Người đứng tên mời không phải ai khác, chính là ông Thống, người đã mừng tôi về nghỉ hưu tại quê nhà với một cây tùng dáng trực và lời chúc thật trịnh trọng nhưng cũng hàm chứa một điều gì đó khác người: “Hãy xứng đáng với cây tùng ẩn giấu nơi thôn dã”.

Ông khác người thì cả làng ai cũng biết. Nhưng khác đến mức mời người ta dự đám ma con chim thì khác đến thế là cùng! Giấy mời ghi rõ: “Vô cùng thương tiếc báo tin tới ông (bà) người bạn quý giá nhất của tôi đã qua đời. Xin trân trọng kính mời ông (bà) đến dự đám tang và đưa tiễn bạn tôi về nơi an nghỉ cuối cùng”.

Nếu chỉ đọc chữ trên giấy thì không ai nghĩ đấy là đám ma chim, mà cụ thể là một con vẹt. Chuyện về con vẹt nhà ông Thống đã râm ran khắp đầu làng, cuối xóm suốt cả tuần nay rồi. Chuyện từ vẹt sang chuyện ông Thống cũng là không dứt. Ông càng phất, càng lắm chuyện. Làng quê mà. Người ta bảo ông phất lên nhờ chơi cây. Cái ngông cộng với tài ăn nói của ông bỗng gặp thời mà lên như diều gặp gió. Nhiều người không ưa thì bảo: Một tấc đến giời! Cây gì mà hàng chục tỷ đồng. Nhưng nếu không phải tiền tỷ thì lấy gì mà ông xây nhà to thế. Lại còn tậu cả ô tô con. Nghe đâu là xe mẹt hay mẹc gì đấy của Tây Đức, nhiều tiền lắm! Ông đi khắp huyện, khắp tỉnh. Nghe ở đâu có cây lạ là ông đến. Đến một lần chưa được thì hai, thì ba... đến được mới thôi. Thế rồi khi khá lên ông vào cả Huế, Sài Gòn rồi lên Tây Nguyên cũng không ngại. Mới đây người ta bảo ông sang cả Trung Quốc, Đài Loan rước cây bằng máy bay về Hà Nội rồi cho xe cẩu chở về nhà. Khách đến xem cây nhà ông có ngày hàng chục xe con bóng nhoáng. Nghe nói có người giàu lắm. Có cả sếp lớn nữa. Bởi thế mấy thanh niên chăm cây, bê chậu nhà ông bây giờ cũng ra dáng “công nhân cổ cồn” lắm! Ông cho tiền, bắt phải ăn mặc cho đúng “tác phong cây cảnh”. Ông bảo đám trai trẻ làm thuê: Các quan bây giờ tinh lắm! Cây giá trị mà mấy thằng chăm cây nhếch nhác thế sao? Không được! Y phục phải xứng kỳ đức! Phải xứng với cây cảnh.

Ông nháy nháy con mắt rất tinh quái. Nhiều khi cao hứng ông cho bọn trẻ thêm tiền công rồi bảo: Tinh mấy cũng không bằng ta được! Làm cây cảnh là một nghề không chỉ tinh xảo mà còn phải tinh quái nữa. Cái lưỡi cũng phải dẻo mới uốn được cây theo ý khách. Bán hay mua, rẻ hay đắt, miễn là được lòng khách. Cây cảnh có giá cố định nào đâu?! Lòng người ưa dùng thì có giá, không ưa dùng thì đẹp mấy cũng chẳng có giá trị gì. Mà chuyện ưa dùng thì mỗi người mỗi sở thích, mỗi người mỗi cách dùng khác nhau. Không ai giống ai. Khách chơi mà! Suy cho cùng cây cảnh cũng là để cho người ta chơi mà thôi! Mà khách chơi thời hiện đại thì muôn vạn kiểu. Người biết chơi không nhiều mà cũng ít tiền. Đa phần là “trưởng giả học làm sang”. Nhiều tiền thì vung tiền làm sang. Nhiều quyền thì có kẻ khác làm sang cho. Người đời thì chê đám này. Ông Thống thì mê đám này. Có họ ông mới phất lên được. Việc ấy nghề nó dạy ông. Thì cứ xem phi vụ mua bán mới đây, lũ làm công trố mắt chẳng hiểu sao. Ông Thống thì "nửa nạc nửa mỡ": Làm ăn có lúc phải thế chứ! Bọn trẻ vẫn không thể hiểu. Chúng lạ gì ông. Lỗ mà ông cười được thế có mà trời sập! Nhưng theo tai chúng nghe được thì ông lỗ tới 20 nghìn USD.

leftcenterrightdel
      Minh họa: LÊ ANH 

Chuyện lạ này bọn làm công nhà ông “tuồn” ra cho làng vui chuyện. Chả là vừa có một đại gia trẻ tuổi “bứng” một cây ổi giả cổ với giá 30 nghìn USD. Người mua không trả giá và cũng không cần nghe ông Thống tán về cây. Chỉ ghé sát tai ông Thống dặn dò cái gì đó rồi bảo thư ký đưa ông Thống tiền. Cô thư ký vừa xinh đẹp vừa trang trọng đưa ông Thống tệp tiền xanh mới coong. Họ lên xe đi nhanh. Và cũng rất nhanh. Ngay hôm sau chính đại gia ấy đem cái cây vừa mua hôm qua đến bán cho ông Thống. Ông Thống vui vẻ mua lại với giá 50 nghìn USD. Vẫn cô thư ký xinh đẹp hôm trước trả tiền thì hôm nay nhận lại tiền. Chỉ khác là nhận xong không đưa cho đại gia trẻ tuổi mà đưa cho một người đàn bà trạc trên 50. Phấn son che hết cả mặt. Chẳng thể biết chính xác là bao nhiêu. Chắc là chị cả hay là bà cô của đại gia! Tiễn khách về, ông Thống hát như vừa được tiền chứ không phải mất tiền. Bọn trẻ thấy lạ mới hỏi:

- Mất tiền sao sếp vui thế.

- Ai bảo tao mất? Ông hỏi lại.

... Bọn trẻ ngơ ngác.

- Mất tiền, được tín thì cũng là T cả thôi! Ông Thống tinh quái nháy nháy mắt. Khi vui ông hay có động tác này.

Mấy ngày sau, vẫn đại gia trẻ ấy lại mua cây rồi trả cây đúng như kịch bản hôm trước. Chỉ khác là lần này, đi cùng đại gia trả cây là một mệnh phụ béo hơn, xởi lởi và thân thiện hơn. Bà không ngồi trên xe. Bà xuống xe nhận tiền và chia cho cả bọn trẻ làm công mỗi người một tờ xanh. Bà bảo mai bà lại đem cây còn đẹp hơn đến bán. Đúng như bà hẹn. Ngày hôm sau bà cho xe cẩu chở đến một cây đào khủng. Vẫn vui vẻ như hôm trước, bà nói với ông Thống:

- Cây này chị chỉ lấy hơn cây hôm qua một chút thôi.

- Thưa chị! Ở đây chỉ bán, không mua. Ông Thống lạnh lùng.

- Ơ kìa! Hôm qua chú vừa mua của chị đấy thôi. Bà tỏ ngạc nhiên.

- Hôm qua khác, hôm nay khác. Ông Thống vẫn thủng thẳng.

- Đúng thế. Cây này to và đẹp hơn nhiều. Thôi thì... chị cũng chỉ lấy bằng cây hôm qua 70 nghìn USD thôi! Bà cười xởi lởi.

- Đã bảo không mua là không mua! Ông Thống bỏ vào nhà.

Bà bán cây ngơ ngác không hiểu. Bọn trẻ làm công thì hiểu chữ “tín” ông Thống chỉ dành cho đại gia quen kia thôi. Người lái xe cẩu bảo:

- Người ta chỉ mua cây người ta bán thôi.

- Sao lại thế ? Bà vẫn chưa hiểu.

- Họ đã thỏa thuận với người mua trước rồi. Chị muốn bán cây này phải nhờ người biếu chị bán hộ mới được.

- Sao lại thế? Bà vẫn không hiểu.

- Thế là thế! Sang năm chị sẽ hiểu. Thôi! Em chở cây về cho chị để còn đi việc khác. Tết nhất đến nơi rồi.

- Ôi! Chở về làm gì? Nhà chị còn mấy cây đào nữa mà.

Lái xe vẫn quay đầu. Xe cẩu đi rồi, ông Thống mới chịu ra. Ông nhìn theo:

- Rách việc!

Đúng thế! Ông Thống là người của công việc. Việc đáng làm thì khó mấy, mất công mấy ông cũng không tiếc sức. Việc không đáng làm, nhất quyết không làm. Vậy sao việc con vẹt nó chết ông lại bày vẽ ra làm ma. Việc ấy chỉ có trời biết, đất biết và ông biết mà thôi. Người đời chỉ thấy mất vẹt là ông xót lắm. Hơn chục nghìn đô của ông chứ ít đâu. Ông mê con vẹt. Triết lý của ông là cái được việc là cái quan trọng. Thời đại lấy cái quan hệ làm đầu thì cái lưỡi là nhất. Lên hay xuống, đúng hay sai đều ở cái lưỡi cả. Cái lưỡi mà uốn khéo thì xấu cũng thành tốt, dở cũng thành hay! Mà đã hay thì phải thắng. Mà có thắng mới giàu. Mà có giàu mới sang! Đời mới mà! Vẹt mà nói tiếng Anh, tiếng Pháp và cả tiếng Nga nữa, thì cái lưỡi phải siêu rồi. Suốt tuần qua cả làng được ông cho nghe vẹt chào. Khi thì "gút, gút". Lúc lại "bông-zua". Đặc biệt là "bờ rờ vẹt". Ông cũng sẵn sàng giải thích cho người làng đâu là chào bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Ông thích thú nhất khi vẹt chào bằng tiếng Nga. Ai đến, ông cũng làm cho vẹt phải cất tiếng. Số là người bán cho thêm ông chục viên thuốc gọi là "kích nói". Họ dặn: Muốn nó nói một thứ tiếng thì cho uống một viên. Cả ba thứ tiếng thì ba viên. Tuy nhiên, phải cẩn trọng khi dùng thuốc. Cần thiết lắm hãy dùng. Ông Thống cho cả làng biết mình có con vẹt quý cũng là cần thiết. Cái loa làng nó lan nhanh không biên giới. Đã ly kỳ nó làm cho ly kỳ hơn. Mà cái nghề chơi cảnh của ông thì cần sự ly kỳ. Thuốc họ cho thật hiệu nghiệm. Ông dự định hết mười viên ông lấy tiếp mấy chục viên nữa. Nhưng... mới hết tám viên, vẹt đã quay ra chết. Nó chết lại sinh thêm chuyện ly kỳ. Với ông Thống không thể không ly kỳ!

Nhận được giấy mời dự đám ma đã là ly kỳ rồi. Nhưng đám ma vẹt thì còn ly kỳ hơn. Tôi biết đích thị là đám ma vẹt vì đầu làng, cuối xóm râm ran chuyện này suốt từ hôm qua. Kỳ cục đến thế là cùng. Đi hay không đương nhiên là quyền ở tôi. Ấy là nói về cái chân. Còn cái ứng xử thì đi hay không lại không hoàn toàn như vậy. Ở cái làng này, ông Thống mời, không đi là không được. Đi vừa được ăn, được nói, có khi còn được cả gói mang về. Không đi, chẳng những không được gì mà còn bị ông ấy “nhớ” cho cả đời. Mà ông ấy đã “nhớ” thì có mà khổ. Cái nhớ của ông nó kỳ cục lắm. Nhớ từ cao tằng tổ cho tới cao cao tằng tỷ ấy chứ. Mà ông đã “nhớ” thì chỉ toàn chuyện xấu xa khủng khiếp mà thôi. Người ta còn kháo nhau là không có chuyện để nhớ thì ông bịa chuyện ra để “nhớ”. Nói chung thì đừng để ông ấy phải “nhớ”. Cả làng này có nhớ điều ấy thì nhớ chứ đừng để ông ấy “nhớ” mình! Tôi mới về làng được vài tháng nhưng cái sự ấy tôi cũng có biết ít nhiều. Đã thế thì đi. Mất gì. Lại biết thêm một điều mới lạ ở đời. Lục thập nhĩ thuận. Cớ gì mà không đi. Dự đám ma vẹt có lẽ cũng là kiểm cái nhĩ thuận của lục thập thôi mà!

Truyện ngắn của ĐÔNG VĂN