Đây là một thực tế đáng quan tâm. Nhiều năm nay, vào dịp 22-12 hằng năm, tại không ít địa phương và tập thể, các hoạt động giáo dục truyền thống, tri ân người có công... thường nổi bật hơn các hoạt động phát huy sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc theo đúng tinh thần Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Chưa kể, tại nhiều địa phương và tập thể, các hoạt động kỷ niệm truyền thống cứ “đến hẹn lại lên”, thiếu năng động và sáng tạo, kém sinh động và hiệu quả.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) kiểm tra đường biên, mốc giới. |
Cách nay 10 năm, dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Hội Doanh nghiệp trẻ ở TP Hải Phòng đã tổ chức Lễ ký kết tiếp nhận 105 chiến sĩ nghĩa vụ quân sự của thành phố sắp xuất ngũ.
Cùng dịp đó, ở huyện An Lão, có vợ một chiến sĩ đang công tác tại Trường Sa, đã tốt nghiệp sư phạm mẫu giáo nhưng chưa có việc làm, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng đã tích cực chỉ đạo các ngành liên quan xem xét, tiếp nhận cô vào ngành giáo dục huyện. Những việc làm trên đây đã có tác dụng tích cực tới công tác tuyển quân của thành phố ngay sau đó.
Gần đây, nhiều ngành, đoàn thể và địa phương đã có những hoạt động tích cực trong Ngày hội Quốc phòng toàn dân, trong đó có phong trào “tiếp sức” cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở các vùng biên giới và hải đảo. Những chương trình và phong trào ấy được sự đồng tình, hưởng ứng, tham gia của đông đảo nhân dân; thiết thực xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân tại địa phương, giữ vững an ninh trật tự tại cơ sở. Mỗi cách làm linh hoạt, sáng tạo, thiết thực như thế đều thể hiện ý thức, trách nhiệm “quốc phòng toàn dân” của mỗi người dân.
MAI NAM THẮNG