16 giờ 15 phút, bầu trời tại Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam ở Hòa Lạc vẫn cao vời vợi, không một gợn mây và thi thoảng mới có cơn gió nhẹ. Nắng trên cao phủ kín mọi ngõ ngách, tạo nên cảm giác ngột ngạt và khó chịu. Lúc này, chỉ đi bộ một vòng khoảng 500m cũng đủ để mồ hôi đọng thành giọt lăn dài trên má.

Cũng lúc này, phía giáp tường rào, trên một vạt đất bằng phẳng ở gần khu kỹ thuật, tiếng máy của tổ hợp khoan giếng tự hành vẫn đều đều. Hai cột thép đỡ các bộ phận và các cụm chi tiết của mũi khoan từ từ di chuyển từ trạng thái hành quân sang vị trí công tác. Nó dừng lại gần như vuông góc với mặt đất, tôi ước chừng đỉnh của nó cao khoảng 6-7m.

leftcenterrightdel

Đội Công binh số 3 huấn luyện khoan giếng. Ảnh: HỮU KHANG 

Thế rồi, các “chân voi” thủy lực ở hai bên, phía đầu tổ hợp được khởi động. Chúng di chuyển đều đều xuống dưới, tì đè lên mặt đất. Với sự chỉ huy của Thiếu tá QNCN Chu Bá Hiếu, 4 chiến sĩ “mũ nồi xanh” tập trung cao độ cho lắp đặt thiết bị, chuẩn bị khoan giếng.

Cơ cấu thủy lực di chuyển lên phía trên rồi hạ mũi khoan tỳ lên mặt đất. Tiếng máy gầm lên, mũi khoan quay tít. Vài phút sau, cơ cấu khí nén hoạt động. Luồng khí đi dọc theo mũi khoan vào trong lòng hố khiến đất bị nghiền nát bởi mũi khoan rồi vọt lên không trung 4-5m, rơi xuống mặt đất, tạo ra một vùng bụi màu nâu, che phủ toàn bộ tổ hợp khoan giếng đang hoạt động.

Khi độ sâu mũi khoan đạt đến hơn 20m, chiến sĩ vận hành lùi ra xa. Dòng khí nén áp lực cao đẩy lên trên một thứ bùn màu nâu vàng sền sệt bắn tung tóe, văng ra xung quanh. Nước bùn bị dòng khí nén áp lực đẩy lên tới 4-5m dọc theo cần khoan trông như cây pháo bông màu vàng sẫm rồi rơi xuống mặt đất lộp độp, tạo thành vùng nước nhão. Thiếu tá QNCN Chu Bá Hiếu đến bên tôi. Anh nói át cả tiếng máy:

- Có nước, thế là thành công anh ạ!

Sau này trò chuyện với anh Hiếu, tôi mới biết công việc của đội khoan giếng không hề đơn giản.

Để triển khai tổ hợp thực hiện nhiệm vụ khoan giếng phải căn cứ vào thông số tính toán, phân tích rất mất thời gian của các đồng chí chỉ huy kỹ thuật. Bởi thực tế, không ai có thể nhìn thấu mạch nước ngầm trong lòng đất.

Anh Chu Bá Hiếu từng có hơn một năm công tác tại UNISFA trong đội hình Đội Công binh số 1. Anh đã trải qua nhiều công việc và tích lũy được không ít kinh nghiệm chỉ huy khoan giếng. Nhiệm vụ của anh Hiếu trong thời điểm này là huấn luyện cho những nhân viên mới nắm được các khâu, các bước trong vận hành tổ hợp khoan giếng ở các điều kiện khác nhau, thậm chí trong cả tình huống vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa chiến đấu. Cuối cùng là huấn luyện cho họ quy trình, quy phạm bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa nhỏ.

Anh Hiếu kể với tôi, đôi khi việc khoan giếng không hiệu quả, phải thu hồi tổ hợp và chờ tính toán khoan ở vị trí khác. Nhưng khi có nước rồi thì ngoài lắp đặt hệ thống ống và hệ thống bơm còn phải làm công tác vệ sinh, bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị mất hàng tuần trời.

leftcenterrightdel
Đội Công binh số 3 huấn luyện bảo vệ doanh trại. Ảnh: HỮU KHANG 

Ở UNISFA, các điều kiện về thời tiết, khí hậu, môi trường khác với Việt Nam, có thời điểm khắc nghiệt hơn nên công tác bảo dưỡng, sửa chữa luôn là yêu cầu số một. Xe-máy sống được thì đơn vị mới hoàn thành nhiệm vụ. Chưa hết, các nhân viên chuyên môn kỹ thuật khi làm nhiệm vụ GGHB còn phải thực hiện nhiều việc khác theo yêu cầu, trong đó có không ít việc đột xuất. Lúc ấy, việc gì cũng phải nhanh, phải chạy, giống như các cụ thường nói “vắt chân lên cổ”.

Trở về nơi làm việc và nghỉ ngơi của Đội Công binh số 3 ở một tòa nhà của Cục GGHB, tôi được Thiếu tá Lê Hồng Quân, Phó đội trưởng Đội Công binh số 3 tiếp đón. Anh Quân quê ở Tiền Hải (Thái Bình) và là một trong những trụ cột của Đội. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh chuyên ngành cầu đường, ra đơn vị, anh Quân đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ. Thiếu tá Lê Hồng Quân tham gia lực lượng GGHB nhiệm kỳ 2019-2020 tại Phái bộ MINUSCA ở Cộng hòa Trung Phi trong vai trò Sĩ quan tham mưu trang bị. Nhiệm kỳ 2022-2023, anh Quân là Phân đội trưởng cầu đường của Đội Công binh số 1. Thiếu tá Lê Hồng Quân trải lòng, để trở thành một nhân viên tham gia lực lượng GGHB Liên hợp quốc thì ngoài sức khỏe, tố chất, kinh nghiệm công tác còn phải được tham gia học tập, huấn luyện nhiều nội dung. Ví như nắm tổng quan về lực lượng, sứ mệnh, cơ chế hợp tác, phối hợp hành động, nhận thức về an ninh cá nhân; bảo đảm an ninh, an toàn; chống bạo lực tình dục; quan hệ công chúng, kỹ năng đàm phán, kỹ năng y tế, kỹ năng phát hiện, xử lý bom mìn, vật nổ, kỹ năng chiến đấu, phối hợp chiến đấu... Trong đó, nội dung bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và vận hành thiết bị cũng như bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị thường mất nhiều thời gian nhất.

Chúng tôi đang dở câu chuyện thì Trung tá Lê Hồng Giang, Chính trị viên Đội Công binh số 3 đi vào. Anh lặng lẽ ngồi xuống ghế, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến chúng tôi.

Anh Lê Hồng Quân phân tích, nguyên do là xe-máy, trang bị kỹ thuật cho thực hiện nhiệm vụ có nhiều chủng loại, trong đó có nhiều loại mới chưa được trang bị ở đơn vị cơ sở trong Quân đội ta. Thế nên, đội ngũ nhân viên kỹ thuật phải căng sức ra lĩnh hội kiến thức. Một vấn đề đặt ra với Đội Công binh số 3 trong thời gian tới là bảo dưỡng, sửa chữa xe-máy, trang bị. Thời gian qua, hoạt động trong điều kiện thời tiết phức tạp, mưa nắng kéo dài, độ ẩm lớn, nhiều cụm chi tiết, chi tiết của phương tiện đã xuống cấp, hư hỏng. Trong khi đó, việc bảo đảm vật tư rất khó khăn vì nguồn của nước ngoài cung cấp rất khan hiếm, không có trên thị trường và hơn nữa việc đưa vật tư từ trong nước sang UNISFA không hề dễ dàng, không phải thực hiện ngay trong ngày một ngày hai.

Đến lúc này Chính trị viên Lê Hồng Giang mới lên tiếng. Anh kể, vừa qua, Đội về huấn luyện tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Công binh (Binh chủng Công binh) được hơn một tháng. Tuy nhiên, đa phần các trang bị được huấn luyện khác với những trang bị được biên chế khi làm nhiệm vụ ở UNISFA. Thế nên, để khai thác kinh nghiệm của những nhân viên kỹ thuật ở Đội Công binh số 1, các đồng chí chỉ huy Đội đã thống nhất thành lập “tổ mũi nhọn”. Nhiệm vụ của tổ là phổ biến kinh nghiệm và chỉ ra những khác biệt giữa phương tiện được học và phương tiện được thực hành. Để tiến thêm một bước giúp công tác chuẩn bị được chu đáo, những thành viên trong "tổ mũi nhọn" còn phổ biến cho các nhân viên chuyên môn kỹ thuật sẽ đi lần đầu những kinh nghiệm trong bảo dưỡng xe-máy, trang bị kỹ thuật, đặc biệt là những lỗi thường gặp và quy trình, cách sửa chữa.

Thế nên, hiện nay, một trong những vật dụng không thể thiếu mà anh em thợ kỹ thuật mang theo khi sang UNISFA làm nhiệm vụ là dây cao su. Nó tuy là vật dụng nhỏ nhưng cực kỳ hữu dụng. Loại dây này dùng để cuốn quanh vị trí của ống tuy-ô dầu thủy lực khi chúng chẳng may bị bục vì nguyên nhân nào đó. Đây là giải pháp xử lý tạm thời rất hiệu quả trong khi chờ có vật tư thay thế.

Chiều tối, khi tôi rời Cục GGHB Việt Nam thì cán bộ, nhân viên trong Đội Công binh số 3 cũng đã về nghỉ. Tôi chợt nhớ đến lời của Trung tá Lê Hồng Giang, sau bữa cơm tối không lâu và nghỉ ngơi ít phút, họ lại ôn luyện các nội dung lý thuyết đã được truyền thụ. Họ đang chạy đua với thời gian bởi ngày lên đường làm nhiệm vụ quốc tế đang đến rất gần...

MẠNH THẮNG