Vui sao nước mắt lại trào

Trời vừa sáng, nắng đã phủ đầy sân trước trên thảm xanh cây cỏ của Hội trường Thống Nhất. Dù chưa đến giờ bắt đầu nhưng sảnh chính đã tề tựu đông đủ các đại biểu tham dự chương trình gặp mặt, giao lưu “50 năm toàn thắng về ta”. Những cái ôm, bắt tay thật chặt, những gương mặt mừng vui. Tiếng gọi tên đồng đội cùng chung chiến hào, theo bước chân thần tốc tiến về Sài Gòn vang lên đâu đó. Họ tay bắt mặt mừng, nói chuyện rôm rả nhắc kỷ niệm xưa, gợi lại bao ký ức hào hùng ngày toàn thắng 30-4 lịch sử.

Hơn 50 năm trước, họ mang lý tưởng, khát vọng vào chiến trường, chiến đấu dọc dài đất nước cho đến ngày toàn thắng. Nay tóc đã bạc, da đã mồi, dáng đi đã chậm lại song khuôn mặt ai cũng rạng ngời, xúc động, tự hào khi được tham dự chương trình. Nhiều người nay đã là sĩ quan cấp tướng, từng giữ các cương vị quan trọng của Quân đội, đã nghỉ hưu, là anh hùng, hay sống cuộc đời bình dị sau khi kết thúc chiến tranh như các cựu chiến binh kíp xe tăng số hiệu 390, Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 húc đổ cổng dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 là Đại úy Vũ Đăng Toàn (Chính trị viên), Nguyễn Văn Tập (lái xe) và Ngô Sỹ Nguyên (pháo thủ).

Trong cuộc gặp có cả các tướng lĩnh từng xông pha trận mạc, trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh như Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu; Thượng tướng, PGS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Tiến Trung; Trung tướng Phùng Khắc Đăng; Trung tướng Trần Quang Khuê... Rồi cả những người cao tuổi nhất là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo H63 huyền thoại, dù đã 97 tuổi, chân đã yếu phải nương vào gậy chống để đi cũng có mặt tham dự chương trình từ rất sớm. Ông nói giọng hóm hỉnh: "Ngày xưa làm tình báo hoạt động trong lòng địch, tôi nói với đồng đội rằng, làm tình báo rất đặc thù, tính chất nhiệm vụ đòi hỏi phải giữ bí mật, đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, chỉ cần bị địch phát hiện, là coi như nhận án tử hình. Không bền gan, không dũng khí, ham sống sợ chết mà khuất phục trước kẻ thù thì không chỉ hại mình mà còn lộ cả mạng lưới, liên lụy cả đồng đội. Bao năm tháng hoạt động trong lòng địch, nội thành Sài Gòn, chúng có giết nổi mình đâu! Đất nước hòa bình, thống nhất 50 năm rồi, giờ gặp lại đồng đội vui sao kể xiết!".

leftcenterrightdel

Quang cảnh phần giao lưu trong chương trình. Ảnh: XUÂN CƯỜNG

 

Trong hội trường ngày gặp mặt, giao lưu đầy ý nghĩa ấy, nhiều người cùng có chung cảm xúc như ông Tư Cang. Niềm vui như vỡ òa và cả những khoảng lặng xúc động, nghẹn ngào lẫn niềm tự hào bao quanh. Lớp hậu thế như chúng tôi nhiều khi không giấu được sự xúc động, tự hào khi thấy những hình ảnh tướng lĩnh, cựu chiến binh trong niềm mừng vui ấy lại rơm rớm nước mắt. Phần lớn họ đều chia sẻ gặp gỡ đồng đội, ký ức ùa về ngày toàn thắng 30-4 lịch sử như mới vừa hôm qua. Họ rơi nước mắt không phải vì được sống, được bước qua chiến tranh, mà họ khóc vì được gặp lại đồng chí, đồng đội, khóc vì không bao giờ quên, để có được ngày hôm nay, đã có biết bao đồng chí, đồng đội ngã xuống, nằm lại nơi chiến trường, hóa vào đất mẹ.

Trào dâng ký ức hào hùng

Tại chương trình gặp mặt, giao lưu trong không gian hội trường nơi tổ chức chương trình đông kín với gần 500 đại biểu tham dự, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam bày tỏ niềm xúc động khi được chào đón, gặp mặt 50 đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, tướng lĩnh, cựu chiến binh-những người đã trực tiếp chiến đấu, hy sinh, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trung tướng Trương Thiên Tô khẳng định: Ngày 30-4-1975 đã ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son chói lọi. Đó là ngày toàn dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng; lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu thời khắc non sông liền một dải, chấm dứt những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ, mất mát, hy sinh và nỗi đau non sông chia cắt. Đó là ngày mà các thế hệ cha anh-những anh Bộ đội Cụ Hồ, các anh hùng, tướng lĩnh, cựu chiến binh đang có mặt tại chương trình-đã khẳng định trước toàn thế giới rằng, ý chí quật cường, lòng yêu nước, sức mạnh của dân tộc Việt Nam, khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất non sông là bất diệt, không một thế lực nào có thể khuất phục. 50 đại biểu dự họp mặt, giao lưu hôm nay mang ý nghĩa như một biểu tượng tinh thần, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước; là nguồn sức mạnh động viên, tiếp lửa truyền thống vẻ vang cho thế hệ trẻ tự tin, vững bước vươn lên, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong thời đại mới.

leftcenterrightdel

Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tặng hoa Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài tại Chương trình gặp mặt, tri ân "50 năm toàn thắng về ta" do Báo Quân đội nhân dân tổ chức ngày 16-4-2025 tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: XUÂN CƯỜNG

Chương trình đã diễn ra với điểm nhấn qua những phần giao lưu, chia sẻ cảm động của các anh hùng, tướng lĩnh, cựu chiến binh từng xông pha nơi tuyến lửa. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 (nay là Quân đoàn 12). Đêm 29-4-1975, ông chỉ huy đơn vị hành quân đến khu vực cách Lái Thiêu, Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay) khoảng 10km tiến vào Sài Gòn vào sáng sớm 30-4-1975, tổ chức tiến công mục tiêu đánh chiếm được Bộ tư lệnh Thiết giáp ngụy và 13 căn cứ lục quân công xưởng của chúng trước khi giành thắng lợi hoàn toàn.

Trong phần giao lưu với 3 nhân chứng lịch sử, Đại úy Vũ Đăng Toàn, chỉ huy kíp xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 cùng ôn lại thời khắc lịch sử khi xe tăng húc đổ cổng, tiến thẳng vào dinh Độc Lập để ngay sau đó, lá cờ của ta tung bay đầy kiêu hãnh trên nóc tòa nhà này, báo hiệu giờ phút toàn thắng.

Mỗi câu chuyện, mỗi dòng ký ức hào hùng khiến các đại biểu tham dự rưng rưng nghẹn ngào. Bởi lẽ, sau 50 năm, họ được gặp lại gương mặt của các chiến sĩ Quân giải phóng và trang sử sống động. Đây sẽ là ngọn lửa thiêng truyền cảm hứng, là mệnh lệnh nhắc nhở thế hệ hôm nay phải không ngừng ra sức học tập, rèn luyện và cống hiến, xứng đáng với sự hy sinh và thành quả cách mạng của thế hệ cha anh.

leftcenterrightdel
Trung tướng Trương Thiên Tô trao quà tặng các tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân tham gia chương trình.  

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Trưởng ban tổ chức chương trình chia sẻ: "Nửa thế kỷ đã lùi xa. Các mẹ tuổi đã cao, mắt mờ, chân chậm. Các anh hùng, dũng sĩ, các CCB tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tuổi cũng đã cao, nhiều người đã về với đồng đội. Những người còn lại hôm nay là những nhân chứng lịch sử vô cùng quý báu. Thời gian của chúng ta hôm nay được gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng là vô cùng may mắn và ý nghĩa. Tôi mong các đồng nghiệp báo chí và tất cả chúng ta, bằng những phương tiện hiện đại nhất, hãy lưu giữ khoảnh khắc đặc biệt này, lưu giữ những hình ảnh nhân chứng lịch sử bằng xương, bằng thịt, bình dị mà ngỡ như huyền thoại".

Chương trình “50 năm toàn thắng về ta” khép lại nhưng nhiều đại biểu là cán bộ, chiến sĩ, sinh viên nán lại để cùng được chụp ảnh với những đại biểu anh hùng, tướng lĩnh-những con người như huyền thoại đã viết nên bản hùng ca làm rạng danh dân tộc để đất nước nở hoa độc lập. Trên sảnh chính lúc chia tay, tôi gặp Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình, nguyên Phó chính ủy Quân khu 4. Ngày 30-4 lịch sử, ông là Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Quân đoàn 2 chỉ huy lực lượng đánh và chiếm giữ Đài Phát thanh Sài Gòn của ngụy và chuẩn bị sẵn sàng cho Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đến đọc bản tuyên bố đầu hàng. Tôi hỏi về cảm xúc của ông khi vượt hơn một nghìn cây số từ quê nhà tỉnh Hà Tĩnh vào TP Hồ Chí Minh dự chương trình. Ông nghẹn ngào xúc động, chia sẻ cảm xúc bằng những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

 “Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp

 Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta

 Chúng con đến, xanh ngời ánh thép

 Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa”.

Ghi chép của ĐẶNG TRUNG KIÊN