Khi chúng tôi đến, ông Huân đang chỉnh sửa ảnh trên phần mềm máy tính để kịp gửi cho đồng đội. Ông làm việc say mê đến độ quên ăn trưa. Ông nói với chúng tôi rằng, để có được nghiệp vụ làm ảnh như hôm nay, ông phải mất rất nhiều thời gian tự nghiên cứu và học từ lớp trẻ. Ông đã đầu tư gần 100 triệu đồng mua những trang, thiết bị phục vụ công việc quay phim, chụp hình của mình.

CCB Lê Hồng Huân sinh năm 1943, tại Hà Nội. Dù đã tuổi 81 nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, tiếng nói sang sảng. Hiện, ông làm việc không lương trong Ban Tuyên truyền-Thi đua của Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Ông không từ chối bất cứ lời mời nào của Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố. Cứ ở đâu có sự kiện là ông đến tác nghiệp giúp. Mặc dù tuổi cao, ông vẫn tự lái chiếc xe SUV Suzuki cũ kỹ chở đồng đội đi nhiều địa phương, kể cả những tỉnh miền núi đèo cao, dốc thẳm. Ông lý giải, ký ức Trường Sơn chính là bí kíp để ông có sức khỏe, tinh thần lao động cống hiến hết mình như hiện nay.

Năm 1963, Lê Hồng Huân nhập ngũ, học lái xe ô tô ở Sơn Tây, rồi được giữ lại làm giáo viên. Cuối năm 1964, ông được điều làm chiến sĩ lái xe ở Tiểu đoàn 52 thuộc Binh trạm 14, Đoàn 559. Thời điểm đó, phương thức vận chuyển trên Đường Hồ Chí Minh đã có bước phát triển mới, ngoài gùi thồ bằng sức người còn có vận chuyển cơ giới. Cuối năm 1965, đầu năm 1966, Đường 20 Quyết thắng nối phía Đông và Tây Trường Sơn được mở và hoàn thành. Tuyến đường dài khoảng 125km, xuất phát từ Phong Nha (Quảng Bình), xuyên qua đại ngàn Trường Sơn, nối liền với Đường 128B ở ngã ba Lùm Bùm thuộc tỉnh Khammouane (Lào). Vào Trường Sơn, lái xe Lê Hồng Huân và đồng đội làm nhiệm vụ trên tuyến đường này. Thời điểm đó, tuyến đường bị địch oanh kích ác liệt, đặc biệt là các trọng điểm ATP được ví như túi bom.

leftcenterrightdel

 Cựu chiến binh Lê Hồng Huân tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: HÙNG HÀ

Ông giải thích, ATP là viết tắt của cua chữ A, Ta Lê và Phu La Nhích. Muốn vận tải cơ giới thành công, nói chính xác là muốn đưa hàng đến đích thì các lái xe phải vượt qua những trọng điểm địch đánh phá ác liệt này. Ông bảo: “Các cháu có tưởng tượng được không? Từ khi tuyến đường được mở ra, gần như ngày nào địch cũng đánh phá”. Có tuần lễ trong năm 1972, 3 trọng điểm này chịu tới khoảng 5 vạn quả bom các loại.

- Trong điều kiện khó khăn, ác liệt như vậy, các bác vận chuyển hàng như thế nào?-Tôi hỏi ông.

- Đó là kỳ tích, là cuộc thử lửa về sự gan dạ, lòng dũng cảm, ý chí, kỹ năng của lái xe Trường Sơn. Địch cứ đánh phá, lái xe cứ đi, hàng cứ tới đích.

Lúc đầu xe đi đêm bật đèn pha. Mỗi lần lên dốc, đèn pha hướng lên trời, máy bay địch lại đến đánh phá và xe trở thành mục tiêu của chúng. Sau này rút kinh nghiệm, ta tổ chức đi đèn gầm hay còn gọi là đèn rùa. Lê Hồng Huân chính là lái xe đầu tiên được chạy thử nghiệm đèn rùa trên Đường 20 Quyết thắng rồi nhân rộng toàn Trường Sơn. Các lái xe có sáng kiến chạy lấn sáng, lấn tối để tăng năng suất vận chuyển. Ban đầu 2 đêm vận chuyển một chuyến hàng, sau tăng lên 3 đêm hai chuyến, rồi tăng lên mỗi đêm một chuyến. Các lái xe thi đua nhau vững tay lái để trả hàng xong là quay về theo tinh thần vượt cung tăng chuyến.

Vào mùa khô, để bảo đảm vận chuyển hàng hóa thông suốt, các đơn vị cao xạ được bố trí trên nhiều đỉnh đồi, sẵn sàng đánh máy bay địch, hỗ trợ cho đoàn xe vận chuyển. Thanh niên xung phong, công binh bố trí ở bên đường để bảo đảm giao thông. Bom nổ dứt không lâu là đường đã thông. Trong hoàn cảnh này, lái xe Lê Hồng Huân trở thành một điển hình, liên tục đưa chiếc xe BA 8228 chở hàng trăm tấn hàng vượt qua các trọng điểm. Kỷ lục lớn nhất với ông thời đó là 8 lần lái xe vượt cua chữ A trong một đêm. Trong những năm tháng đó, Lê Hồng Huân được anh em lái xe ở Trường Sơn phong cho danh hiệu “sóc Hà Nội”, “dũng sĩ vượt cua chữ A”.

Đối với CCB Lê Hồng Huân, mỗi người lái xe ở Trường Sơn đều dũng cảm, không sợ hy sinh, gian khó, luôn tỉnh táo, tinh khôn trước những tình huống đối đầu với không quân địch. Xe ô tô được trang bị thời đó đều không có trợ lực lái nên các lái xe rất vất vả vần vô lăng, chưa nói đến chuyện xe bị sa lầy, chết máy, thay lốp. Mỗi lái xe phải là một thợ kỹ thuật giỏi, có thể khắc phục ngay các sự cố và tự cứu hàng, cứu xe trong điều kiện đêm tối, tác chiến độc lập. Dù nhiều đêm thức trắng do cứu xe bị cháy, bị hỏng, nhưng cũng không cản nổi “sóc Hà Nội” vượt trọng điểm chở hàng tới đích an toàn...

Năm 1980, Thượng úy Lê Hồng Huân, Trợ lý Kỹ thuật Phòng Kỹ thuật Sư đoàn 571 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần) được chuyển ngành về công tác tại Bộ Giao thông vận tải và sau đó làm việc tại Tổng công ty Vật tư vận tải thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Năm 2003, CCB Lê Hồng Huân nghỉ hưu.

Về nghỉ hưu, vẫn vẹn nguyên tinh thần “dũng sĩ vượt cua chữ A”, CCB Lê Hồng Huân tiếp tục công tác, cống hiến tại Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam để lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Trường Sơn đến xã hội. Ông kể, hồi còn lái xe cho doanh nghiệp, ông mua chiếc máy ảnh mini và ghi lại quá trình giao hàng rồi gửi lại cho chủ hàng. Các chủ hàng thấy tinh thần làm việc trách nhiệm của ông nên có hàng là gọi lái xe Trường Sơn Lê Hồng Huân. Chính cách làm ấy khiến ông tìm được niềm đam mê với chụp ảnh, quay phim.

Cho dù mắt đã kém, tai khó nghe hơn xưa nhưng CCB Lê Hồng Huân vẫn hăng say làm việc. Các chi phí đi đường và ăn nghỉ đều do ông tự bỏ ra. Ông đã tặng những hình ảnh, thước phim quý của mình cho các báo, đài và không lấy bất cứ đồng nhuận bút nào. Vì thế, nhiều phóng viên, biên tập viên của các tờ báo, đài truyền hình coi ông như người thân, là chỗ dựa đắc lực trong công việc.

Tháng 10-2023, khi đến Trại viết Trường Sơn tổ chức ở Thái Nguyên, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Phạm Thành Long, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn. Ông Long tự hào nói về CCB Lê Hồng Huân: "Đó là người viết sử Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam bằng hình ảnh. Người luôn hết lòng vì đồng đội".

Qua những câu chuyện, việc làm tốt đẹp, chúng tôi hiểu hơn sứ mệnh cống hiến, làm đẹp cho đời của người lính Trường Sơn-CCB Lê Hồng Huân. Đó là việc làm ý nghĩa để xoa dịu nỗi đau chiến tranh, để hào khí Trường Sơn năm xưa được tiếp nối vào công cuộc xây dựng đất nước tươi đẹp, giàu mạnh hôm nay.

HẢI ANH