Giáp ngày nghỉ lễ 30-4, tôi hành quân lên Sơn Tây, đến Trường Cao đẳng Hậu cần 1 nằm sâu trong một con đường của phường Sơn Lộc. Gặp Đại tá Bùi Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy nhà trường, tôi thật tâm trải lòng với anh rằng, trước đây, trong một số lần lên công tác, làm việc tại nhà trường, cứ xong việc là tôi lại ba chân bốn cẳng trở về cơ quan ngay mà ít có thời gian, cơ hội để trò chuyện, hiểu kỹ về chất văn hóa của những cán bộ, những người thầy công tác ở ngôi trường này. Anh Dũng nói với tôi trong ánh mắt đầy cảm thông và sẻ chia với công việc có tính chất đặc thù.
Bên chén trà mạn sóng sánh vàng, Đại tá Bùi Xuân Dũng tâm tình, Trường Cao đẳng Hậu cần 1, trước đây là Trường Cao đẳng Quân y 1, có thời gian thuộc Học viện Quân y rồi lại trở về thuộc Tổng cục Hậu cần, nay là Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc, nhà trường đã cung cấp hàng vạn nhân viên quân y cho các chiến trường phục vụ công tác cấp cứu, chăm sóc, điều trị thương binh, bệnh binh tại các mặt trận.
Các y sĩ do nhà trường đào tạo có mặt ở những nơi gian khổ, ác liệt nhất, họ bám chiến hào, theo bước tiến công của bộ đội, là điểm tựa để chiến sĩ chiến đấu và giành thắng lợi. Câu chuyện của anh khiến tôi nhớ lại hình ảnh chiến sĩ quân y dũng cảm, kiên cường vượt bom đạn, bám trận địa, bám bộ đội, cứu chữa, chia sẻ với thương binh từng hớp nước, từng ngụm cháo, thìa sữa... trên các thước phim tài liệu và trong những cuốn sách đã đọc.
    |
 |
Giờ thực hành của học viên Trường Cao đẳng Hậu cần 1. Ảnh: SANG TẤN
|
Anh Dũng tiếp tục giới thiệu với tôi một số kết quả của nhà trường và sự đổi mới trong thời gian gần đây. Điển hình là trong chống dịch Covid-19, giảng viên, học viên của nhà trường đã hòa vào dòng chảy của ngành quân y toàn quân, lên đường vào miền Nam thực hiện nhiệm vụ như những chiến binh xung trận. Hay như trong nghiên cứu khoa học, năm nào cán bộ, giảng viên, học viên của nhà trường cũng đoạt giải cấp Tổng cục và Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội. Đặc biệt, tham dự Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) các năm 2021 và 2022, đội tuyển quân y mà nòng cốt từ nhà trường đã giành một số huy chương, để lại ấn tượng tốt đẹp.
Đây không phải là lần đầu tôi được trò chuyện với Đại tá Bùi Xuân Dũng, nhưng đây là lần đầu tiên anh dành cho tôi thời gian nhiều đến vậy. Hiện, anh Dũng đang rất bận với nhiều công việc, đặc biệt là chỉ đạo làm công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030 của nhà trường. Riêng nhiệm vụ này đã "ngốn" tới 2/3 thời lượng trong kế hoạch. Gần như từ đầu năm tới nay, Đại tá Bùi Xuân Dũng theo sát công tác tổ chức đại hội ở các chi bộ, đảng bộ bộ phận và các chi bộ cơ sở để nắm tình hình, rút kinh nghiệm. Theo anh, tổ chức đại hội đảng ở cấp nào cũng phải đạt được các tiêu chí đúng nguyên tắc, thủ tục, bảo đảm dân chủ và đặc biệt là lựa chọn được cấp ủy khóa mới có đủ phẩm chất, năng lực và khả năng lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị.
Anh chia sẻ, việc lãnh đạo ở một đơn vị đặc thù như Trường Cao đẳng Hậu cần 1 không hề đơn giản, không chỉ có ra nghị quyết rồi động viên cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên thực hiện là xong. Thế nên, ngoài hội họp và các công việc hành chính cùng chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn thì anh Dũng còn chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ theo sự phân công của Đảng ủy, trong đó có tổ chức Phong trào Thi đua Quyết thắng cùng các nhiệm vụ khác.
Rồi anh tâm tình, những năm qua, nhà trường được trên cho phép mở 3 mã ngành mới: Trung cấp kỹ thuật chế biến món ăn, trung cấp xăng dầu, trung cấp doanh trại và gần đây lại nhận nhiệm vụ tổ chức đào tạo học viên, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới và mở rộng thì vấn đề tiên quyết là phải tạo thế đứng vững chắc, liên tục đổi mới trong cả lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo và điều hành.
Hiện nay, nhà trường đang tổ chức đợt thi đua cao điểm, vừa kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vừa tiến tới chào mừng đại hội. Qua nắm thực tế phong trào thi đua của nhà trường, tôi thấy có những kết quả nổi bật. Cụ thể, nhà trường có nhiều mô hình đang được lan tỏa và nhân rộng, như: “Giờ giảng hay-Tiết học tốt"; “Đơn vị quản lý học viên tốt, chấp hành nghiêm kỷ luật, phương pháp học tập hay, rèn luyện tốt”; “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”. Từ trong thi đua đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Nhiều giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp toàn quân, hơn 30 cán bộ đạt danh hiệu cán bộ quản lý tốt.
Đại tá, TS Lê Hữu Thăng, Phó bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hậu cần 1 tâm sự với chúng tôi, nhà trường đang đào tạo nhân viên chuyên môn ngành hậu cần theo 3 cấp trình độ: Đào tạo cao đẳng (kỹ thuật xét nghiệm y học, ngành dược, ngành điều dưỡng); đào tạo trung cấp (y sĩ trung cấp, nhân viên xăng dầu, doanh trại, vận tải); đào tạo sơ cấp (nhân viên quân y đại đội). Theo đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ với những yêu cầu rất cao và sự giám sát chặt chẽ của cơ quan các cấp, thì ngoài tổ chức đầu tư trang thiết bị, vật chất, đổi mới phương pháp giảng dạy, Đảng ủy, Ban giám hiệu đã tích cực chỉ đạo xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng tốt. Đây được xem là vấn đề then chốt nhất mà các lãnh đạo của nhà trường luôn đau đáu.
Theo Đại tá, TS Lê Hữu Thăng, nhiệm kỳ 2025-2030, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường sẽ tổ chức “3 đột phá” để hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo, đó là nâng cao chất lượng cán bộ đào tạo, quản lý; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo chuyên sâu, hiện đại và đẩy mạnh xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, chuyển đổi số và nghiên cứu khoa học. "3 đột phá" này được thực hiện trên cơ sở quyết liệt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu".
Làm việc với Thượng tá, TS Tạ Văn Thượng, Trưởng phòng Đào tạo, chúng tôi càng rõ hơn về quyết tâm đổi mới của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường. Anh kể, cách đây một năm, sau khi công nhận những kết quả, hoạt động nổi bật, tiêu biểu của nhà trường trong tổ chức đào tạo, như: Ban hành quy chế đào tạo và công khai các nội dung về đào tạo theo quy định; xây dựng và thực hiện kế hoạch thi tốt nghiệp, ban hành quyết định thành lập hội đồng thi tốt nghiệp... đúng, đủ và chuẩn mực thì Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ ra một số nội dung còn thiếu khuyết, điển hình là thiếu 12 thiết bị đào tạo ngành điều dưỡng trình độ cao đẳng và 37 thiết bị đào tạo ngành kỹ thuật chế biến món ăn trình độ trung cấp. Bên cạnh đó, việc bảo đảm thực hiện định mức giờ giảng của các nhà giáo cũng chưa được bảo đảm đúng quy định... Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, các nội dung này đã được khắc phục triệt để. Đến nay, hoạt động giáo dục, đào tạo của nhà trường được tổ chức khoa học, hợp lý và hiệu quả.
Chia tay những cán bộ chủ chốt trong công tác lãnh đạo, quản lý và tổ chức đào tạo của Trường Cao đẳng Hậu cần 1, tôi chợt nhớ đến hình ảnh các y sĩ cắm bản ở khu vực biên giới phía Bắc mà tôi từng tiếp xúc trong những lần công tác. Họ đã và đang đưa những kiến thức được truyền thụ từ nhà trường đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, những nơi còn nhiều thiếu thốn cơ sở vật chất y tế. Việc họ bám trụ, đồng hành và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đồng bào trong thời gian dài đã phần nào chứng minh được chất lượng, uy tín đào tạo ngày càng cao của Trường Cao đẳng Hậu cần 1. Như vậy, không chỉ trước đây trong kháng chiến, ra đến chiến trường mà giờ đây, ở thời bình, quãng đường, không gian từ nhà trường ra thực tiễn đã được rút ngắn, thu hẹp.
ĐỨC TÂM