Có thể khẳng định, Bộ đội Cụ Hồ luôn tiên phong trên mọi mặt trận, sẵn sàng đạp bằng mọi khó khăn, gian khổ để vượt lên. Nếu như trong chiến tranh, các anh sẵn sàng hy sinh tính mạng, tuổi thanh xuân của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong hòa bình, các anh lại đi đầu trên mặt trận kiến thiết, xây dựng và phát triển đất nước, có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, trong đó có Tây Nguyên. Đặc biệt, khả năng thích ứng, “nhập gia tùy tục” ở Bộ đội Cụ Hồ dường như là một phẩm chất sẵn có, để rồi đi đến đâu, các anh cũng nhanh chóng hòa nhập vào đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, trở thành những người thân ruột thịt của đồng bào, được đồng bào chở che, bao bọc, giúp đỡ. Vậy việc “nhập gia tùy tục” và khả năng thích ứng của cán bộ, chiến sĩ LLVT được thể hiện như thế nào?

leftcenterrightdel
Thạc sĩ Đặng Gia Duẩn. Ảnh: KIM DUNG 

Ít người biết rằng, cách đây hơn 20 năm, nhiều nơi ở Tây Nguyên còn là vùng đất hoang vu, xa lạ, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn nghèo nàn, lạc hậu. Sau khi các đơn vị quân đội đến đóng quân tại đây, mọi thứ dần thay đổi. Những anh Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới đã cùng nhân dân và các lực lượng phá đá mở đường, khai hoang rừng tạp, phủ lên khắp cao nguyên trù phú này một màu xanh bạt ngàn của cà phê, cao su, hồ tiêu, mỳ, điều... góp phần đẩy lùi cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu đã đeo đẳng người dân suốt bao năm qua. Cùng với đó, các đơn vị quân đội cũng tích cực phối hợp, tham gia với cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương bảo tồn, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa vùng Tây Nguyên, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả.

Ví như trong tất cả lễ hội văn hóa trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc, luôn có sự tham gia của các anh bộ đội. Sự xuất hiện của bộ đội trong các hoạt động văn hóa đó luôn để lại ấn tượng và hình ảnh khá đặc biệt. Nhất là các hoạt động được tổ chức ở địa bàn vùng sâu, vùng xa thì sự hòa nhập, tham gia biểu diễn của các chiến sĩ quân đội góp phần không nhỏ vào nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật, mang lại không khí vui tươi, ấm áp, được đông đảo đồng bào đón nhận, cổ vũ nhiệt tình, qua đó thể hiện tình cảm quân dân ngày càng gắn kết.

Cùng với đó trong thời gian qua, nhiều đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, nhất là cơ quan quân sự các cấp tỉnh Đắc Lắc đã quan tâm, tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác bảo tồn, trao truyền, phát huy di sản văn hóa tại địa phương. Theo đó, Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn đã phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về di sản văn hóa vật thể, tham mưu lập hồ sơ khoa học, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh; tham gia ý kiến về nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh, như: Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột; Di tích quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắc Lắc (1965-1975); Di tích lịch sử Sở chỉ huy-Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3. Và mới đây là tham gia phối hợp khảo sát tại Khu căn cứ kháng chiến Cư Ju-Dliê Ya tại tỉnh Gia Lai. Các đơn vị quân đội cũng tích cực tham gia xây dựng quy chế phối hợp thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh (Bến phà Sêrêpốk).

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Thông tin 29, Bộ Tham mưu Quân đoàn 3 giúp đồng bào di chuyển nhà ở. Ảnh: CHU HOÀI 

Có thể nói, tôi cũng như đồng bào các dân tộc Đắc Lắc hết sức ấn tượng về Bộ đội Cụ Hồ. Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, các anh luôn là điểm tựa vững chắc cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn trong cuộc chiến chống đói nghèo, trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, xóa mù chữ, dạy học cho con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Hình ảnh các anh bộ đội đến từng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, gia đình chính sách thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ lương thực, hướng dẫn phát triển kinh tế... từ lâu trở nên thân thuộc với người dân nơi đây.

Cũng từ sự tuyên truyền, vận động của bộ đội và địa phương, nhiều hủ tục lạc hậu của đồng bào dần được xóa bỏ, người dân một lòng tin theo Đảng, không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, chăm chỉ làm ăn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, xây dựng buôn làng mỗi ngày thêm giàu đẹp, văn minh. Đó chính là những việc làm thiết thực của Bộ đội Cụ Hồ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung, vùng Tây Nguyên nói riêng, trong đó có Đắc Lắc.

Thạc sĩ ĐẶNG GIA DUẨN - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắc Lắc