Đại tá, TS NGUYỄN VIẾT NAM, Phó chủ nhiệm Khoa Chiến thuật, Trường Sĩ quan Lục quân 2: Để có nhiều học viên giỏi chiến thuật
Chiến thuật bộ binh là nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo sĩ quan chỉ huy-tham mưu lục quân ở Trường Sĩ quan Lục quân 2. Nội dung huấn luyện đa dạng, nhiều hình thức, được tiến hành ở nhiều nơi, khi trên giảng đường, lúc ngoài thao trường, cả ban ngày lẫn ban đêm, huấn luyện dã ngoại... với cường độ cao.
|
|
Đại tá, TS NGUYỄN VIẾT NAM, Phó chủ nhiệm Khoa Chiến thuật, Trường Sĩ quan Lục quân 2 (bên phải) giảng bài tại thao trường. |
Dạy và học chiến thuật là quá trình truyền thụ lý luận, thực tiễn nghệ thuật quân sự, nhằm rèn luyện người học thành thạo kỹ năng chỉ huy chiến đấu. Những vấn đề trên tác động rất lớn đến tâm lý, thái độ của học viên. Chính vì vậy, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục cần phải truyền cảm hứng, khơi dậy đam mê học tập, làm cho mỗi học viên có thái độ, động cơ tích cực.
Trong từng đề mục, giảng viên huấn luyện cho học viên lý luận, kỹ năng, phương pháp nhận định, đánh giá, kết luận tình hình để đề ra cách đánh, dám đánh và đánh thắng địch. Một trong những đòi hỏi rất cao đối với giảng viên chiến thuật là định hình cho người học cách đánh địch trong các hình thức chiến thuật, kết hợp đánh địch bằng mưu kế, thế, thời và vũ khí, trang bị trong biên chế. Trong tác chiến chống lại địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, yêu cầu đó càng tăng lên gấp bội. Điều đó đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức tổng hợp, sâu rộng cả về nguyên tắc chiến thuật, chỉ huy-tham mưu, hậu cần, kỹ thuật và cả kỹ năng chỉ đạo tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị.
Để đạt mục đích đó, giảng viên phải thường xuyên tự nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm chiến đấu trong các cuộc chiến tranh đã qua; những kiến thức quân sự mới mà quân đội các nước tiên tiến đang áp dụng; thường xuyên tìm hiểu thông tin về quân đội nước ngoài, đúc rút kinh nghiệm, trang bị cho học viên.
Nếu hội tụ các kiến thức quân sự, hệ thống kiến thức một cách khoa học và tìm ra phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với từng đối tượng thì chắc chắn sẽ có nhiều giảng viên dạy chiến thuật giỏi.
Trung tá KHUẤT TRỌNG NAM, giảng viên Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị: Không chỉ vượt qua “6 cửa ải”
Con đường chinh phục tri thức, làm luận án Tiến sĩ chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học với tôi quả là gian nan, vất vả, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19.
|
|
Trung tá KHUẤT TRỌNG NAM, giảng viên Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị |
Theo quy định của nhà trường, nghiên cứu sinh phải ở tập trung và thực hiện các chế độ trong ngày như những đối tượng học viên khác. Quá trình làm luận án của mỗi nghiên cứu sinh chúng tôi phải vượt qua 6 lần báo cáo, tạm gọi là “6 cửa ải” (hội đồng chấm tổng quan; hội đồng tư vấn đề cương; hội đồng chấm 3 chuyên đề tiến sĩ; hội đồng đánh giá luận án cấp khoa; cấp cơ sở và cuối cùng là cấp học viện). Ngoài ra, chúng tôi vẫn phải đảm nhận giảng dạy theo phân công của chỉ huy khoa và tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học với tỷ lệ nhất định. Trong điều kiện dịch Covid-19, để không bị gián đoạn tiến độ luận văn, chúng tôi phải xây dựng bảng hỏi và gửi đến các cơ quan, đơn vị, nhờ thu thập rồi mới phân tích.
Con đường đến với tri thức của người thầy như chúng tôi, dù có thể đạt được học vị, nhưng chưa phải đã là đích để dừng lại. Bởi trong tương lai, sự vận động, phát triển không ngừng của xã hội, sự phát triển của quân đội sẽ đặt ra những vấn đề lý luận mới. Trong những năm tới, yêu cầu xây dựng quân đội chính quy, hiện đại chắc chắn sẽ đặt ra nhiều việc mới. Lý do ấy buộc chúng tôi phải học, phải nghiên cứu không ngừng nghỉ.
Đại tá, TS BÙI NHƯ KHUÊ, Phó chủ nhiệm Khoa Chỉ huy tham mưu, Trường Sĩ quan Không quân: Luôn đi trước “dẫn đường”
Đào tạo phi công quân sự tại Trường Sĩ quan Không quân là hành trình công phu của nhiều thầy, nhiều khoa, đơn vị và các trung đoàn bay. Nội dung huấn luyện đòi hỏi rất cao, luôn cập nhật thông tin mới. Điều đó buộc giảng viên phải nghiêm túc nghiên cứu, là tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học, tự rèn để đi trước “dẫn đường” cho học viên.
|
|
Đại tá, TS BÙI NHƯ KHUÊ, Phó chủ nhiệm Khoa Chỉ huy tham mưu, Trường Sĩ quan Không quân (người ngồi). |
Ngày nay, khoa học công nghệ quân sự phát triển mạnh mẽ, không quân là lực lượng được ưu tiên số 1 về mức độ hiện đại của quân đội nhiều nước trên thế giới. Thực tế đó đòi hỏi đội ngũ phi công quân sự của ta phải được đào tạo một cách toàn diện cả về sức khỏe, bản lĩnh tâm lý, kiến thức, kỹ năng thực hành bay cũng như xử trí các tình huống trên không.
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), cả ta và địch đều có những thay đổi, phát triển. Việc địch tăng cường sử dụng không quân hiện đại, vũ khí công nghệ cao kết hợp với những thủ đoạn xảo quyệt sẽ gây khó khăn, thách thức lớn. Để giúp phi công huấn luyện, khai thác, làm chủ các máy bay tiêm kích, tiêm kích đa năng thế hệ mới, tính năng cơ động cao, tầm hoạt động xa, hỏa lực mạnh, có thể không chiến ngoài tầm mắt, trên tầng bình lưu hoặc công kích trực diện từ bán cầu trước, bán cầu sau hoặc vào bên sườn mục tiêu thì cần có những thầy giỏi.
Muốn theo kịp thực tiễn ấy, đội ngũ những người thầy phải không ngừng đổi mới, sáng tạo. Trên bước đường khó khăn này, chỉ một phút dừng lại là đồng nghĩa với tụt hậu và phải trả giá rất đắt.
Muốn trò giỏi thì trước tiên thầy phải giỏi. Mục tiêu đó là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy chúng tôi phấn đấu vươn lên, để mỗi ngày lại có thêm những bài giảng thể hiện rõ tính khoa học, tính thực tiễn phong phú và tính định hướng cao; để mọi chuyến bay huấn luyện an toàn, chất lượng, đáp ứng ngày càng cao sự đòi hỏi của thực tiễn phát triển ở các đơn vị không quân. Đấy là cách “dẫn đường” hiệu quả để cho ra những phi công quân sự gan dạ, dũng cảm, đủ bản lĩnh, năng lực “bay lên làm chủ bầu trời Tổ quốc” trong mọi tình huống.
ĐỨC TÂM (thực hiện)