Bức điện BRQ của De Castries
Tôi gặp Đại tá Phạm Gia Ninh hai lần tại nhà riêng trong khu tập thể ở gần đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội vào năm 2016. Lúc ấy ông còn khỏe, minh mẫn.
Trước khi nghỉ hưu, Đại tá Phạm Gia Ninh có nhiều năm làm công tác tổng kết nên ông nắm được nhiều thông tin, nhiều chuyện về ngành tình báo quốc phòng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là chuyện về trinh sát kỹ thuật (TSKT) trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tháng 12-1953, cơ quan tình báo cử tổ TSKT gồm 20 người lên đường đi Chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ). Hơn hai tuần xuyên rừng, vượt suối, băng đèo, đội TSKT tiền phương đã đến Mường Phăng và được bố trí ở trong một căn hầm kiên cố gọi là “đại bản doanh xuyên sơn”. Tại đây, tổ đã làm việc liên tục 24/24 giờ để chặn thu sóng địch. Có hai chiến công nổi bật mà TSKT lập được rất giá trị: Thu được điện về việc địch biết ta điều Đại đoàn 308, lực lượng chủ công của chiến dịch di chuyển sang Thượng Lào. Địch cho rằng ta bỏ Điện Biên Phủ, liền điều động quân lên Thượng Lào và bị ta tiêu diệt, giải phóng một vùng rộng lớn giáp biên giới. Nhưng đáng kể nhất là TSKT đã thu được bức điện BRQ (bulletin renseignement quotidian) của De Castries, báo cáo về Bộ tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Hà Nội hằng ngày và giải mã nó.
Bức điện này quan trọng vì có 8 mục, được mã hóa, mỗi mục chứa đựng nhiều thông tin có giá trị, như: Quân số tổn hao, sĩ quan, binh sĩ bị thương vong; tình hình vũ khí, đạn dược, xăng dầu, lương thực, thuốc men; tình hình xây dựng công sự, hầm hào chiến đấu; kết quả chiến đấu, đánh nống, đánh lấn, phản kích; hoạt động của lực lượng Việt Minh; kế hoạch xin tăng viện...
Để có được kết quả ấy, các thu tin viên, mã thám viên và cán bộ tổng hợp phải làm việc liên tục. Họ rà soát, quét tìm, khống chế được hệ thống sóng mạng thông tin liên lạc của quân Pháp từ lòng chảo Điện Biên đi các nơi; sóng mạng liên lạc của địch giữa Hà Nội với Điện Biên và một số sóng mạng của địch ở Trung, Thượng Lào, liên quan đến biến động tác chiến của địch ở Điện Biên Phủ.
Bộ phận chặn thu tin được chia thành các ca, mỗi ca gồm 2 thu tin viên, làm việc liên tục trong 3 giờ/ca. Thông tin từ TSKT được truyền qua điện thoại hữu tuyến đến thẳng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch.
Đại tá Phạm Gia Ninh nhớ lại, việc chặn thu sóng là hết sức khó khăn vì địch đề phòng bằng nhiều biện pháp kỹ thuật, chiến thuật để che giấu, đánh lừa ta. Trên mạng truyền tin, chỉ huy địch thường nhắc nhở, cảnh báo các báo vụ viên, mật mã viên của chúng: “Attention! Viet Minh qui vous écoute! (Coi chừng, Việt Minh đang nghe anh đấy!). Chúng ra lệnh: “Limite antenne!” (Hạn chế ăng-ten lại). Ngoài ra, bọn địch còn dùng nhiều phiên hiệu khác từ cấp binh đoàn trở lên để “trốn mặt”, đánh lừa ta. Trong khi phát sóng truyền tin, mỗi mạng thông tin liên lạc địch lại sử dụng nhiều tần số khác nhau và thay đổi liên tục, nhất là thông tin quan trọng như mạng thông tin giữa Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với Hà Nội.
Ngoài việc mã hóa tin tức để giữ bí mật, địch dùng quy ước truyền tin, chuyển tần số, chuyển mục khi truyền điện. Địch sử dụng từ 3 đến 4 tần số khác nhau trong mạng khi liên lạc giữa Điện Biên với Hà Nội để đánh lừa ta.
Thế nên, nếu thu tin viên không tỉnh táo, tập trung và chủ động thì dễ bỏ sót các mục sau của bức điện, hậu quả sẽ rất tai hại. Chưa hết, các bức điện thu về phải được các mã thám viên giải mã. Đây là công việc rất khó khăn bởi địch luôn phòng thủ bằng cách thay đổi hệ thống khóa mã. Nhưng bằng khả năng tuyệt vời, đồng chí Khanh và Hường đã giải mã được bản báo cáo về toàn bộ lực lượng địch ở Điện Biên Phủ, gồm 21 tiểu đoàn với phiên hiệu chính xác.
Để đối phó với các thủ đoạn của địch, bộ phận thu tin đã bố trí thêm một máy thu (máy Recherche) để hai người làm việc đồng thời, bổ trợ nhau. Với cách làm đó, bộ phận thu tin đã khống chế mạng thông tin liên lạc giữa Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với Bộ tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Hà Nội và lấy được nhiều thông tin quan trọng.
Tấm bản đồ giá trị
Năm 2016, tôi tìm đến nhà Đại tá Hùng Châu, nguyên cán bộ của Tổng cục II, nhà ở phố Huế, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Sau lần bị tai biến, Đại tá Hùng Châu phải ngồi xe lăn. Ông nói khá khó khăn khiến tôi mất hai ngày mới ghi chép được các thông tin về chiến công của Cục II trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong chiến dịch này, đồng chí Hùng Châu thuộc biên chế Đại đội 62 (Tiểu đoàn 426, Cục II, Bộ Tổng Tham mưu). Ông kể, vào cuối năm 1953, Tiểu đoàn 426 lệnh cho Đại đội 62 đang làm nhiệm vụ ở Nà Sản cơ động vào lòng chảo Điện Biên để làm binh yếu địa chí, đánh dấu các vị trí của địch trên bản đồ và đắp sa bàn. Lúc đó cả đội chỉ có một tấm bản đồ 1/100.000 khu vực Điện Biên Phủ mà hình ảnh rõ nhất là sông Nậm Rốm nên công việc rất khó khăn. Để hoàn thành nhiệm vụ, các chiến sĩ phải bò vào vị trí đóng quân của địch, trinh sát cứ điểm phòng ngự, rồi đánh dấu trên trên bản đồ theo vần A, B, C, D, E.
Đang làm nhiệm vụ thì Đại đội 62 phát hiện địch đổ quân bằng máy bay xuống các vị trí rồi làm lều bạt để ở, nhưng không thấy chúng chuyển quân mà lều bạt cứ mất dần. Sau nhiều ngày đeo bám, phát hiện địch đào công sự đến đâu dỡ dần lều bạt đến đó, hoặc hạ thấp xuống. Lúc đầu cỏ trên đồi còn nhiều đám xanh, sau đó dần dần đỏ quạch. Tin địch xây dựng công sự kiên cố ở các cứ điểm được chuyển về Bộ chỉ huy chiến dịch. Sau này, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói, đây là một căn cứ để đưa ra phương châm “đánh chắc, tiến chắc” thay vì “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Cũng từ đây, trên bản đồ có thêm các tên A1, A2, C1, C2...
Đang loay hoay với nhiệm vụ thì Đại đội 62 đoạt được bản đồ 1/25.000, gồm 25 bản đồ vùng chảo Điện Biên. Chuyện là, sau lần vượt Đường 41 không thành công vì bị phục kích, đêm thứ ba, 6 người do đồng chí Trần Phận, Phân đội phó chỉ huy đã đột nhập và ém quân ở lạch suối chảy qua Nà Noong. Ngày quan sát, đêm tiềm nhập vào sân bay Mường Thanh. Ngày 24-12-1953, do thấy địch thả nhiều dù, trong đó có một dù màu đỏ, khác biệt với dù hoa nên đội trinh sát rất nghi ngờ. Đến đêm, đội tiềm nhập vào sân bay tìm mãi mới thấy dù đỏ thả hòm sắt và một hòm gỗ, mang về kiểm tra thấy bên trong đựng từng cuộn bản đồ, giấy ảnh đã rửa. Tấm bản đồ giá trị này được đưa lên đồng chí Cao Pha, Phó trưởng Ban Quân báo chiến dịch. Lập tức, một đồng chí được cử dùng xe Jeep chạy hỏa tốc suốt ngày đêm về hậu phương in ra nhiều bản đưa lên mặt trận, phát cho các đơn vị. Tổ trinh sát của đồng chí Trần Phận được khen thưởng ngay tại mặt trận.
Từ tấm bản đồ 1/25.000 ta lấy được của địch, các đơn vị pháo binh, cao xạ... có phương tiện chiến đấu hữu hiệu, lập nhiều chiến công. Dựa vào bản đồ này, đồng chí Hùng Châu và cơ quan tham mưu đã đắp một sa bàn nổi về Điện Biên Phủ mô tả đầy đủ những cứ điểm, vị trí đặt hỏa lực, vật cản của quân Pháp.
Dùng con bài ném bom đe dọa Việt Minh
Đại tá Hùng Châu kể, trong thời gian diễn ra chiến dịch, ông đã phá được kế dùng máy bay ném bom để phá vây của địch.
Vào đầu tháng 4-1954, trong khi quân ta khép chặt vòng vây, chuẩn bị tổng công kích đợt ba thì có một tên ra trình diện. Hắn khai tên là Louis Baigneau, lính biệt kích từng hoạt động tại hậu phương của ta. Hắn khoe, nắm được nhiều tin rất quan trọng. Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh đưa hắn về Mường Phăng để “hỏi chuyện”. Ông Châu được giao nhiệm vụ này.
Ông Hùng Châu tả chi tiết, hắn trạc 35-40 tuổi, dáng người vạm vỡ, tay đeo nhẫn vàng dày cộp; khuôn mặt có vẻ lì lợm như một tay anh chị giang hồ. Hắn mang theo một vali đầy vải vóc, cùng đồng hồ để bàn, đeo tay, như để phô trương và “quyến rũ” những người canh giữ. Nhiều cán bộ của ta lúc đó nhận định, có thể tên này bất đồng với cấp trên nên có thái độ bốc đồng?
Trong khi các cán bộ của ta còn đang nghiên cứu lời khai thì vài ngày sau Baigneau đòi gặp ông Hùng Châu và thổ lộ: “Tôi biết rõ tình hình, có lời khuyên các ông chớ liều lĩnh tiêu diệt Điện Biên Phủ. Hãy dừng lại đây kẻo quá muộn. Người Mỹ đã có chủ trương dùng máy bay ném bom oanh tạc trận địa của các ông để cứu quân Pháp... Để tránh thương vong vô ích, các ông hãy nghe ý kiến của tôi”.
|
|
Đại tá Hùng Châu, cán bộ tình báo quốc phòng. Ảnh: ĐỨC HÙNG
|
Đến đây thì ông Hùng Châu và các cán bộ cơ quan tham mưu đã nhận ra bộ mặt thật của con “tốt thí” Baigneau. Rõ ràng là quân Pháp muốn ta dừng tiến công, nới bỏ “thòng lọng” để có thời gian chờ viện binh do Đại tá Crève Coeur từ Lào kéo sang giải vây hoặc ít nhất cũng chờ Hội nghị Geneva khai mạc để đưa ra con bài “ngừng bắn”, cứu cho nguy cơ quân Pháp bị thất bại trong “chảo lửa” ở Điện Biên Phủ.
Đại tá Hùng Châu phân tích thêm: Từ nguồn tin tình báo ta biết được, đầu tháng 3-1954, Paul Ely, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp đã tiếp xúc với Đô đốc Radford, Chủ tịch Hội đồng Liên quân Hoa Kỳ tại Washington để xin tăng viện trợ cho quân Pháp tại Đông Dương. Radford đã đưa ra ý tưởng mở chiến dịch “Vautour” (chim kền kền), dùng máy bay oanh tạc trận địa quân Việt Minh, giải vây cho quân Pháp trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thế nhưng, ý tưởng này bị chính giới Mỹ và Anh phản đối kịch liệt nên chúng lợi dụng thông tin này để đe dọa Việt Minh trên chiến trường.
TRẦN XUÂN