leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn Hùng Oanh. Ảnh do nhân vật cung cấp.

"Biết địch, biết ta" 

Phóng viên (PV)Thưa đồng chí, nhà trường đã quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Oanh: Trước hết, chúng tôi nhận thức rằng, sự ra đời của Nghị quyết số 35-NQ/TW (Nghị quyết 35) là rất cần thiết, kịp thời định hướng đấu tranh với các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong tình hình mới, đặc biệt là trên không gian mạng. Đối với nhà trường, việc thực hiện nghị quyết là cách “học đi đôi với hành” tốt nhất, thiết thực nhất, là cơ sở để bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, sự “tinh nhuệ” về chính trị, kỹ năng phòng, chống “diễn biến hòa bình” cho cán bộ, giảng viên, trong đó có học viên-những cán bộ tương lai chủ trì về chính trị ở cấp phân đội. Theo đó, chúng tôi coi đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình với đối tượng tác chiến đa dạng, giấu mặt và "chiến trường không tiếng súng" rộng lớn. Để thực hiện Nghị quyết 35, chúng tôi đã xây dựng được mô hình trên cơ sở tổ chức biên chế hiện có và phát huy truyền thống đào tạo của nhà trường trong thực tiễn. Trước hết, chúng tôi rà soát kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Đảng có liên quan, như: Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”; Hướng dẫn số 02-HD/TW của Ban Bí thư về “Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận”; Đề án “Quân đội phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới” và Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”... qua đó đề ra chủ trương, giải pháp, tổ chức lực lượng, xây dựng kế hoạch thực hiện với các mục tiêu phù hợp ở từng giai đoạn, làm cơ sở tạo sự đồng bộ, thống nhất cao về nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị.

Thống nhất nhận thức là một công việc đòi hỏi nhiều công phu. Binh pháp có câu "Biết địch, biết ta trăm trận không nguy". Trên mặt trận này, trước hết phải đánh giá đúng về ta, nhất là nhận thức đúng, đủ, sâu sắc về nền tảng tư tưởng của Đảng, biết rõ giá trị khoa học và nhân văn của nền tảng thì mới có quyết tâm cao khi hành động.

PV: Đồng chí cho biết rõ hơn biện pháp tiến hành trong nhiệm vụ đặc biệt này?

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Oanh: Trong hoạt động quân sự, bất cứ một chiến dịch hay một trận đánh nào đó cũng phải tiến hành công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện và hiệp đồng bảo đảm. Nhiệm vụ này cũng vậy, điều cốt yếu cần kíp là chúng tôi phải biết địch, biết tạo thế vững chắc để chủ động củng cố, trau dồi tri thức; xây dựng luận cứ khoa học thuyết phục; tiến công quyết liệt, đặc biệt là trên không gian mạng. Thế nên, song song với chỉ đạo, rà soát, đổi mới nội dung dạy học các môn lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà trường tăng cường cập nhật, bổ sung thực tiễn vào các bài giảng phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; đưa nội dung Nghị quyết 35, Đề án “Quân đội phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới” và nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng vào giảng dạy. Từ năm 2018 đến 2021, nhà trường đã biên soạn 109 giáo trình, tài liệu dạy học các cấp (trong đó có 19 giáo trình, tài liệu trực tiếp liên quan đến hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng). Đây là cơ sở giúp học viên có năng lực giải quyết những vấn đề thực tiễn đúng quy luật, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Ban chỉ đạo 35 Đảng ủy nhà trường đã bám sát thực tiễn, chỉ đạo các lực lượng thường xuyên cập nhật thông tin, phân tích tình hình, phân loại, nắm chắc đối tượng phá hoại và nội dung chống phá để phân công lực lượng viết bài, nội dung phản bác kịp thời ở nhiều tầng, nhiều lớp khác nhau. Chúng tôi đề ra nguyên tắc tác chiến là “Nhanh chóng, kịp thời, chặt chẽ, sắc bén, phối hợp nhịp nhàng, tiến công quyết liệt”... để triển khai.

Bám sát, nắm chắc địch      

PV: Những kẻ cố tình hoặc vờ như vô tình đưa thông tin sai trái, thù địch chống phá cách mạng Việt Nam thường rất tinh vi, xảo quyệt, vậy việc nắm những đối tượng này như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Oanh: Hệ thống luật pháp của Việt Nam có các chế tài nghiêm khắc đối với những kẻ cố tình tuyên truyền, tàng trữ tài liệu chống phá cách mạng, Nhà nước và nhân dân dưới các hình thức. Hiện nay, không gian mạng là môi trường, mảnh đất lý tưởng để các thế lực thù địch thực hiện mục đích chống phá do ưu điểm khó xác định danh tính và thủ đoạn, ý đồ. Từ thực tiễn, chúng tôi tạm phân chia thành các lớp đối tượng. Lớp thứ nhất là các tổ chức sử dụng những trang web tiếng Việt có máy chủ đặt ở nước ngoài. Đặc điểm của đối tượng này là tổ chức truyền thông đa phương tiện rất chặt chẽ, chuyên nghiệp, tính lan tỏa xã hội cao, như luatkhoatapchi, BBC tiếng Việt, RFA, RFI, tiengdan và các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức phi chính phủ. Những đối tượng này thường mở tài khoản mạng xã hội Facebook, YouTube... để truyền tải thông tin thường dưới vai trò khơi mào, dẫn dắt. Lớp đối tượng thứ hai là các Facebooker, Blogger và các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook, YouTube... Những đối tượng này rất đa dạng, có người ở trong nước, người nước ngoài và thậm chí có cả cán bộ, nhà khoa học, nhà giáo đã suy thoái tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Lớp đối tượng thứ ba là những tài khoản a dua chuyên bình luận, đả kích. Các đối tượng này thường chia sẻ các sản phẩm thông tin thiếu chuẩn xác để hướng lái dư luận. Thời cơ mà chúng tung tin xấu độc, định hướng dư luận thường là chuẩn bị các sự kiện chính trị lớn của đất nước, như: Lấy ý kiến đóng góp các dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp, bầu cử, họp Quốc hội, công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực... hoặc lợi dụng các vụ việc tiêu cực hay các vụ việc xảy ra trong xã hội để tiến hành “chiến tranh thông tin”, gây “khủng hoảng truyền thông”, qua đó kêu gọi biểu tình, tẩy chay... Có nhiều cách phân biệt, nhưng cách tốt nhất là theo dõi liên tục để có thể phác thảo những nét cơ bản về âm mưu, thủ đoạn, mục đích, sở trường của đối tượng, nhóm đối tượng, từ đó phân chia lực lượng, xác định nội dung đấu tranh phù hợp.   

PVVới phương thức tổ chức chặt chẽ như trên, nhà trường đã thu được kết quả thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Oanh: Đến thời điểm này, tôi tự tin khẳng định, vấn đề lớn nhất nhà trường đạt được là lực lượng tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch luôn luôn mở rộng, sung sức, nhiệt huyết, hoạt động tự giác, trách nhiệm và ý thức cao, có chiều sâu và có sức lan tỏa trong xã hội. Trong những năm qua, nhà trường đã có nhiều đề tài khoa học ở những cấp độ khác nhau nghiên cứu trực tiếp hoặc liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, hướng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Các đề tài đã nghiệm thu được nhà trường triển khai ứng dụng và phát huy đạt hiệu quả tốt trong hoạt động tuyên truyền, giảng dạy, giúp học viên mở rộng kiến thức, rèn luyện tư duy sáng tạo, khả năng phản biện, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá, sử dụng thông tin... góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả đấu tranh. Nhà trường đã phát huy tốt vai trò của công tác tuyên truyền, cổ động, đặc biệt là hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng, hệ thống truyền thanh, website Đại học Chính trị, bản tin thi đua, Tạp chí Khoa học chính trị quân sự với các chuyên mục phòng, chống “diễn biến hòa bình”. Từ năm 2018 đến nay, nhà trường tổ chức 5 cuộc diễn tập đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng cấp trường và cấp cơ sở, trong đó có 3 đợt diễn tập kết hợp phục vụ tham quan, nghiên cứu thực tế của Lớp tập huấn thực hiện Nghị quyết 35 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và tập huấn công tác Đoàn và phong trào thanh niên quân đội năm 2020. Trên cơ sở kết quả diễn tập, nhà trường đã triển khai biên soạn các chuyên đề, tập huấn cho học viên chuẩn bị tốt nghiệp. Đây là hành trang cơ bản để các sĩ quan trẻ phát huy khi về đơn vị cơ sở công tác. Từ năm 2018 đến 2021, nhà trường đã tổ chức 6 đợt tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đấu tranh cho lực lượng chuyên trách. Tổ chức được hàng chục vạn bài viết, bài chia sẻ với hàng triệu lượt truy cập, chia sẻ, bình luận. Đặc biệt, đã xây dựng, đăng tải gần 200 clip đấu tranh, trong đó có nhiều clip thực hiện bằng tiếng nước ngoài. Có thể nói, hoạt động của các trang, nhóm nòng cốt đã thu hút được hàng nghìn thành viên trên mạng xã hội ở trong và ngoài quân đội tương tác. Nhà trường cũng phát huy có hiệu quả Thư mục “Phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “Ngân hàng đấu tranh nhanh” trên cổng thông tin điện tử. Phối hợp lan tỏa các tin, bài viết trên các cơ quan báo chí lớn của đất nước, quân đội và các nền tảng mạng xã hội.

leftcenterrightdel
Các tài liệu, giáo trình do Trường Sĩ quan Chính trị biên soạn đã cập nhật yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ảnh: TUỆ LONG

Để công tác đấu tranh lan tỏa, thu được kết quả cao, Ban chỉ đạo 35 Đảng ủy nhà trường đã ký kết chương trình phối hợp tổ chức hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới với Ban chỉ đạo 35 Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; phối hợp với ngành tuyên giáo của địa phương để trao đổi, học tập kinh nghiệm... qua đó đã lôi cuốn, mở rộng lực lượng, thành phần trong xã hội tham gia đấu tranh. Nhờ đó, có sự tương tác tích cực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong đấu tranh phản bác thông tin sai trái, phản động. 

Tăng cường vai trò của cấp ủy

PV: Từ những kết quả này, nhà trường đã đúc rút ra những kinh nghiệm tổ chức thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Oanh: Những kinh nghiệm mà chúng tôi rút ra trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 35 thời gian qua, là: Thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của trên; nắm chắc “địch” để có biện pháp đấu tranh phù hợp. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác nghiên cứu lý luận trong tình hình mới. Tổ chức lực lượng đấu tranh thành nhiều tầng nấc, hợp chuyên môn, năng lực, sở trường của cán bộ, giảng viên, học viên. Thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong thực hiện Nghị quyết 35. Khuyến khích các đồng chí cán bộ, giảng viên tham gia viết bài tuyên truyền trên các báo, tạp chí lớn. Đổi mới phương thức đấu tranh, chú trọng tổ chức vệt bài đấu tranh trực diện theo sự kiện, thành các đợt, qua đó thu hút sự tham gia truy cập, chia sẻ, bình luận, kết nối của nhiều thành viên trên mạng xã hội ở cả trong và ngoài quân đội, tạo hiệu ứng thông tin tích cực trên không gian mạng. Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng cho các lực lượng nâng cao ý thức, trách nhiệm; trình độ kiến thức và kỹ năng đấu tranh. Tiếp đó là thường xuyên coi trọng việc đổi mới và duy trì có hiệu quả hoạt động của các blog, nhóm Facebook, các trang fanpage của tập thể và các tài khoản cá nhân là thành viên lực lượng chuyên trách, tài khoản của cấp đầu mối trực thuộc nhà trường, tạo thành mạng lưới nhiều tầng nấc, nhiều hướng mũi đấu tranh; đa dạng hóa hình thức đấu tranh thông qua mở mới tài khoản trên YouTube với sự tham gia tích cực của học viên, xây dựng các clip đấu tranh trực diện. Đây là điểm rất khó, đòi hỏi trí tuệ và thời gian chuẩn bị công phu.

Cùng với đó, tổ chức có hiệu quả mô hình hoạt động của Câu lạc bộ Lý luận trẻ, đấu tranh chuyên sâu ở các đơn vị quản lý học viên để trực tiếp bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng và tổ chức liên kết với lực lượng của các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm lan tỏa mô hình. Đây là kinh nghiệm tốt nhằm lan tỏa thông tin, thu hút, mở rộng mạng lưới tham gia đấu tranh trên không gian mạng. Một trong những kinh nghiệm quý mà nhà trường rút ra đó là phải thường xuyên tiến hành công tác tư tưởng, động viên, khích lệ, tập huấn, bồi dưỡng và liên tục mở rộng lực lượng để tạo nguồn kế cận vững chắc, tránh để hẫng, mất thời cơ. Định kỳ tổ chức rút kinh nghiệm, sơ kết, qua đó xây dựng quyết tâm cao đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch và các đối tượng cơ hội chính trị. Chính vì vậy mà đội hình chiến đấu của trường rất sung sức, tràn đầy niềm tin, khí thế, quyết tâm và luôn luôn chủ động tiến công, góp phần vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững thành quả cách mạng để đất nước ổn định, phát triển. 

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(còn nữa)
Nhóm phóng viên (thực hiện)