Ở TP Vĩnh Yên có một người tóc trắng như cước, khuôn mặt phúc hậu. Thỉnh thoảng người dân ở đây lại thấy ông đến các phòng khám từ thiện, khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Ông là bác sĩ Nguyễn Hữu Hùng, 75 tuổi, quê gốc xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhìn phong thái hoạt bát của vị bác sĩ, không ai nghĩ ông từng là chiến sĩ đặc công hoạt động ở Biên Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Qua người quen giới thiệu, tôi đã liên hệ với ông để xác minh thêm tình tiết về trận đánh vào sân bay Biên Hòa ngày 10-9-1972. Thế rồi, bên ấm trà, bác sĩ Nguyễn Hữu Hùng bắt đầu kể cho tôi nghe về thời tuổi trẻ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Ông nói, giữa năm 1968, khi vừa học xong cấp 3 thì cũng như bạn bè trong làng, ông nhập ngũ. Đầu năm 1969, sau hơn 6 tháng vượt núi, băng rừng, ông vào miền Đông Nam Bộ và được điều về Tỉnh đội Biên Hòa. Ông cùng với 3 người được chọn làm nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Hai Cà, Tỉnh đội trưởng Biên Hòa. Mãi sau hòa bình, qua sách báo, tài liệu đúc kết, ông mới biết tên thật của đồng chí Hai Cà là Anh hùng LLVT nhân dân Trần Công An, người có công đầu trong xây dựng, hình thành chiến thuật đặc công Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

- Tháng 6-1972, ông Hai Cà được trên giao nhiệm vụ làm cố vấn cho Đoàn 113, đơn vị đặc công mới được thành lập. Ông đi đâu, chúng tôi phải theo đó. Thậm chí, ông Hai Cà còn dẫn chúng tôi đi điều nghiên suốt đêm.

Năm 1972, chúng tôi đóng quân ở căn cứ Bàu Hàm, huyện Trảng Bom hiện nay, cách trung tâm TP Biên Hòa cũng xa xa...

Đầu tháng 8-1972, ông Hai Cà gọi anh Ba Đời và Trần Trọng Thanh, đội viên biệt động U.1 Biên Hòa đến giao nhiệm vụ đi tìm bom lép, cưa lấy thuốc. Xưa nay việc cưa bom lấy thuốc vẫn làm thường xuyên, chứ đâu có bí mật gì. Nhưng lần này anh Thanh bảo với tôi rằng, cưa ngòi nổ của bom để lấy thuốc làm mồi.

Tôi nghe mà cũng thấy sợ! Đây là việc làm cực kỳ nguy hiểm! Vì rằng: Cả quả bom nặng 200-300kg... chỉ cái đầu nổ là nguy hiểm nhất. Tuy chỉ bằng cổ tay nhưng nó đủ sức kích nổ quả bom. Từ xưa đến nay, trong tất cả chúng tôi, chưa ai dám cưa đầu quả bom để lấy kíp!

4 ngày sau, anh Thanh, anh Ba Đời về cứ báo cáo với ông Hai Cà là đã tìm được bom ở một khu rẫy bỏ hoang. Ông lệnh cho Phòng Kế hoạch xuất lưỡi cưa sắt vốn được chuẩn bị dùng để phá khóa các cửa kho của Tổng kho Long Bình cho “đội cưa bom”.

leftcenterrightdel

Các chiến sĩ bảo vệ ông Hai Cà tại Campuchia, năm 1973 (trong ảnh: Ông Nguyễn Hữu Hùng đứng ngoài cùng bên phải), người tham gia cưa ngòi nổ bom đánh sân bay Biên Hòa. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Vài ngày sau, tôi được lệnh tăng cường xuống tổ của anh Thanh và anh Ba Đời. Đến nơi, nhìn quả bom loại 250kg nằm chình ình, tôi hơi hoảng. Nhưng nhìn vào các vết cưa như gãi ghẻ trên đầu quả bom khiến tôi càng hoảng hơn. Các anh ấy bảo làm gần nửa tuần cật lực mà chưa cưa xong. Trước tình hình đó, ông Hai Cà cũng trực tiếp cầm cưa cùng anh em.

Quả bom ở giữa, hai người ngồi bệt xuống đất và nắm hai đầu cưa hì hục đưa đi đưa lại. Lúc đầu còn nhanh, sau thì chậm dần vì... mỏi. Một người khác thì đổ nước từ cà mèn lên lưỡi cưa để giảm ma sát và sức nóng. Cứ khoảng 10-15 phút lại phải nghỉ và sau một giờ thì đổi “thợ xẻ”. Các đầu ngón tay cầm cưa mỏi nhừ, căng cứng...

Sau gần 7 ngày kiên trì làm việc, chúng tôi mới cưa đứt đầu quả bom. Anh Ba Đời thận trọng nhấc chiếc kíp ra ngoài. Với kinh nghiệm thực chiến, anh cẩn trọng, tỉ mỉ tiếp tục cưa cái kíp nổ và lấy số thuốc trong đó ra. Số thuốc này chỉ vỏn vẹn khoảng 300-400g nhưng với chúng tôi nó quý hơn vàng, cho dù chưa biết ông Hai Cà sử dụng như thế nào?

Trong thời gian bộ phận U.1 đi tìm bom và cưa ngòi nổ thì anh Chín Tùng, Đoàn trưởng Đoàn 113 cử người lên quân khí Miền xin được hai chiếc kíp hẹn giờ MY.10, đem về bàn giao cho ông Hai Cà. Ông Hai Cà lệnh cho anh em U.1 làm thử nghiệm một chiếc kíp hẹn giờ và thấy nổ ngon lành...

Rồi vào sáng 10-9-1972, chúng tôi nghe thấy những tiếng nổ dữ dội từ Biên Hòa vọng về. Chúng tôi đoán, sân bay Biên Hòa bị ta tấn công, chắc chắn là ĐKB và H12, những loại hỏa lực có sức công phá lớn.

Ngay hôm ấy, tôi được ông Hai Cà gọi vào và giao cho một bức thư, gửi trực tiếp đến ông Năm Trang, Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa. Khi về, ông Hai Cà mới nói với tôi rằng, bức thư thông báo kết quả về trận đánh sân bay Biên Hòa... Rồi trong một đêm giữa rừng, ông kể cho tôi nghe tình tiết nội dung câu chuyện. Lúc ấy tôi mới vỡ lẽ về mưu sâu kế hiểm của ông Hai Cà.

Thời điểm đó, Mỹ bắt đầu bàn giao sân bay Biên Hòa cho Sư đoàn 6 không quân ngụy. Sân bay cũng tiếp nhận nhiều máy bay mới. Chúng tổ chức tập huấn cho các nhân viên kỹ thuật và sĩ quan không quân. Tại sân bay, ngoài người phục vụ, bảo vệ, còn nhiều thùng linh kiện chuẩn bị lắp ráp. Đây chính là thời cơ để ta tấn công!

Tại sân bay Biên Hòa có một viên đại úy là nội tuyến của ta, bí số H16. Anh tên là Nguyễn Văn Thôn, sĩ quan quân khí. Ông Năm Trang và ông Hai Cà quyết định sử dụng H16 vào nhiệm vụ. Số chất nổ chúng tôi “làm ra” được bí mật chuyển cho H16.

Sáng 10-9, sau khi bàn giao trực cho kíp mới, Nguyễn Văn Thôn ra về. Trước đó, H16 đã bí mật cài chiếc kíp hẹn giờ MY.10 có thuốc từ ngòi nổ của quả bom mà chúng tôi đã lấy vào đống bom đang xếp trên đường băng.

Đúng 9 giờ, quả bom phát nổ. Toàn bộ số bom trên đường băng và số bom gắn trên các máy bay trực chiến của địch cũng bị kích nổ theo. Cùng lúc đó, từ dốc Ông Hoàng, Tiểu đoàn 174 của Đoàn 113 cũng phóng một số quả đạn H12 và ĐKB vào hợp điểm sân bay Biên Hòa. Kết quả, 175 máy bay và nhiều linh kiện chưa kịp lắp ráp ở sân bay Biên Hòa bị phá hủy. Sân bay quân sự này bị tê liệt suốt 7 ngày liền.

Sau trận đánh, các hãng thông tin của Mỹ và phương Tây nhận định: Trận tập kích bằng pháo của Quân Giải phóng (ngày 10-9) đã gây thiệt hại ghê gớm nhất, có giá trị ngang với một trận tập kích bằng máy bay chiến lược!

Rồi ông Hai Cà tiết lộ: Việc pháo kích ĐKB và H12 vào sân bay Biên Hòa chỉ là đòn nghi binh, lừa địch, tạo khoảng trống thời gian cho nội tuyến H16 rút đi an toàn. Sau này, tôi được biết, anh Nguyễn Văn Thôn-H16 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và được kết nạp Đảng.

*     *

*

Trận đánh vào sân bay Biên Hòa mà ông Nguyễn Hữu Hùng kể cho tôi nghe quả là hấp dẫn, gây cho địch tổn thất lớn, nhưng ta không có thương vong, vũ khí, phương tiện được sử dụng rất ít. Địch không biết ta đánh bằng cách nào. Đây thực sự là bài học đáng giá về nghệ thuật quân sự, thể hiện sự mưu trí, táo bạo, dũng cảm trong chiến tranh nhân dân. Anh hùng LLVT nhân dân Trần Công An đã tận dụng tối đa mọi điều kiện hiện có, chuẩn bị chu đáo, bí mật và đánh vào điểm yếu nhất của địch. Việc cưa ngòi nổ quả bom trong giai đoạn chuẩn bị là rất táo bạo vì dám làm việc chưa từng làm bao giờ, thậm chí là chưa người lính nào ở chiến trường dám nghĩ đến, khiến địch không lần ra cách đánh xuất quỷ nhập thần của đặc công Quân giải phóng.

Sau giải phóng miền Nam, ông Nguyễn Hữu Hùng rời quân ngũ và theo học nghề y. Ông từng là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Yên-Vĩnh Phú, sau này là Vĩnh Phúc, rồi đảm nhiệm chức vụ Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Bao năm qua, ông vẫn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, dù nghỉ hưu nhưng vẫn hết lòng, hết sức chăm sóc sức khỏe miễn phí cho nhân dân.

MẠNH THẮNG