Chào mừng Đại hội Đại biểu Phụ nữ Quân đội lần thứ VII, Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần trân trọng giới thiệu một số tấm gương tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua của phụ nữ Quân đội giai đoạn 5 năm (2016-2021).

Sứ giả hòa bình tại Nam Sudan

leftcenterrightdel

Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga.  Ảnh do Ban Phụ nữ Quân đội cung cấp

Mấy năm gần đây, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga được đông đảo công chúng trong nước và quốc tế biết đến là hình ảnh nữ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc (LHQ) tại Nam Sudan. Chị đã góp phần hiện thực hóa chính sách bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, tiếp thêm động lực cho các chị em, nữ quân nhân khác quyết tâm nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Tình nguyện đi làm nhiệm vụ GGHB tại Nam Sudan khi hai con còn nhỏ với người phụ nữ sinh năm 1981 tại Hà Nội này cũng đồng nghĩa với việc chị sẵn sàng đón trước không ít khó khăn, thử thách. Bởi Nam Sudan là vùng đất vô cùng khắc nghiệt, nhiệt độ có lúc lên tới 50oC, bom rơi đạn lạc bất kỳ, đói nghèo, dịch bệnh, có thể nguy hiểm tới tính mạng... Thế nhưng, chị đã quyết tâm vượt qua chính mình để làm một tấm gương cho các con noi theo.

Thời gian đầu mới nhận nhiệm vụ sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự tại vùng đất xa Tổ quốc, Hằng Nga phải tập thích nghi với môi trường, thời tiết đến nhiều công việc mới. Thế nhưng chị đã nhanh chóng tiếp cận, chủ động thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Hầu như chị ngủ rất ít vì thường xuyên phải cập nhật thông tin quân sự trên toàn lãnh thổ Nam Sudan, từ các phân khu, các đơn vị thuộc Phái bộ; cập nhật bản đồ tình hình tác chiến, bản đồ triển khai lực lượng phản ánh những hình thái mới nhất về việc bố trí lực lượng tại các vị trí tác chiến... để tổng hợp phân tích tình hình báo cáo các cấp. Đồng thời xây dựng chương trình các buổi huấn luyện, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, giúp đỡ các đồng nghiệp nữ mới nhận nhiệm vụ...

Ngoài nhiệm vụ quân sự, vào các dịp lễ, tết của người Việt, chị cũng tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa góp phần tuyên truyền lịch sử, văn hóa, truyền thống của quân đội và dân tộc Việt Nam. Chị tham gia nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới; hướng dẫn, hỗ trợ người dân địa phương chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, an toàn vệ sinh bữa ăn, cách bảo vệ và chống lại dịch bệnh, sơ cứu bản thân và người thân khi bị thương; hỗ trợ giáo viên dạy các em kiến thức cơ bản và kỹ năng sống, đọc và viết tiếng Anh cơ bản... Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga và các đồng nghiệp còn thường xuyên tham gia quyên góp đồ dùng, quần áo sách báo tặng trường học và người dân địa phương gần căn cứ của LHQ; kêu gọi và quyên góp kinh phí tạo việc làm cho phụ nữ địa phương như bán cà phê tự rang, xay, trà sản xuất từ Atiso, các sản phẩm thủ công...

Chia sẻ kinh nghiệm về thời gian công tác tại Nam Sudan, chị nói: “Là nữ sĩ quan đầu tiên tham gia lực lượng GGHB LHQ, mình phải luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, kiên định lập trường, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng phải chú ý gìn giữ hình ảnh tốt đẹp của Quân đội nhân dân và hình ảnh người phụ nữ Việt Nam”.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, trong nhiệm kỳ một năm tại Nam Sudan, chị đã được Phái bộ GGHB LHQ đánh giá hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ trên mọi mặt công tác; được tặng thưởng hai Huy chương Vì sự nghiệp hòa bình và ổn định. Hiện nay, chị Hằng Nga đang là Phó giám đốc Quân sự Bệnh viện Dã chiến 2.4. Chị luôn tâm thế sẵn sàng tiếp tục lên đường thực hiện nhiệm vụ GGHB của LHQ tại Nam Sudan lần thứ hai.

Chuyên gia truy tìm SARS-CoV-2

Thật xứng đáng khi đồng nghiệp gọi Thiếu tá, bác sĩ Lê Thùy Dương, Phó chủ nhiệm Khoa Vi sinh, Bệnh viện Quân y (BVQY) 175 (Bộ Quốc phòng) là chuyên gia truy tìm virus SARS-CoV-2. Bởi từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP Hồ Chí Minh (7-5-2021) đến nay, chị Dương cùng đồng đội ngày đêm căng sức làm nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm truy tìm virus SARS-CoV-2.

Thời gian đầu, chị cùng Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP Hồ Chí Minh tham gia giảng dạy công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng, chống dịch, hướng dẫn nhiều lớp nhân viên trong BVQY 175 về công tác lấy mẫu và xét nghiệm test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2. Chị còn tham gia huấn luyện công tác lấy mẫu và xét nghiệm cho các lớp nhân viên của bệnh viện phục vụ lấy mẫu tại bệnh viện, tại Sở Y tế thành phố, Bệnh viện Dã chiến số 7, quận Gò Vấp và quận 8... Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc bệnh viện, chị nhanh chóng triển khai xét nghiệm test nhanh cho phòng khám tiền phương và toàn bộ bệnh viện với hơn 150.000 test nhanh kháng nguyên và hơn 200.000 mẫu xét nghiệm PCR... vì một mục tiêu chung là mong TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước sẽ đẩy lùi dịch bệnh.

Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá, bác sĩ Vũ Sơn Giang, Phó chủ nhiệm Chính trị BVQY 175 cho biết: “Hơn 6 tháng qua, công việc của bác sĩ Lê Thùy Dương và bộ phận xét nghiệm rất vất vả. Nhất là khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát, chị vừa quản lý các đội, vừa cùng đồng nghiệp trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện test nhanh cho người dân trên địa bàn thành phố với gần 100.000 lượt mẫu và test nhanh. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, có lệnh điều động là lên đường, chị cùng đồng nghiệp và lực lượng tình nguyện đều nỗ lực cố gắng, đến từng nhà, từng ngõ trong khu vực phong tỏa để thực hiện nhiệm vụ. Việc lấy mẫu chủ yếu diễn ra vào ban đêm nên nhiều ngày làm việc đến 1-2 giờ sáng các chị mới được trở về. Thậm chí có ngày đỉnh điểm các chị lấy khoảng 10.000 mẫu. Do đó, việc ăn uống, nghỉ ngơi đều phải tranh thủ chốc lát rồi lại miệt mài thực hiện nhiệm vụ làm sao bảo đảm tiến độ cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh nhất, tạo điều kiện cho các lực lượng truy vết, khoanh vùng, dập dịch càng sớm càng tốt”.

leftcenterrightdel

Bác sĩ Lê Thùy Dương. Ảnh do Ban Phụ nữ Quân đội cung cấp

Bác sĩ Lê Thùy Dương sinh năm 1984. Tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, chị mới về nhận nhiệm vụ tại Khoa Vi sinh, BVQY 175 không lâu thì dịch Covid-19 bùng phát, chị và đồng nghiệp phải trải qua không ít khó khăn. Trước khối lượng công việc rất lớn cần phải giải quyết hằng ngày, bác sĩ Dương luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, không quản khó khăn mà còn quan tâm xây dựng tập thể đoàn kết, sáng tạo trong công việc. Dù hai con còn nhỏ, chồng cũng là quân nhân thường xuyên vắng nhà nên chị đành gửi hai con về ông bà nội chăm sóc để yên tâm bám bệnh viện, làm nhiệm vụ phòng, chống dịch suốt thời gian qua. Hiện nay, khi dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh đã bớt nóng nhưng bác sĩ Dương cùng đồng nghiệp vẫn phải thường xuyên làm nhiệm vụ xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 tại bệnh viện. Trung bình mỗi ngày các đội lấy khoảng 5.000 mẫu bệnh phẩm cho tất cả bệnh nhân, thân nhân và người đến làm xét nghiệm tại BVQY 175, góp phần giữ vững thành trì điều trị tuyến cuối cho lực lượng quân đội phía Nam.

Phụ nữ thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa nghệ thuật, thể dục-thể thao và đối ngoại quốc phòng luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, sắc bén trong đấu tranh trên mặt trận tư tưởng văn hóa; kiên trì, bền bỉ luyện tập, thi đấu giành thành tích cao; tham gia các hoạt động đối ngoại quốc phòng, với các mô hình: “Nữ chiến sĩ tuyên truyền văn hóa giỏi”, “Phụ nữ đối ngoại giỏi, hội nhập và phát triển”, “Phụ nữ xung phong thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình”... Qua đó góp phần củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng địa bàn an toàn; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đóng góp tích cực vào hoạt động đối ngoại quốc phòng. Đến nay, đã có 37 nữ quân nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và uy tín của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Nhà giáo nêu gương, mẫu mực

leftcenterrightdel

Đại tá Nguyễn Thị Yến.       Ảnh: PHẠM ĐỨC 

Tốt nghiệp Trường Sư phạm Việt Bắc năm 1990 đến nay, Đại tá, Thạc sĩ Toán học Nguyễn Thị Yến, Chủ nhiệm Khoa Khoa học cơ bản, Trường Sĩ quan Pháo binh đã có hơn 30 năm đứng trên bục giảng, trong đó 28 năm chị gắn bó với sự nghiệp đào tạo cán bộ, học viên pháo binh.

Hơn 5 năm qua, chị Nguyễn Thị Yến là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua của phụ nữ Binh chủng Pháo binh. Nhiều năm liền, chị đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường, riêng năm 2019 chị đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp bộ. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy bộ môn Toán học, chị đã tham gia biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy trong nhà trường, trong đó chủ biên hai cuốn: Giáo trình điện tử Toán cao cấp (2017) và Giáo trình Toán ứng dụng trong pháo binh (2019). Chị từng tham gia nhiều đề tài và làm chủ nhiệm một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường như: Giải một số bài toán thống kê bằng phần mềm Excel và sử dụng máy tính cầm tay trong giải bài toán pháo binh và nhiều chuyên đề phục vụ công tác đào tạo. Mới đây, chị có sáng kiến cẩm nang sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và các hoạt động khác, góp phần xây dựng thư viện, học liệu điện tử cho học viên và giảng viên trong nhà trường. Chị còn công bố một số bài báo khoa học về chuyên ngành Toán học đăng trên các tạp chí khoa học của các trường đại học ngành khoa học tự nhiên.

Không chỉ chỉn chu, tỉ mỉ trong công tác chuyên môn, chị Nguyễn Thị Yến còn là một cán bộ rất mẫu mực, trách nhiệm. Kể từ khi nhà trường triển khai thực hiện Chỉ thị số 89/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường quân đội đến nay, Khoa Khoa học cơ bản không chỉ đảm nhiệm việc nâng cao trình độ tiếng Anh cho học viên mà còn phải biên soạn đề cương, giáo án và tổ chức các lớp học tiếng Anh buổi chiều cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn trường. Là cán bộ của khoa, chị Yến cũng là tấm gương tích cực học tập ngoại ngữ, tin học để nâng cao trình độ và ứng dụng trong công tác chuyên môn. Đối với các đồng chí thi giáo viên dạy giỏi của khoa, ngoài bài giảng chuyên môn, khoa còn yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn qua bài thi đọc hiểu và vấn đáp tiếng Anh. Nhờ đó, phong trào tự học, tự rèn tiếng Anh của giáo viên Khoa Khoa học cơ bản ngày càng hiệu quả, thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ trong toàn trường.

 Với sự mẫn cán, gương mẫu của cán bộ, chỉ huy cùng sự nỗ lực cố gắng, không ngừng sáng tạo của giáo viên các bộ môn, từ năm 2015 đến nay, tập thể Khoa Khoa học cơ bản đã có 5 năm đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng và hai năm đạt danh hiệu Đơn vị tiên tiến; hai năm được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen. Bản thân Đại tá Nguyễn Thị Yến nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp binh chủng và được tặng Bằng khen của Binh chủng Pháo binh.

Nghệ sĩ Ưu tú Nhật Thuận - oanh vàng đất cảng

leftcenterrightdel

 

Nghệ sĩ Ưu tú Nhật Thuận.  Ảnh do nhân vật cung cấp

“Con vẫn quàng khăn mẹ trao con/ Khi mùa đông đang tới/ Khăn ấm lòng trong chiều sương lạnh/ Cùng con bước hành quân”...
Tôi đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần những ca từ lẫn giai điệu nhẹ nhàng, da diết trong MV “Chiếc khăn của mẹ” do Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nhật Thuận thể hiện. Giọng hát ngọt ngào, trong trẻo, cao vút của Đội trưởng Đội ca Đoàn Văn công Quân khu 3 ấy từng được bạn bè ví như con chim oanh vàng vùng đất cảng.

NSƯT Nhật Thuận (tên thật là Bùi Thị Thuận) sinh năm 1976, tại quận Kiến An, TP Hải Phòng. Có lẽ thành phố hoa phượng đỏ-nơi từng sản sinh rất nhiều giọng ca tên tuổi cho làng âm nhạc Việt Nam-đã nuôi dưỡng tình yêu ca hát cho cô bé Thuận từ nhỏ. Tốt nghiệp THPT, chị được tuyển vào Đoàn Văn công Quân khu 3 theo diện thiếu sinh quân, rồi được cử đi học thanh nhạc tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Từ đó đến nay khoác trên mình bộ quân phục màu xanh, Trung tá, NSƯT Nhật Thuận đã ghi dấu ấn trong lòng cán bộ, chiến sĩ. Hàng chục năm qua, chị cùng anh chị em nghệ sĩ của đoàn đi biểu diễn khắp các đơn vị từ biên giới đến hải đảo trên địa bàn đóng quân. Ngay khi con còn nhỏ, chị bế cả con lên rừng, xuống biển theo đoàn biểu diễn... Không ít chuyến đi, chị cùng đồng nghiệp lênh đênh nhiều ngày trên biển, biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ từ đảo này đến đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa. Những chuyến lưu diễn dài ngày ở biên giới, hải đảo như vậy chính là chất liệu sống động để chị có thêm cảm xúc, hát hay hơn về người chiến sĩ ngày đêm vất vả, hy sinh, kiên cường bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

NSƯT Nhật Thuận hát được đa dạng dòng nhạc, từ thính phòng, nhạc nhẹ đến dòng nhạc dân gian. Nhiều lần tham gia hội thi, hội diễn chuyên nghiệp, chị cũng rất thành công với các bài hát xẩm. Gần 30 năm ca hát, chị không ngừng tìm tòi, sáng tạo và thử sức với nhiều tác phẩm mới để khám phá nội lực của mình. Qua các cuộc thi giọng hát hay, hội diễn chuyên nghiệp toàn quân, toàn quốc, chị giành được rất nhiều giải nhất, huy chương vàng đơn ca nữ. Đặc biệt, năm 2012, chị được phong tặng danh hiệu NSƯT. Hiện nay, chị đang được đơn vị trình hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. MV “Chiếc khăn của mẹ” và CD “Quê hương và người lính” ra mắt năm 2019 là dấu ấn đặc biệt kỷ niệm 25 năm ca hát của NSƯT Nhật Thuận. MV “Chiếc khăn của mẹ” được đầu tư công phu, kỹ lưỡng từ kịch bản, đạo diễn hình ảnh, bối cảnh quay cho đến giọng hát của chị trong MV dường như đã chạm tới trái tim người xem. Gần đây, chị hát rất nhiều ca khúc về các miền quê Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Hà Tĩnh... và các ca khúc mới để hưởng ứng phong trào nghệ sĩ chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh. Khi các tỉnh miền Trung bị mưa lũ tàn phá, chị lại thu âm ca khúc “Miền Trung thương nhớ” để động viên cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn...
Chị tâm sự: “Là nghệ sĩ, ai cũng muốn có những dấu ấn nhất định với những sản phẩm để lại cho đời trên con đường nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, cái tôi của người nghệ sĩ-chiến sĩ không phải là mình chứng tỏ với ai, mà là phải nỗ lực, cố gắng để làm gương cho thế hệ trẻ noi theo, luôn cống hiến hết mình, phụng sự Tổ quốc”. Sau thành công của MV và CD về quê hương, người lính, NSƯT Nhật Thuận đang ấp ủ dự định thử sức với thể loại âm nhạc mới-nhạc cổ trang. Và chị vẫn sẽ tiếp tục hát về người lính, quê hương, đất nước, về lịch sử, văn hóa và danh nhân Việt Nam bằng những giọng điệu, âm hưởng mới.

 “Bông hồng thép” đặc công biệt động

leftcenterrightdel

Thiếu úy QNCN Hoàng Thị Vân Anh luyện tập võ đối kháng, đòn cắt kéo cùng đồng đội.   Ảnh do nhân vật cung cấp

Thiếu úy QNCN Hoàng Thị Vân Anh (Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1, Binh chủng Đặc công) là một trong số ít nữ chiến đấu viên xuất sắc thường xuyên tham gia đội hình trình diễn võ thuật đặc công phục vụ các đoàn khách quốc tế và trong nước đến tham quan đơn vị.

Mới gặp chị Vân Anh chắc hẳn ít ai nghĩ, người phụ nữ vóc dáng mảnh mai, yểu điệu thục nữ ấy lại có những miếng đánh vô cùng mạnh mẽ, dứt khoát, rồi lại nhanh thoăn thoắt nhảy sào, leo thang dây, lên tường nhà cao tầng bám theo mục tiêu như các chiến đấu viên nam... Những động tác tưởng như chị vốn con nhà võ, nhưng thực tế Vân Anh chưa từng học võ trước khi vào bộ đội. Chị tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ rồi nhập ngũ theo diện nghĩa vụ quân sự. Năm 2018, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Vân Anh được điều động về Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1 công tác. Từ đó, chị mới bắt đầu luyện tập võ thuật theo yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện của một đơn vị đặc công biệt động.

Thiếu úy QNCN Hoàng Thị Vân Anh chia sẻ: “Thời gian đầu mới tập võ thuật quả là vô cùng khó khăn, vất vả với chị em phụ nữ. Bởi các bài tập không chỉ đòi hỏi cao về sức khỏe thể lực mà còn đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện và cả bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần để xử trí tình huống theo yêu cầu nhiệm vụ tác chiến độc lập”... Ban đầu, chị cũng không tránh khỏi những va chạm hoặc thực hiện sai động tác trong quá trình luyện tập đối kháng nên nhiều hôm tập xong chị cũng bị phồng rộp hết cả tay chân, đầu gối thâm tím, người đau ê ẩm. Thậm chí có lần tập luyện kèm binh khí câu liêm, chị còn bị câu liêm cắt vào tay phải khâu nhiều mũi... Thế nhưng, qua mỗi lần va chạm, chị lại rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm và cố gắng luyện tập thật tốt để vừa bảo vệ an toàn cho bản thân, vừa bảo vệ được mục tiêu khi làm nhiệm vụ. Việc huấn luyện của bộ đội đặc công cũng khá đặc thù nên chị em chiến đấu viên còn phải thường xuyên ngụy trang bằng cách trát bùn, trát than lên người, mặt mũi, tay chân. Sau những lần sử dụng các loại “mỹ phẩm” đặc biệt như vậy thì Vân Anh cũng như các chị em không chỉ sử dụng sữa tắm thông thường mà còn phải lấy cả xà phòng Omo chà xát thật mạnh mới có thể "tẩy trang" được...

Vân Anh hiện là y sĩ thuộc Đại đội Quân y của Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1. Ngoài công việc chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, chị cũng rất tích cực tham gia các hoạt động phong trào Đoàn, hội phụ nữ, tham gia các hội thi, hội thao, liên hoan nghệ thuật quần chúng do đơn vị và binh chủng tổ chức, Liên hoan Tuyên truyền viên giỏi phụ nữ quân đội và nhiều nhiệm vụ đột xuất khác của đơn vị. Trong đó có việc thường xuyên tham gia huấn luyện chống khủng bố, trực sẵn sàng chiến đấu và luyện tập để trình diễn võ thuật đặc công phục vụ các đoàn khách quốc tế, trong nước tham quan. Dù được giao công việc nào, chị cũng nỗ lực cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hai năm qua, chị đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp binh chủng, 3 năm lliền được các cấp tặng bằng khen.

HÀ THANH MINH (thực hiện)