Ngồi bên bàn với cốc chè chát đang nóng, tôi vào chuyện ngay: “Bữa nay, cháu muốn nghe chuyện đánh thực dân Pháp của chú, chủ yếu là trận Điện Biên Phủ nhé”. Ông cười, đôi mắt ánh lên niềm vui.
Cuộc đời ông Bùi Quang Vinh được tóm lược qua lời kể của ông mà tôi là người đầu tiên được nghe, được hỏi thoải mái, tự nhiên, thỉnh thoảng chất vấn, kiểm tra cả trí nhớ và độ tin cậy của thông tin với tinh thần “người trong nhà” của cụ già ngót trăm mùa xuân.
Sinh năm 1926, ở làng Gia Hội (xã Cẩm Tiến, nay là thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên), trong gia đình nông dân nghèo nhưng Bùi Quang Vinh vẫn theo học hết lớp 7 (cấp 2). Năm 1948, ông gia nhập Vệ quốc quân, phải đi bộ ra tận Lạng Sơn để được biên chế về Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312). Sau mấy tháng huấn luyện, vì có trình độ văn hóa, khỏe mạnh và nhanh nhẹn, Bùi Quang Vinh được Quân đội cử sang Trung Quốc học sĩ quan trinh sát. Tại đây, ông được các huấn luyện viên Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, các giáo viên là sĩ quan Nhật Hoàng có cảm tình với cách mạng Việt Nam tình nguyện tham gia Quân đội Việt Minh đào tạo. Một năm rưỡi sau, ông trở lại Đại đoàn 312, được giao nhiệm vụ Đại đội phó Đại đội Trinh sát trực thuộc Trung đoàn 165. Cuộc đời chiến trận của ông bắt đầu từ đây.
Sau các Chiến dịch: Biên giới, Hòa Bình, Thượng Lào, Đại đoàn 312 về chỉnh huấn và bổ sung lực lượng ở Phú Thọ. Lúc này, ông Vinh được đề bạt giữ chức Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát. Tháng 12-1953, từ Phú Thọ, đơn vị hành quân lên Lai Châu tham gia chiến dịch ở Tây Bắc. Đại đội Trinh sát của Bùi Quang Vinh được lệnh đi tiền trạm, chuẩn bị chiến trường.
Hành quân vào những ngày giá rét, vai nặng, đường xa vô cùng gian khổ. Từ Phú Thọ qua Mộc Châu, Sơn La, có những chặng không có đường đi, đơn vị phải lội suối, đạp đá trơn, nước buốt đến hàng chục cây số.
Hơn chục ngày hành quân vừa khẩn trương vừa bảo đảm bí mật, tránh cả các nơi có bản làng, ông cùng đơn vị tập kết gần cứ điểm Điện Biên Phủ. Là lính trinh sát, Bùi Quang Vinh cùng anh em chiến sĩ lặn lội dò đường, điều nghiên tìm hiểu kỹ từng vị trí đồn, bốt, hỏa điểm, quân số, vũ khí, địa hình... của quân Pháp để chỉ huy trung đoàn và cấp trên nắm chắc, lập kế hoạch tác chiến.
Sau những ngày đào hầm, khoét núi, dãi nắng, dầm mưa chờ đợi, giờ nổ súng cũng đã bắt đầu. Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ chủ công đánh trận mở màn: Tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Riêng Trung đoàn 165 của ông Vinh được lệnh phối hợp cùng Trung đoàn 88 của Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308) chuẩn bị đánh đồi Độc Lập-một tiền đồn ở cửa ngõ phía Bắc, cách trung tâm Mường Thanh 4km. Cứ điểm này địch có 1 tiểu đoàn lính tinh nhuệ Bắc Phi và 1 đại đội lính Thái, có pháo binh và súng cối khắp các cứ điểm chi viện khi bị tấn công.
|
|
Cựu chiến binh Bùi Quang Vinh. Ảnh: BÙI THANH
|
Để chuẩn bị đánh đồi Độc Lập, Đại đội trưởng Bùi Quang Vinh bằng nghiệp vụ trinh sát tinh luyện được đào tạo từ trường nghiệp vụ, lại trải qua 4 năm lăn lộn trên các chiến trường rừng núi, dạn dày kinh nghiệm... đã cùng đồng đội luồn sâu vào tận hang ổ giặc, nắm chắc từng ổ đề kháng, từng lỗ châu mai, hầm ngầm, nhà ở của địch cho đơn vị dựng sa bàn tiến công.
Ngày 13-3-1954, ta đánh chiếm Him Lam thì đêm 14-3, Trung đoàn 165 của ông Vinh cùng Trung đoàn 88 nổ súng đánh cứ điểm Độc Lập. Trinh sát dẫn các tổ bộc phá tiến lên đánh hàng rào cho xung kích xông vào đồn địch. Trận tiêu diệt diễn ra chỉ trong một đêm, cứ điểm Độc Lập tan tành, cửa ngõ vào trung tâm Mường Thanh đã thông chốt...
Đại đội trưởng trinh sát Bùi Quang Vinh là người đã tham gia đủ 56 ngày đêm ở chiến trường Điện Biên Phủ cho đến trận cuối cùng ngày 7-5-1954 tiến đánh đồi A1, sở chỉ huy của tướng Pháp De Castries, mà ơn trời, may sao không một mảnh đạn nào chạm được vào người ông. Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vinh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Sau lễ duyệt binh mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ ở cánh đồng Mường Thanh, mấy tháng sau (ngày 10-10-1954), ông Bùi Quang Vinh cùng Trung đoàn 165 trong đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội từ hướng cầu Long Biên. Hòa bình lập lại, ông được chuyển về dạy nghiệp vụ ở trường trinh sát của Quân đội. Rồi ông lại vào chiến trường đánh Mỹ, với cấp bậc Đại úy, đảm nhiệm chức vụ Tiểu đoàn trưởng ở Sư đoàn 341, Quân khu 4.
Vào chiến trường, ông được cử giữ chức vụ Trung đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng, trực tiếp chỉ huy bộ đội chiến đấu ở Khe Sanh, Làng Vây, Đường 9 và Nam Lào... Ông bị thương trong chiến đấu, sập toàn bộ xương vòm mũi, phải ra Bắc điều trị rồi chuyển ngành về UBND tỉnh Hà Tĩnh công tác. Sau một thời gian công tác ở Sở Thương nghiệp, Ban Xây dựng tỉnh... vì hoàn cảnh gia đình nên ông phải xin nghỉ hưu “non” để về chăm lo cuộc sống cho vợ con. Ông Vinh mở lò rèn nông cụ phục vụ bà con nông dân...
Tôi tò mò: “Từ một cậu học trò rồi vào lính đánh giặc cho đến ngày về hưu mở lò rèn ở quê nhà, ai dạy chú cái nghề đe búa ấy?”.
Ông tủm tỉm, hình như cố giấu hàm răng móm mém: “Chú có ý thức kiếm nghề từ bé. Bố hoạt động cách mạng bị Pháp bắt, sau đó mất năm chú 12 tuổi, mẹ yếu, nhà nghèo nên khi đi học cấp 2 ở trường Đại Thành (Cẩm Xuyên), chú xin phụ cho lò rèn ở chợ Chùa, vừa kiếm cơm ăn, tiền tiêu vừa học nghề của họ. Sau 3 năm học, tốt nghiệp cấp 2 thì tay nghề của chú cũng khá rồi. Cũng vì có bằng “đíp-lôm” nên năm 1948, khi vào bộ đội, chú được chú ý và cử đi đào tạo bên Trung Quốc đấy”.
Ông vào nhà mang ra một số giấy tờ và những tấm ảnh từ rất lâu còn lưu được, tôi chú ý đến hai tấm ảnh một người đàn ông ngoài 30 tuổi, một tấm chụp chính diện, ghi: "Bui Cu 14-10-30", một tấm chụp nghiêng ghi số 1096. Tôi đoán đây chính là ông Bùi Cu (bố của ông Vinh)-một chiến sĩ cộng sản cốt cán của Đảng, hoạt động ở vùng Cẩm Xuyên trong thập niên 1930-một trong những người đã làm nên Xô viết Nghệ Tĩnh năm xưa.
|
|
Cụ Bùi Cu (bố của ông Bùi Quang Vinh). Ảnh tư liệu |
Những tấm ảnh này trong hồ sơ lưu trữ tù chính trị của thực dân Pháp tại đề lao Vinh, hiện lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ông Bùi Cu là đồng chí của ông nội tôi từ thuở đầu của Tân Việt Cách mạng Đảng, được chuyển Đảng sau khi đại hội ở Hương Cảng về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Bùi Cu bị địch bắt, giam cầm, tra tấn dã man; biết ông không sống được nên quân Pháp mới thả ông về và ông mất tại quê năm 1938.
Ông Vinh cho biết thêm: Vợ của ông (tôi thường gọi là mự Vinh) là cháu gọi Tổng Bí thư Hà Huy Tập là cậu họ, còn mẹ của ông Vinh là chị của liệt sĩ Nguyễn Đình Liễn, Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên năm 1930-người bị thực dân Pháp xử chém tại chợ Hội quê tôi sau khi Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp. Vậy là cả nhà ông Vinh, bên nội, bên ngoại, bên vợ, bên chồng đều là những gia đình giàu truyền thống cách mạng-những "hạt giống đỏ" của quê hương, đất nước.
Tôi ngậm ngùi ngắm tấm hình người tử tù chính trị năm xưa, lại rớm nước mắt ngắm người chiến sĩ Điện Biên duy nhất còn lại của làng tôi, mà có thể là của cả huyện Cẩm Xuyên. Dù đã trở về sống giữa quê hương hơn nửa thế kỷ, với những chiến công, những lần "vào sinh ra tử" qua hai cuộc chiến tranh, nay ngót trăm tuổi mà chưa bài báo nào viết về ông, cũng ít được nhắc đến cả trong những dịp đất nước kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bởi hầu như ở quê tôi, ai cũng chỉ nghĩ một điều đơn giản và bình dị: Ông là ông Vinh “rèn”.
Đến cả tôi, một người cháu trong họ nội thân, một nhà báo viết nhiều về chân dung những gương mặt điển hình mà cũng đến hôm qua mới được nghe chú kể sơ sơ. Cũng vì tôi tò mò “moi” chuyện chứ nếu không ít nữa ông trăm năm, chẳng ai biết được cuộc đời oanh liệt của một lão quân từng đánh Pháp ở Việt Trì, Lào Cai, Hòa Bình, Thượng Lào, Điện Biên... rồi đánh Mỹ ở Khe Sanh, Làng Vây, Đường 9, Quảng Trị, Nam Lào...
Trước lúc chia tay, tôi chợt nhớ lúc sáng cùng nhà văn Đức Ban tặng ông bộ quân hàm bộ binh mới vì hôm trước khi sửa sang quân phục cho ông để chụp ảnh, thấy đôi quân hàm của ông đã cũ bạc. Ông cầm món quà ngắm nghía một lúc rồi đưa lại cho tôi: “Chú không thay đâu. Bộ này đã theo chú 60 năm rồi, để làm kỷ niệm cháu ạ!”.
BÙI QUANG THANH