố? Vậy tại sao cô lại... Thầy tôi không nói gì, ánh mắt ông nhìn tôi như muốn nói. Bất cứ ai ở vào hoàn cảnh ấy, khi nghe nói người mình yêu thương chính là em gái ruột thì đó thật sự là một điều khủng khiếp.
Sau bữa tối, trời rất mát. Đúng là dông nhiệt có khác. Nó gây ra bao nhiêu đổ vỡ, gãy rụng, nhưng đổi lại, nó cho con người một bầu trời thăm thẳm sâu rộng và mát mẻ. Tôi đứng ở sân nhìn sang vườn nhà cô Luyên, tâm trạng ngùi ngùi khó tả. Đoạn ký ức tuổi thơ trở về trong tôi rất rõ nét, rất ngọn ngành. Đêm ấy, bà nội nói với tôi đúng một câu “cô Luyên không phải là con ông”. Có lẽ, bà làm thế chỉ vì không muốn người con gái ngoan ngoãn nết na như bầm tôi phải thiệt thòi. Bà chỉ nói thế bằng giọng đầy ân hận. Nói xong thì bà nghẹo đầu sang một bên.
Tôi quay vào nhà, bầm tôi đang đổ gạo nếp vào ngâm. Còn thầy tôi thì đang kháp đỗ, mẻ đỗ xanh đầu mùa, trên chiếc mâm nhôm. Tiếng cái chai thủy tinh lăn ken két và tiếng đỗ vỡ giòn rôm rốp vui tai. Tự nhiên bầm tôi nói. Này, Dũng, bầm bảo, hay sáng mai con lên trung tâm xin đón cô Luyên về một ngày? Tôi lừng chừng. Thôi bầm ạ, đang dịch Covid, để dịp giỗ bà nội con, con đón cô về. Mai mẹ làm dư thức ăn, con đem vào cho cô. Bầm tôi gật gật. Cả mấy lọ dầu tràm nữa, để cho mẹ một lọ thôi, còn đem cho cô tất con ạ.
Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN