Một thời hào hùng

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tàu được người dân TP Hồ Chí Minh ví như pho sử sống của lịch sử cách mạng, nhất là ngành tình báo, về tình yêu và lý tưởng cách mạng trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Biết bao câu chuyện, bài viết đã khắc họa rõ nét về cuộc đời ông. Dù đã nhiều lần được gặp ông nhưng chúng tôi vẫn thấy ở ông nét bình dị, dí dỏm, một cốt cách nhà tình báo nhanh nhạy, linh hoạt, thông minh và có trí nhớ tốt đến mức kinh ngạc. Vì thế, viết về ông thực sự là điều không dễ. Có bận tôi hỏi, còn điều gì ông chưa từng nói về cuộc đời hoạt động tình báo của mình? Ông cười, buông giọng giả lả: "Có còn gì nữa đâu! Lịch sử chỉ có một, câu chuyện cũng chỉ có một, trong thời gian này và mãi mãi về sau cũng chỉ có một. Mình nhớ để nhắc lại cho mọi người, cho con cháu".

Đúng thế, những cuốn sách của ông có nhiều câu chuyện cảm động về tình yêu của người chiến sĩ cách mạng hoạt động trong lòng địch, tình yêu trong vai với đồng đội, khí phách và bản lĩnh của một chiến sĩ cách mạng hoạt động tình báo, từng đối diện những tình huống, giây phút ngặt nghèo... Mỗi câu chuyện của ông thật dễ hiểu, giản dị bởi những chi tiết rất sống động, cụ thể, như vừa bước ra từ quá khứ, vì thế luôn tạo sự lôi cuốn, giúp người xem hình dung được những dấu mốc lịch sử, thời khắc oanh liệt, tự hào về tổ chức mà ông dành trọn cuộc đời mình để cống hiến. 

leftcenterrightdel

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tàu chia sẻ ký ức lịch sử hào hùng với tác giả. Ảnh: ĐÌNH HÙNG 

Ông Tư Cang kể: "Lúc hoạt động ở nội đô Sài Gòn, trong mạng lưới tình báo H63, tôi và Mỹ Nhung (bí danh Tám Thảo) là một cặp đôi hoàn hảo trong mắt những người xung quanh và đám lính, sĩ quan Mỹ. Mỹ Nhung ngày ấy đẹp, khéo léo, học vấn cao, con của một doanh nhân kinh doanh vải có tiếng ở Sài Gòn, được nhiều quý tử nhà giàu và đám sĩ quan Mỹ săn đón, tán tỉnh. Điều đó tạo vỏ bọc để Mỹ Nhung xâm nhập sâu vào các cơ quan đầu não của địch. Nhung vào làm phiên dịch viên ở cơ quan thuộc Bộ tư lệnh Hải quân tại Sài Gòn. Mỗi lần Mỹ Nhung đi làm, tôi được đóng ở nhiều vai: Khi là anh trai, lúc là người yêu, có bận trở thành chồng... Sáng tôi chở Nhung đi bằng xe máy, chiều có thiếu tá Mỹ chở về bằng xe ô tô hạng sang. Cũng nhờ vỏ bọc này khiến những tay sĩ quan Mỹ dù dạn dày kinh nghiệm cũng không phát hiện được. Vì thế, Mỹ Nhung tiếp cận và lấy được nhiều tài liệu mật từ những kẻ theo đuổi, hám gái... rồi chuyển cho tôi”.

Trận cầu Rạch Chiếc vào ngày cận kề khi những cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn để lại nhiều cảm xúc, tự hào đối với Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tàu. Tháng 4-1975, khi đang học ở miền Bắc, thực hiện chủ trương tăng cường lực lượng đặc biệt, quen thuộc địa bàn Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ tấn công đầu não của địch, giải phóng Sài Gòn, cấp trên điều động ông Tư Cang trở lại Sài Gòn, giao chức vụ Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động, thực hiện nhiệm vụ tiên phong đánh vào những cứ điểm trọng yếu ở cửa ngõ Sài Gòn. Ngày 27-4-1975, Tư Cang tổ chức cho bộ đội vượt sông, tấn công địch co cụm, cố thủ ở cầu Rạch Chiếc, cửa ngõ phía Đông của Sài Gòn. Trận đánh đã tiêu diệt lực lượng lớn quân địch, gây hoang mang tột độ đối với chính quyền Mỹ-ngụy, mở đường cho các đơn vị chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Thập niên 1960, Tư Cang là cái tên khiến người Mỹ và chế độ ngụy quyền miền Nam Việt Nam truy tìm gắt gao. Nhưng trong hồ sơ mật, tên của ông chỉ là những dòng mô tả: “Tư Cang-Phó chính ủy tình báo miền Nam, người trắng, cao, bắn súng bằng 2 tay. Quê quán: Chưa xác định. Gia đình: Chưa xác định...”. Hoạt động trong lòng địch, những người làm tình báo như ông phải có những quan điểm, suy nghĩ rất quyết liệt về cuộc đời cách mạng, sẵn sàng hy sinh. Ông nhắc lại câu nói tếu táo với đồng đội ngày ấy: "Tụi bay vô đơn vị này, tụi bay phải để trong ngực 4 chữ: “Coi như chết rồi" thì tụi bay không còn sợ gì nữa".

Son sắt, thủy chung một tình yêu

Lý tưởng cách mạng đã cuốn chàng trai 19 tuổi rời xa gia đình, để lại vợ con biền biệt 28 năm. Ông Tư Cang nhớ lại: "Ngày 30-4-1975, sau khi Sài Gòn được giải phóng, việc đầu tiên là chiều tối hôm đó tôi lái xe jeep về nhà thăm vợ con. Căn nhà nằm cạnh cầu Thị Nghè, quận Bình Thạnh mà trong suốt bao năm tháng, dù biết, tôi cũng không thể ghé thăm. Lúc vừa bước vào cổng, tôi cất tiếng gọi “Nhồng ơi, Nhồng ơi!”. Nhồng là tên thường dùng ở nhà của con gái tôi được vợ nhắc đến trong một lần viết thư cho tôi. Vợ tôi và cháu chạy ra ngỡ ngàng. Bà ấy bật khóc! Con gái tôi lúc đó đã 28 tuổi, ngỡ ngàng khi thấy mẹ ôm choàng người đàn ông trong bộ quân phục rất lạ và khóc nức nở. Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã kéo tôi đi biền biệt, không một lời nhắn nhủ ngoài lời hẹn sẽ trở về lúc chia tay người vợ trẻ vừa mang thai. Cuộc chiến dài đến gần 30 năm và tôi thấy mình may mắn khi được trở về!".

Những năm tháng sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, ông Tư Cang rất ít khi xa nhà. Ông dành nhiều thời gian chăm sóc vợ con. Dường như, ông cố gắng bù đắp những hy sinh, chờ đợi của người vợ trong đằng đẵng thời gian gần 30 năm. Vậy mà, vợ ông-bà Trần Thị Ngọc Ánh do tuổi cao, sức yếu cũng đã rời xa ông cách đây 4 năm. Giờ đây, ông vẫn sống cùng những ký ức, những kỷ niệm và tình yêu thương, thủy chung của người vợ. Đó là cốt cách của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Tàu.  

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Cụm trưởng Cụm tình báo H63-cụm tình báo đầu tiên của miền Nam Việt Nam với nhiệm vụ thu thập, điều tra thông tin, tài liệu tình báo chiến lược của đế quốc Mỹ phục vụ cách mạng. Năm 2006, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ông viết nhiều tác phẩm có giá trị kể lại những năm tháng hào hùng của quân và dân ta như: “Sài Gòn Mậu Thân 1968”; “Tình báo kể chuyện”; “Nước mắt ngày gặp mặt”; “Trái tim người lính”; “Bến Dược vùng đất lửa”; “Hoàng hôn trên chiến trường” ... 

ĐẶNG TRUNG KIÊN