Tan học, cô gọi điện cho phụ huynh. Chuông reo mãi mà chẳng thấy ai nghe máy. Gọi thế thôi chứ giờ này chắc họ còn mải việc, thời giờ đâu mà nghe chuyện cô giáo hỏi thăm vì sao con mình không chịu đến lớp.  

Cô giáo Yên Hà mới từ điểm trường chính Sao Mai về phân hiệu thay cho một giáo viên vừa nghỉ hưu. Cô rất xinh. Người mỏng mảnh và có nước da trắng bóc. Vừa nhìn thấy cô xách túi bước vào phòng, rón rén ngồi xuống chiếc giường đóng bằng gỗ tạp thì cô Thịnh, giáo viên kỳ cựu dạy lớp mẫu giáo lá, tặc lưỡi: "Em nhắm có trụ lại nơi này được hết năm học không đấy?". Yên Hà cười bẽn lẽn: "Em sẽ cố gắng. Em vốn dĩ là con nhà nghèo, chịu khổ cũng quen rồi chị ạ".

Chịu khổ quen là một việc. Nhưng chịu buồn được hay không lại là chuyện khác. Phân hiệu của Trường Tiểu học Sao Mai có hai dãy nhà vuông góc với nhau. Một dãy hai phòng dành cho khối mẫu giáo. Dãy kia có ba phòng, ghép giữa lớp một và hai, ba, bốn. Căn phòng cuối dãy có cái bể nước, trên cao là phòng ở của các cô. Dãy nào cũng cũ, vách và cửa đều đóng bằng loại gỗ tạp, có nhiều khe hở. Mỗi bận chuyển trời, gió mùa đông rủ nhau lùa qua những khe ấy, bủa vào phòng lạnh buốt. 

Bố mẹ của học sinh học ở phân hiệu Trường Tiểu học Sao Mai là người Mông di cư tự do vào Tây Nguyên. Nhà nào cũng nghèo, chỉ có giàu con. Nhà ít thì ba đứa, nhiều thì sáu, bảy đứa. Đứa này cách đứa kia một năm, hễ có khách đến nhà thì chúng xếp hàng cạnh nhau, lưng tựa vào vách tôn, lúp xúp như những cây nấm. Trong làng chẳng nhà nào có hộ khẩu vì họ nhất định không chịu vào khu buôn mới, cứ phải ở giữa đồi núi, nơi họ phá rừng để làm rẫy, làm nhà. Những ngôi nhà bằng gỗ lợp tôn tạm bợ. Nhà này cách nhà kia một khoảng vườn trồng cây điều, trái loe ngoe. Vùng đồi núi khai hoang tự phát nên không có đường dây điện, cũng chẳng có đường. Mùa nắng thì bụi đỏ mù trời. Mùa mưa thì đoạn không sình lầy cũng trơn như đổ mỡ.

Cha mẹ bận làm nương rẫy, cứ thế mặc kệ bọn trẻ con tự ăn rồi tự lớn, chẳng học hành gì. Xã vận động mãi để gia đình đưa con đến trường. Mà trường gần nhất cách đó phải mười lăm cây số. Xa quá, chẳng ai đưa đón chúng được. Cha mẹ còn phải đi làm để có cái bỏ vào mồm. Kệ chúng nó. Kệ thế nào được. Không thể để bọn trẻ con không được đến trường. Vậy là phân hiệu Trường Tiểu học Sao Mai ra đời. Hai cô giáo thay phiên nhau dạy học, ghép lớp một, hai, rồi ba, bốn. Dãy bên kia là hai lớp mẫu giáo. Phân hiệu cách trường ba mươi cây số, đường rừng toàn ổ trâu, ổ voi, muốn về cũng chẳng đi nổi. Bốn cô ở tạm trong căn phòng nhỏ cuối dãy nhà lớp học. Hễ học sinh tan học là vắng ngắt, buồn thiu.

***

Cô Thịnh là giáo viên dạy mẫu giáo. Cô gắn bó với phân hiệu này từ khi nó mới ra đời. Lứa học sinh đầu tiên của cô, năm rồi có đứa vừa mới lấy vợ. Cũng có nghĩa, cô Thịnh đã có hơn mười lăm năm dạy học ở phân hiệu này. Lâu thế ư? Yên Hà tròn mắt. Cô ngạc nhiên quá. Cứ tưởng rằng cô giáo nào lên công tác ở nơi khó khăn này thì chừng vài ba năm sẽ được điều về trường chính, hay được ưu tiên chuyển về trường trong nội thị hoặc về thành phố như những lời hứa mà cô từng nhận được. Cô Thịnh cười cười: "Cũng có lâu gì đâu. Chị cũng quen rồi".

Cô Thịnh chỉ kể đến đấy rồi đi xách nước để gội đầu. Yên Hà ngồi nơi cửa sổ, hướng về vườn rau cải thiện sau lưng trường. Mắt cô dõi theo bầy gà đang thơ thẩn tìm mồi dưới những tán lá bạc hà. Ở đấy có một rãnh nước nho nhỏ. Cái gì của các cô cũng nho nhỏ, xinh xinh. Từ cái chuồng gà đến cái máng nước, các cô tự làm, tự đóng. Chỉ có gà là của phụ huynh mang đến cho. Nghe cô Thịnh kể, đàn gà được gầy lên từ một cặp gà trống mái của ông nội cậu bé lớp ba có đôi mắt một mí. "Này nhé, mai em thử tìm xem, cả trường mình, đứa học sinh nào không phải là mắt một mí nhé". Cô Yên Hà nghe đến đấy, cười khúc khích: "Chị hay nhỉ. Đố thế mà cũng đố".

***

Cô Thịnh ở đây lâu và quen đến nỗi có thể đoán được trời sắp mưa hay không. Quả là đêm ấy mưa thật. Ban đầu là lắc rắc. Tiếng mưa giội lên mái tôn rầm rầm. Mái tôn lại gần với trần nhà nên tiếng mưa rõ đến mức váng cả tai, không thể nào ngủ được. Cô Hương kéo mền đến tận cổ, tiếng cô lẫn vào tiếng mưa: "Mưa to thế này chắc trời sắp bão đến nơi. Mẹ em ở nhà một mình. Chắc suốt đêm phải chạy ra chạy vào che chắn đàn bò mà không ngủ được chút nào cho xem!". Cô Dìu nhỏm dậy: "Thương bà nhỉ. Ở nhà mỗi mình!". Rồi cô tặc lưỡi, mưa gió thế này, ngày mai đường lại trơn lắm đây, chẳng biết bọn trẻ có đi học đủ không?

Cô Yên Hà từ giường bên kia cũng với sang: "Thế mai mình dậy sớm đi đến nhà đón bọn trẻ con hả chị?". "Đón thì chúng nó cũng chẳng đi học đâu!", cô Thịnh gàn. "Thể nào mưa to thế này thì nước lũ từ thượng nguồn đổ về, bố mẹ chúng nó lại kéo bọn trẻ con ra bờ sông ấy chứ. Ra đấy mà phụ bố mẹ vớt củi, vớt gỗ. Khổ thân, đứa nào đứa ấy bé tí".

leftcenterrightdel
Minh họa: THÁI AN 

 

Chỉ nói đến đấy, cô Thịnh quay mặt vào vách, ra chiều chán chẳng buồn nói. Yên Hà im lặng. Vì giữa tiếng mưa ầm ĩ, mọi người cũng im lặng. Bỗng dưng cô thấy trĩu nặng trong lòng quá. Bọn trẻ học sinh của mình, đứa nào cũng ngơ ngác, học hành cứ chểnh mảng. Sau mỗi hôm lên lớp, cô nào cũng mệt lử vì hết xoay kèm đứa này lại hướng dẫn đứa khác. Hai, ba ngày lại lóc cóc đến nhà học sinh, hỏi thăm vì sao không đi học. Ông bố cấm cảu: “Nó phải trông em cho bố mẹ đi làm rẫy kiếm gạo chứ”, bà mẹ bâng quơ: “Học bỏ một hôm không sao chứ đói một ngày thì chết thật đấy cô giáo ạ”.

Cả đêm ấy, Yên Hà không ngủ được. Sớm mai đến giờ vào lớp thì chỉ vẻn vẹn có ba đứa con gái đang co ro khoanh tay trên bàn. Thế là Yên Hà gửi lớp cho cô giáo Dìu, mặc áo mưa, đội nón. Cô Thịnh từ trong lớp, vừa nhác thấy bóng Yên Hà thoăn thoắt ra cổng trường thì dặn với theo: "Cẩn thận đấy, định ra bờ sông thật đấy à?". Yên Hà không trả lời. Nhưng đúng thế thật. Cô đi băng băng xuống bờ sông. Trời vẫn mưa, tuy mưa đỡ phần dữ dội hơn lúc đêm nhưng đường đi thì trơn nhẫy. Vì đêm qua mưa to quá, lớp đất đỏ hình như đã bị cuốn đi hết, chỉ để lại con đường như được thoa mỡ. Yên Hà mang ủng cao su, vừa đi vừa trì lại, hai tay cứ phải bíu vào cây cối trên đường, bởi sơ sẩy là lăn xuống đồi như chơi.

Hóa ra dưới bờ sông rất nhộn nhịp chứ không vắng vẻ như trường của các cô. Trời vẫn đang mưa nhưng rất đông người. Ai cũng sùm sụp áo mưa và nón lá. Mới nhìn lướt qua, Yên Hà đã nhận ra mấy đứa học trò bé tí của mình dù chúng mặc áo mưa mỏng. Vừa nhác thấy cô giáo, bọn trẻ rúm người lại, quay mặt đi nơi khác. Yên Hà xót xa quá. Trời mưa, lạnh thấu xương mà bọn trẻ con đứng chênh vênh trên những cành gỗ, cây củi như vừa được vớt lên từ dưới sông. Chúng được giao nhiệm vụ trông coi "sản phẩm" mà bố mẹ hay người lớn vớt được. Củi hay gỗ từ thượng nguồn theo dòng nước lũ cuốn về hạ nguồn, người lớn bơi ra giữa dòng nước đục ngầu, sền sệt như bùn để móc rồi kéo cây củi vào, bọn trẻ nhiều đứa cũng hăm hở lội ra mép nước để vớt thêm củi đang dập dềnh cho đống cây nhà mình.

Yên Hà bất lực thật sự. Cô hết nhìn những bóng người lô nhô đang bơi ở giữa dòng nước đục ngầu lại nhìn mấy đứa học trò nhỏ xíu như nắm kẹo của mình. Chẳng biết việc mình xuống tận đây, chơ vơ nơi này có được tích sự gì hay không? Học trò của cô, chúng nó có muốn đi học khi bố mẹ bảo ra bờ sông trông củi? Số củi này, bán được có khi bằng cả tháng làm nương rẫy còn gì.

Mưa càng lúc càng nặng hạt. Yên Hà cứ đứng sững. Mưa táp vào mặt rát buốt. Lúc này, cô chỉ muốn bật khóc.

Vừa lúc ấy, có tiếng thét lên lanh lảnh. Cứu với, có người đuối nước. Vừa nhác theo hướng tay chỉ, kịp nhìn thấy cái chỏm tóc đen đang trồi sụt ở mé sông. Chưa kịp suy nghĩ gì, Yên Hà vội cởi áo mưa, lao ùm xuống sông. Cô sải tay bơi đến cái chỏm đen đang chấp chới giữa dòng nước. Tiếng mưa to quá, đập rát mặt mũi. Thoắt cái, cô tóm được chỏm tóc, lôi vào bờ. Nhưng đột ngột gió từ đâu cuộn đến, nước sông như muốn đổi dòng, lôi tuột hai cô trò ra xa, càng lúc càng ra xa bờ. Trời ơi, chả nhẽ lại bỏ mạng ở đây, đứa trẻ con này, nó còn bé tí. Nước xộc lên mũi. Sặc sụa vì đặc quánh toàn bùn. Cố lên. Cô vừa dặn mình, vừa cố sải tay hướng vào bờ và cố níu đứa bé. Nếu không cứu được học trò mình, chắc cô sẽ ân hận cả đời mất... Chao ôi... Chao ôi... Yên Hà nghe tiếng người xung quanh í ới "bộ đội đến rồi kìa". Cô chỉ kịp cảm nhận đột ngột có cánh tay lực lưỡng của người đàn ông mặc quân phục níu cô lại, lôi cả hai cô trò vào bờ, rồi lả đi.

Đứa học trò mà cô Yên Hà cứu ấy, nó không sao cả. Cũng may là cô giáo nó cũng không sao hết. Anh bộ đội cứu hai cô trò, Yên Hà cũng chưa gặp được để cảm ơn. Duy cả nhà thằng bé thì hoảng lắm. Cả những nhà khác nữa, từ hôm ấy, không thấy bắt đứa trẻ con nào ra sông lúc trời mưa lũ như thế. Vì bọn trẻ còn bận đến lớp. Chỉ có cô giáo Yên Hà, rất lâu sau đó vẫn không thể quên nổi mùi bùn đặc quánh và cánh tay mà cô níu vào hôm ấy.

Truyện ngắn của NIÊ THANH MAI