Binh đoàn 11 được giao xây dựng dự án Đồn Biên phòng 669 Đăk Nhoong, một dự án lớn trên khu vực đỉnh dãy Trường Sơn Tây Nguyên thuộc huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Do địa hình khó khăn, thời tiết phức tạp nên tiến độ thi công chậm. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Đường Tuần tra biên giới khi ấy cho họp, yêu cầu Ban Quản lý dự án 47 cần phối hợp với các đơn vị tranh thủ thời tiết đang mùa khô để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đại tá Võ Hồng Thắng, Tư lệnh Binh đoàn 11 báo cáo với Bộ trưởng các biện pháp khắc phục, trong đó, toàn bộ lực lượng thi công dự án Đồn Biên phòng 669 Đăk Nhoong sẽ ăn Tết Nhâm Thìn tại công trường.

Đại tá Võ Hồng Thắng đã mời tôi lên công trường ở Tây Nguyên ăn Tết với đơn vị và dự lễ phát động thi đua ra quân đầu năm. Từ tình cảm cùng học Khoa Công trình quân sự, nay là Viện Kỹ thuật Công trình đặc biệt, Học viện Kỹ thuật Quân sự (tôi học trước anh Thắng một khóa), khi công tác có mối quan hệ với nhau rất thân tình, lại cùng tham gia xây dựng đường tuần tra biên giới nên tôi nhận lời ngay.

Sáng mồng Một Tết, Đại tá Võ Cửu Long, Giám đốc Công ty 96, Binh đoàn 11 đưa Đại tá Võ Hồng Thắng đến nhà chúc Tết rồi chúng tôi cùng hành quân lên công trường xây dựng đường tuần tra biên giới. Các thành viên trong mấy gia đình chúng tôi đều ngỡ ngàng: "Sao lại đi công tác vào sáng mồng Một Tết, đúng là chỉ có bộ đội mới như thế!".

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Hoàng Kiền (thứ hai, từ trái sang) trong chuyến kiểm tra công trường đường tuần tra biên giới tại Bình Phước năm 2013. 

Ảnh do tác giả cung cấp 

Đoàn lên Sân bay Quốc tế Nội Bài để vào Đà Nẵng. Ngày đầu năm mới, máy bay chỉ lác đác có vài người. Ngồi trên máy bay nhìn xuống, đất nước ta như một dải cờ hoa rực rỡ đón chào năm mới, tôi bồi hồi nhớ lại 30 năm trước. Cũng sáng mồng Một Tết Nhâm Tuất 1982, tôi đi cùng đoàn công tác của Bộ tư lệnh Hải quân, do Chuẩn đô đốc Phạm Huấn, Phó tư lệnh dẫn đầu ra trực chiến tại đảo Bạch Long Vĩ. Ngồi trên trực thăng săn ngầm Ka-25 bay trên mặt biển, nhìn những con sóng bạc đầu trên biển cả mênh mông mà trong lòng tôi dào dạt bao cảm xúc. Thế rồi tôi gắn bó với đảo Bạch Long Vĩ, còn có tên là Phù Thủy Châu (hòn ngọc trên mặt nước) trong 3 năm. Khi ấy, tôi mới hơn 30 tuổi. Vậy mà khi đã ngoài 60 tuổi tôi vẫn tiếp tục lên rừng xây dựng đường tuần tra biên giới.

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, chúng tôi vào trụ sở Công ty 96 chúc Tết đơn vị, nâng ly chúc sức khỏe nhau với niềm vui thắm tình đồng đội. Đón Đại tá Đặng Trung Hội, khi ấy đang là Trưởng ban đại diện Báo Quân đội nhân dân tại miền Trung-Tây Nguyên, chúng tôi đi ô tô lên Tây Nguyên. Gần 22 giờ đến lán công trường Ban điều hành dự án của Binh đoàn 11 trên đỉnh Trường Sơn thuộc huyện Đăk Glei. Trong bữa cơm muộn trên đỉnh Trường Sơn, bên cạnh bếp củi sưởi trong lán công trường có tôi, Đại tá Võ Hồng Thắng, Đại tá Võ Cửu Long, Đại tá Nguyễn Chí Dũng là Giám đốc Công ty 386, Đại tá Phạm Văn Giang là Giám đốc Xí nghiệp 141 cùng các cán bộ công trường của Binh đoàn 11. Bữa cơm ấy có đầy đủ dưa hành, thịt mỡ, bánh chưng xanh. Anh em nâng ly chúc nhau sức khỏe, trao đổi những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và kế hoạch tổ chức ra quân đầu xuân vào sáng hôm sau. Khoảng 23 giờ, chúng tôi về lán ngủ. Đêm ấy gió thổi rất lạnh, nhiệt độ chỉ khoảng 7-8 độ C.

Do uống nhiều nước trà đặc, không ngủ được, tôi dậy ra ngoài bước trên con đường tuần tra đang mở. Thấy tất cả lán trên công trường anh em đều đốt lửa để sưởi. Ánh lửa hắt ra bập bùng thấp thoáng suốt một dải trên đỉnh Trường Sơn uốn theo hình chữ S kéo dài xa xa, nhìn thật kỳ diệu. Nhìn ra phía Đông là Biển Đông mênh mông sóng vỗ, nơi có quần đảo Trường Sa thiêng liêng mà tôi có gần chục năm gắn bó. Một tiếng sau, trở lại nằm trong lán có phên nứa thưng xung quanh, gió luồn qua kẽ liếp lạnh tới xương sống. Tôi nhớ lại những năm tháng mở đường Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bao kỷ niệm trào dâng trong lòng. Đời bộ đội chẳng quản gian lao, nơi nào cần là ta đi tới, dẫu khó khăn gian khổ vẫn vững vàng tiến bước, thật vui và tự hào. Sáu năm là người chiến sĩ công binh mở đường Trường Sơn, đón 6 cái Tết ở chiến trường Trường Sơn trên đất nước Triệu Voi, xứ sở hoa Chămpa tươi đẹp. Sau gần bốn thập kỷ nay lại lên đỉnh Trường Sơn mở đường tuần tra biên giới, ăn cái Tết thứ 7 ở Trường Sơn, bao nhiêu kỷ niệm xưa ùa về, trào dâng trong lòng.

leftcenterrightdel

Đường tuần tra biên giới ẩn mình trong những tán lá rừng của đại ngàn Tây Nguyên.
Ảnh: VŨ QUANG THÁI 

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi từng chứng kiến đêm trên rừng Trường Sơn bom rơi, đạn nổ ầm ầm không ngớt, Bộ đội Công binh không quản ngại hy sinh xông ra khắc phục hậu quả đánh phá của địch. Những khi ngớt tiếng máy bay, giữa núi rừng bao la lại nổi lên tiếng chim kêu, vượn hú và tiếng côn trùng. Khi thì vọng lên tiếng con chim "bắt cô trói cột", lúc lại nghe "hai cô một cột, hai cô một cột", rồi tiếng tắc kè kêu lúc to, lúc nhỏ, cả tiếng chim từ quy gọi nhau suốt năm canh nghe thật não lòng. Đêm nay, nằm trên đỉnh Trường Sơn ở độ cao hơn 1.800m, khí hậu khắc nghiệt, toàn bộ núi rừng im phăng phắc, chỉ nghe tiếng giọt sương đọng trên mái tôn rơi lộp độp lẫn trong tiếng gió với cây cối rì rào trong màn đêm thăm thẳm...

Sáng mồng Hai Tết, đúng 8 giờ, toàn công trường tập trung phát động thi đua. Băng-rôn, khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng tung bay trên các điểm thi công, các xe ô tô, máy thi công đều có cờ đuôi nheo. Lệnh ra quân đầu xuân phát ra, tiếng ô tô, máy thi công nổi lên ầm ầm, tiếng còi xe vang vọng khắp núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Thật bồi hồi xúc động, xao xuyến lòng người. Khí thế thi công sôi nổi hừng hực trên công trường, làm tan cả cái lạnh tê tái. Chúng tôi đi hết một lượt toàn tuyến đường của khu vực do Binh đoàn 11 thi công, thăm một số đơn vị của Binh đoàn 12 và các đơn vị khác, động viên cán bộ, chiến sĩ, người lao động... Tất cả đều hào hứng ra quân đầu năm với khí thế thi đua sôi nổi. Tôi đã tức cảnh mà viết nên những câu thơ trong buổi sáng đầu xuân ấy:

Đời chiến sĩ đẹp biết bao
Trường Sơn huyền thoại thêm cao nghĩa tình
Đường tuần tra đậm bóng hình
Biên cương một dải công trình nở hoa.

Thiếu tướng HOÀNG KIỀN