Liên lạc với Lê Na, tôi được cô chia sẻ: “Em quen rồi chị! Là kỹ thuật viên chụp X-quang duy nhất của bệnh viện nên em phải trực “on call” 24/24 giờ, bất kể khi nào nhận được yêu cầu qua bộ đàm là phải có mặt, dù ngày hay đêm”.
|
|
Thiếu úy QNCN Lê Na tham gia hoạt động trồng cây bảo vệ môi trường tại một trường tiểu học ở Nam Sudan. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Công việc mà Lê Na đảm nhiệm ai cũng nghĩ là dành cho nam giới, vậy mà một cô gái trẻ như Lê Na tự tin đảm nhiệm suốt gần 9 tháng qua kể từ khi BVDC 2.3 tới địa bàn Bentiu. Thời gian bàn giao từ BVDC 2.2 ngắn mà phải bắt tay vào việc ngay nên Lê Na buộc phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Bệnh nhân của Lê Na chủ yếu là nam giới người nước ngoài, vóc dáng cao lớn nên có những tư thế phải chụp đứng, dụng cụ chụp không với tới, hoặc bệnh nhân to quá khổ không thể lấy hết bộ phận cần chụp... Trong điều kiện dã chiến, phương tiện chẩn đoán còn hạn chế nên những lúc gặp tình huống đó, Lê Na buộc phải làm thêm các kỹ thuật chụp mà trong nước hầu như ít hoặc chưa bao giờ làm. Dù điểm tiếng Anh IELTS đạt 6.0 nhưng cũng có lúc, Lê Na phải dùng tới cả "ngôn ngữ tay" hoặc nhờ đồng nghiệp trợ giúp đối với những bệnh nhân không nói tiếng Anh hoặc ít biết tiếng Anh.
|
|
Thiếu úy QNCN Lê Na là kỹ thuật viên X-quang duy nhất của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Áp lực công việc có vẻ không là gì với nữ quân nhân khỏe mạnh, rắn rỏi. Những ca gác đêm muộn cũng không còn là nỗi lo. Việc phải tuân thủ quy trình phòng, chống dịch Covid-19 ở bệnh viện mới gây chút phiền toái. Mỗi khi xuống chụp ở Khoa Nội-Truyền nhiễm cho bệnh nhân Covid-19, ngoài mặc quần áo, yếm chì, Lê Na còn phải mặc thêm bộ đồ bảo hộ PPE trong điều kiện thời tiết nóng bức. Đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp là không thể tránh khỏi trong điều kiện dịch bệnh, nhưng Lê Na cũng như các đồng nghiệp đã vượt qua tâm lý lo ngại, luôn nỗ lực quyết tâm “vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa mở cửa tiếp nhận bệnh nhân”, không để dịch bệnh ảnh hưởng tới nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe cho lực lượng "mũ nồi xanh" tại địa bàn.
|
|
Nụ cười lạc quan luôn nở trên môi cô thiếu úy xinh đẹp. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Trung tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc BVDC 2.3 cho biết, Lê Na được đào tạo bài bản chuyên ngành kỹ thuật hình ảnh tại Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, lại được trưởng thành và rèn luyện từ “cái nôi” Bệnh viện Quân y 175 nên chị đảm nhận nhiệm vụ ngày càng vững vàng hơn. Vị trí công việc của Lê Na không có người thay thế nên chị tình nguyện không về nước nghỉ phép trong suốt một năm nhiệm kỳ.
|
|
Thiếu úy Lê Na trổ tài làm bánh tiêu cùng các chị em trong đơn vị. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Lê Na kể: "Những lần ra ngoài căn cứ Bentiu cùng BVDC 2.3 tham gia các hoạt động quân dân kết hợp (CIMIC), được tận mắt chứng kiến cuộc sống cùng cực của người dân Nam Sudan là những trải nghiệm sống vô cùng quý giá với những người trẻ như em. Nắm tay những em nhỏ chơi đùa, thấy những đôi mắt mệt mỏi của các em ánh lên niềm vui, em cảm nhận rõ nhất ý nghĩa của sứ mệnh Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Nhất là khi các em nhỏ hô to hai tiếng “Việt Nam”, em thấy rất xúc động và tự hào vì được cùng các đồng nghiệp trong lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân nơi đây”.
Là thành viên trẻ tuổi nhất đơn vị, cô gái sinh năm 1996 cảm thấy mình may mắn được sống trong tình yêu thương và chia sẻ của các anh, chị lớn tuổi ở đơn vị mà mọi thành viên đều gọi là “gia đình 2.3”. Lê Na bộc bạch rằng, sống và làm việc trong môi trường khắc nghiệt như ở đây, bệnh tật là không thể tránh khỏi, chưa kể áp lực và cả những lúc xuống tinh thần. Những lúc đó, đồng đội chính là những người bên cạnh mình và gia đình luôn là điểm tựa vững chắc.
Vừa là chỉ huy đơn vị, vừa như một người đồng hành với Lê Na từ những ngày đầu học lớp tiếng Anh chuẩn bị cho BVDC 2.3, Trung tá Trịnh Mỹ Hòa ấn tượng ở cô bé trẻ nhất bệnh viện đó là tinh thần xung phong và khát khao được đóng góp cho tập thể đơn vị. Sang địa bàn, Lê Na tích cực tham gia cùng đồng nghiệp trong mọi hoạt động đời thường, góp phần gắn kết tình cảm đồng chí, đồng đội, như: Thể dục thể thao, nấu ăn, làm bánh, trồng cây xanh, trang trí cảnh quan đơn vị, dọn vệ sinh môi trường... Lê Na chịu khó mày mò học cách làm bánh trong điều kiện thiếu thốn nguyên liệu, sáng tạo từ các hương vị sẵn có tại chỗ như bánh bông lan vị cam tươi được các vị khách VIP của Phái bộ và Liên hợp quốc khen ngợi mỗi lần có dịp tới Bentiu. Chị còn mang theo rất nhiều kẹo dừa từ quê hương Bến Tre của mình để tặng đồng nghiệp quốc tế, giới thiệu đặc sản quê nhà.
Trung tá Trịnh Mỹ Hòa kể, gần bệnh viện có đơn vị công binh Pakistan nên hai bên thường có các hoạt động giao lưu. Những người bạn Pakistan rất mến Lê Na và gọi chị là “em gái” bằng tiếng Việt, chắc có lẽ bởi nụ cười luôn nở trên môi cô bé người Bến Tre và sự mộc mạc, gần gũi, dễ thương.
Từng tham gia phong trào sinh viên tình nguyện trong nước, Lê Na đã có những chuyến đi với các hoạt động ý nghĩa, trải nghiệm niềm vui được chia sẻ và giúp đỡ mọi người. Niềm vui ấy được nhân lên khi Lê Na vinh dự được đứng trong lực lượng "mũ nồi xanh". Nhưng Lê Na hiểu rằng, mình sẽ còn phải tiếp tục phấn đấu và nỗ lực rất nhiều trên hành trình thực hiện ước mơ và những hoài bão được cống hiến. Lê Na chia sẻ hạnh phúc qua “cuốn nhật ký” bằng hình ảnh trên điện thoại đang dày lên, với nhiều kỷ niệm đẹp ghi dấu khoảng thời gian ý nghĩa. Lê Na được giao phụ trách huấn luyện chuyên môn cho kỹ thuật viên chụp X-quang ở Bệnh viện Đa khoa Bentiu, nơi chỉ có một kỹ thuật viên X-quang duy nhất và điều kiện khám, chữa bệnh vô cùng tồi tàn. Mỗi nhiệm vụ mới lại là một trải nghiệm mới và thêm một việc làm ý nghĩa ở nơi rất cần sự giúp đỡ như Nam Sudan.
Lê Na khoe, từ khi vào quân ngũ, tham gia BVDC 2.3, cuộc đời cô như bước sang trang mới. “Em học được thêm nhiều điều bổ ích, biết cách luôn giữ tinh thần lạc quan, sẵn sàng đối mặt với những áp lực, suy nghĩ cũng chín chắn và trưởng thành hơn”.
MỸ HẠNH