Trước khi vào họp, một thiếu tướng có dáng người tầm thước, gương mặt đôn hậu, trắng trẻo đến bắt tay tôi: “Chào nhà thơ Nguyễn Hữu Quý! Mình là Hoàng Anh Tuấn, vẫn hay đọc thơ và các bài viết của em trên báo chí”. À, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, một “cánh đại bàng” thời Trường Sơn đánh Mỹ, nay là Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Trường Sơn. Có lẽ, đó là lần đầu tiên và duy nhất anh gọi tôi một cách hơi trịnh trọng như thế, chứ sau này Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn thường xưng hô kiểu “anh và chú” với tôi. 

Nói luôn rằng, anh là người rất trân trọng và thấu hiểu các văn nghệ sĩ Trường Sơn. Sự yêu mến, quý trọng chân thành chứ không phải làm màu, làm mặt như vẫn thấy trong cuộc đời này. Văn nghệ sĩ vốn nhạy cảm, ai thực lòng quý mến mình, người ta biết ngay, đâu dễ “diễn” được qua mắt họ. Có lần, anh tâm sự với tôi: “Chú Quý ạ! Cứ nghĩ đến anh em, đồng đội trong năm tháng chiến tranh ác liệt, nhất là những người đã ngã xuống ở Trường Sơn, lòng mình nôn nao thương nhớ. Chẳng thể sống không tử tế được. Làm được việc gì cho đồng đội, anh em chúng mình vui lắm. Hội Trường Sơn ta là hội tình nghĩa, chẳng có bổng lộc, lợi ích riêng tư nào cả. Được các anh, các chú góp tâm sức, tài trí vào việc chung của hội, chúng mình mừng lắm”.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn thời trẻ ở chiến trường. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nói là làm. Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn thành lập vào mùa thu năm 2017. Là một tổ chức xã hội tự lo mọi kinh phí hoạt động, chuyện thành lập hội văn học-nghệ thuật vào thời nay thật dũng cảm. Sinh ra khó một thì nuôi nó sẽ khó mười, cả chuyện tiền nong lẫn xây dựng đội ngũ. Chắc chắn là thế! Nhưng không gì khác, chính niềm tin Trường Sơn với thực tế cuộc sống đặc biệt đậm chất chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đầy tính huyền thoại trong quá khứ trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo văn học-nghệ thuật đã cổ vũ mọi người vượt qua khó khăn. Những người lính Trường Sơn, trong đó có Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, không muốn quá khứ bị mờ nhạt hay lãng quên giữa bộn bề cuộc sống hôm nay. Thế mới có chuyện “tay không bắt giặc” như việc Hội Trường Sơn mở trại sáng tác văn học lần đầu tiên tại Đồ Sơn. Chuyện thì nhiều, vui, cảm động, kể lâu lâu mới vãn, trong bút ký này, tôi chỉ xin nói đôi chút về nhân vật chính của chúng ta là Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn.

Ngay từ khi Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn được thành lập, nhà văn Phạm Thành Long-Chủ tịch hội, nhà văn Phạm Hoa và tôi là hai phó chủ tịch đã rất mong muốn tổ chức được các lớp bồi dưỡng và sáng tác văn chương cho anh em. Bởi chúng tôi hiểu rằng, những người lính ấy vẫn mang một cuộc chiến khôn nguôi trong mình, họ là những “kho” chuyện về Trường Sơn thời đánh Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết những cựu binh cầm bút chưa hề qua một lớp bồi dưỡng lý luận văn học nào. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn tâm sự: “Khó khăn đến mấy cũng phải tổ chức trại viết, các chú ạ. Trại viết ấy phải “2 trong 1”, nghĩa là vừa bồi dưỡng lý luận văn học, vừa tập trung sáng tác”. Mọi việc rồi cũng suôn sẻ, hơn ba mươi hội viên-những cựu binh Trường Sơn từng là lính lái xe, công binh, pháo binh, thanh niên xung phong thời chống Mỹ ham mê văn chương lục tục kéo nhau về Đồ Sơn tham dự trại viết. Họ chưa quên được một thời tuổi trẻ đi qua Trường Sơn đầy bom đạn, túng thiếu, bệnh tật để làm nên công trình lịch sử vĩ đại của dân tộc: Tuyến đường Hồ Chí Minh có 5 trục dọc, 21 trục ngang nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn.

*

*    *

Hoàng Anh Tuấn đến với Trường Sơn khi còn rất trẻ. Đã có khá nhiều bài viết về anh, trong đó tôi rất thích bút ký Thuyền lên Thạch Hãn của nhà văn Phạm Hoa. Bút ký giành giải nhất cuộc sáng tác văn học do Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kể về tiểu đoàn vận tải thủy mang phiên hiệu 166 thuộc Binh trạm 12 chi viện cho bộ đội ta chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972. Lúc ấy, Hoàng Anh Tuấn là Chính trị viên Tiểu đoàn 166. Riêng tôi muốn nhìn lại anh ở một thời điểm khác gắn với mảnh đất Quảng Bình khi Hoàng Anh Tuấn đang ngồi sau tay lái của chiếc xe không kính trên Đường Trường Sơn.

Tuổi thơ tôi “dính” mười năm chiến tranh phá hoại của Mỹ. Đêm đêm, từ cửa hầm chữ A, tôi hay nhìn về phía tây Quảng Bình, thấy chớp bom nhoáng nhoàng kèm theo những chuỗi nổ ầm ầm không dứt. Ba tôi bảo: “Bọn hắn ném bom trên Đường Trường Sơn đó con!”. Khi vào học Trường cấp III Bố Trạch thì Trường Sơn gần gũi với tôi hơn nhờ những bài thơ hay của Phạm Tiến Duật. Những bài thơ bề bộn hiện thực Trường Sơn đã lay động tâm hồn hàng triệu người Việt Nam thời ấy. Tôi bị mê hoặc bởi nhiều thi phẩm của anh, trong đó có bài Nhớ nằm trong chùm thơ đặc sắc được giải nhất cuộc thi của Báo Văn nghệ 1969-1970: Cái vết thương xoàng mà đi viện/ Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo.../ Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo. Chẳng biết ai là nguyên mẫu của chiến sĩ lái xe trong bài thơ này, nhưng nay đọc lại, tôi thấy nó gần lắm với những người như Hoàng Anh Tuấn thời ngồi sau tay lái chiếc xe không kính ở Trường Sơn.

Trong hồi ức người lính, Hoàng Anh Tuấn không quên được những năm tháng sôi nổi của thời trai trẻ. Giữa tháng 8-1969, anh cùng một số đồng đội lên Lạng Sơn nhận xe. Xe của Liên Xô chi viện được quá cảnh qua Trung Quốc tập kết ở Đồng Đăng. Tiểu đoàn của anh nhận được một loạt xe ZiL-157 sơn màu cánh chả mới tinh chạy về Hà Nội, sau đó đi tiếp vào Thanh Hóa bảo dưỡng kỹ thuật rồi chờ ngày nhập tuyến. Cuối tháng 8, mưa triền miên, mưa xối xả. Trong biển mưa, con đường 20 Quyết Thắng ướt sũng, lồi lõm hiện lên trước mắt. Tiểu đoàn 52 của anh được biên chế về Binh trạm 14, đóng từ Cây số 4 đến Cây số 12 Đường 20 thuộc huyện Bố Trạch quê tôi. Có một nỗi đau lớn lao đối với các anh, khi vào tuyến cũng là lúc nhận tin Bác Hồ mất, ai cũng trĩu nặng nỗi buồn trống vắng.

Con đường mang tên Bác những năm 1969-1970 hết sức ác liệt. Ngay từ đầu chiến dịch vận tải mùa khô của ta, địch đã tập trung đánh chặn ở các trục vượt khẩu. Trên Đường 20, chúng tập trung đánh phá ở Cây số 54, khu vực Cà Roòng, nơi đặt Sở chỉ huy binh trạm và Cây số 68 thuộc biên giới Việt-Lào. Hoàng Anh Tuấn cùng đồng đội đã có mặt trên những cung đường, trọng điểm ác liệt nhất của Trường Sơn. Có một Trường Sơn dằng dặc điệp trùng trong hồi ức người lính với những địa danh không bao giờ quên như: Cua chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Phu La Nhích, phà Xuân Sơn, Văng Mu, Lùm Bùm, Chà Là, Cốc Mạc, Noọng Cà Đeng, Tha Mé, Ca Tốc...

Có lần ngồi với chúng tôi, anh rủ rỉ kể về những đồng đội đã mất. Câu chuyện của anh làm chúng tôi bùi ngùi. Đây là một mảnh quá khứ không thể nào quên. Một đêm giữa tháng 4-1970, xe các anh đi giao hàng theo lộ trình quen thuộc. Hoàng Anh Tuấn (lúc này đã là một cán bộ đại đội trẻ) ngồi xe ở cuối đội hình. Mấy chục cây số đầu, đội hình xe của tiểu đoàn chạy ngon lành. Đến Cây số 89-90 Đường 128, gần Noọng Cà Đeng, bỗng chớp bom nhoáng nhoàng kèm theo những chuỗi nổ ầm ầm. Xe anh tiến lên khoảng một cây số, thấy một chiếc khác đứng im trong khói bụi mịt mù. Hoàng Anh Tuấn nhảy ra khỏi buồng lái, hỏi: “Xe ai đấy, sao dừng lại?”. Dần, phụ lái, nghẹn ngào nói: “Anh Tuấn ơi, anh Khôi chết rồi!”. Anh nhào đến buồng lái, thấy Dần đang ôm chặt Khôi, máu từ người đồng chí đã hy sinh chảy ra lênh láng, còn nóng hổi. Một mảnh bom phát quang làm cong vô lăng và chém ngang ngực làm Khôi gục xuống tức thì. Không chần chừ, anh bảo Dần ôm Khôi ngồi sang một bên còn mình tìm búa gò vô lăng lại rồi cầm lái cho xe chạy tiếp... Không ít lần anh chứng kiến cái chết của đồng đội trên tay lái như thế. Sau chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, tổng kết lại có hơn 20 nghìn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hy sinh trên con đường Trường Sơn. Hơn 10 nghìn đồng đội ta đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn ở thượng nguồn sông Bến Hải thuộc tỉnh Quảng Trị.

Chuyện của lính, lại là lính trận mạc như Hoàng Anh Tuấn kể làm sao cho hết. Với anh, cái hạnh phúc được trở về sau những năm tháng chiến trường nghiệt ngã hình như không trọn vẹn. Dường như cuộc chiến bi tráng ấy vẫn hiển hiện nóng bỏng trong lòng những người lính Trường Sơn. Bài viết này chỉ là chút cảm nhận về con người mà tôi yêu quý, trân trọng: Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn. Viết về anh, tôi lại liên tưởng tới những người lính lái xe từng hiện lên rất đẹp trong thơ Phạm Tiến Duật: Không có kính, rồi xe không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước,/ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước,/ Chỉ cần trong xe có một trái tim. Bài thơ này Phạm Tiến Duật làm năm 1969, đúng thời gian Hoàng Anh Tuấn có mặt ở tuyến đường 20 Quyết Thắng trên mảnh đất “Quảng Bình quê ta ơi”!

Bút ký của NGUYỄN HỮU QUÝ