Ngay trong chiều 9-9, cán bộ của Phòng Kỹ thuật thẩm định đường, sân bay, cầu cảng đã có mặt tại hai bờ của bến Phong Châu. Lúc này, nước sông Hồng dâng cao, bến vượt chìm sâu dưới nước ngầu đỏ, xiết xoáy. Làm sao đánh giá được hiện trạng kỹ thuật của thân bến là điều khó. Trong khi ấy, thủ trưởng Bộ tư lệnh Công binh đòi hỏi phải có ngay số liệu, phương pháp gia cố, khẩn trương bắc cầu để nhanh chóng phục vụ việc đi lại của nhân dân.

Sau khi tính toán, cân nhắc, Trung tá Nguyễn Quang Tuấn, Phó trưởng phòng Kỹ thuật thẩm định đường, sân bay, cầu cảng đề xuất với chỉ huy Cục sử dụng thiết bị đo sâu kết hợp với thợ lặn để đánh giá hiện trạng bến vượt.

Qua một ngày làm việc liên tục, Trung tá Nguyễn Quang Tuấn báo cáo nước lũ và các dòng xoáy đã khiến lưỡi bến hai bờ bị hỏng nghiêm trọng, chỗ thấp nhất bị phá hỏng là 2,7m. Mặt đường xuống bến xuất hiện những hố sụt lớn và rất sâu. Thực trạng này nằm ngoài dự đoán của chỉ huy Cục.

leftcenterrightdel

Cán bộ Cục Công trình quốc phòng (Binh chủng Công binh) khảo sát xây dựng công trình chiến đấu. Ảnh: QUANG MINH 

Theo hồ sơ, bến vượt Phong Châu được thi công rất chắc chắn, lưỡi bến được đóng cọc bê tông và đổ bê tông cốt thép trên mặt. Mặt bến cũng được đổ bê tông cốt thép mà vẫn bị sụt lở. Điều đó cho thấy sức nước quả là ghê gớm. Từ cơ sở này, chỉ huy Cục thống nhất cách xử lý, dùng rọ đá gia cố lưỡi bến và hai bên mép của thân bến. Bên trong thân bến xếp đá xô bồ, lấp đầy các hố sụt lún. Mặt bến được rải đá mạt, thuận tiện cho các phương tiện lên xuống với tải trọng lớn nhất đạt 10 tấn/trục.

Đây là phương án khả thi nhất lúc này vì rút ngắn thời gian so với phương pháp vá bằng bê tông. Hơn nữa, nếu trong quá trình nước lên, vật liệu bị cuốn trôi thì việc bù đắp cũng dễ dàng, bảo đảm cho bến vượt hoạt động liên tục.

Sau khi nghe chỉ huy Cục báo cáo, Thiếu tướng Trần Trung Hòa, Tư lệnh Binh chủng đã cân nhắc và quyết định sử dụng phương án này. Sau gần 3 ngày triển khai lực lượng thi công liên tục, Lữ đoàn 249 đã hoàn thành nhiệm vụ, bến vượt đủ điều kiện bắc cầu. Đến nay, thực tế cho thấy, phương án này tiết kiệm và hiệu quả vì khi lũ sông Hồng lên cao trở lại thì lượng rọ đá bổ sung do trôi cũng không lớn.

Cùng lúc thi công bến vượt Phong Châu xong thì ở hướng di tích quốc gia rừng Trần Hưng Đạo, công tác khảo sát, xử lý sụt lún cũng hoàn thành, bảo đảm chắc bền, sẵn sàng phục vụ các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Đối với nước ta, xây dựng CTQP là nhiệm vụ quan trọng, nhằm củng cố thế trận, tăng cường tiềm lực quốc phòng, sức mạnh phòng thủ của đất nước, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Nhiệm vụ nặng nề này đặt lên vai người lính công binh, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của Cục CTQP.

Phòng Công trình, tiền thân của Cục CTQP thuộc Binh chủng Công binh được thành lập ngày 7-11-1956. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ của Cục CTQP đã tham gia nhiều chiến dịch quan trọng, nổi bật là Chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng. Trong chuẩn bị chiến dịch, liên quân Việt-Lào đã cử 2 tiểu đoàn công binh, một số đại đội công binh của các trung đoàn bộ binh cùng các lực lượng đã xây dựng hệ thống công trình chiến đấu (CTCĐ), sinh hoạt, bảo đảm hình thành thế trận phòng ngự liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, hiểm hóc. Công binh đã cải tạo hang đá thành những đường hầm chiến đấu, cơ động bí mật tới các trục đường ngang, dọc, luồn lách giữa các cụm chốt, tạo nên thế cơ động chiến dịch và chiến thuật rất tiện lợi cho bộ đội ta.

Trong 68 năm qua, Cục luôn thực hiện tốt chức năng đầu ngành về xây dựng CTQP. Nổi bật là đã chủ trì soạn thảo các tiêu chuẩn xây dựng ngành, chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật về quản lý chất lượng xây dựng và bảo quản công trình; tham gia thẩm định các dự án, chủ trì thẩm tra, thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán các công trình; chủ trì kiểm tra nắm tình hình, hướng dẫn chỉ đạo kỹ thuật xây dựng, nghiệp vụ quản lý công trình; đề xuất chủ trương, nhiệm vụ xây dựng CTCĐ... Trong lịch sử, Cục đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.    

Hiện nay, đất nước phát triển, nhiệm vụ ngày càng lớn, tính chất phức tạp đặt ra cho cán bộ, nhân viên Cục CTQP nhiều thách thức. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà Cục phải làm và đã làm tốt đó là luật hóa, giúp cho quản lý nhà nước về nhiệm vụ xây dựng CTQP ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Nói thì ngắn gọn, nhưng Cục phải mất nhiều năm mới có thể nghiên cứu, dự thảo, xin ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương để tham mưu, giúp Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư về Quy chế xây dựng CTCĐ và định mức dự toán xây dựng CTCĐ. Những văn bản kể trên ra đời góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí.

Để cho ra đời hai văn bản quan trọng này, trong thời gian dài, những cán bộ phụ trách các hướng phải miệt mài nghiên cứu tài liệu; đi khảo sát thực tế tại các công trường trong đất liền, đảo ven bờ và ngoài khơi xa. Có đồng chí tiến hành khảo sát độc lập vài tháng trời ở công trường. Họ ăn, nghỉ, làm việc cùng bộ đội trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất sinh hoạt. Các kết quả nghiên cứu, khảo sát thu thập được giúp cho công tác tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức xây dựng CTCĐ và CTQP hiệu quả hơn. Việc khảo sát, dự toán thiết kế, tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát không bị chồng chéo và chống thất thoát, lãng phí tài sản, kinh phí của Nhà nước, địa phương có thể xảy ra. Quan trọng hơn là tiến độ xây dựng CTCĐ, CTQP được bảo đảm, hoàn thành theo đúng kế hoạch, nhất là những công trình có quy mô lớn, ý nghĩa, giá trị chiến thuật cao.

Các CTCĐ, CTQP nằm rải rác khắp cả nước, thường ở những nơi điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, thời tiết, khí hậu đa dạng, phức tạp lại thường xuyên bị thiên tai: Bão, lũ ống, lũ quét, lở đất, lũ bùn đe dọa bất ngờ. Hơn nữa, theo thời gian, công trình cần xây dựng tăng cả về quy mô, số lượng và chủng loại, trong khi nhân lực chất lượng cao xây dựng công trình còn mỏng; các mặt bảo đảm cho khảo sát, thiết kế, thi công và phương tiện còn hạn chế, chưa đồng bộ...

Trước bài toán lớn, lãnh đạo, chỉ huy Cục CTQP đã có nhiều giải pháp hữu hiệu, trong đó nổi bật là tự huấn luyện, đào tạo, phát huy tinh thần sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên; tổ chức xây dựng kế hoạch công tác dài hạn, trung hạn, phân kỳ với các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể và mốc thời gian hoàn thành; đồng thời phân công cán bộ phụ trách trên từng lĩnh vực, từng mảng công tác. Cục đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng các khâu: Khảo sát địa chất, địa hình; thiết kế kỹ thuật; xây dựng phương án ngụy trang; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật thi công; đặc biệt chú trọng chuyên môn hóa các công việc khoan nổ, bốc xúc, chống tạm, ván khuôn, cốt thép, đổ bê tông, hoàn thiện...

Nhiều cán bộ của Cục đã liên tục bám công trường, giám sát thi công chặt chẽ, nhằm triệt để thực hiện phương châm: “Bí mật-an toàn-chất lượng-tiến độ-tiết kiệm”. Thường xuyên quán triệt, giáo dục về công tác bảo đảm an toàn con người, trang bị phương tiện và yếu tố bí mật trong thi công là yêu cầu số 1. Cán bộ, chỉ huy các cấp tích cực bám sát hiện trường, vừa trực tiếp làm, vừa đôn đốc kiểm tra cụ thể, tỉ mỉ, kiên quyết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, quy tắc an toàn.

Cùng với đó, các đơn vị công binh toàn quân cũng phát huy tính chủ động và sáng tạo trong thi công. Nhiều đơn vị đã áp dụng những sáng kiến giá trị vào thi công, giảm vật liệu, công lao động, điển hình như đồng chí Trần Thành Tài ở Đại đội Công binh 17, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh. Trong thời gian làm nhiệm vụ, đồng chí Tài đã có các sáng kiến về "hệ thống chống sập đường hầm", "máy tời bê tông", "máy quạt gió thông hầm"... Riêng sáng kiến "máy tời bê tông" đã giúp Đại đội Công binh 17 giảm tới 50% công lao động trong một ca so với phương pháp làm truyền thống. 

Lao động trong lĩnh vực xây dựng CTCĐ, CTQP là một dạng đặc biệt của hoạt động quân sự. Đây là hoạt động đòi hỏi cao về kiến thức, trình độ và kinh nghiệm cùng công tác tổ chức. Vì vậy, nếu không có những cán bộ bản lĩnh, trách nhiệm và tâm huyết thì khó lòng cho ra được những CTQP bền vững.

Đại tá NGUYỄN ĐỨC TÀI, Cục trưởng Cục Công trình quốc phòng, Binh chủng Công binh