Những vụ mùa trĩu hạt

Sáng mùa hạ, phố núi Pleiku (Gia Lai) trời trong, mây trắng. Đại tá Hoàng Văn Sỹ tiếp chúng tôi ngay tại “đại bản doanh”. Bên tách trà tỏa hương, câu chuyện anh kể chủ yếu nói về những đóng góp của người lính “binh đoàn xanh trên cao nguyên đỏ” dành cho đồng bào Tây Nguyên. 

Nói đúng ra, chúng tôi đã gặp và làm việc với anh từ năm 1990, khi đó anh còn là cán bộ của Công ty 715 (Binh đoàn 15). Ngày ấy, vùng biên giới Ia Grai (Gia Lai) còn thiếu cái ăn, cái mặc. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 80%, trong đó, tỷ lệ đói nghèo chiếm gần 40%. Cả một vùng rộng lớn đất đai khô cằn, bạc màu. Buổi đầu, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống cán bộ, công nhân và đồng bào còn nhiều khó khăn.

leftcenterrightdel

Đại tá Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 trò chuyện với đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đức Cơ (Gia Lai). 

Với suy nghĩ “mình là cán bộ, đảng viên, là Bộ đội Cụ Hồ mà để người dân khổ cực là có tội và không hoàn thành nhiệm vụ”, anh Sỹ chủ động đề xuất với Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty 715 chỉ đạo cán bộ, đảng viên tích cực, chủ động “bám dân, bám rừng, bám buôn làng” để mở rộng diện tích vườn cây, tuyển con em bà con địa phương vào làm công nhân, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Rút kinh nghiệm trong quản lý, đầu tư sản xuất, kinh doanh, coi hiệu quả và cuộc sống đồng bào lên trên hết, trên cơ sở nội dung đề xuất, tham mưu của anh Sỹ, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty 715 quyết định triển khai thực hiện “đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải”. Trước hết, đơn vị tập trung mọi nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng vườn cây và thay đổi phương án nhận khoán, phát huy dân chủ, công khai và bảo đảm đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn cho cán bộ, công nhân, người lao động.

Những ngày gian khó xa dần, thay vào đó là diện mạo mới với nhiều khởi sắc. Những cánh rừng cao su xanh thẳm. Những vườn cà phê, hồ tiêu đang mùa quả chín... Màu xanh no ấm ấy được mọc lên bởi chính bàn tay của cán bộ, chiến sĩ Công ty 715 và sự cố gắng của bà con đồng bào DTTS. Cả một vùng đất Ia Grai đói nghèo năm xưa đang hiện hữu một nhịp sống mới. Cao nguyên đỏ từng xơ xác, trống vắng bởi cái nghèo, cái đói, bởi sự tàn phá của chiến tranh, nay đã cho những vụ mùa trĩu hạt...

Hành quân lên huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai), sự no ấm hiển hiện trong tầm mắt. Sự đổi thay này là thành quả đáng tự hào của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Công ty 74 (Binh đoàn 15). Tôi nhớ, cách đây khoảng 20 năm, cán bộ công ty muốn tổ chức một cuộc họp để vận động đồng bào DTTS cho con em vào làm công nhân, giúp họ xóa đói, giảm nghèo, thế nhưng năm lần bảy lượt đều bất thành. Sở dĩ như vậy là vì thời điểm đó, các hủ tục lạc hậu còn ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức của đồng bào.

Sau nhiều đêm tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về truyền thống, phong tục, tập quán địa phương, đội ngũ cán bộ được công ty phân công “cắm bản” đã quyết định chọn phương án “đốt lửa ấm” để mời gọi bà con. Hôm đó, trời lạnh lắm, tất cả cán bộ có mặt đều tự giác chia ra các ngả đi nhặt những cành củi khô để nhóm lên một đống lửa to, tỏa sáng cả một vùng. Đống lửa “gọi người” đầu tiên đó đã khởi đầu cho một câu chuyện dài về tình đoàn kết quân dân sâu nặng, thắm thiết trên vùng biên giới...

Dấu ấn đậm nét nhất là từ khi Trung tá Hoàng Văn Sỹ về làm Giám đốc Công ty 74. Với phương châm: “Tập trung đầu tư, nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh”, anh Sỹ mạnh dạn sắp xếp lại vườn cây, đầu tư sản xuất và “chuyển đổi cây trồng, vật nuôi”, theo hướng tập trung, hiệu quả. Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng theo công nghệ hiện đại được triển khai hiệu quả. Công ty còn hỗ trợ bà con địa phương trồng hàng trăm héc-ta lúa trên đất tái canh cây cao su...

Chính sự kết hợp hiệu quả này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động, giúp họ yên tâm gắn bó với công ty, xây dựng quê hương giàu đẹp. Già làng Kpuih Peo ở làng Do, xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ) nói với chúng tôi: “Ngày trước, đồng bào Ê Đê, Gia Rai ta nghèo lắm, bà con chỉ quen đốt nương làm rẫy. Cái rẫy hết màu, cây lúa, cây ngô không lớn được nữa, lại đi tìm cánh rừng khác. Cái ăn vào miệng thì bốc bằng tay. Cái đau, cái bệnh từ đấy mà sinh ra. Nhưng từ ngày có “bộ đội 74” về buôn làng, mọi thứ đều khác...”.

Vì sự phát triển của cộng đồng

Đại tá Hoàng Văn Sỹ được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Binh đoàn 15 trong hoàn cảnh chịu nhiều “sóng gió”, bởi giá mủ cao su xuống thấp, thu nhập bình quân đầu người sụt giảm. Đơn vị thực hiện phương án “tái cơ cấu” vào thời điểm một số cán bộ nguyên lãnh đạo của binh đoàn và các công ty vi phạm pháp luật phải xử lý. Thế nên, một số cán bộ, công nhân và người lao động có biểu hiện băn khoăn, lo lắng.

Trước những khó khăn, thử thách ấy, Tư lệnh Hoàng Văn Sỹ đã bàn bạc, thống nhất cùng Đảng ủy đưa vào nghị quyết các nội dung, chỉ tiêu, biện pháp cụ thể. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, Đại tá Hoàng Văn Sỹ chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh sát với tình hình thực tiễn, nhất là thực hiện nghiêm “5 khâu quản lý” về kế hoạch, tiền lương, lao động, kỹ thuật và vật tư, tài chính.

Lãnh đạo, chỉ huy binh đoàn yêu cầu các đơn vị chủ động nguồn vật tư, phân bón, kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây, khai thác hiệu quả các dây chuyền sản xuất và huy động những nguồn đóng góp để đầu tư phân bón tăng thêm cho vườn cây. Binh đoàn chủ trương đổi mới, trong đó, “tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đa dạng hóa sản phẩm” là 3 mũi nhọn đột phá.

Các công ty chủ động phối hợp với nhiều địa phương, quy hoạch những khu kinh tế-quốc phòng, khai hoang đồng ruộng, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, bảo đảm lương thực, thực phẩm trước, từng bước trồng cây công nghiệp cao su, cà phê và ổn định dân cư. Nhờ vậy, năm 2021, binh đoàn đạt được những kết quả vượt bậc trong sản xuất, kinh doanh, nhiều đơn vị có năng suất cao, bình quân đạt từ 1,8 đến hơn 2 tấn mủ khô/ha, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao hơn 20%. Binh đoàn đã vượt kế hoạch với sản lượng hơn 45.000 tấn, năng suất bình quân 1,8 tấn/ha, thu nhập người lao động đạt hơn 7,2 triệu đồng/tháng.

Để có được những vụ mùa hiệu quả ấy là nhờ vị tư lệnh luôn lo lắng “vì sự nghiệp phát triển cộng đồng”. Hiện toàn bộ hệ thống giao thông nông thôn, trường học, bệnh xá, điện thắp sáng đã về tận buôn làng xa nhất. Đời sống của cán bộ, công nhân và đồng bào DTTS đã được nâng cao. Bây giờ người dân ra rừng cao su, cà phê cũng đi bằng xe gắn máy; gần 90% hộ gia đình có ti vi. Thu nhập bình quân của các hộ nhận khoán ổn định. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang hiển hiện trong ánh mắt già làng Gia Rai và nụ cười e ấp của những cô thôn nữ Ba Na, Giẻ Triêng.

Lên Tây Nguyên, chúng tôi còn được nghe đồng bào kể nhiều về ân tình của Đại tá Hoàng Văn Sỹ. Làm tư lệnh, giám đốc, phải lo kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận là lẽ đương nhiên của bất kỳ giám đốc nào trong thương trường, nhưng anh Sỹ và các đồng chí tư lệnh binh đoàn trước đây lại có cách làm “khác người”, nhường phần thuận lợi cho dân, nhận phần khó khăn, vất vả cho mình, cho bộ đội. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe bà con kể, binh đoàn đã đề ra công thức “suối-dân-bộ đội”. Nghĩa là, từ mép suối trở lên 100 đến 150m đất tốt, lại gần nước thì dành cho dân sản xuất.

Còn ở bên trong, khu đất ít thuận lợi hơn, bộ đội sẽ nhận làm. Công thức ấy, chắc hẳn không một doanh nhân, doanh nghiệp tư bản nào nghĩ tới và dám làm mà chỉ có thể kết tinh từ trái tim Bộ đội Cụ Hồ, của dân, do dân, vì dân, là minh chứng sinh động thể hiện vai trò “đội quân công tác” ngay ở lĩnh vực cạnh tranh gay gắt nhất trong thời bình là “thương trường”. Thành công của Binh đoàn 15 biến những vùng rừng xác xơ, nghèo đói, những vùng đất hoang hóa, đầy vết tích chiến tranh thành những “phòng tuyến xanh” gồm ngút ngàn các rừng cây công nghiệp, những khu dân cư, buôn làng trù phú.

Giờ đây Tây Nguyên đang đổi thay từng ngày. Sự bình yên và phát triển ấy có dấu ấn của những người lính “binh đoàn xanh trên cao nguyên đỏ”. Chính các anh đã góp phần đem lại cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Thế nên, phút chia tay, lời tâm sự của Đại tá Hoàng Văn Sỹ khiến chúng tôi nhớ mãi: “Những người lính binh đoàn không chỉ nghĩ đến màu xanh mà còn nghĩ đến thế bố trí chiến lược của binh đoàn, để không chỉ thúc đẩy Tây Nguyên mà còn nhiều vùng khác phát triển!”.

Bài và ảnh: TIẾN DŨNG - QUANG HỒI