Nơi có thế đất vững
Ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, núi Dũng Quyết được coi là căn cứ quân sự trọng yếu, là yết hầu trên đường thiên lý xuyên Việt. Vùng này từng là nơi sinh sống của người Việt cổ, là chốn đô hội của non nước Hoan Châu, có thành lũy của vua Lê-chúa Trịnh (1627-1672), có Phượng Hoàng Trung Đô của vua Quang Trung (1788-1802), đồn tiền tiêu chống Pháp xâm lược (1885), nơi thành lập Hội Phục hưng Việt Nam, tiền thân của Đảng Tân Việt (1925) và là trung tâm của cuộc biểu tình ngày 1-5-1930 mở đầu cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
|
|
Lầu bát giác-nơi quan sát máy bay địch, nhìn từ Trạm ra-đa thời tiết Vinh (Nghệ An). |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, TP Vinh bị địch đánh phá có tính hủy diệt. Núi Dũng Quyết và phà Bến Thủy được coi là trọng điểm đánh phá của địch. Từ điểm cao núi Dũng Quyết, ta đã đặt đài quan trắc nhằm phát hiện máy bay từ xa, báo động để quân và dân TP Vinh chuẩn bị đối phó. Nhân dân cùng với lực lượng vũ trang sát cánh bạt núi, mở đường đưa những khẩu pháo nặng hàng tấn lên khu vực điểm cao núi Dũng Quyết để đánh địch.
Ngày 5-8-1964, đơn vị súng máy 14,5mm hợp đồng với bộ đội phòng không cùng dân quân, tự vệ TP Vinh bắn rơi chiếc máy bay AD.6 (đây là chiếc máy bay phản lực đầu tiên của Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc) và bắn bị thương 2 chiếc khác. Biết tính chất lợi hại của núi Dũng Quyết, địch dùng chiến thuật biên đội lớn đánh tập trung dứt điểm, trong chiến dịch, nơi đây đã có rất nhiều chiến sĩ bị thương và hy sinh.
Không khuất phục trước sự tàn sát của bom đạn quân thù, biến đau thương thành sức mạnh, các chiến sĩ trên núi Dũng Quyết luôn vững vàng bên mâm pháo, anh dũng chiến đấu, hiệp đồng cùng các đơn vị bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, góp vào chiến công lớn bắn hạ chiếc máy bay thứ 100 trên bầu trời TP Vinh, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Hiện nay trên đỉnh núi Dũng Quyết vẫn còn di tích Vọng đài lầu bát giác.
|
|
Trạm Ra đa thời tiết Vinh nhìn từ trên cao (ảnh CTV) |
Thế đất và chí người
Trong chuyến tham quan các di tích trên núi Dũng Quyết, chúng tôi ghé thăm Trạm Ra-đa thời tiết Vinh thuộc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ. Đứng từ tầng cao nhất của tháp, phóng tầm mắt ra xa có thể quan sát rõ 4 phương. Xa xa, hướng đông nhìn thấy Cửa Hội, bãi tắm thơ mộng Cửa Lò, đảo Mắt, đảo Ngư; hướng tây là Kim Liên, Nam Đàn-quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; hướng đông nam có nhà thờ đại thi hào Nguyễn Du và núi Hồng-sông Lam; hướng bắc là toàn cảnh TP Vinh với những công trình hiện đại...
|
|
Đồng chí Trịnh Đức Trường, trưởng trạm Ra đa thời tiết Vinh kiểm tra các thiết bị đồng bộ của trạm. |
Anh Trịnh Đức Trường, Trưởng trạm Ra-đa thời tiết Vinh cho biết: Năm 2015, khi có dự án xây mới, chúng tôi đã khảo sát tất cả vị trí và nhận thấy núi Dũng Quyết là nơi tốt nhất để phát huy hết các tính năng, tác dụng của trạm. Sau thời gian triển khai khẩn trương, năm 2017, Trạm Ra-đa thời tiết Vinh chính thức đi vào hoạt động. Trạm được trang bị radar có thể phát hiện mục tiêu khí tượng có bán kính lên đến 450km, phát hiện được tốc độ gió lên đến 200km.
Nếu lấy núi Dũng Quyết làm tâm điểm của hình tròn vùng Bắc Trung Bộ, “mắt thần” radar này có thể bao quát toàn bộ những hiện tượng thời tiết dị thường của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ưu điểm của quan trắc radar là quan trắc nhanh, chỉ trong khoảng thời gian vài phút đã có thể lấy được thông tin về mây và các hiện tượng thời tiết liên quan trong một khu vực rộng hàng trăm ki-lô-mét với chiều dày hàng chục ki-lô-mét.
Vì vậy mà hoạt động của radar thời tiết đóng một vai trò đáng kể cho công tác giám sát thời tiết trong khu vực rộng lớn, theo dõi hoạt động của các hoàn lưu cỡ vừa, như: Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn... Ngoài ra, trong những trường hợp cần thiết, radar thời tiết có thể phục vụ công tác dự báo cực ngắn ở từng địa phương cụ thể, trong một địa bàn hẹp. Đặc biệt, trong công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, radar là công cụ quan trọng trong việc xác định tâm bão, hướng và tốc độ di chuyển của bão khi chúng nằm trong vùng hoạt động của radar.
|
|
Trạm Ra đa thời tiết Vinh nhìn cận cảnh |
Hôm chúng tôi ghé thăm trạm là một ngày thời tiết đẹp, có nắng nhẹ, trời TP Vinh trong xanh... nhưng trong phòng trực, các kỹ thuật viên vẫn căng mình theo dõi những diễn biến thời tiếp do máy gửi về, không để lọt, sót bất cứ biểu hiện bất thường nào về thời tiết cực đoan.
Anh Trường giải thích: "Thời tiết của khu vực Trung Bộ rất thất thường nên không cho phép chúng tôi chủ quan, có thể trời đang nắng nhưng sau một thời gian ngắn sẽ xảy ra dông, lốc, mưa đá... và nó diễn ra rất nhanh. Nếu chúng tôi không chủ động thì các hiện tượng thời tiết cực đoan này có thể bị sót. Và hậu quả của nó đối với thiệt hại của người dân là rất lớn. Vì vậy, ở đây, chúng tôi duy trì trực 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, Tết, không có ngoại lệ".
Hằng ngày, các kíp trực giao ca lúc 6 giờ 30 phút, hết ca là 18 giờ 30 phút, ca tiếp theo là từ 18 giờ 30 phút đến 6 giờ 30 phút ngày hôm sau. Sau khi nhận ca, kỹ thuật viên phải bảo trì thiết bị, kiểm tra các chỉ số của thiết bị (kiểm tra tính năng hoạt động, độ nhạy... của thiết bị), theo dõi tình hình thời tiết qua màn hình. Khi trực ban quan sát qua máy, phát hiện có hiện tượng bất thường về thời tiết thì phải tổng hợp và báo cáo kíp trực hội ý, đưa ra kết luận nhanh và chính xác nhất, kịp thời báo cáo về trung tâm để xử lý thông tin, thông báo đến người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
Mùa mưa bão phải tăng cường thêm người trực, bởi việc phân tích tâm bão, hướng đi, tốc độ của bão... rất phức tạp, cần ý kiến của nhiều người để có sự thống nhất, mức độ chính xác cao, các thành viên hội chẩn, sau đó trạm trưởng kết luận bản tin. Bản tin này sẽ được cập nhật liên tục 3 giờ đồng hồ một lần.
Nếu trường hợp trong ca trực có hiện tượng bất trắc xảy ra, dù do khách quan hay chủ quan thì tại trung tâm chỉ huy cũng sẽ phát hiện ra, vì thiết bị này có chức năng phát, truyền tín hiệu trực tiếp về trung tâm chỉ huy. Chính nhờ chức năng này mà từ khi trạm đi vào hoạt động, không có tình trạng sót, lọt các hiện tượng thời tiết cực đoan trên địa bàn.
|
|
Cận cảnh cụm chính Ra đa thời tiết Vinh |
Theo anh Trường, dự kiến thời gian tới, trạm của các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình cũng sẽ sáp nhập vào Trạm Ra-đa thời tiết Vinh. Hiện nay, trạm chỉ có 3 người (theo biên chế là 6 người), khu vực Bắc Trung Bộ địa hình rộng và rất phức tạp, khí hậu thất thường, nhân lực thiếu, vì vậy, khối lượng công việc là rất lớn. Song trong những năm qua, cán bộ, nhân viên Trạm Ra-đa thời tiết Vinh luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần cùng chính quyền và nhân dân trên địa bàn ứng phó với các dạng thời tiết cực đoan, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân.
Bài và ảnh: LÊ ANH TẦN