Thượng tá Phan Thanh Bình, Phó chính ủy Lữ đoàn 543 tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh năm 1996, sau này về đơn vị công tác mới chuyển loại cán bộ chính trị. Anh là một trong những người nhiều thâm niên công tác nhất Lữ đoàn và đã làm nhiệm vụ ở nhiều nơi khó khăn trên địa bàn các tỉnh Quân khu 2. Nhìn vào anh, thấy rõ những nét tiêu biểu của lính công binh thời bình. Khi trò chuyện, anh khá kiệm lời, có vẻ trầm tính, mang nhiều đặc trưng nghề nghiệp khô khan.

Ấy nhưng, cách nói của anh thì rất ý tứ, hình ảnh và có phần hóm hỉnh, hút người nghe. Anh ví sở chỉ huy và nơi đóng quân của Lữ đoàn nằm không xa sông Lô, sông Hồng, ngự trên phần đất huyện Tam Nông (Phú Thọ) giống như pháo đài kiên cố. Anh chia sẻ, từ “pháo đài” này, các mũi tiến công là các đội, bán đội dò, gỡ bom, mìn, vật nổ, những đơn vị xây dựng của Lữ đoàn sẽ cơ động đi các nơi, dù núi cao, vực sâu hay những khu yên ngựa, những cánh đồng trong các thung lũng trên địa bàn Quân khu 2 đều có dấu chân của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn. Họ đi làm nhiệm vụ rồi lại trở về rất thầm lặng.

Đang trò chuyện thì nhận tin báo cán bộ trong đội rà, phá bom, mìn làm nhiệm vụ tại tỉnh Hà Giang vừa trở về, anh Bình đưa tôi xuống gặp. Anh bảo, giới thiệu một cán bộ đại diện cho thế hệ trẻ thiện chiến của Lữ đoàn. Cứ gặp đồng chí này sẽ biết lính công binh Lữ đoàn kiên cường bám đá thế nào. Rồi anh giới thiệu tổng quan với tôi, hiện nay, các đội rà, phá bom, mìn của Lữ đoàn đang trong giai đoạn hai thực hiện Dự án rà, phá bom, mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Anh cũng nói thêm, giai đoạn 1 của dự án này được thực hiện từ mấy năm trước đã thành công, an toàn tuyệt đối. Với các anh, nó là chiến dịch lớn, phải căng sức ra để thực hiện mới có kết quả ấy. Lời giới thiệu của anh Bình làm tôi tò mò.

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 543 cơ động lên vị trí trú quân. Ảnh: PHÚC THANH 

Bây giờ, trước mặt tôi là một đại úy dáng thấp đậm, chắc chắn, nhanh nhẹn, ăn nói hoạt bát và quê ở Hưng Yên có tên Chu Duy Hân. Hiện, Đại úy Chu Duy Hân đang là Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 và cũng là Phó đội trưởng Đội thi công rà, phá bom, mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh tại Hà Giang. Sau khi tốt nghiệp ra trường, từ năm 2018 đến nay, thời gian ở “pháo đài” của Hân ít hơn rất nhiều so với thời gian đi thực hiện nhiệm vụ nơi rừng sâu núi thẳm.

Hân kể, dù đã có nhiều năm trực tiếp cầm máy dò bom, mìn, nhưng mỗi lần lôi được một quả bom, quả mìn, hoặc vật nổ ra khỏi lòng đất là trong người cảm thấy hân hoan, phấn chấn rất khó diễn tả. Có lẽ, niềm vui “như bắt được vàng” có được sau những ngày đổ mồ hôi vì trèo đèo, băng suối, dãi nắng, dầm mưa của Hân cũng là tâm lý chung của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn. Nó cũng chính là niềm đam mê và làm nên tình yêu nghề nghiệp mà họ theo đuổi.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Lữ đoàn 543 tác nghiệp. Ảnh: PHÚC THANH 

Rồi Hân chia sẻ với tôi chút ít chuyện “bếp núc” trong công việc ẩn chứa nhiều bất ngờ và đáng sợ này. Trước khi đi làm nhiệm vụ, những người chỉ huy đội như Hân đều phải mất nhiều thời gian điều tra hiện trường trên tài liệu lưu trữ tại các cơ quan quân sự địa phương hoặc của trên cung cấp để đánh giá mức độ ô nhiễm; phải tìm gặp người dân địa phương, nhất là những người từng chứng kiến những gì xảy ra để có được các thông tin sơ bộ, như vị trí bom rơi, vị trí trú quân, nơi bộ đội chốt ở các điểm cao...

Thực tế khi làm nhiệm vụ ở một địa phương của tỉnh Sơn La, nhờ tiếp cận với một lão nông người dân tộc từng là du kích trong thời kháng chiến chống Mỹ mà Hân và đồng đội đã tìm ra nơi “trú ẩn” của quả bom 250BLS trong lòng đất ở thung lũng hẹp và một quả khác nằm dưới lớp thực bì lưng chừng đồi, cách Quốc lộ 6 không xa vào năm 2018. Sau khi có thông tin thì tiến hành khoanh vùng, khảo sát thực địa, lên phương án thi công và tổ chức phát, phân tuyến rất cặn kẽ. Những nhiệm vụ ấy hoàn thành lại phải rà soát thật kỹ lưỡng rồi bổ sung những khâu thiếu, sau đó mới đưa bộ đội đến thi công.

- Trong nhiệm vụ rà, phá bom, mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh thì cái gì đáng quan tâm hơn cả? - Anh đồng nghiệp đi cùng tôi hỏi thêm.

Chẳng cần suy nghĩ, Hân nói luôn:

- Cái đáng sợ là mất an toàn vì không làm đúng quy trình. Nhưng cái này không ngại vì bộ đội được huấn luyện kỹ lưỡng, có kinh nghiệm và quá trình thực hiện luôn có chỉ huy theo sát.

- Còn gì nữa không anh? - Tôi sốt sắng hỏi.

- Có chứ, đó là đang thi công gặp trời mưa. Mưa sẽ làm chậm tiến độ. Do máy dò có tích hợp các thiết bị điện tử nên phải che bọc kỹ lưỡng. Người có thể ướt chứ máy dò phải khô tuyệt đối, không để nước xâm nhập vào bên trong. Thế nên, dù trời nắng chang chang đến chảy mỡ thì lính công binh vẫn không quên mang áo mưa đề phòng thời tiết đỏng đảnh.

Dừng một lúc, Hân kể, khi đến các vị trí thi công, gần như các đội rà, phá bom, mìn phải dựng nhà tạm, vách cót ép, mái phủ bạt và lưới đen để ở tạm. Vào ngày 4-8-2023, khi đang chỉ huy bộ đội thi công trên địa bàn núi cao ở thôn Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân (Vị Xuyên, Hà Giang) thì trời đổ mưa tầm tã. Hai ngày sau, lán bị ngập vào tận nền nhà. Thế là anh em cứ phải ngồi trên phản gặm lương khô thay vì bì bõm lội trên nền đất nhão nhoét để nấu cơm.

Hà Giang và nhiều tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 2 được biết đến là nơi có địa hình hiểm trở bậc nhất cả nước. Nhiều người khi đến vùng đất này thường ví von, đặc sản ở đây là núi và đá tai mèo sắc nhọn. Muốn đến được các vị trí thi công ở trên núi cao, dĩ nhiên những người lính công binh Lữ đoàn 543 chỉ còn cách duy nhất là phải đạp lên đá và bám chắc vào đá khi phải mang vác nhiều trang bị, phương tiện tác nghiệp. Họ đang đi theo lời thề “sống bám đá” của các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ trong chiến tranh bảo vệ biên giới năm xưa. Đó là công việc thật nặng nhọc, nguy hiểm, nhưng cũng rất đỗi vinh quang.

Chia tay Đại úy Chu Duy Hân khi chiều đã muộn. Lúc này, những cơn gió mùa Đông Bắc tăng cường bắt đầu xuất hiện. Những hạt mưa phùn đan chéo nhau trong tiết trời giá lạnh. Tôi bâng khuâng tự hỏi, đêm nay, ở trên những điểm cao chót vót với đá tai mèo sắc nhọn của vùng đất Hà Giang, những người lính công binh Lữ đoàn 543 ở trong lán tạm có đủ chăn ấm? 

THẮNG VIỆT