Và tháng Tư năm 1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần kỳ, để non sông đất nước thu về một mối, Nam-Bắc sum họp một nhà.

Dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi được ngồi ăn cơm với Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 ở Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ (quận Tân Bình-TP Hồ Chí Minh). Trước khi vào bữa ăn, ông nói mọi người thắp nhang cho các đồng đội đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Xong nghi lễ, vị tướng già nâng ly rượu lên tuyên bố: “Uống đi tụi bây. Uống mừng ngày chiến thắng và tưởng nhớ đến đồng chí, đồng bào đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc”. Ông ngửa cổ uống cạn ly rượu, nhưng sau đó mắt bỗng ướt nhòe. Nước mắt kẻ thành dòng trên đôi gò má vị tướng dày dạn trận mạc, khiến chúng tôi cũng rưng rưng. Ông lặng người một lúc rồi bảo: “Chúng ta có được ngày hôm nay, là do công sức, xương máu của hàng triệu người Việt Nam đã đổ xuống để đánh đuổi quân xâm lược”. Tâm sự với lớp con cháu xong, ánh mắt của ông lại rất xa xăm, có lẽ đang tràn ngập ký ức của một thời hoa lửa, của những ngày tháng Tư ông đã chỉ huy Sư đoàn 7 cùng các đơn vị bạn phá tan “cánh cửa thép Xuân Lộc” để đại quân ta thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn.

leftcenterrightdel

Bình minh trên TP Hồ Chí Minh. Ảnh: PHI HÙNG  

Sau khi Đà Nẵng thất thủ (29-3-1975), chính quyền Sài Gòn gấp rút tổ chức tuyến phòng thủ mới từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh. Ở Xuân Lộc, địch tập trung một lực lượng lớn, nòng cốt là Sư đoàn 18 Bộ binh thiện chiến của Quân đoàn 3 ngụy. Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 Lê Nam Phong đã triển khai chỉ đạo của trên, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn để phá phòng tuyến phòng thủ của địch. Từ ngày 9 đến 20-4, những trận đánh giữa Quân giải phóng và quân ngụy diễn ra rất ác liệt, giằng co. Nhưng với sự mưu trí, sáng tạo trong cách đánh, dũng cảm trong chiến đấu, quân ta đã chia rẽ và tiêu diệt phần lớn quân địch, để ngày 21-4, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng.

Trên đà thắng lợi, Sư đoàn 7 cùng các cánh quân nhanh chóng tiến về hướng Sài Gòn để giải phóng Biên Hòa. 12 giờ ngày 30-4-1975, Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong cùng đơn vị của mình đã có mặt ở Dinh Độc Lập. Mỗi khi nhớ lại thời khắc lịch sử ấy, Trung tướng Lê Nam Phong rất xúc động: “Khi bước vào Dinh Độc Lập, thấy cánh cổng bị phá sập, mình chỉ muốn hét thật to lên: Chiến thắng rồi! Miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất rồi! Muốn vậy mà có hét lên được đâu, mình chỉ đứng lặng nhìn đồng chí, đồng bào đang hân hoan vui mừng khi nước mắt cứ trào ra. Cảm giác ấy hệt như ngày 7-5-1954, lúc mình đứng ở đồi Độc Lập khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng”.

Giờ đây, Trung tướng Lê Nam Phong đã về cõi vĩnh hằng. Rất nhiều đồng đội của ông cũng giã từ trần thế, nhưng những người lính chiến còn sống thì tháng Tư luôn là thời gian rạo rực, là thời điểm hẹn hò gặp mặt hay là những ngày rong ruổi về thăm lại chiến trường xưa để nhớ lại một thời đánh giặc cứu nước.

Tháng Tư năm nay, TP Hồ Chí Minh vẫn tràn ngập nắng. Nhưng có một điều khác mà mọi người dễ nhận thấy: Đó là một tháng Tư rạo rực, một tháng Tư đong đầy yêu thương và hừng hực khát vọng khi thành phố vừa trải qua làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư với bao mất mát, đau thương. Bỏ lại phía sau những tổn thất, hy sinh vì dịch bệnh, thành phố lại hào hứng với những mục tiêu phát triển mới của mình. Đúng như lời đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng ta đã phải chịu những hậu quả nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra, song chúng ta phải giữ vững niềm tin. Trong bất cứ điều kiện nào, cũng phải nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đưa thành phố phát triển đi lên”.

Tôi rong ruổi trên con đường Võ Thị Sáu (quận 3), xuyên qua đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh) và ngược ra Đại lộ Võ Văn Kiệt (đoạn đi qua quận 1). Chao ơi! Những chùm hoa kèn hồng bắt đầu khoe sắc, báo hiệu những ngày nắng nóng đã đến. Những bông hoa xinh xinh như những chiếc chuông nhỏ, làm cho ta cảm thấy lung linh trong sắc hồng và lòng rộn rã trong tiếng ve kêu gọi hè. Ngắm màu hoa kèn hồng, lòng người trở nên thư giãn và vui vẻ hơn. Chả thế mà những buổi sáng sớm hay lúc chiều tà, rất nhiều người dân cùng du khách lại dành thời gian rảnh để thả bộ hoặc chạy xe hóng mát dưới tán hoa đang nở rộ.

leftcenterrightdel
Khu du lịch văn hóa Suối Tiên là điểm hẹn của nhiều du khách. Ảnh: QUANG TUYẾN  

Những ngày này, người dân thành phố thường nói với nhau về những dự án giao thông quan trọng sẽ hoàn thành trong tháng Tư năm nay. Đó là Dự án cầu Thủ Thiêm 2, đường song hành Đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 1) và cải tạo kênh Nước Đen (quận Bình Tân). Cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 và TP Thủ Đức được khởi công từ năm 2015, với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng. Cây cầu này được hoàn thành, thông xe vào ngày 28-4 đã kết nối giao thông khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố và giảm áp lực cho cầu Sài Gòn, đường hầm Thủ Thiêm. Đường song hành Đại lộ Võ Văn Kiệt khởi công vào tháng 5-2021, với vốn đầu tư 54 tỷ đồng. Tuyến song hành được làm bên phải Đại lộ Võ Văn Kiệt (đi dưới cầu Calmette bên bờ kênh Tàu Hủ, nối đường Nguyễn Thái Học đến Pasteur) dài 615m, rộng 7m. Đường song hành góp phần giảm tải cho dòng xe qua giao cắt tại Đại lộ Võ Văn Kiệt-Ký Con. Dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen được thực hiện trên chiều dài 1,4km, rộng 40m tính cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh, được khởi công vào tháng 4-2020, với kinh phí 629 tỷ đồng. Những ngày này, dự án đã cơ bản hoàn thành, giúp việc đi lại được thông thoáng hơn và cải thiện môi trường cho khu vực, không còn tình trạng ngập ngụa rác, tắc nghẽn cống thoát nước.

Ngoài những công trình trên, mặt bằng đường Lê Lợi (đoạn chợ Bến Thành) cũng được chủ đầu tư dự án metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) khẩn trương hoàn trả cho thành phố. Và dịp 30-4, người dân và du khách sẽ không còn thấy các hàng rào tôn bao quanh cũng như cảnh ngổn ngang công trường.

Tháng Tư này, bộ mặt của TP Hồ Chí Minh đã khác hẳn so với tháng Tư năm trước. Đó là cảnh phố phường nhộn nhịp, đúng nghĩa là “Thành phố không ngủ”. Trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương vừa qua và dịp 30-4 tới đây, người dân thành phố rủ nhau đi du lịch rất nhiều. Cùng với đó, hàng trăm nghìn lượt khách cũng đến và dự định sẽ tham quan du lịch Thành phố mang tên Bác vào các ngày nghỉ lễ. Theo ông Vũ Hải Sâm, Phó giám đốc Khối du lịch nội địa Lữ hành Saigontourist, các ngày lễ lớn trong tháng 4-2022, doanh nghiệp kỳ vọng phục vụ hơn 12.000 khách, gồm cả khách doanh nghiệp, khách cá nhân... Dịch Covid-19 được kiểm soát thì các tour du lịch ngắn ngày, dài ngày từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành phố trong cả nước hay các tour đi Thái Lan, Singapore, Campuchia, Dubai, châu Âu... nở rộ như hoa mùa xuân. Đặc biệt, thành phố có dịch vụ “Ngắm TP Hồ Chí Minh từ trên cao” bằng máy bay trực thăng của Công ty trực thăng miền Nam với hai bãi đón trả khách là: Bệnh viện Quân y 175 và sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là một trải nghiệm lý thú, độc đáo cho du khách. Tính đến thời điểm này, đã có hàng trăm khách đăng ký dịch vụ du lịch ngắm thành phố từ trên cao.

Tháng Tư, không chỉ người dân TP Hồ Chí Minh mà mọi người đều vui mừng khi kinh tế quý I-2022 của thành phố đã có mức tăng trưởng dương (khoảng 1,88%). Sự phục hồi nhanh chóng của địa phương được ví là “đầu tàu kinh tế” của đất nước, đã kéo theo sự phục hồi và phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như các tỉnh, thành phố khác. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, số doanh nghiệp trở lại hoạt động đạt tỷ lệ cao (riêng khu công nghệ cao đạt 100%), ngoài khu công nghiệp đạt trên 90%.

leftcenterrightdel
Khai trương dịch vụ bay "Ngắm thành phố từ trên cao" tại bãi đỗ trực thăng Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: HÙNG KHOA 

 

Tháng 4-2022, TP Hồ Chí Minh ngập tràn cờ hoa. Du khách và người dân lại dâng trào cảm xúc về ngày chiến thắng, về những khó khăn, thử thách khốc liệt nhất của đại dịch Covid-19 đã qua đi. Tôi cũng rạo rực trong sắc nắng và không khí tháng Tư khi nghe giai điệu bài hát “Cảm xúc tháng tư”, thơ của Phạm Minh Châu, nhạc của Quỳnh Hợp: “Mỗi tháng tư về em có thấy không?/ Biểu ngữ cờ bay rực rỡ sắc hồng/ Từng đoàn cờ người viếng nghĩa trang thành phố/ Những vòng hoa rạo rực nắng mai...”.

Bài hát cho ta nhớ về ngày đất nước được thống nhất, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Nó cũng thúc giục chúng ta phải tiếp nối truyền thống hào hùng của cha anh, để xây dựng thành phố này, đất nước này “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, để “Sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong ước.

TP Hồ Chí Minh, tháng 4-2022

LÊ PHI HÙNG