Đang chăm chú quan sát một khẩu đội pháo phòng không luyện tập, đột nhiên Đại tá Nguyễn Đình Đào, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 71 (Quân đoàn 4) ngẩng mặt bao quát rất nhanh khắp thao trường. Anh đưa cánh tay trái lên trước, liếc nhanh đồng hồ, rồi nhìn sang tôi, mỉm cười: “Lưới đã giăng, kết quả cũng tạm ổn!”.

- Đã bắn đâu, kết quả gì vậy anh? - Tôi hỏi nhanh.

- À, tôi nói kết quả về thời gian từ khi nhận lệnh chỉ huy đến khi các khẩu đội ổn định tầm, hướng, sẵn sàng nhả đạn - Anh Đào giải thích.

- Tôi chẳng thấy gì cả. Căn cứ vào đâu mà anh biết được cái khẩu pháo hai nòng kia sẵn sàng nhả đạn trúng mục tiêu? - Tôi lại thắc mắc.

leftcenterrightdel
 Khẩu đội Pháo cao xạ của Lữ đoàn 71 luyện tập bắn mục tiêu trên không. Ảnh: LÊ CẦU

Anh Đào cười và vỗ vai tôi: “Muốn có được kỹ năng ấy thì phải học đến chai mông, mỏi tay, bã miệng và cháy da trên thao trường chứ không phải đơn thuần đâu nhà báo nhé!".

Trước thắc mắc và thỉnh ý của tôi, anh Đào cho tôi nhập vai số 5 có nhiệm vụ nạp đạn, mà như anh nói là dễ thực hiện nhất trong khẩu đội. Dù đã được thị phạm 3 đến 4 lần tưởng như thuộc lòng, nhưng khi thực hành thì tôi hối hận vì quá mạo hiểm, bởi óc ảo tưởng giống như cái cách mà hiệp sĩ Don Quijote đánh cối xay gió trong tiểu thuyết "Don Quijote-nhà quý tộc tài ba xứ Mancha" của nhà văn Tây Ban Nha Cervantes.

Theo đó, khi đưa kẹp đạn mô hình 5 viên, mỗi viên to hơn bắp tay, có tổng trọng lượng khoảng 8kg vào máy nạp đạn, thay vì bàn tay phải xòe ra thì tôi lại nắm chặt. Sau tiếng “tách” của lẫy hãm thì cũng là tiếng “ái” đột nhiên phát ra từ miệng tôi. Nhìn khuôn mặt nhăn nhó vì vết thương trên các đầu ngón tay, anh Đào cười khà khà: “Thấy chưa, đừng tưởng dễ xơi”. Các chiến sĩ trong khẩu đội đứng quanh thì cúi mặt, lấy tay bịt miệng, nhưng thỉnh thoảng vẫn có tiếng cười bị nén lại phát ra khùng khục. Mặt tôi đỏ nhừ vì một lần dám cả gan đùa với... “lửa”. Trên đường về sở chỉ huy lữ đoàn, anh Đào "xoa dịu" vết thương lòng của tôi bằng những tâm sự về nghề canh trời, săn bắt vật thể bay. Anh chia sẻ, không chỉ trong chiến tranh hiện đại mà ngay từ những cuộc chiến tranh trước đây, bọn “giặc trời” luôn ỷ thế về sức cơ động rất nhanh và thủ đoạn xảo trá để oanh tạc bất ngờ. Thế nên, muốn tiêu diệt được chúng, bộ đội cao xạ nói riêng và lực lượng phòng không nói chung phải giỏi hiệp đồng, thuần thục kỹ, chiến thuật, nhanh chóng, chuẩn xác. Ngày nay, yêu cầu đó càng phải cao hơn, nhanh hơn, chính xác hơn. Bởi thời cơ với bộ đội cao xạ được tính bằng giây. Nhanh hơn địch một giây là thắng lợi. Thế nên, Lữ đoàn 71 đặt ra yêu cầu cao trong huấn luyện bộ đội cả về nghiệp vụ, chuyên môn, song, nhanh và chính xác mới chỉ là yếu tố cần.

- Vậy đâu là yếu tố đủ? - Tôi dừng bước, phản kháng cách nói chuyện úp mở của anh Đào.

- Lúc ở trận địa, anh có nghe thấy tiếng máy bay, tiếng rít của bom rơi, tiếng bom nổ trên thao trường không? Đó, cái đó là một phần để bộ đội của tôi rèn tâm lý. Khi chiến đấu, tâm lý, bản lĩnh, ý chí quyết định rất nhiều đến trình độ kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội nên chúng tôi phải rèn bộ đội không chỉ bỏng mông trên ghế sắt, mà họ còn phải đạt được các yêu cầu đỉnh cao. Cái đầu thì chỉ huy, cái tai nghe thính nhạy, mắt tinh, tay làm như múa. Đó là những “miếng đánh” điêu luyện như liên hoàn cước có tính chất tiêu diệt, hạ gục đối phương mà chỉ có lính phòng không mới làm được. 

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Quân đoàn 4 kiểm tra mô hình, sáng kiến của Lữ đoàn 71. 

Điều anh Đào nói tôi đã được nếm rồi. Nhưng nếu tinh ý, tôi có thể phát hiện ra sự khổ luyện của họ sớm hơn. Bằng chứng là, tất cả chiến sĩ trong khẩu đội mà tôi gặp, chẳng người nào có nước da sáng một chút. Tôi dám cá rằng, nếu đưa họ vào phòng và tắt điện đột ngột thì khó có thể phát hiện họ ở đâu nếu không có tiếng động âm thanh làm chuẩn. Họ đen, nhưng khỏe khoắn, tinh nhanh, khác hẳn với nước da bóng láng vì quen ngồi văn phòng của tôi. Suy nghĩ ấy khiến tôi chạnh lòng. Thời bình cũng như thời chiến, những người lính canh trời không phút nghỉ ngơi, thậm chí họ còn gặp nhiều khó khăn hơn bởi phải trăn trở, phải hình dung và đoán định được thủ đoạn của bọn "giặc trời" hết sức vô hình.

Tôi càng cảm phục hơn khi được nghe về sự sáng tạo, mà Thượng úy Võ Tuấn Nghĩa, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 102, Tiểu đoàn 12 là một điển hình.

Nghĩa kể, ngày mới ra trường về Lữ đoàn 71 nhận nhiệm vụ, cậu cứ nghĩ những kiến thức được lĩnh hội ở trường là đủ để chỉ huy, huấn luyện bộ đội và xử lý mọi tình huống tại đơn vị. Với chút máu “ngựa non háu đá” nên Nghĩa đã bị cấp trên phê bình trong một lần trung đội tham gia hội thao cấp tiểu đoàn. Khi đơn vị đang thao tác sục sạo mục tiêu thì một khẩu đội trưởng báo cáo, kính ngắm bị hỏng, khó lấy hướng. Do áp lực thời gian, lại chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống thực tế nên Trung đội trưởng Võ Tuấn Nghĩa lúng túng chưa biết xử lý ra sao. Trong khi đó, đơn vị bạn sắp hoàn thành nhiệm vụ. Thoáng chút suy nghĩ giản đơn, Nghĩa hạ lệnh tiếp tục thao tác phần tử bắn... Kết thúc hội thao, nhận xét kết quả, Thiếu tá Nguyễn Văn Khương, Tiểu đoàn trưởng đã gay gắt chỉ ra sai sót nghiêm trọng ấy và nhấn mạnh: “Trong chiến đấu, sự giản đơn, cẩu thả sẽ phải trả giá bằng máu và tính mạng của bộ đội”.

Đã mấy năm trôi qua, nhưng bài học sâu sắc ấy trở thành “cẩm nang” của Trung đội trưởng Nghĩa. Giờ đây, Nghĩa đã khác trước, chín chắn và chỉ huy bộ đội chững chạc, hiệu quả hơn rất nhiều. Mới đây, từ thực tiễn huấn luyện, Thượng úy Võ Tuấn Nghĩa đã hoàn thành sáng kiến “Thiết bị hỗ trợ thống nhất điểm ngắm, lấy hướng trong huấn luyện phân đội pháo phòng không ban đêm”. Sáng kiến này giúp quá trình huấn luyện hiệp đồng phân đội pháo phòng không thuận lợi, chính xác cao, khắc phục được khó khăn, hạn chế trong thao tác của pháo thủ số 4. Điều quan trọng là, áp dụng sáng kiến của Thượng úy Võ Tuấn Nghĩa, các trung đội trưởng trong lữ đoàn sẽ không còn vấp phải tình huống như anh 4 năm trước.

Anh Đào chia sẻ, hiện nay, ngoài huấn luyện kỹ càng, công phu và liên tục, nhiều cán bộ trẻ đã sáng tạo ra các thiết bị hữu ích. Gần đây nhất là Đại úy Trần Văn Sơn, Đại đội trưởng Đại đội 3 (Tiểu đoàn 16) đã có sáng kiến “Thiết bị chiếu sáng chỉ đầu nòng”. Rồi Trung úy Phạm Ngọc Chiến, Phó đại đội trưởng Đại đội 104 (Tiểu đoàn 12) đã làm ra “Thiết bị hỗ trợ huấn luyện pháo thủ số 4”. Những sáng kiến này đã được nghiệm thu, triển khai ứng dụng trong toàn lữ đoàn, giúp chỉ huy phân đội pháo phòng không giảm bớt thời gian kiểm tra thao tác, nâng cao mức độ chính xác trong hiệu chỉnh và ngắm bắn mục tiêu. Đó là những sản phẩm hữu ích giúp rút ngắn thời gian thao tác, giảm tối đa số người phục vụ, hạn chế sai sót và bảo đảm khách quan, đúng ý định của người chỉ huy, để khẩu đội pháo phòng không luyện giỏi, bắn trúng.Cuối câu chuyện, Đại tá Nguyễn Đình Đào chia sẻ, lữ đoàn đang đẩy mạnh thực hiện “4 biết” (biết thông báo, dự báo bay; biết máy bay bay hay chưa bay; bay đến đâu biết đến đó; biết hành động bay trên không) trong quản lý vùng trời. Cán bộ phân đội phải đi sâu vào luyện tập xử trí tình huống của kíp chiến đấu sở chỉ huy, trên trận địa, sa bàn... Đối với phân đội, kíp chiến đấu, tập trung huấn luyện thuần thục khẩu lệnh, động tác cá nhân, hiệp đồng chặt chẽ; coi trọng huấn luyện kíp chiến đấu, bảo đảm bộ đội nắm chắc “4 biết” , “4 được” (quan sát phát hiện được; chuyển cấp được; bắn được; tiêu diệt được) trong xử lý tình huống tác chiến phòng không”.

Ôi! Để có những “miếng đánh” điêu luyện như tôi đã thấy ngoài trận địa, thật không đơn giản chút nào!

Bài và ảnh: CHÂU GIANG