Sau bữa sáng, như thường lệ, Đại tá Nguyễn Văn Quán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Tàu ngầm 189 lại ghé vào cơ quan Lữ đoàn để nhấm nháp ngụm trà mạn và hỏi han công việc trong ngày. Mùa này ở Cam Ranh, vào buổi sáng trời se lạnh, thỉnh thoảng có cả sương mù nên việc ngồi nhâm nhi đôi ba chén trà sẽ tạo nhiều hứng khởi cho ngày làm việc mới. Đây là thói quen của anh Quán từ nhiều năm nay. Khi uống trà, anh Quán bao giờ cũng kể những câu chuyện hài hước khiến anh em cười nghiêng ngả. Với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Quán thân thuộc như người anh trong gia đình. Anh là hình mẫu về cán bộ tàu ngầm thế hệ đầu và luôn “truyền lửa” cho chúng tôi học tập, noi theo.

Do đặc thù công việc nên ở đơn vị tôi, 100% cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) đều không hút thuốc lá. Thế nên trên bàn uống nước ở các phòng làm việc chẳng khi nào có tàn thuốc. Thói quen tốt này cũng xuất phát từ đặc thù nhiệm vụ và được xây dựng bền bỉ. Bởi khi tác nghiệp trên tàu ngầm, mọi nguyên nhân có thể gây ra hỏa hoạn phải được loại trừ tận gốc.

leftcenterrightdel

Tàu ngầm 182 - Hà Nội chuẩn bị cập cảng sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên biển. Ảnh: LÊ MINH 

Khi đã vào công việc thì bản tính hài hước, vui vẻ của Đại tá Nguyễn Văn Quán mất hẳn, thay vào đó là tính cách của người chỉ huy mẫu mực, quyết đoán và nghiêm khắc. Tôi nhớ anh từng tâm tình, đã là lính tàu ngầm, để thực hiện nhiệm vụ trong lòng biển thì phải tuyệt đối tuân thủ chặt chẽ quy định “5 không” (không tự ý thực hiện kế hoạch khi chưa được cấp trên phê chuẩn; không đề xuất sử dụng tàu ngầm khi TBKT có độ tin cậy hoạt động thấp; không làm trái các quy trình hướng dẫn khai thác, vận hành TBKT tàu ngầm; không thực hiện công việc một mình khi công việc quy định bắt buộc có hai người cùng thực hiện; không thực hiện huấn luyện bảng bố trí chiến đấu khi không đủ người tại các vị trí quy định). Khi đi kiểm tra, cá nhân, tập thể nào chấp hành không nghiêm những quy định này là anh xử lý đến nơi đến chốn, không hề nương nhẹ, "không có ngoại lệ và vùng cấm". Anh chia sẻ với chúng tôi, nếu không tuân thủ quy định thì cái giá phải trả là rất lớn, đó là sinh mạng của đồng đội; là hao tổn tài sản lớn của Quân đội; là mất niềm tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân với lực lượng tàu ngầm hiện đại.

Hiện nay, những người lính Lữ đoàn Tàu ngầm 189 đã bước vào năm huấn luyện 2024 được hơn nửa tháng, sớm hơn rất nhiều so với các đơn vị khác trong toàn quân. Vẫn là những khoa mục, những bài học quen thuộc dù đã được học thuộc lòng, thực hành thành kỹ năng, kỹ xảo nhưng chúng tôi vẫn phải huấn luyện nghiêm cẩn, không thể lơ là. Đó cũng là cách để chúng tôi bổ sung, sửa chữa những gì chưa hoàn thiện.

leftcenterrightdel

Kíp chiến đấu Tàu ngầm 182 - Hà Nội trong hội thao năm 2023. Ảnh: LÊ MINH 

Tôi nhớ hồi đầu tháng 11-2023, trước khi Lữ đoàn tổ chức hội thi mô hình học cụ, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Quán đã nhắc nhở cơ quan cần tập trung kiện toàn cán bộ huấn luyện các cấp; tổ chức tập huấn cán bộ; xây dựng kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện chặt chẽ, sát với tình hình thực tế. Lữ đoàn thành lập các đoàn kiểm tra trên từng lĩnh vực, đồng thời giao các đồng chí chỉ huy Lữ đoàn phụ trách để khắc phục ngay những thiếu sót, lỏng lẻo trong khâu chuẩn bị. Theo chủ trương của Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn, năm 2024, toàn đơn vị sẽ tập trung đổi mới huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với thực tế chiến đấu; lấy thực hành, chất lượng, hiệu quả là chính; tăng cường huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp, huấn luyện hiệp đồng với các lực lượng khác; tích cực ứng dụng nhanh khoa học-công nghệ để nâng cao trình độ quản lý, chỉ huy, điều hành và nâng cao chất lượng huấn luyện. Việc phấn đấu thực hiện mục tiêu này giúp cho các cơ quan và đơn vị nâng cao khí thế, tạo ra phong trào rộng khắp. Chỉ một ví dụ đơn giản, nếu đến sân tập thể lực cùng cán bộ, thủy thủ tàu ngầm những ngày này sẽ “ngấm đòn” bởi cường độ huấn luyện rất cao và chặt chẽ. Sáng ra, cán bộ và thủy thủ phải chạy đủ 3km. Chiều đến, từ 16 giờ, họ bắt đầu các nội dung huấn luyện thể lực như: Vòng quay trụ, cầu sóng, co tay xà đơn, xà kép, bơi ếch...

Tôi có bạn thân là Thiếu tá QNCN Trần Đình Tiến. Hiện anh là Máy trưởng Tàu ngầm 186. Anh Tiến có tác phong làm việc cẩn thận, tỉ mỉ và dứt khoát. Theo anh, máy là trung tâm trong mọi hoạt động của con tàu. Thế nên dù bất cứ hoàn cảnh nào, máy tàu cũng phải được bảo đảm hệ số kỹ thuật và an toàn cao nhất. Khi huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong tàu ngầm với cường độ cao, các thợ máy phải tập trung tinh thần, thể lực, trí lực để nghe ngóng, phát hiện những dấu hiệu bất thường, kịp thời khắc phục. Có những thời điểm, ca trực của anh Tiến phải kéo dài hơn vài tiếng đồng hồ để hỗ trợ đồng đội. Anh cũng tâm sự với tôi, trước khi bước vào huấn luyện, mỗi người đều được học tập, quán triệt đầy đủ các nội dung, chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và những đột phá trong công tác huấn luyện, từ đó xác định tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Những QNCN có kinh nghiệm công tác lâu năm, ngoài những nội dung huấn luyện chung của các đối tượng sẽ tập trung nghiên cứu chuyên sâu để nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề trong khai thác, vận hành, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa TBKT.

Mùa huấn luyện mới đang diễn ra sôi động cũng là lúc đơn vị chúng tôi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Tàu ngầm 182-Hà Nội. Cách đây 10 năm, vào ngày 3-1-2013, chúng tôi đã làm lễ thượng cờ trên con tàu này. Từ đó đến nay, con tàu này đã cùng chúng tôi thực hiện nhiều nhiệm vụ trong lòng biển, để Tổ quốc không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.

LÊ THẮNG