Vị Tư lệnh nghĩa tình

Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là trong Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn được tổ chức tại Binh đoàn 12 ngày 19-5-1989. Lúc đó, trụ sở Binh đoàn ở xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức (nay thuộc quận Hà Đông, TP Hà Nội). Khi ấy, tôi là Trợ lý Cán bộ của Binh đoàn 12, thành viên Ban tổ chức lễ kỷ niệm. Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi cũng như nhiều đại biểu trong buổi lễ hôm ấy là vị tướng-nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559) dạn dày trận mạc Đồng Sỹ Nguyên. Trong khi phát biểu, ông nhắc tới những đồng đội đã khuất. Cứ mỗi lần như vậy, ông lại không cầm được nước mắt. Khi nhận bó hoa của đồng chí Tư lệnh Binh đoàn 12 trao tặng, ông đã tặng lại Thiếu tướng Võ Bẩm, người đã vâng lệnh Bác Hồ đi mở đường Trường Sơn, đồng thời là người phụ trách Đoàn 559 lúc mới thành lập.

Trong thời gian công tác tại Binh đoàn 12 và những năm làm báo sau này, tôi được tiếp xúc với rất nhiều đồng đội của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và đều nhận được những lời rất xúc động về vị Tư lệnh thương yêu cấp dưới. Trong thời gian đồng chí Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh Đoàn 559, Đường Trường Sơn từ con đường mòn nhỏ đã trở thành tuyến giao thông vận tải chiến lược với hệ thống đường được mệnh danh là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm".

Để trọn tình, trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội đã hy sinh, đầu năm 1974, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chưa kết thúc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Bộ tư lệnh Trường Sơn quyết định xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn tại khu đồi Bến Tắt, nằm ở chân phía Đông dãy Trường Sơn, thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Sau khi rời vị trí Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đặc phái viên của Chính phủ... đồng chí Đồng Sỹ Nguyên vẫn luôn quan tâm đến Bộ đội Trường Sơn và Binh đoàn 12. Ông thường xuyên thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ của Binh đoàn 12, nhất là vào dịp các ngày lễ, tết hoặc khi đơn vị gặp khó khăn.

Cách đây hơn 20 năm, khi tôi viết bài đăng trên Báo Quân đội nhân dân về một cán bộ trẻ của Sư đoàn 470 (đứng chân tại Đắk Lắk) năng động, sáng tạo, có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thật bất ngờ, sau khi đọc bài báo đó, ông điện thoại cho Thiếu tướng Đỗ Xuân Diễn, Tư lệnh Binh đoàn 12 đề nghị quan tâm, bồi dưỡng nhân vật trong bài báo. Sau đó, đồng chí cán bộ này được điều chuyển công tác về Binh đoàn, được gửi đi đào tạo, bồi dưỡng và nay là Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12.

leftcenterrightdel

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (thứ bảy, hàng trước, từ phải sang) dự cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn tại Binh đoàn 12 (năm 2017). Ảnh: TRƯỜNG SƠN 

Kế nghi binh độc đáo

Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Binh đoàn 12, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Trường Sơn nhớ lại: “Sau khi cùng các lái xe thực địa từng tuyến đường, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên quyết định chuyển sang chủ động dùng kế nghi binh, ngụy trang. Mỹ đánh bom trọng điểm, công binh sẽ san lấp chuyển thành hố nghi binh ngụy trang khéo léo, thỉnh thoảng cho xe chạy qua để địch tiếp tục đánh phá. Ông nói với chúng tôi, máy bay Mỹ làm chủ bầu trời nhưng ta làm chủ mặt đất... Mà ai làm chủ được mặt đất, làm chủ được chiến trường là người đó thắng. Chẳng hạn, muốn ném bom một mục tiêu nào đó, đối phương phải tiến hành trinh sát. Để đối phó với địch, ta ngụy trang nghi binh. Để phòng địch phá đường, ta sửa đường ta đi. Địch mở trọng điểm, ta tổ chức lưới lửa phòng không tập trung, đồng thời ta mở đường vòng, đường tránh ta đi. Để tránh bom đạn sát thương, ta làm hầm kiên cố để trú ẩn. Quan trọng là ta phải đánh giá đúng địch; nắm rõ âm mưu, thủ đoạn, quy luật hoạt động của địch, phải biết địch, biết ta...”.

Trước sự phát triển của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn khiến Mỹ điên cuồng ném bom chặn phá. Chúng đã ném hơn 8 triệu tấn bom trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nhưng riêng Trường Sơn đã hứng chịu hơn 4 triệu tấn. Thế nhưng, Bộ đội Trường Sơn cũng bắn rơi hơn 2.400 máy bay, bằng một nửa số máy bay Mỹ bị Việt Nam bắn rơi. Trường Sơn lúc này không chỉ là đơn vị vận tải đơn thuần mà còn là chiến trường đánh địch trên cả 3 nước Đông Dương. Trong 16 năm, toàn tuyến đường Trường Sơn đã vận chuyển hơn 1,5 triệu tấn vũ khí, lương thực, thuốc men và hơn 5,5 triệu tấn xăng dầu vào chiến trường, vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc, 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường. "Người đi đầu cho những thắng lợi này là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên"-Thiếu tướng Võ Sở nhấn mạnh.

Theo Thiếu tướng Võ Sở, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đặc biệt quan tâm và phát huy vai trò đội ngũ văn nghệ sĩ và báo chí để nâng cao đời sống tinh thần chiến đấu của bộ đội, tạo ra sự lạc quan cách mạng, thúc đẩy các phong trào thi đua trên tuyến chi viện chiến lược. Đời sống văn hóa của bộ đội được đáp ứng ngay trong chiến đấu. Đảng ủy Bộ đội Trường Sơn coi đội ngũ làm công tác văn học, nghệ thuật và thông tin báo chí như một binh chủng. Trường Sơn có một lực lượng làm nhiệm vụ này rất đông, từ những người chuyên trách, tại chức đến những văn nghệ sĩ các tỉnh miền Bắc, miền Nam tham gia. Ngoài việc được cung cấp báo chí từ miền Bắc, Bộ đội Trường Sơn có tờ báo riêng mang tên “Trường Sơn” được xuất bản tại chiến trường.

Đội ngũ văn nghệ sĩ và báo chí thuộc Bộ đội Trường Sơn không chỉ động viên phong trào thi đua của Bộ đội Trường Sơn mà còn góp phần thổi bùng ngọn lửa nhiệt tình cách mạng của cả nước hướng về Trường Sơn, hăng hái “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

leftcenterrightdel

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm Tiểu đoàn Vận tải 101 trong mùa khô 1970-1971 trên Đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu 

“Tài năng, nhân cách sáng ngời Trường Sơn”

Thiếu tướng Hoàng Kiền, Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh là một trong những người may mắn được chứng kiến nhiều việc làm cũng như có những kỷ niệm với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ở chiến trường Trường Sơn. Ông được gặp Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vào cuối năm 1970, khi vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đến làm việc với Binh trạm 32 để phát động Phong trào thi đua “Binh trạm vạn tấn” với nhiệm vụ mỗi tháng phải phấn đấu đưa 1 vạn tấn hàng vượt Đường 9 chi viện miền Nam.

“Đây là tuyến đường bị địch đánh phá ác liệt, phải có những cách làm sáng tạo mới vượt qua khó khăn. Phong trào do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên phát động và trực tiếp chỉ đạo đã đạt kết quả rất tốt. Hằng tháng, số hàng vận chuyển qua Đường 9 đều đạt hơn 1 vạn tấn, bảo đảm việc chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam”, Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết.

Theo Thiếu tướng Hoàng Kiền, Trường Sơn là chiến trường, nơi đây bị không quân Mỹ tập trung đánh phá với quy mô và mức độ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Từ một con đường mòn vận chuyển bằng gùi thồ, mang vác mới chuyển sang vận tải bằng ô tô trước đó chưa lâu, nhưng đến khi Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vào, Trường Sơn phát triển thành một hệ thống đường vận tải quân sự hiện đại với nhiều trục dọc, trục ngang phức tạp, có độ dài lên đến 17.000km; có đường ống xăng dầu đài 1.400km, đường giao liên và tải thương dài 1.200km. Quân số lúc cao điểm ở Đường Trường Sơn lên tới hơn 12 vạn binh sĩ. Hệ thống đường chiến lược này khi ông vào tiếp nhận mới có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe, chia thành 4 binh trạm, đến năm 1975 đã phát triển với quy mô hai sư đoàn vận tải với 10.000 xe. Đây cũng không còn là tuyến đường mòn bị ngăn chặn mà trở thành chiến trường chống ngăn chặn. Quân đội Mỹ đã tìm mọi cách từ thô sơ đến hiện đại nhất để nhằm mục đích cắt đứt con đường vận tải chiến lược này nhưng tuyến đường vẫn hoạt động.

10 năm làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn rất tự hào gọi Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là “Cánh đại bàng của Trường Sơn”. Thiếu tướng Hoàng Kiền đã viết nên những câu thơ để nhớ ông, ông mãi mãi là đại bàng bất tử của núi rừng Trường Sơn: “Mười năm nhiệt huyết hăng say/ Đại bàng vươn cánh tung bay mọi miền/ Gương Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên/ Tài năng, nhân cách sáng ngời Trường Sơn”.

ĐỖ PHÚ THỌ