Tuổi thơ tôi có biết bao kỷ niệm về con sông quê. Nhưng tôi nhớ nhất là hồi đó, hễ có lũ là bố tôi và các cô chú dân quân lại được lệnh đi "đẩy hàng" ngoài sông. Hàng là những thùng phuy các cỡ và những bao nilon màu xanh, to như cái hòm đựng thóc, trôi về cùng những khúc gỗ và củi rều. Nghe nói đó là hàng chi viện cho chiến trường. Hồi ấy quê tôi nghèo đói lắm, thiếu từ bơ gạo đến giọt dầu, nhưng không ai dám đụng vào hàng của chiến trường trôi ngoài sông. Nhỡ có thùng phuy, bao nilon nào bị vướng phải lùm cây hay mô đá không trôi được, ai trông thấy cũng đều đẩy ra giữa dòng cho nó tiếp tục trôi xuôi. Ấy là chuyện ban ngày. Còn ban đêm thì có các tiểu đội dân quân chèo thuyền rà soát trên sông đẩy hàng. Tất cả các làng hai bên bờ sông đều làm như thế. Bố tôi giải thích: Hàng hóa từ miền Bắc chở vô theo đường chiến lược, đến thượng nguồn sông Gianh thì thả xuống cho tự trôi, về đến cảng Gianh, người ta lại vớt lên, chở bằng ô tô hoặc tàu thủy đi tiếp...
    |
 |
Ông Phạm Quốc Hồng (giữa) và đồng đội dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (năm 2011). Ảnh: Xuân Vui |
Thì ra, sông Gianh quê tôi cũng là một cung vận tải cho chiến trường đánh Mỹ. Sau này trở thành người làm báo trong quân đội, mỗi khi nhớ về con sông quê, tôi lại băn khoăn tại sao không có tài liệu nào ghi nhận đó là một nhánh của đường Trường Sơn? Năm 1999, kỷ niệm 40 năm truyền thống Bộ đội Trường Sơn, tôi tìm gặp Thiếu tướng Võ Bẩm, lúc đó đang nghỉ hưu ở Hà Nội. Ông là người trực tiếp đi “xoi tuyến” mở đường Trường Sơn và là vị chỉ huy đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn giai đoạn 1959-1965. Ông cũng là người được Trung ương giao nhiệm vụ tổ chức tuyến vận tải đặc biệt, sau này được tôn vinh là “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Trong câu chuyện khá cởi mở hôm đó, tôi nêu thắc mắc về sự “thiệt thòi” của con sông quê hương. Vị lão tướng ôn tồn: “Việc đó tôi không rõ, vì thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc thì tôi đã chuyển công tác. Nhưng tôi biết chắc chắn cảng Gianh là nơi “phát tích” của tuyến đường mòn trên biển và Đoàn tàu không số!”.
    |
 |
Một khúc sông Gianh. Ảnh : Xuân Vui |
“Thưa thủ trưởng, em đã đến thăm bến K15 ở Đồ Sơn, Hải Phòng...”. Biết là tôi đang định nói điều gì, Thiếu tướng Võ Bẩm chậm rãi giải thích: Bến K15 là một trong những điểm xuất phát của Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 (Quân chủng Hải quân), được thành lập ngày 23-10-1961, sau này trở thành Ngày truyền thống của Đoàn tàu không số. Nhưng trước đó, vào tháng 7-1959, Bộ Quốc phòng đã thành lập một tiểu đoàn mang biệt danh “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”, đóng tại cảng Gianh của tỉnh Quảng Bình. Đơn vị này có nhiệm vụ chuẩn bị phương tiện và tập kết hàng hóa để tổ chức những chuyến vận tải chi viện cho cách mạng miền Nam. Chuyến hàng đầu tiên xuất phát đầu năm 1960, nhưng mất tích. Sau thất bại này, cấp trên chỉ đạo tổ chức cách thức vận tải khác, dẫn đến sự ra đời của Đoàn 759. Phiên hiệu ấy tức là tháng 7-1959. Đây chính là mốc thời gian thành lập Tập đoàn đánh cá Sông Gianh, nói cảng Gianh là nơi “phát tích” là vì thế...
Vẫn theo lời kể của Thiếu tướng Võ Bẩm, khi chuẩn bị cho chuyến hàng đầu tiên xuất phát tại cảng Gianh, ông đã đề nghị cấp trên điều thêm một số cán bộ “nằm vùng” ở Khu 5, trước đây từng cùng ông dùng tàu gỗ vượt biển sang nước bạn mua vũ khí cho Khu 5, Khu 6 trong kháng chiến chống Pháp. Trong số đó có ông Huỳnh Ba quê ở Quảng Nam, giấy căn cước giả mang tên Nguyễn Nử. Chuyến tàu đầu tiên ấy có 6 đồng chí, toàn người Khu 5, xuất phát đêm 30 Tết Canh Tý, tức 27-1-1960, đích đến là vịnh Hố Chuối dưới chân đèo Hải Vân. Tỉnh đội Quảng Nam cử lực lượng ra phục ở Hố Chuối từ chiều Mồng Một Tết, kiên trì ngóng đợi đến gần hết tháng Giêng vẫn bặt vô âm tín. Hơn hai chục năm sau ngày thống nhất đất nước, một nhà văn quân đội đã tìm được người duy nhất trong chuyến đi ấy còn sống sót. Người đó là Huỳnh Ba, khi đó đã gần 80 tuổi, đang sinh sống ở quê nhà. Đến lúc ấy, người ta mới biết: Tàu xuất phát được một hôm thì gặp gió lớn chuyển hướng, dạt vào vùng đảo Lý Sơn, bị tàu địch phát hiện áp sát, đành phải phi tang vũ khí xuống biển để chạy tránh, nhưng vẫn không thoát. Cả 6 người bị bắt, không khai thác được gì nhưng địch vẫn giam cầm, đày ải mỗi người một nơi. Ông Huỳnh Ba bị đày ra Côn Đảo cho đến ngày miền Nam giải phóng...
    |
 |
Cảng Gianh hôm nay. Ảnh: Xuân Vui |
Tôi tâm niệm sẽ về cảng Gianh tìm lại những dấu tích và nhân chứng của nơi “phát tích” Đoàn tàu không số. Vậy mà mãi 12 năm sau, tôi mới có dịp về ngôi làng nhỏ có cái tên rất đẹp là Thanh Khê bên hữu ngạn cửa Gianh. Đó là dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Đoàn tàu không số (23-10-2011). Nửa thế kỷ đã trôi qua. Những ngôi nhà, con đường, bến bãi... bị thời gian, bom đạn, mưa nắng... xóa sạch dấu vết là điều dễ hiểu. Nhưng tại sao những lão nông, ngư dân tuổi thất thập, bát thập của làng đang khỏe mạnh cũng không ai biết gì, nhớ gì về cái Tập đoàn đánh cá Sông Gianh từng tồn tại trên đất làng, khi họ đã là những thanh niên trên dưới 20 tuổi? Cũng có người nhớ rằng, hồi đó có một đơn vị như rứa, như rứa... nhưng họ cũng chỉ biết như rứa chứ không biết gì thêm, vì đơn vị đó đóng quân mãi ngoài bãi phi lao, cách xa dân làng...
Đúng là dân làng biển Thanh Khê cũng chỉ biết như rứa, vì hồi chiến tranh, dân làng luôn luôn được quán triệt “3 không” để đề phòng gián điệp, biệt kích, người nhái... Phía dân đã vậy, phía quân lại càng phải giữ bí mật tuyệt đối vì họ đang thực hiện một nhiệm vụ tuyệt mật. Theo lời kể của Thiếu tướng Võ Bẩm, khi đóng thuyền, đơn vị cũng phải nhờ đồn công an vũ trang đi mua gỗ, thuê thợ. Có câu chuyện lưu truyền rằng, sau chuyến hàng đầu tiên thất bại, cấp trên chỉ đạo các địa phương ven biển miền Nam tổ chức “mở đường” ra Bắc để chuẩn bị cho phương thức vận tải an toàn, hiệu quả hơn. Thuyền của đồng chí Bông Văn Dĩa ở Cà Mau ra, bị bão đánh dạt vào vùng biển Quảng Bình. Dân quân bắt được, nghi là biệt kích, tra hỏi nhưng ông Dĩa vẫn nhất quyết đòi giải lên Trung ương gặp bằng được đồng chí Ba Duẩn là bạn tù ở Côn Đảo. Xã giải lên huyện, ông vẫn khăng khăng như thế. Huyện giải lên tỉnh, ông dọa: “Không cho tôi gặp Trung ương, nay mai hỏng việc lớn, các đồng chí phải chịu trách nhiệm”. May sao dịp ấy, đồng chí Lê Duẩn vô công tác ở Quảng Bình, thế là...
Câu chuyện trên đây từng được chính Anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa xác nhận. Hành trình của những con thuyền đi “tìm đường” trên biển từ miền Nam ra cũng đã được sử sách ghi chép rõ ràng. Từ kết quả của những con thuyền “tìm đường” ấy, Đoàn vận tải 759 được chính thức thành lập ngày 23-10-1961. Lúc đó, những ngôi làng chài vùng cửa biển sông Gianh, Nhật Lệ lại trở thành địa bàn tuyển quân hằng năm của đơn vị. Hàng trăm thanh niên miền biển Quảng Bình thuộc nhiều thế hệ đã nối tiếp nhau trở thành những chiến sĩ quả cảm của Đoàn tàu không số. Lý do rất dễ hiểu: Trai tráng vùng này đã quen với thời tiết khắc nghiệt và sóng gió dữ dằn từ bé. Và nữa, nếu gặp địch mà khai là ngư dân Trị Thiên thì chúng dễ tin hơn anh em nói giọng Bắc...
Tháng 10-2011, kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, 29 cựu chiến binh Đoàn tàu không số quê ở Quảng Bình đã có cuộc hội ngộ rất cảm động. Dịp ấy, tôi đã được trò chuyện với 3 người quê ở huyện Quảng Trạch. Đó là các ông: Phạm Quốc Hồng quê ở xã Cảnh Dương, Nguyễn Ngọc Khuyến quê ở xã Quảng Phú và Nguyễn Văn Quốc ở trung tâm thị trấn Ba Đồn (nay thuộc thị xã Ba Đồn). Làng biển vùng này vốn nghèo, cuộc sống của những cựu chiến binh cũng chật vật. Riêng ông Nguyễn Văn Quốc còn vướng vào một “nghi án” oái oăm: Năm 1972, một lần đụng địch, phải hủy tàu, ông và một số người bơi được vào bờ, được nhân dân đùm bọc và đưa lên núi để trở ra miền Bắc. Sau một thời gian an dưỡng chữa bệnh, ông được phục viên, nhưng chẳng may ông lại trùng họ tên với một kẻ chiêu hồi cùng thời gian ấy mà một vài người trong làng lén nghe đài nước ngoài biết được. Như một bản án bất thành văn, ông bị cô lập và thiệt thòi đủ thứ. Mãi đến khi Hội Cựu chiến binh Đoàn tàu không số tỉnh Quảng Bình được thành lập, đồng đội mới “giải oan” được cho ông. Lúc đó, ông đã rất già yếu...
Lại một thập niên nữa trôi qua kể từ lần hội ngộ đông vui ấy. Trong danh sách Hội Cựu chiến binh Đoàn tàu không số tỉnh Quảng Bình, số người còn sống đang ngày một vơi dần. Ký ức về Tập đoàn đánh cá Sông Gianh cũng ngày một phai mờ. Lịch sử rất công tâm, nhưng thời gian thì vô cùng nghiệt ngã. Bởi vậy, ý tưởng về việc xây dựng một tấm bia lưu niệm, một tượng đài hay phù điêu tại nơi ra đời Tập đoàn đánh cá Sông Gianh là hết sức nghiêm túc và hợp lý, hợp tình. Công trình ý nghĩa ấy, trước hết là vì những người hôm nay và các thế hệ mai sau...
Bút ký của MAI NAM THẮNG