Nhưng ít ai biết rằng, để đạt được yếu tố bất ngờ về hỏa lực, đối phó với chiến tranh công nghệ cao, bộ đội pháo binh phải khổ luyện ngày đêm trên thao trường, bãi tập để thuần phục những chú "voi sắt", bất chấp thời tiết khắc nghiệt. Thậm chí họ còn luyện tập trong cả lúc ngủ, trong giờ nghỉ. Câu chuyện về việc huấn luyện mà chúng tôi ghi lại từ thực tế ở Lữ đoàn Pháo binh 368 (Quân đoàn 1) đã chứng minh điều đó. 

leftcenterrightdel
 Khẩu đội pháo 122-Đ30 của Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1) luyện tập. Ảnh: ĐỨC HUY

Hơn 10 giờ, chúng tôi gặp Trung tá Trần Văn Đạt, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn Pháo binh 368 tại phòng làm việc của Phòng Tham mưu như đã hẹn. Anh nở nụ cười tươi rồi mời chúng tôi ra khu kỹ thuật để “thực mục sở thị” một nội dung huấn luyện pháo chiến dịch.

Trên sân bê tông trước cửa nhà xe rộng thênh thang, khẩu pháo 122-Đ30 phơi mình dưới nắng như chú voi đang ngủ. Nòng pháo sơn màu xanh rêu có điểm những chiếc lá nhiều màu sắc khác nhau chúc xuống mặt bê tông đến là hiền từ. Thiếu tá Hà Huy Điệp, Đại đội trưởng Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1) phất cờ đỏ, khẩu đội lao nhanh ra vị trí tập hợp.

Sau khẩu lệnh “dùng pháo” phá tan không gian ngập nắng ngột ngạt của Trung sĩ, Khẩu đội trưởng Nguyễn Duy Điều, pháo thủ lao nhanh về các vị trí. Loáng cái, hai chiếc bánh lốp dùng để đỡ toàn bộ khẩu pháo đã tách khỏi nền bê tông nóng hầm hập. Lúc này, “chú voi sắt” nặng tới hơn 2,2 tấn dường như đã tỉnh ngủ, rùng rùng chuyển động và tỳ đè vào điểm duy nhất là thân chiếc kích ren bằng sắt đường kính không quá 5cm gắn với đế hình tròn to như cái mâm đồng con có các gân nổi bên trong.

leftcenterrightdel
 Pháo của Lữ đoàn 368 trong diễn tập.  Ảnh: ĐỨC HUY

Khi mặt bánh lốp cách mặt đất chừng ngang hông người thì các pháo thủ đồng loạt đẩy càng pháo ra các góc. Kích ren lại được hạ xuống đến khi khẩu pháo dồn đều lực lên các càng pháo.

Trung sĩ Nguyễn Duy Điều đột ngột hô loạt khẩu lệnh dứt khoát: "Ngắm điểm dấu chính". Nòng pháo từ từ dâng lên rồi dừng lại. Pháo thủ số 1 thực hiện các thao tác chỉnh pháo, tìm tham số, phần tử bắn nhanh hơn điện. Thiếu tá Hà Huy Điệp ra lệnh dừng tập đột ngột, lệnh cho các pháo thủ thu hồi khí tài. Sau vài phút, khẩu pháo lại trở về vị trí ban đầu. Tôi đề nghị Khẩu đội trưởng Nguyễn Duy Điều cho tôi được thay thế pháo thủ số 2 để thao tác nâng, hạ kích ren. Sau một hồi đánh vật với nó, tôi cũng phối hợp cùng số 3 vận hành chiếc kích ren một cách chậm chạp. Các chiến sĩ nhìn mồ hôi tôi chảy ròng ròng trên má đỏ ửng khi vật lộn với công việc, họ quay mặt đi tủm tỉm. Cái giá cho đề nghị thử làm pháo thủ của tôi phải trả là quá đắt. Mu bàn tay trái của tôi bị đánh vào thân pháo sưng tím, nhức đến nay vẫn chưa khỏi.

leftcenterrightdel

Binh nhất Nguyễn Thanh Tùng, pháo thủ số 1 lấy phần tử bắn. Ảnh: ĐỨC HUY

Giờ giải lao ngắn ngủi, pháo thủ số 2 và số 3 là hai chàng binh nhất mặt sạm nắng và đẫm mồ hôi quê ở Thanh Trì (Hà Nội) chìa cho tôi xem đôi bàn tay nổi u cục chai sần mốc thếch. Họ tâm sự, để chiếc “chân voi” hoạt động trơn tru, nhanh nhất có thể thì phải luyện kết hợp quay rất đều tay. Khi đế sắt của “chân voi” chạm đất, gần như trọng lượng khẩu pháo dồn lên một vị trí thì lực quay cũng nặng hơn. Để có kết quả như hôm nay, hai pháo thủ phải cùng luyện ngày luyện đêm, có khi trong giấc ngủ họ cũng nghĩ đang cầm cái tay quay.

Còn Binh nhất Nguyễn Thanh Tùng, pháo thủ số 1 thì thổ lộ, thời điểm ban đầu bước vào huấn luyện với pháo, anh phải làm quen với khái niệm thước tầm, độ tà, độ hướng, điểm dấu chính, điểm dấu phụ... Để “tiêu hóa” nhanh bài học, vào giờ nghỉ trưa, Tùng hình dung lại nội dung. Sau khi sinh hoạt tối, Tùng ngồi trên giường như người thiền, hình dung ra các bước của quá trình chuẩn bị pháo và thực hành chiến đấu. Đôi tay của Tùng vân vê vào không khí giống như khi điều chỉnh khí tài, nhìn rất buồn cười. Tùng bảo, đến nay, sau một năm làm pháo thủ số 1, ngoại trừ những việc phải dùng mắt để căn chỉnh khí tài còn những việc khác thì có bịt mắt anh cũng làm chuẩn xác như thường.

Trở lại phòng làm việc của Phòng Tham mưu, Trung tá Trần Văn Đạt, người tốt nghiệp Học viện Lục quân sau hai năm tu luyện cách đây không lâu, trang bị cho chúng tôi ít kiến thức về pháo binh chiến dịch. Theo anh, có nhiều loại pháo khác nhau được sử dụng trong tác chiến chiến dịch. Mỗi loại pháo có một yêu cầu riêng về kỹ thuật và chiến thuật. Nhưng chúng có một điểm rất chung là, để có phát bắn uy lực, chính xác, đúng ý định của người chỉ huy ngay từ đầu thì pháo binh rất vất vả trong giai đoạn chuẩn bị. Các sĩ quan tham mưu phải tính toán và làm đường để đưa pháo vào trận địa một cách bí mật. Tiếp đó, họ phải chọn vị trí xây dựng trận địa dự bị ở các khoảng cách nhất định sao cho tiện cơ động, triển khai, thu hồi pháo. Tổ trinh sát và kế toán phải lấy được các phần tử ngắm chính, ngắm phụ, làm điểm chuẩn cho từng khẩu pháo để có thể bắn được ban ngày, ban đêm.

Trung tá Trần Văn Đạt tâm sự, trong điều kiện tác chiến công nghệ cao, khi pháo bắn xong phát đầu tiên là mục tiêu đã bị lộ, dễ bị các loại máy bay không người lái chụp tọa độ, làm mồi cho đối phương sử dụng vũ khí chính xác tấn công. Thế nên, sau khi khai hỏa là phải dịch chuyển “voi sắt” ngay lập tức. Từ đó đặt ra yêu cầu rất cao trong huấn luyện. Đặc biệt, việc huấn luyện cơ động, dịch chuyển trở thành yêu cầu bắt buộc. Việc huấn luyện nâng cao thể lực, tâm lý bộ đội cũng như bảo đảm ăn, chăm sóc y tế, chăm sóc tinh thần cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ thuần phục "voi sắt" cũng phải tính đến.

Thực tế cho thấy, thời gian huấn luyện thể lực cho bộ đội ở các phân đội của lữ đoàn thường vượt so với quy định tới hơn 50%. Ví dụ, để quay kích ren hiệu quả, trung bình mỗi lần tập trong ngày, pháo thủ số 2 và số 3 phải đạt được mức co tay xà đơn hơn 30 chiếc. Còn Thiếu tá Hà Huy Điệp thì kể rằng, thực tế khi diễn tập, một số pháo thủ bị choáng, bị rối tâm lý vì lần đầu nghe tiếng nổ. Để khắc phục hiện tượng này, trước khi bước vào diễn tập, các pháo thủ được huấn luyện làm quen với tiếng nổ từ thấp lên cao. Ban đầu, họ nghe tiếng nổ qua hệ thống âm thanh tạo giả và sau đó thì được nghe tiếng bộc phá nổ ở các khoảng cách khác nhau. Điều này giúp các pháo thủ quen với tiếng nổ trong tác chiến. Hay việc tạo ra áp lực, yêu cầu cao trong huấn luyện cũng là cách để nâng cao trình độ sử dụng pháo.

Tôi phá vỡ kết cấu bài giảng không giáo án của Trung tá Trần Văn Đạt khi hỏi về các sáng kiến hữu ích trong huấn luyện của lữ đoàn.

Anh trầm tư một lúc rồi trả lời: “Sáng kiến à? Rất nhiều, nhưng có lẽ đáng bàn nhất là đơn vị đã xây dựng được bộ tình huống khá chi tiết dựa trên các nội dung huấn luyện sát điều kiện chiến đấu. Có tình huống cơ động, dịch chuyển chiếm lĩnh trận địa; có tình huống trong giai đoạn tác chiến và tình huống về mặt kỹ thuật. Trong đó đáng kể là huấn luyện thay đổi điều kiện khí tượng. Lý do là, khi thay đổi điều kiện khí tượng thì việc tính toán tham số mục tiêu mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến bộ phận trinh sát, kế toán và lấy phần tử của các khẩu đội, dễ làm mất thời cơ mà bộ binh đã hiệp đồng. Thế nên, khi việc huấn luyện này trở thành kỹ năng, kỹ xảo thì thời gian tác chiến, hiệu quả chế áp bằng hỏa lực sẽ được bảo đảm chắc chắn và tối ưu hơn rất nhiều. Nó không làm mất đi thời cơ mà người chỉ huy đã tính toán, hiệp đồng với bộ binh”.  

Câu chuyện với các sĩ quan pháo binh, những pháo thủ “chân đồng vai sắt” trong thuần dưỡng "voi sắt" hay còn gọi là pháo chiến dịch ở Lữ đoàn Pháo binh 368 có lẽ còn dài, còn nhiều chi tiết thú vị nếu như chúng tôi không phải trở về cơ quan. Ngồi trên xe, tôi nghĩ đến những chiếc răng trắng bóng trên khuôn mặt sạm nắng gió của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 368. Tôi ước gì có thể tìm ra được loại thuốc đặc trị giúp họ chiến thắng tia cực tím quái ác của mặt trời. 

MẠNH THẮNG