Cách đây hơn một tháng, những phi công lái trực thăng quân sự và thành viên tổ bay của Trung đoàn 930 (Sư đoàn 372) và Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370) đến Trung đoàn 916 (Sư đoàn 371) để huấn luyện và tiến hành hợp đội. Lúc gặp nhau, Thiếu tá Nguyễn Xuân Chinh, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 930, cũng là một phi công bay trong đội hình chia sẻ với tôi rằng anh khá lo lắng với nhiệm vụ này. Bởi, đây là lần đầu tiên Chinh cùng đồng đội huấn luyện "duyệt đội ngũ" bằng máy bay trực thăng. Tôi cười xòa, khỏa lấp tâm tư và động viên đồng đội: "Yên tâm đi, rồi đâu sẽ vào đó cả thôi!".

Bay trên không mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc diễu hành trong sự kiện kỷ niệm lớn là nội dung chưa có trong giáo trình, tài liệu huấn luyện trực thăng. Trong lịch sử của Không quân nhân dân Việt Nam, Trung đoàn 916 chúng tôi là đơn vị duy nhất được thực hiện nhiệm vụ này vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội (2010) và chào mừng Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam hồi cuối năm 2022. Tuy nhiên, số trực thăng tham gia ở hai sự kiện trên còn hạn chế. Gần nhất, trong Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam chỉ có 6 chiếc. Lần này, chúng tôi bay tới 3 biên đội, lên đến 11 chiếc. Theo hiệp đồng, đội hình sẽ bay qua lễ đài trước khi diễu duyệt dưới mặt đất rồi bay trên tuyến đường chính của TP Điện Biên Phủ tới 45 phút.

Tôi nhớ, hôm họp giao nhiệm vụ, trong phát biểu, Thượng tá Nguyễn Bá Đức, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 916 nói, theo nghiên cứu của anh, các trận đánh ở Điện Biên Phủ cách đây 70 năm đều phải mở rào bằng bộc phá. Đội hình tổ bộc phá thường được xếp theo hình mũi tên, một trước hai sau. Khi bộc phá viên số 1 tiến lên đặt bộc phá mở rào, hai chiến sĩ ở phía sau có nhiệm vụ trợ chiến và sẵn sàng thay thế. Chiến thuật ấy đã nhanh chóng tạo được cửa mở để các lực lượng phía sau cơ động đánh tan các lô cốt đầu cầu và phát triển vào tung thâm trận địa phòng ngự của quân Pháp. Thế nên, ngoài ý nghĩa biểu dương lực lượng, biểu thị sự lớn mạnh của Quân đội thì đội hình mũi tên của trực thăng bay trong ngày kỷ niệm này còn mang ý nghĩa biểu trưng đặc biệt của hình tượng đó. Do vậy, giữ khoảng cách đều trong di chuyển trên không có ý nghĩa rất quan trọng.

leftcenterrightdel

Trực thăng huấn luyện Trung đoàn 916 bay diễu hành. Ảnh: GIANG HUY

Trước yêu cầu nhiệm vụ, những phi công được lựa chọn bay "duyệt đội ngũ" lần đầu khá lo lắng. Trung tá QNCN Vũ Văn Huynh, cơ giới trên không của Trung đoàn 917 hỏi tôi: "Làm thế nào để theo được các anh?".

Tôi chia sẻ chút ít kinh nghiệm của mình với Huynh rằng, cứ coi như một buổi tập đội ngũ thông thường dưới mặt đất mà quân nhân nào cũng thuần thục là phải xác định được hai điểm chuẩn gồm gáy của người đi trước và khuy áo ngực thứ hai người đi bên phải mình. Khi xác định được điểm chuẩn sẽ giúp người đi trong hàng điều chỉnh được tốc độ, giữ được cự ly, khoảng cách với người đi phía trước và bên cạnh.

leftcenterrightdel
Các phi công trực thăng của các biên đội bay. Ảnh: ĐỨC LONG 

Vận dụng điều ấy vào bay "duyệt đội ngũ", tùy vào vị trí trong đội hình, các phi công cần lấy điểm chuẩn trên thân máy bay phía trước và bên cạnh từ trong huấn luyện xếp đội hình trên đường băng cho đến khi bay trên không trung. Ngồi trong buồng lái dưới mặt đất, các phi công phải thực tập bài đơn giản nhất là lấy điểm chuẩn trên kính của máy bay mình đối chiếu với điểm chuẩn trên máy bay của đồng đội ở phía trước và bên cạnh. Mục đích là để quá trình bay, các phi công dễ quan sát, căn cứ vào các điểm chuẩn trên thân máy bay của đồng đội ở phía trước và bên cạnh để giữ tốc độ, cự ly, khoảng cách cho đều. Ví dụ, tôi đi số 1 của Biên đội 1, thì hai số phía sau ở hai bên là 2 và 3 phải giữ khoảng cách 30-50m. Các biên đội phía sau phải giữ tốt cự ly với biên đội trước; thẳng theo trục dọc và cùng một khung độ cao.

Những ngày làm công tác chuẩn bị và huấn luyện bay ở Hòa Lạc trong cái nắng đầu hè, chúng tôi khá vất vả. Máy bay được xếp trên đường băng nóng như nung khiến ai ngồi trong buồng lái cũng vã mồ hôi. Nhưng với sự nghiêm túc và tinh thần tích cực, tập trung cao độ, các bài tập từ đơn giản đến phức tạp đều được chúng tôi thực hiện đạt chất lượng tốt.

Lần đầu bay hợp luyện, vấn đề giữ khoảng cách giữa các số trong đội hình luôn là chủ đề chính để đưa ra rút kinh nghiệm. Bởi thực tế cho thấy, khí tượng trên đường bay ở mỗi thời điểm là khác nhau, hơn nữa việc máy bay mang theo quả nặng 120kg  dưới bụng và lá cờ kích thước 5,4x3,6m ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì tốc độ bay. Nhờ có sự truyền thụ kinh nghiệm tận tình, các phi công lần đầu được bay trong nhiệm vụ này của Trung đoàn 917 và 930 cũng đã nắm được kỹ thuật và dần hoàn chỉnh kỹ năng. Thế nên, những lần bay thử phục vụ hợp luyện diễu binh, diễu hành tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 ở Miếu Môn, 3 biên đội bay đều đến đúng thời gian và giữ được đội hình đồng đều theo yêu cầu của Ban tổ chức.

Ngày 16-4, đội hình diễu duyệt chúng tôi lần đầu tiên bay lên TP Điện Biên Phủ theo đường bay đã định sẵn.

Thức dậy từ hơn 4 giờ sáng, chúng tôi làm công tác chuẩn bị. Đến hơn 7 giờ, trong cái nắng tràn ngập sân bay Hòa Lạc, những "con chuồn chuồn sắt" do chúng tôi điều khiển bắt đầu rời mặt đất. Tiếng cánh quạt rít gió vọng vào buồng lái không có gì khác biệt, nhưng tôi có cảm giác khác lạ so với những lần tập trước. Nó đến rất nhanh và cũng qua rất nhanh. Tôi nâng dần độ cao đến điểm chuẩn rồi chờ lệnh của chỉ huy.

Sau vài giây, tôi cho máy bay tăng dần tốc độ và đạt đến 200km/giờ thì giữ ổn định và bay theo hành trình. Cánh đồng Điện Biên hiện ra, nơi 70 năm trước là chiến trường khốc liệt đã bị thu hẹp, nhường chỗ cho các công trình, cơ sở hạ tầng và nhà ở. Những mái nhà cao tầng đủ màu không khác biệt nhiều so với địa hình các nơi khác mà tôi đã bay qua. Duy chỉ có vùng núi non trùng điệp bao quanh lòng chảo xanh ngăn ngắt dưới nắng. Bay tập ở đây, chúng tôi thấy phát sinh một số vấn đề, trong đó nổi bật là điều kiện địa hình phức tạp, nhiều đồi núi cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc giữ đội hình và tốc độ bám đuổi của các số. Khi rút kinh nghiệm sau đó, nhiều giải pháp được đưa ra bàn thảo, trong đó vấn đề nổi bật là luyện kỹ năng giữ và điều chỉnh tốc độ, độ cao và lựa chọn đường bay có lợi nhất.

Lần thứ hai đội hình của chúng tôi lên TP Điện Biên Phủ vào ngày 19-4. Theo kế hoạch, sau khi bay tập 45 phút như quy định của Ban tổ chức, chúng tôi về hạ cánh ở sân bay Mường Thanh mà nay là Cảng hàng không Điện Biên. Ở đây, các lực lượng chức năng của Sư đoàn 371 đã xây dựng nhà bạt và các công trình dã chiến để phục vụ huấn luyện và tham gia diễu hành sắp tới.

Từ đây, chúng tôi được sống trọn vẹn với vùng đất lịch sử hào hùng và ngập tràn những câu chuyện chiến đấu hiển hách, huyền thoại của cha ông. Tôi tin, với tinh thần chiến sĩ Điện Biên năm xưa, chúng tôi sẽ thể hiện màn bay trình diễn xuất sắc, góp phần vào thành công của Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Thượng tá NGUYỄN VĂN HOÀNG

Phó chính ủy Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân