Trong cuốn sách “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng”, nhà báo Phan Quang kể lại câu chuyện, trước những yêu cầu xây dựng hậu phương lớn và công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc, năm 1961, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương, chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước lúc bấy giờ với yêu cầu củng cố và phát triển phong trào hợp tác hóa nông thôn. Một hôm, Bác Hồ mời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến, Bác nói là phong trào hợp tác hóa mới lên, còn trầm và yêu cầu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tìm cho được điển hình tốt, phát huy nó lên, vận động nông dân thi đua yêu nước, xua đi bầu không khí kém phấn khởi.
Được phân công sang một lĩnh vực mới, với tư duy nhạy bén, năng động, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã xông xáo “bám đội, lội đồng” cùng người dân tát nước, cấy lúa, khảo sát, tìm hiểu các mô hình sản xuất, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nguyện vọng của người dân. Chỉ một thời gian ngắn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phát hiện ra những điểm yếu, điểm thiếu của ngành nông nghiệp; đồng thời đề ra nhiều giải pháp cho nông thôn, nông dân giải phóng sức sản xuất.
Tháng 1-1961, Hội nghị tổng kết hợp tác hóa nông nghiệp họp tại Hà Nội. Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Đại Phong báo cáo kinh nghiệm, được các đại biểu hoan nghênh nhiệt liệt. Bác Hồ theo dõi sát hội nghị. Bác viết bài báo ngắn, ký bút danh Trần Lực đăng Báo Nhân Dân, khẳng định Đại Phong là “Một hợp tác xã gương mẫu”.
Nhận được thông tin, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhanh chóng dẫn đầu đoàn cán bộ, chuyên viên nông nghiệp vào Quảng Bình, mời Bí thư Tỉnh ủy cùng về tận nơi, dành 5 ngày tìm hiểu thực tế, trao đổi với nông dân và cán bộ thôn, xã, rút ra các bài học kinh nghiệm. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “Thôn Đại Phong có nhiều biến đổi, HTX Đại Phong đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn”.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh giải thích, điển hình tốt không phải là nơi thành công nhờ điều kiện thuận lợi, cấp trên tập trung đầu tư vào, cán bộ tăng cường từ nơi khác đến... Thành tựu điển hình kiểu ấy là để ngợi ca, chẳng mấy ai có thể làm theo. HTX Đại Phong được chọn làm điển hình tiên tiến và hội nghị tổng kết ra lời kêu gọi các nơi học tập, đuổi kịp và vượt Đại Phong là xuất phát từ cách nhìn: Đó là một HTX xuất phát từ những điều kiện bình thường, phổ biến, tương tự mọi nơi.
Sau 3 tháng, từ ngọn gió Đại Phong lan tỏa nhanh thành phong trào thi đua trong nông nghiệp, có 1.000 HTX cam kết thi đua. Bác Hồ lại viết bài báo, khẳng định đã hình thành “Phong trào Đại Phong” và kết thúc Hội nghị Trung ương 5, Bác thay mặt Trung ương hoan nghênh Phong trào Đại Phong.
|
|
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra đồng cấy lúa với bà con xã viên Hợp tác xã Chiến Thắng, xã Lý Ninh (tỉnh Quảng Bình), tháng 1-1962. Ảnh tư liệu
|
Luôn trăn trở với những khó khăn, vướng mắc của công tác nông thôn và nông nghiệp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tự đặt câu hỏi: Chúng ta ngồi trên Trung ương ban hành chính sách, liệu các chính sách ấy có hợp lòng dân, có đáp ứng nhu cầu thực tế, có phù hợp với xu thế thời đại? Tại sao có những chủ trương của Trung ương nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả rõ rệt, trong khi không ít chính sách khác chỉ dừng lại ở khẩu hiệu?
Để trả lời câu hỏi này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã thực hiện nhiều chuyến đi thâm nhập thực tế, tìm hiểu thật sâu về lĩnh vực mà mình phụ trách. Trong các chuyến đi thực tế, ông đều đặt ra mục đích cụ thể, như: Tìm hiểu thâm canh lúa, tổ chức chăn nuôi đại trà, làm nghề phụ, tạo việc làm cho dân lúc nông nhàn... Những chuyến đi ngược lên Tây Bắc, đến đâu ông cũng về bản làng thăm hỏi, động viên đồng bào; nghiên cứu tỉ mỉ, tìm hiểu từng vấn đề và xâu chuỗi các mặt trong một chỉnh thể sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chỉ ra, làm nông nghiệp không chỉ là “lúa, phân, cần, giống” mà còn phải tính đến phát triển hoa màu, cây công nghiệp, chăn nuôi, cải tiến công cụ sản xuất, phương tiện chế biến, bảo vệ đất đồi... Những thói quen rất xấu trong lãnh đạo công tác nông nghiệp ở một số nơi: “Nói quá nhiều đến những nguyên tắc, phương châm chung chung, có tính chất “thiên kinh địa nghĩa” mà ít đi vào cụ thể”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có bài báo phê bình một “huyện ủy 5 không” gây xôn xao trong công tác địa phương lúc bấy giờ.
Để chuẩn bị ban hành nghị quyết về miền núi (triển khai Hội nghị Trung ương 5 khóa III), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lại từ Hà Nội lên huyện Bằng Mạc, tỉnh Bắc Giang nghiên cứu HTX Nà Cà, đi tiếp lên một bản thuộc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn chưa lập HTX xem nguyên nhân do đâu. Về Hà Nội, ông đi xe lửa thẳng lên Lào Cai tìm hiểu sản xuất và đời sống của đồng bào Mông. Một chuyến đi nữa khá dài ngày là theo Quốc lộ 6 ngược lên Tây Bắc, từ Hòa Bình qua Yên Châu, Mộc Châu, Thuận Châu, lên đèo Pha Đin, sang Mường Lò, Nghĩa Lộ, vượt sông về Yên Bái, Phú Thọ... Đến đâu ông cũng về bản làng thăm hỏi, động viên đồng bào, đồng thời quan sát, lắng nghe, ngẫm ngợi về một số vấn đề ông chưa muốn đặt ra ngay khi tiếp xúc với các cấp ủy: Rốt cuộc, đồng bào các dân tộc đang cần gì? Bà con nghĩ sao về các chính sách Đảng và Nhà nước đã ban hành? Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề cao những nhân tố mới, khẳng định thành tựu, khích lệ đồng bào; nhưng bên cạnh đó, luôn canh cánh những vấn đề cuộc sống đặt ra, những việc thực tế đòi hỏi mà ta chưa nhìn rõ hướng làm.
Mùa hè năm 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến trường miền Nam ra Hà Nội báo cáo công việc với Bộ Chính trị và Bác Hồ. Đây cũng là thời gian ông thăm gia đình và nghỉ ngơi mấy ngày trước khi trở lại mặt trận. Tuy nhiên, khi phát hiện một thôn thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, có HTX Phù Lưu Tế nổi tiếng về chuyên canh trồng dâu nuôi tằm, nữ chủ nhiệm HTX được tuyên dương Anh hùng Lao động, ông đã về làm việc với xã, đề nghị mời thêm lãnh đạo huyện, tỉnh và chuyên viên Ban Nông nghiệp Trung ương dự. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận ra vấn đề, HTX Phù Lưu Tế đạt thành tựu tốt trong chuyên canh, nhưng lại để cho năng suất trồng lúa giảm sút đều đều. Và ông tìm ra nguyên nhân, vùng chuyên canh cây công nghiệp được Nhà nước cung cấp lương thực, người dân đã có gạo từ “trên” hằng tháng chuyển về, thì sinh ra ngại canh tác. Tìm được căn nguyên, trở về, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã rất trăn trở viết bài gỡ khó.
Mỗi chuyến đi cơ sở, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đều dấn thân với cuộc sống, học hỏi các lão nông tri điền, anh cán bộ xóm về cách xử lý các vấn đề thực tiễn... Gắn bó với thực tiễn, với nhân dân, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh, phải theo "đường lối quần chúng", phải học tập quần chúng, học tập nhân dân, nhưng ông đề cao vai trò người lãnh đạo, phê phán lối làm việc kiểu theo đuôi quần chúng. Nhờ có hoạt động thực tiễn mà ông giải quyết thành công nhiều vấn đề nóng bỏng trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào sự chuyển biến có ý nghĩa chiến lược của cách mạng. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một nhà lý luận, có biệt tài khái quát lý luận nhưng lý luận của ông hòa quyện nhuần nhuyễn với thực tiễn, chỉ đạo thực tiễn đi thẳng vào quần chúng trở thành phong trào của cách mạng.
HOÀNG DƯƠNG