Vừa đi, tôi vừa nhớ đến dạo mới về thị trấn, ở đúng chỗ này, tôi gặp một cô gái bán mía rong trong lần tôi đi bán rau muống. Những buổi ế hàng, chúng tôi thường đổi rau và mía cho nhau. Cô bán mía ấy là Đoan. Chân ướt chân ráo làm dâu đất này giống như tôi.
Từ hăm sáu ngày trước, tức đầu tháng âm lịch, vợ chồng Đoan cùng đứa con trai đã về tới quê nhà. Mười hai giờ đêm, điện thoại tôi đổ chuông lần thứ ba trong sự lo lắng của cả hai vợ chồng. Khuya khoắt này ai còn gọi tôi? Ai nhầm máy chăng? Tôi ngần ngừ giây lát rồi vồ lấy chiếc điện thoại. Là số của Đoan. Gần bốn năm tôi và Đoan không liên lạc với nhau, nhưng thật may, số Đoan vẫn còn trong điện thoại tôi. Tôi bấm nghe. Đầu bên kia, giọng Đoan liền mạch như có sự chuẩn bị kỹ lưỡng:
- Vợ chồng con cái tao về đến đây đã độ nửa giờ...
Tôi vội vã ngắt lời:
- Mày có giấy tờ gì không?
- Chỉ có xét nghiệm âm tính. Tao không thể đi cách ly tập trung được. Ông xã tao đang đau bao tử, đau dữ lắm về đêm, phải dùng thuốc sắc. Mà chị dâu tao thì phản đối việc chúng tao chạy về đây.
- Đã về rồi thì phải tính cách. Phải tự cách ly thôi!
- Nhưng cách ly ở đâu bây giờ?
Tôi buột miệng:
- Hay vợ chồng mày chịu khó lên trang trại nhà tao đi. Năm ngoái gà lợn đổ dịch, tao thua trắng, đang để hoang, chỉ còn cây cối chứ không nuôi con gì. Mày nhớ khu trang trại nhà tao không? Đi lối nhà ông Biền lên.
- Có nhớ. Điện nước thế nào?
- Đủ hết!
- Nhà có khóa không?
- Có khóa chứ. Bảo anh Thuần phá khóa mà vào. Lương thực, thực phẩm như nào rồi mai tính tiếp.
Tôi còn dặn dò Đoan thêm một chặp nữa rồi mới tắt máy.
Vợ chồng Đoan cưới nhau bốn năm là hai mặt con. Chồng Đoan ở với anh trai và chị dâu từ nhỏ vì bố mẹ mất hết. Cuộc sống chung đầy phức tạp và khó khăn khiến vợ chồng Đoan dắt díu con cái vào Bình Dương xin làm công nhân, thi thoảng mới về quê vào dịp giỗ bố, mẹ. Từ bốn năm trước thì Đoan chưa về quê.
Gần một tháng gia đình Đoan tự cách ly trên trang trại của nhà tôi, cũng có vài lần cơ quan chức năng đến kiểm tra xem tình hình tiếp tế của gia đình có bảo đảm an toàn không. Mới đây, vợ chồng con cái nhà Đoan được xét nghiệm lần hai, tất cả đều an toàn. Cổng vào trang trại của tôi là một cây xoan đào khá lớn. Thấy bảo mọi tiếp tế của gia đình đều treo ở đó. Đợi người nhà về khoảng nửa giờ thì vợ chồng Đoan mới ra nhận đồ. Có một việc Đoan nhờ tôi mà phải gặp nhau mới giải quyết được. Tôi nghĩ, tôi có thể giúp Đoan. Thật ra, nếu không có sự giúp đỡ của chồng tôi, tôi cũng không biết sẽ lo liệu như thế nào.
Tôi nghe Đoan kể, đồ tiếp tế của anh trai, chị dâu thường chỉ có cá khô, bìa đậu, thi thoảng là ít thịt vụn dọn bàn. Nhưng vì vợ chồng Đoan cũng không có tiền nên anh chị cho thế nào cũng quý. Rau xanh thì không lo vì trên trại khá nhiều, chỉ tưới tắm cho chúng là ăn thoải mái. Nghỉ việc ba tháng, tiền nhà trọ, tiền thuốc men cho chồng, tiền chi tiêu đã cạn, năm con người và toàn bộ đồ đạc được chất lên hai chiếc xe máy để về quê. Nghĩ đến cái cảnh cả nhà nhai mì sống, ngủ gầm cầu, vệ đường và anh Thuần đau vật vã trên hành trình về quê mà Đoan kể, tôi ớn lạnh.
Tôi về nhà một lúc thì chồng tôi cũng về, anh bảo tất cả đều đã xong xuôi, ổn thỏa. Anh ngạc nhiên vì thấy tôi ở nhà một mình. Đúng lúc ấy thì Đoan gọi tôi, nói là vừa đưa chồng Đoan ra bệnh viện cấp cứu, anh ấy thổ ra máu. Loét dạ dày nặng. Đoan không thể đưa con bé ra chỗ hẹn gặp tôi được.
Vợ chồng tôi vội vã đi vào trang trại nằm trên một quả đồi cách nhà tôi chừng 3km. Trời vào thu mát mẻ. Vườn tược sạch sẽ quang đãng. Vợ chồng Đoan thật là chăm chỉ. Ba đứa trẻ con đang chơi với nhau trong nhà, căn nhà cấp bốn hai gian cũ kỹ cũng được dọn sạch. Đứa lớn nhất là con gái tầm mười hai tuổi, đứa trai tầm mười tuổi, đứa bé gái út chừng lên ba. Trông thấy vợ chồng tôi thì hai đứa lớn đứng nép vào nhau, còn đứa bé thì chạy lại, dạn dĩ sờ tay vào cái túi đen tôi xách theo. Tôi lấy kẹo ra chia cho bọn trẻ và phải ngồi chơi với chúng chừng nửa giờ thì mới có thể bế đứa bé đi sau khi dặn dò hai chị em tử tế.
Con bé ngồi giữa hai chúng tôi, nó nép vào ngực tôi, mở to mắt nhìn hàng cây keo loang loáng giật lùi. Có lẽ chặng đường cả nghìn rưỡi cây số ngồi xe máy đã không còn lạ lẫm gì với nó. Nhưng nó cảm thấy vợ chồng tôi đáng tin cậy nên ngồi im. Có khi nó còn nghĩ vợ chồng tôi đang đưa nó đến một nơi nào đó vui hơn mảnh rừng này và được ăn những thức ăn ngon hơn những ngày qua cũng nên. Hoặc đứa trẻ lên ba thì chưa chắc đã nghĩ thế.
Chồng tôi bảo thời buổi dịch bệnh, đi lại nhiều không tốt, trên đường đi sẽ ghé cổng bệnh viện, gọi Đoan ra nhận số tiền Đoan vay chúng tôi để trang trải. Rồi sẽ đi tiếp.
Đoan trước mắt tôi là một người đàn bà mới ba nhăm mà già nua, hố mắt quầng thâm nhăn nheo. Cầm gói tiền tôi đưa, Đoan lấy tay áo chùi nước mắt. Trong bao nhiêu con người tìm mọi cách bỏ chạy khỏi khu công nghiệp về quê có vợ chồng Đoan. Nhưng sao cái số Đoan nó ngặt nghèo đến vậy.
Xe máy qua cầu, chạy ngược đê một đoạn rồi rẽ xuống khu dân cư của một xã khá trù phú ven sông Hồng. Đi qua một cái cổng làng rêu phong cổ kính chừng hai chục mét thì tới ngôi nhà có cái cổng tre đu đưa những chùm hoa sao đỏ chói. Chồng tôi dừng lại. Vì mới đi tiền trạm sáng nay nên chắc chắn anh không thể nhầm. Tôi nhấc đứa bé xuống, nắm tay nó, dắt vào. Chồng tôi mạnh dạn cất tiếng gọi. Trong nhà có hai người phụ nữ, một già, một trẻ cùng lúc đi ra. Người trẻ trạc tuổi tôi, ánh mắt u uẩn khẽ ánh tia nhìn ấm áp. Một người ngoài bảy mươi, mặc chiếc áo gụ hơi rộng so với vóc dáng nhỏ thó, mắt lén quan sát tôi.
Người phụ nữ trẻ quỳ xuống, nắm lấy hai bàn tay của con bé, lắc lắc rồi hỏi:
- Con tên gì nào?
Con bé ngơ ngác một lúc rồi rành rọt:
- Con tên Nhị Hà!
Người phụ nữ bế bổng đứa trẻ lên và mời vợ chồng tôi vào nhà. Tuy nhiên, tôi đưa cho cụ già cái túi màu đen, bên trong đựng một số đồ dùng trẻ con và quần áo mới cùng sữa mà Đoan nhờ tôi mua sáng nay. Đoan kể, đồ đạc của cháu bé lỉnh kỉnh đường xa không thể mang theo gì. Tôi nói to hơn thường ngày vì hai lượt khẩu trang rất dày, đại ý tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, chúng tôi chỉ đưa cháu bé đến đây và chúng tôi phải đi luôn.
Chúng tôi quay lưng ngay khi thấy mắt con bé ậng nước, môi nó méo xệch đi.
* *
*
Mẹ chồng tôi, vốn là người chất phác và khá tế nhị. Tuy nhiên, gần tháng nay, nghe người ta đồn thổi thì bà cũng thấy cần phải hỏi thẳng con dâu một câu:
- Con bé là thế nào với cái Đoan?
- Bé Hà là con của một cô trọ gần chỗ vợ chồng Đoan mẹ ạ. Cô ấy mất hồi đầu tháng bảy vì nhiễm bệnh. Con bé ở với Đoan và được Đoan đem theo về quê theo nguyện vọng của mẹ nó!
- Vậy nãy mang nó đi cho làm con nuôi nhà người ta à?
- Dạ không! Đó là ông bà nội của cháu. Bố mẹ nó yêu nhau. Khi mẹ nó có bầu hơn ba tháng thì bố nó bị tai nạn mất. Đã cưới xin gì đâu mẹ. Cô kia hy vọng có ngày đem con ra trình ông bà nội, nhưng chưa có điều kiện thì...
Chiều, tôi đang nấu cơm thì chồng tôi vào bếp. Anh tìm đồ để sửa cái xe đạp cũ của con gái tôi. Chắc anh định đem cho bọn trẻ nhà Đoan. Mai khai giảng rồi còn gì. Tôi nhận thấy anh vui thì hỏi. Hôm nay, lúc anh đến, bà ấy nói sao? Chồng tôi ngó quanh, nói nhỏ. Lúc đầu, bà ấy không nhận đâu. Bà bảo, con trai bà ly hôn vợ sau gần chục năm chung sống, chạy chữa khắp nơi mà không có con. Cậu ấy vô sinh. Nó bỏ vào trong ấy được nửa năm thì mất. Nên bà ấy phân vân. Nhất là, mẹ cháu bé lại làm cái nghề đầy tai tiếng ấy... Tôi rùng mình cắt ngang lời anh. Có thể nhờ khoa học phân định mà. Nếu bà ấy đã muốn rạch ròi, sao bà ấy còn nhận? Anh có nói là nếu bà không nhận thì chúng ta sẽ nuôi con bé không? Chồng tôi nhìn tôi như thăm dò. Nếu em là bà ấy, em có nhận không?
Tim tôi đập thình thịch như một lời thú nhận của bản năng đàn bà. Chồng tôi lại rủ rỉ. Cái làng mà mình đến ấy là Nhị Hà, đúng tên con bé. Mẹ nó nhắn nhủ gì chăng? Tôi cố hình dung khuôn mặt bà ấy và người phụ nữ, xem có nét nào chung với bé Hà không. Nhưng thật sự khó, vì những cái khẩu trang đã che kín hết khuôn mặt họ. Tôi tự nhủ, dù sao con bé ấy còn may mắn, đã về đến quê rồi thì dần sẽ ổn thôi.
Chợt nhớ ra là chưa "báo cáo" lại kết quả cho Đoan, tôi bấm máy. Điện thoại của Đoan lại "thuê bao", y như buổi sáng nay tôi đợi Đoan ở góc sân bóng. Y như những ngày Đoan cách ly, tắt máy để không phiền hà đến bạn bè cũ. Lòng tôi chơi vơi kỳ lạ. Nếu như không có việc trưa nay, con bé ngồi trong lòng tôi, ấp đầu vào ngực tôi suốt mười lăm cây số, nếu như không có ánh mắt đầy nước của con bé siết chặt lấy tim tôi, nếu như không có cái cổng làng Nhị Hà phong rêu cổ kính... thì tôi nghĩ, tất cả chỉ như một giấc mơ.
Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN