Khu TGSX tập trung của Sư đoàn 312 có diện tích khoảng 52ha, chia thành 3 khu và mỗi khu có một người quản lý riêng. Tại đây, bằng trách nhiệm và sự tận tâm, họ đã biến vùng đất cách bãi rác Nam Sơn (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) hơn 1km đường chim bay vốn bị ô nhiễm không khí rất nặng thành “mỏ vàng” đúng nghĩa.
|
|
Chăm sóc đàn lợn thịt ở khu tăng gia sản xuất của Sư đoàn 312. |
Ở đây, tôi đặc biệt ấn tượng với mô hình nuôi bò thịt 3B. Đại úy QNCN Phạm Đình Chinh, người được giao phụ trách khu TGSX, chia sẻ, chỉ riêng tiền giống 60 con bò thịt 3B mà anh đang quản lý đã có giá 1,8 tỷ đồng. Anh Chinh nhớ lại, vào cuối tháng 5-2020, chỉ huy Phòng Hậu cần sư đoàn có chủ trương giao cho anh tìm hiểu, phát triển mô hình bò thịt 3B nuôi nhốt, khiến anh rất lo lắng. Lo vì việc chăn nuôi cá, gà, lợn và trồng chuối ở đây đã rất bận rộn, nay lại thêm việc mới mà anh chưa bao giờ nghĩ tới. Lo vì khí hậu, thời tiết nơi đây liệu có phù hợp với loại bò giống đắt đỏ đó không?
|
|
Mô hình bò thịt 3B nuôi nhốt tại khu tăng gia sản xuất của Sư đoàn 312. |
Đến tháng 7-2020, chỉ huy Phòng Hậu cần "lệnh" cho Chinh đi thâm nhập thực tế việc chăn nuôi bò thịt 3B tại các hộ dân. Gần một tháng trời, hết ngược lên Thái Nguyên lại sang Vĩnh Phúc rồi lại lên Ba Vì, cứ ở đâu có mô hình nuôi bò thịt 3B hiệu quả là Chinh tìm đến. Cuối cùng, anh Chinh rút ra được vài kinh nghiệm quý, trong đó đặc biệt là cách chọn giống và phòng, trị bệnh. Ngày sư đoàn quyết định “biên chế” 23 con bò thịt 3B với vốn ban đầu hơn 600 triệu đồng thì Chinh như “ngồi trên đống lửa”. Chinh kể, lúc ấy, anh gần như phải “ăn cùng bò, thức cùng bò và thậm chí ngủ cùng bò”. Rất may lứa đầu phát triển cho thu nhập tốt và đến nay đã lan ra toàn khu với 160 con. Theo anh Chinh, từ vốn ban đầu khoảng 25 triệu đồng/con bò giống 5 tháng tuổi thì sau một năm rưỡi đã có con cho trọng lượng gần 800kg và đạt giá trị khoảng 52 triệu đồng.
Không chỉ nuôi bò thịt 3B hiệu quả mà việc nuôi lợn ở đây cũng cho thu nhập tốt. Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Luận quản lý trang trại gần 1.000 con lợn siêu nạc giống “hai máu”, trong đó có 120 con lợn nái. Trung bình mỗi tuần, Luận xuất chuồng 40 con, tương ứng với khoảng 5 tấn lợn hơi.
Khu nuôi lợn được Luận “nâng như nâng trứng” và không cho phép ai ra vào khi chưa có sự nhất trí của anh. Nếu được vào thì cũng phải mặc trang phục bảo hộ và khử khuẩn rất phức tạp. Luận bảo, ngày xưa các cụ “nuôi lợn ăn cơm nằm”, nhưng thời công nghiệp 4.0 nuôi lợn nái vất vả vì bệnh dịch tả lợn châu Phi luôn tiềm ẩn, khiến cơ ngơi dễ đổ bể. Để phòng dịch, ngoài việc lập “sổ theo dõi sức khỏe” chi tiết hằng ngày và gắn camera kiểm soát thì còn vô vàn vấn đề khác phải lưu ý, phải trực tìm ra nguyên nhân để xử lý. Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, khi nhiệt độ ban đêm xuống thấp tới gần 7oC, Luận đã mạnh dạn chế lò sưởi cho lợn từ bình gas cũ. Anh nghiên cứu, thiết kế làm ống khói dẫn lên mái để khí CO2 không ảnh hưởng đến sức khỏe của lợn. Nhiều anh em trong đơn vị bảo Luận quý lợn hơn quý vợ con. Mặc, Luận chỉ cười. Nhà cách đơn vị có mấy ki-lô-mét, nhưng một năm 365 ngày thì gần như Luận dành cả cho lợn... Hiện nay, Luận đã nghiên cứu, học hỏi và có thể tự lấy tinh trùng, bảo quản và phối giống thành công cho lợn nái. Luận cũng đã học hỏi được phương pháp “đẻ chỉ huy” áp dụng cho đàn lợn nái để có đủ giống lợn bột và cung cấp cho các đơn vị. Luận tính toán, cách một tuần sẽ "ép" 30 con lợn sinh sản trong 2 đến 3 ngày thay vì lúc nào cũng phải thức đêm trông lợn đẻ như trước. Chất thải của lợn được Luận xử lý và dùng làm thức ăn cho cá giống. Tính ra, những sáng kiến này đã giúp mang về lợi nhuận kha khá cho sư đoàn.
Dù được đào tạo hay chỉ tự học từ kinh nghiệm nhưng khi được giao nhiệm vụ TGSX, những người phụ trách ở đây đã đem hết nhiệt huyết để cho ra các sản phẩm tốt nhất phục vụ bữa ăn bộ đội. Những nỗ lực đáng quý này đã chứng minh cho chủ trương “thực túc binh cường” hiệu quả của Sư đoàn 312 và rất đáng được nhân rộng trong toàn quân.
Bài và ảnh: THẢO TRANG