Đầu tháng 4-2024, tôi đến công tác tại Nhà máy X61. Đại tá Trần Văn Mạnh, Chính ủy Nhà máy đón tôi bằng cái siết tay thật chặt. Anh khoe, không lâu nữa Nhà máy sẽ chấm dứt tình trạng làm việc theo kế hoạch năm đã đóng đinh trong lịch sử. Anh giải thích, đấy là cách thay đổi phương pháp tổ chức công việc theo hướng nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài phòng hóa dài hơi thay vì cách làm theo kế hoạch năm như trước đây.
Hồi tháng 2-2024, lần đầu tiên Đảng ủy Nhà máy X61 ban hành nghị quyết xây dựng, phát triển đến năm 2030 và những năm tiếp theo, được trên đánh giá rất cao. Đảng ủy Nhà máy đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu thành phần là phấn đấu đưa tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đạt hơn 90%. Số lượng các sáng kiến, đề tài đủ để sản xuất loạt “0” hoặc sản xuất loạt/tổng số đề tài, đạt không dưới 75%. Theo anh Mạnh, đây là một chỉ tiêu cực khó đòi hỏi phải đầu tư con người, trang bị và nhiều yếu tố khác. Nhà máy đã có bài học được rút ra từ lần đầu tư mạo hiểm đầu tiên và đã thành công nên rất tự tin.
- Nó là đề tài hay sản phẩm hả anh?
- Sản phẩm rất hữu ích!
Rồi anh Mạnh chia sẻ, sản phẩm ấy là ống trinh độc OTĐ-44, một loại thiết bị không thể thiếu trong hoạt động quân sự của lực lượng phòng hóa. Nhờ ống trinh độc mà lực lượng chuyên môn phát hiện chất độc thần kinh do đối phương phun rải, qua đó có biện pháp khắc chế, ngăn ngừa triệt hạ khả năng tác chiến, bảo vệ các lực lượng trên chiến trường. Trước đây, được sự giúp đỡ và hợp tác của nước ngoài, Nhà máy X61 đã có dây chuyền sản xuất sản phẩm này. Tuy nhiên, thành phần quan trọng nhất là enzym BuChE thì phải nhập ngoại.
Anh Mạnh đang hào hứng thì Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Hưng, Giám đốc Nhà máy X61 bước vào phòng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Khánh Hưng, trong điều kiện tình hình thế giới hiện nay tìm ra nguồn cung enzym BuChE trở thành bài toán khó, là thách thức với Ban giám đốc, kỹ sư của Nhà máy. Khi nguồn cung vật tư bị cắt cũng có nghĩa là nhiệm vụ chính trị của Nhà máy không hoàn thành. Tiếp đó, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Hưng thuật lại câu chuyện đi tìm quy trình, công nghệ sản xuất enzym BuChE.
Một buổi sáng cuối tháng 6-2022, sau khi cất chiếc cặp vào phòng làm việc, anh Nguyễn Khánh Hưng sang phòng anh Trần Văn Mạnh trò chuyện:
- Anh ạ, nguồn cung enzym BuChE mất hẳn rồi. Bây giờ phải làm sao?
Giọng Chính ủy Trần Văn Mạnh:
- Có lẽ phải bắt tay vào tìm nguồn trong nước hoặc nghiên cứu thôi, ngồi chờ sao được?
- Khó lắm, bao nhiêu cơ quan khoa học trong nước đã làm, nhưng kết quả không ổn. Chi phí sản xuất quá lớn.
Anh Mạnh nhổm người khỏi ghế:
- Tự nghiên cứu ư, khó đấy, kinh phí đâu? Đây có phải là việc cứ làm, cứ khắc phục khó khăn là làm được đâu. Không có kinh phí sao làm nổi?
- Tôi cũng băn khoăn về điều đó, nhưng sẽ có cách giải quyết. Nếu anh đồng ý, ta gọi anh em lên giao nhiệm vụ.
- Nhỡ họ kêu khó, không nhận thì sao?
- Theo tôi, phải chung lưng đấu cật với anh em. Coi như ta đầu tư mạo hiểm. Không ra sản phẩm thì cũng giúp họ có cơ hội thêm kiến thức.
- Tôi hiểu rồi. Ta cứ gọi anh em đến trò chuyện xem sao.
|
|
Một công đoạn trong quy trình sản xuất enzym BuChE do Nhà máy X61 nghiên cứu. Ảnh: NAM HOÀNG
|
Qua vài cuộc điện thoại, không lâu sau, Trung tá Nguyễn Duy Hưng, Xưởng trưởng và Đại úy Nguyễn Văn Nam, Phó xưởng trưởng Xưởng sản xuất hóa chất 1 (X5) đã có mặt trước cửa. Rồi cuộc họp không định trước diễn ra bên bàn trà. Các sĩ quan trao đổi, bàn đi tính lại và cuối cùng, Giám đốc Nguyễn Khánh Hưng kết luận, các kỹ sư, nhân viên của X5 sẽ tập trung tìm ra nguồn cung enzym BuChE trong nước hoặc từ nước ngoài. Nếu không tìm được thì phải tính đến hướng tự nghiên cứu, tự sản xuất. Kinh phí do Nhà máy lo toàn bộ trên tinh thần tiết kiệm nhất.
Một chi tiết khá thú vị khiến Trung tá Nguyễn Duy Hưng và Đại úy Nguyễn Văn Nam rất phấn khởi sau cuộc họp không định trước này là, nếu chẳng may thất bại cũng không ảnh hưởng gì, không bị đánh giá về mức độ và năng lực, uy tín, khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
Nhận thấy nghiên cứu tìm ra enzym BuChE của Nhà máy X61 ẩn chứa rất nhiều tình tiết, câu chuyện thú vị, tôi đề nghị được đi thực tế. Tiến sĩ Nguyễn Khánh Hưng giao nhiệm vụ cho một cán bộ đưa tôi đi, người đó chính là Trung tá Nguyễn Duy Hưng.
Duy Hưng mới nhận chức Trưởng phòng KCS của Nhà máy vài tháng trước. Khi là Xưởng trưởng X5, anh là chủ công thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất enzym BuChE. Duy Hưng nhiệt thành giới thiệu với tôi về dây chuyền sản xuất ống trinh độc OTĐ-44.
Xong công việc ấy, Hưng đưa cho tôi một ống thủy tinh có hai đầu nhọn, đường kính nhỏ hơn chiếc đũa và dài khoảng 10cm. Hưng giới thiệu ống chứa hóa chất và enzym, trong đó quan trọng nhất là khoảng 1ml enzym BuChE. Nếu không có nó thì khi bơm không khí nghi nhiễm chất độc thần kinh vào sẽ không thể cho ra các phản ứng.
Ngắm cái ống, tôi chợt nhớ lại câu chuyện với Đại tá Phạm Công Hữu, Phó chính ủy Binh chủng Hóa học. Anh bảo tôi, lúc bình thường và ngay cả khi tác chiến, Bộ đội Hóa học ít xuất hiện, ít được thể hiện. Nhưng khi có các biểu hiện đối phương sử dụng chất độc hóa học để triệt tiêu sinh lực của ta thì vai trò của Bộ đội Hóa học lúc ấy là tối quan trọng.
Rồi Trung tá Nguyễn Duy Hưng kể với tôi về quá trình đội ngũ cán bộ kỹ thuật của xưởng lăn lộn với nhiệm vụ nghiên cứu suốt nhiều tháng trời. Theo đó, sau khi lùng sục tìm nguồn cung và không đáp ứng được nhu cầu, các anh quyết tâm tự nghiên cứu. Họ báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Nhà máy cho phép thí nghiệm, sản xuất enzym BuChE từ huyết tương ngựa.
Sau khi tìm đọc tài liệu quốc tế, chắt lọc thông tin được công bố, hai kỹ sư đã tạm đưa ra quy trình thí nghiệm và chia nhau xử lý các công việc: Thu mua huyết tương ngựa tại các lò mổ; tổ chức tách chiết, kết tủa, lên men bằng những biện pháp khoa học là lọc thẩm tích, lọc tiếp tuyến.
Trung tá Nguyễn Duy Hưng kể với tôi rất nhiều chuyện xảy ra về những tháng ngày triền miên thức đêm để làm thí nghiệm. Hưng bảo, hồi hơn 1 giờ ngày 2-9-2022 là kỷ niệm khó quên với anh và cộng sự. Hôm ấy, sau bao nhiêu lần thí nghiệm thất bại không đếm hết, khi đưa sản phẩm vào kiểm tra, máy báo hoạt tính của men đạt chỉ số 18 AE/mg. Tin mừng ấy lập tức được chuyển tới Giám đốc Nguyễn Khánh Hưng và lan nhanh trong toàn bộ Nhà máy như luồng điện. Thành công bước đầu giúp Trung tá Nguyễn Duy Hưng và đồng đội có động lực để tách chiết, cho dù chưa đủ điều kiện đưa vào sản xuất ống trinh độc.
Những ngày sau đó, với sự cần mẫn, các anh đã tìm ra biện pháp nâng hoạt tính của men đạt chỉ số 109 AE/mg, vượt so với yêu cầu. Từ đây, Giám đốc Nguyễn Khánh Hưng tổ chức viết lại quy trình sản xuất chuẩn và đưa sản phẩm đi giám định, đánh giá chất lượng, đăng ký tiêu chuẩn ở cơ quan chức năng.
Sau hơn nửa năm trời, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, các kỹ sư Nhà máy X61 đã cho ra sản phẩm là enzym BuChE đạt yêu cầu sản xuất ống trinh độc. Thế là bài toán khó về nguồn cung nguyên liệu đã có lời giải.
Trên đường về Hà Nội, hy vọng về lần đầu tư mạo hiểm thành công này của Nhà máy X61 khiến tôi phấn chấn. Trong tương lai, chắc chắn Nhà máy sẽ cho ra đời nhiều sản phẩm khoa học chất lượng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xây dựng Quân đội hiện đại khi mà kế hoạch dài hơi theo lộ trình đã được phê duyệt.
THẾ HỮU