Từ Đồi A1 huyền thoại...

Một sáng tháng Năm, trong không gian Nhà truyền thống Sư đoàn 316 (Quân khu 2), các chiến sĩ trẻ Trung đoàn 98 lặng lẽ quan sát những tấm bia ghi danh 7.433 liệt sĩ của đơn vị. Ánh mắt các bạn trẻ dừng lại thật lâu trước từng dòng tên, quê quán, dù chỉ là một dòng khắc ngắn gọn trên bia đá nhưng là cả một cuộc đời đã hóa thân cho quê hương, đất nước.

“Đây là các chiến sĩ đã viết nên lịch sử bằng máu và sinh mạng của mình. Mỗi cái tên là một biểu tượng sống động về lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất của Bộ đội Cụ Hồ”, Đại tá Lâm Dũng Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 316, xúc động chia sẻ khi dẫn chúng tôi tham quan Nhà truyền thống. Giọng anh trầm xuống khi nhắc đến những ngày tháng đơn vị chiến đấu sống còn với giặc trên chiến trường Điện Biên Phủ.

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 (Quân khu 2) tham quan, học tập tại Nhà truyền thống đơn vị. 

Tháng 5-1954, Trung đoàn 174, đơn vị chủ lực của Đại đoàn 316 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An (sau này là Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân) phối hợp cùng lực lượng công binh do trên tăng cường đã ghi vào lịch sử một chiến công vang dội: Khoan đường hầm dài hơn 40m dưới mưa bom bão đạn của quân thù, xuyên sâu vào lòng Đồi A1, đặt trong đó khối bộc phá nặng gần 1.000kg. Sức công phá của khối thuốc nổ không chỉ làm rung chuyển lòng chảo Điện Biên mà còn xé toang cái gọi là “cánh cửa thép” không thể xâm phạm của quân Pháp ở Điện Biên Phủ, trở thành hiệu lệnh tổng công kích cho toàn mặt trận. Chiến công đặc biệt ấy đã góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.

Bên trong Nhà truyền thống Sư đoàn 316, những bức ảnh đã ngả màu thời gian; quả bộc phá, những khẩu súng cùng những tấm huân, huy chương được sắp đặt trang trọng như một thước phim quay chậm từ hiện tại trở về những năm tháng chiến đấu, hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn qua các thời kỳ. Binh nhất Lê Đức Trọng, chiến sĩ Tiểu đội 7 (Trung đội 9, Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98) lặng lẽ bên chiếc ghế gỗ, ghi chép tỉ mỉ vào cuốn sổ tay ý nghĩa của từng hiện vật. “Lần đầu tôi được nghe kể một cách đầy đủ về thành tích đặc biệt xuất sắc của bác Đặng Đức Song, dũng sĩ Đồi Xanh. Điều khiến tuổi trẻ chúng tôi thực sự xúc động, cảm phục là những người anh hùng ấy đã anh dũng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”.

Không chỉ có dũng sĩ Đặng Đức Song, tên tuổi những người anh hùng: La Văn Cầu, chặt tay bị thương để tiếp tục ôm bộc phá xung phong; Bế Văn Đàn, người lính can trường, quả cảm lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội tiêu diệt quân thù; Hoàng Văn Nô, dũng sĩ đâm lê huyền thoại... cũng hòa vào dòng chảy truyền thống sục sôi của Sư đoàn.

... đến chiến trường Tây Nguyên và trận mở màn chiến dịch

4 năm sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tháng 3-1958, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 đón nhận vinh dự lớn lao khi được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, giao nhiệm vụ cho Sư đoàn trở lại chiến trường xưa, cùng nhân dân lao động sản xuất, xây dựng nông trường Điện Biên trở thành nông trường quốc doanh đầu tiên của cả nước.

 “Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá

Núi cao, chí khí ta còn cao hơn...”.

Những câu thơ Bác tặng đã tiếp thêm ý chí cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, thôi thúc họ lên đường, cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc cải tạo vùng đất bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh thành những cánh đồng lúa, đồng ngô tươi xanh bát ngát. Đó cũng là thời điểm đầy gian khó, nhưng cũng là cơ hội thử thách ý chí, nghị lực phi thường của những người lính từng vào sinh ra tử nơi lòng chảo Điện Biên.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lao động sản xuất tại Điện Biên, Sư đoàn 316 tiếp tục được chọn làm lực lượng chủ công trên nhiều chiến trường ác liệt. Nổi bật là 13 năm kề vai sát cánh với bộ đội Pa Thét Lào, chia ngọt sẻ bùi trên đất bạn, góp phần giải phóng nhân dân Lào anh em.

Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian khổ, ác liệt, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 lại hành quân ra trận. Đặc biệt, Sư đoàn 316 được giao trực tiếp đánh trận mở màn, then chốt, quyết định vào Buôn Ma Thuột, tiêu diệt sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, mở toang cánh cửa thép phía Tây Bắc Sài Gòn, tạo thời cơ quan trọng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngọn lửa truyền thống trong tim người lính trẻ

Đến các cơ quan, đơn vị thuộc Sư đoàn 316 vào những ngày này, chúng tôi hiểu rằng, truyền thống là niềm tự hào và là “chất liệu sống” nuôi dưỡng tâm hồn bộ đội, bồi đắp ý chí, niềm tin cho các chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hơn thế, truyền thống quý báu ấy được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn hôm nay gìn giữ, trao truyền bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm cùng những hành động cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh.

“Với Sư đoàn 316, truyền thống không chỉ nằm trong sách báo, tài liệu tuyên truyền, mà “sống” trong tim bộ đội. Chúng tôi không tuyên truyền, giáo dục chiến sĩ bằng các khẩu hiệu khô cứng, mà tạo điều kiện để các bạn trẻ cảm nhận, thấm và sống cùng truyền thống”, Thượng tá Nguyễn Trí Thanh, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 316 tâm sự khi đưa chúng tôi tham quan “Đồi cây tri ân”, một công trình tưởng niệm độc đáo trong khuôn viên đơn vị.

Mỗi cây xanh nơi đây được trồng nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Quân đội, đơn vị hoặc để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Vào các dịp lễ, Tết, những chiến sĩ trẻ như Binh nhất Lê Đức Trọng lại háo hức đến chăm chút từng gốc cây, kính cẩn thắp nén hương tri ân các thế hệ cha anh đi trước.

“Tôi từng nghĩ truyền thống là thứ gì đó xa vời, học để biết. Nhưng sau các buổi sinh hoạt truyền thống, được nghe các nhân chứng lịch sử, các bác cựu chiến binh kể chuyện, nhất là khi tận mắt thấy ảnh Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng để đồng đội tiêu diệt quân thù, hay đọc những dòng nhật ký của bác Hoàng Văn Nô, tôi mới hiểu: Truyền thống chính là tấm gương sáng để mỗi chúng ta tự soi lại mình”, Lê Đức Trọng chia sẻ sau buổi học chính trị tại Đại đội.

Để bộ đội thực sự hứng thú với các buổi tham quan, giáo dục truyền thống, đơn vị thường xuyên lồng ghép truyền thống hào hùng của đơn vị vào các tiết huấn luyện, giờ học chính trị, từng buổi sinh hoạt. Truyền thống được kể bằng chính câu chuyện của những người từng sống và chiến đấu để các bạn trẻ cảm nhận bằng trái tim, chứ không chỉ học bằng tai. Bên cạnh đó, theo Thượng tá Nguyễn Trí Thanh, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, hành trình “về nguồn”, thi tìm hiểu lịch sử; thực hiện các chuyến hành quân dã ngoại tới các địa danh từng là chiến trường xưa. Mỗi hoạt động ấy đều như những cây đuốc nhỏ, gom lại thành ngọn lửa lớn trong tâm hồn người lính. Đúng như đúc kết đầy tâm huyết của Đại tá Lâm Dũng Tiến: “Tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” hôm nay không chỉ là tinh thần dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, mà chính là không quản ngại gian khó trong huấn luyện, không chùn bước trước nhiệm vụ khó khăn, không dao động tư tưởng trước những mặt trái của cuộc sống. Đặc biệt, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn muốn thông qua các chiến công, chiến lệ, cách đánh truyền thống từ các chiến dịch mà Sư đoàn từng tham gia để đưa vào chương trình huấn luyện, bảo đảm vận dụng phù hợp với điều kiện, hình thái tác chiến mới”.

Trên thao trường nắng nóng như đổ lửa, trong hầm hào chiến thuật hay giữa những ca canh gác trong đêm khuya yên tĩnh, truyền thống của Sư đoàn 316 vẫn song hành cùng các chiến sĩ. Họ không chỉ là hậu duệ tiêu biểu của bao lớp cha anh đi trước, mà đang viết tiếp những trang sử hào hùng của cha anh bằng tất cả ý chí, nghị lực và trái tim son sắt với đất nước, quê hương.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG