Câu trả lời đã rõ vào đầu tháng 3 này, khi tôi có cơ hội “thực mục sở thị” việc bắc cầu phao của những chàng lính trẻ Trung đội 1, Đại đội 1 thuộc Đoàn Sông Lô (Lữ đoàn 249).
7 giờ 30 phút, sau khi cho các chiến sĩ thực hiện động tác khởi động hâm nóng cơ thể và giao nhiệm vụ bắc cầu bằng khí tài đặc chủng PMP, Trung úy Vũ Đức Thắng, Trung đội trưởng Trung đội 1, quyết định cho hạ ca nô. Chiếc ô tô to kềnh càng đẩy chiếc ca nô BMK-150 lừ lừ tiến xuống bến vượt bằng bê tông. Ca nô nổ máy chạy ra khỏi bến rồi đứng im trên mặt nước giống như một vệ sĩ đứng canh cho các chiến sĩ tác nghiệp. Chiếc xe tải chở đốt khơi nặng tới gần 20 tấn như con voi lừng lững lùi xuống bến, nước ngập ngang bánh xe phía sau. Tiếng máy xe Kraz-255B gầm vang, phá tan màn sương mờ ảo tĩnh lặng trên mặt hồ nước. Trung đội trưởng Vũ Đức Thắng giơ cao cờ lệnh trên tay và phất đột ngột.
Rầm!
Cơ cấu hãm trên xe nhả đột ngột, đốt cầu lao xuống, nước bắn lên tung tóe, giống như chùm pháo hoa màu trắng trên mặt hồ xanh. Đốt cầu lao xuống rồi tự bung thành 4 miếng, xé nước trườn ra ngoài khơi, nhưng lập tức bị các chiến sĩ ghìm dây. Nó ngoan ngoãn dừng lại, sau đó được dìu vào sát bờ. Hai chiến sĩ Hoàng Hải Nam và Quách Hữu Nam, nhập ngũ năm 2021, lao xuống mặt nước. Họ đưa “vũ khí” gồm xà beng, móc... lên sàn rồi ôm tay vào thành, vắt chân, lăng người lên mặt cầu. Họ nhanh chóng đóng khóa mặt.
|
|
Chất tải lên cầu phao PMP. Ảnh: TRUNG DŨNG |
Cứ như vậy, 4 đốt cầu tiếp theo được thả xuống, trong đó có đốt mố cho đến khi trung đội trưởng phất cờ, kèm khẩu lệnh dừng tập.
Thiếu tá Nguyễn Văn Linh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 vừa quan sát quá trình phối hợp hạ thủy đốt cầu, vừa nói với tôi rằng, đây chỉ là một phân đoạn nhỏ trong nội dung huấn luyện vượt sông bằng bộ cầu đặc chủng PMP do Liên Xô chế tạo. Anh giới thiệu, bộ khí tài này có thể bắc được cầu phao dài hơn 100m, bảo đảm cho các loại xe cơ giới chở theo binh khí, khí tài hạng nặng vượt sông. Nó cũng có thể trở thành một chiếc phà để đưa khí tài vượt sông thông qua ca nô lai kéo hai bên. Nội dung huấn luyện hôm nay chủ yếu tập trung vào phần kỹ thuật và tổ chức trong điều kiện lý tưởng.
- Sao lại điều kiện lý tưởng hả anh?-tôi thắc mắc.
- À, nó lý tưởng vì bắc cầu trong điều kiện ban ngày, có đường xuống bến bằng bê tông và mặt nước thì im phăng phắc như anh thấy.
- Vậy các anh bắc cầu được trong những điều kiện như thế nào?
- Cơ bản là trong điều kiện nào chúng tôi cũng bắc được cầu, phà. Chỉ khi mưa bão quá lớn, lưu tốc dòng chảy quá mạnh khiến ca nô và sức người không thể đủ sức ghìm, neo giữ và khớp nối các đốt cầu với nhau. Lúc ấy nguy cơ mất an toàn rất lớn.
Nguyễn Văn Linh đảm nhận chức vụ Tiểu đoàn trưởng đã 3 năm. Anh được xem là một trong những người có thâm niên, kinh nghiệm huấn luyện tốt nhất của Tiểu đoàn 1 hiện nay. Chàng trai quê Quảng Xương (Thanh Hóa) sinh năm 1988 từng tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh và về công tác tại Lữ đoàn 249 từ năm 2011. Anh kể, vượt sông bằng khí tài đặc chủng là nội dung rất tổng hợp, đòi hỏi cao trong thực hành và hiệp đồng. Hiện nay, ngoài vượt sông bằng bộ cầu phao PMP thì đơn vị còn có các khí tài vượt sông PTS, GSP. Riêng bộ cầu phao PMP có thể biến thành phà 20, 40, 60, 170 tấn rất nhanh chóng, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ.
Trên đường trở về doanh trại, Nguyễn Văn Linh kể cho tôi nghe những câu chuyện vui, buồn về nghề bắc cầu phao làm bạn với các bến sông, như anh nói đó là việc "nối những bờ vui". Hằng năm, để huấn luyện đối tượng vừa qua 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới thuần thục động tác, biết xử lý các tình huống kỹ thuật, chiến thuật khi bắc cầu, phà là rất khó khăn, tốn công, mất thời gian và qua nhiều công đoạn từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ từng người đến phối hợp hiệp đồng giữa các bộ phận.
Ví dụ đơn giản như động tác di chuyển trên mặt cầu bằng thép trơn trượt cũng phải huấn luyện kỹ lưỡng. Nếu không có bí quyết di chuyển thì dễ bị ngã vì giày vải cao cổ của chiến sĩ có đế cao su đã ngấm nước, độ bám dính và ma sát giảm đi rất nhiều. Để tác nghiệp trên đó không bị ngã, các chiến sĩ phải học cách bước ngắn, các đầu ngón chân phải bấm chắc vào mũi giày. Hay như việc huấn luyện chiến sĩ xử lý các tình huống tránh địch đánh phá bằng máy bay, pháo kích... Khi triển khai bắc cầu, phà đã khó nhưng khi thu hồi những khí tài to kềnh càng, nặng nề kia cũng là vấn đề phải luyện đi luyện lại và phối hợp thực hiện nhiều lần mới thành kỹ năng, kỹ xảo.
- Theo anh, bí quyết nào để có thể bắc cầu nhanh ở các bến sông?-tôi hỏi Thiếu tá Nguyễn Văn Linh.
- Chẳng có bí quyết gì ngoài nâng cao chất lượng huấn luyện và hiệp đồng. Thực tế cho thấy, bến vượt gồm hai thành phần cơ bản là đường lên xuống bến và cầu, phà. Về kỹ thuật, các lực lượng phải tác nghiệp để hai thành phần này ăn khớp với nhau theo tim, cốt mà lực lượng trinh sát đã xác định từ trước. Nếu bắc cầu, phà trong điều kiện chiến đấu tiến công, khi gần địch thì còn khó gấp vạn vì phải bố trí các lực lượng phòng không bảo vệ và lực lượng bảo đảm đường ở bên bờ đối. Hoặc khi bắc cầu trong điều kiện đêm tối cũng là một vấn đề vì nguy cơ mất an toàn rất cao, nhất là khi nhiều lực lượng cùng phối hợp ghép phà, ghép cầu.
Trò chuyện với Thượng tá Trần Văn Tuấn, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 249, tôi được hiểu thêm nhiều câu chuyện và cả những trăn trở của các chiến sĩ vượt sông. Anh Tuấn kể, hằng năm, vào dịp Tết và nhất là khi thành lập lữ đoàn, cấp ủy, chính quyền địa phương nơi lữ đoàn từng bắc cầu để “nối những bờ vui” ở các bến: Khuyến Lương, Chèm, cầu Đuống, cầu qua đập Phùng... khi xưa vẫn đến thăm, tặng quà, động viên. Đó là món quà động viên hết sức ý nghĩa với cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Trong nhiều lần thực binh bảo đảm đường cơ động, bảo đảm cầu, phà vượt sông cho các đơn vị của Bộ Quốc phòng diễn tập, các đơn vị của Lữ đoàn 249 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và được khen ngợi. Hiện nay, Lữ đoàn 249 đã tăng cường huấn luyện đêm, hạn chế huấn luyện phân đoạn và tăng cường huấn luyện tổng hợp. Tuy nhiên, do bộ khí tài được trang bị lâu ngày, mặc dù được quản lý, khai thác, sử dụng và bảo quản khoa học, tuân thủ quy trình, quy phạm và nguyên tắc chặt chẽ nhưng khó tránh khỏi sự xuống cấp. Bởi nhiều chủng loại vật tư thay thế rất khan hiếm nên việc bảo đảm kỹ thuật cho khí tài công binh đặc chủng hoạt động trơn tru, hiệu quả đã trở thành vấn đề khiến lãnh đạo, chỉ huy đơn vị rất trăn trở.
Trên đường về, Thiếu tá Nguyễn Văn Linh gửi tặng tôi bài hát. Lời ca hùng tráng vang lên hào sảng: “Đoàn xe công binh ghép phà vượt qua bao dốc bao đèo, gầm vang xe băng qua sông lòng rộn vang bài ca chiến thắng. Nhịp sóng âm vang hát thay lời sông ơi nhé đừng quên nhé, dù nơi biên cương xa xôi ta vẫn nhớ bao dòng sông”... như quyết tâm và tình cảm của các anh trước nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân tin tưởng giao phó.
MẠNH THẮNG